24/04/2024 12:01 GMT+7

Bị phạt do đèn giao thông nhảy giây 'tùm lum', làm gì để chứng minh không bị lỗi?

Đèn giao thông bị lỗi nhảy giây "tùm lum" có thể khiến người đi đường "dính" phạt. Cần làm gì để chứng minh mình không bị lỗi?

Hệ thống đèn giao thông bị lỗi, hai bảng hiển thị số giây khác xa nhau, khiến nhiều người dân qua ngã tư quốc lộ 9 và đường tránh tây Đông Hà lo lắng việc bị phạt nguội - Ảnh: V.P.

Hệ thống đèn giao thông bị lỗi, hai bảng hiển thị số giây khác xa nhau, khiến nhiều người dân qua ngã tư quốc lộ 9 và đường tránh tây Đông Hà lo lắng việc bị phạt nguội - Ảnh: V.P.

Những ngày gần đây, nhiều người đi đường qua ngã tư giao giữa quốc lộ 9 và đường tránh phía tây TP Đông Hà (thuộc địa phận xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, Quảng Trị) vô cùng lo lắng khi đèn giao thông ở vị trí này liên tục bị lỗi nhảy giây trên đồng hồ đếm.

Ở chiều từ đường tránh Đông Hà cắt qua quốc lộ 9, trụ đèn có hai bảng điện tử nhảy số giây đếm ngược. Một bảng trên cột dọc. Bảng còn lại trên thanh cột ngang.

Khi đèn ở tín hiệu xanh, con số giây đếm ngược trên bảng cột dọc hiển thị 30 giây. Trong khi con số giây hiển thị trên bảng ở thanh ngang phía trên lại là 120.

Đáng nói, tại vị trí này, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị có bố trí camera phạt nguội.

"Nếu đi theo số giây ở bảng này thì sẽ vi phạm khi đối chiếu tín hiệu ở bảng kia. Camera phạt nguội thì luôn giám sát biển số xe ở sau lưng. Không biết phải đi sao cho đúng", một người dân cho biết.

Theo nhiều bạn đọc, tình trạng này thỉnh thoảng lại diễn ra trên một số tuyến đường ở các địa phương khác.

Nhiều bạn đọc chung nỗi lo lắng: Nếu đèn giao thông bị lỗi nhảy giây "tùm lum", người đi đường có bị camera phạt nguội phạt?

Trả lời Tuổi Trẻ Online, luật sư Nguyễn Ngô Quang Nhật (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết:

Người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh và chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ. Khi có người điều khiển giao thông, người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông (điều 11 Luật Giao thông đường bộ).

Về nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính (điểm đ, khoản 1, điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính).

Không xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp như thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất ngờ; thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất khả kháng (khoản 3, khoản 4, điều 11 Luật Xử lý vi phạm hành chính).

Theo đó, sự kiện bất ngờ là sự kiện cá nhân, tổ chức không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi nguy hại cho xã hội do mình gây ra (khoản 13, điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính).

Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được, mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép (khoản 14, điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính).

Như vậy, trong trường hợp đèn giao thông bị lỗi nhảy giây "tùm lum" như bạn đọc nêu trên có thể thuộc trường hợp là sự kiện bất ngờ hoặc sự kiện bất khả kháng thì sẽ không xử phạt vi phạm hành chính.

Người tham gia giao thông cũng có thể kiểm tra lỗi phạt nguội thông qua website Cục Cảnh sát giao thông, website Sở Giao thông vận tải, website Cục Đăng kiểm Việt Nam, app điện thoại…

Nếu có bị "phạt nguội" đối với trường hợp của mình, người tham gia giao thông có thể chủ động gửi đơn trình bày hoặc ghi ý kiến của mình vào biên bản vi phạm hành chính khi làm việc với cơ quan cảnh sát giao thông kèm theo các hình ảnh, video thể hiện lỗi của đèn giao thông để được giải quyết đúng quy định.

Trường hợp không có hình ảnh, video ghi lại lỗi của đèn giao thông thì khi xem xét ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm xác minh tình tiết khác có ý nghĩa đối với việc xem xét, quyết định xử phạt.

Trong quá trình xem xét, ra quyết định xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt có thể trưng cầu giám định, ví dụ trưng cầu giám định đối với đèn giao thông (điều 59 Luật Xử lý vi phạm hành chính).

Nếu không được giải quyết đúng quy định, người dân có thể làm đơn khiếu nại hoặc khiếu nại trực tiếp. Người dân có quyền khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định xử phạt hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.

Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu, hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.

Đèn giao thông bị lỗi nhảy giây ‘tùm lum’, người đi đường có bị camera phạt nguội phạt?Đèn giao thông bị lỗi nhảy giây ‘tùm lum’, người đi đường có bị camera phạt nguội phạt?

Nhiều người đi đường lo lắng bị phạt khi gặp tình huống đèn giao thông bị lỗi nhảy sai số giây trên đồng hồ đếm, mà ở đó có camera phạt nguội.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên