12/02/2022 06:29 GMT+7

Bí mật của 'những cô gái kim cương'

KHƯƠNG XUÂN
KHƯƠNG XUÂN

TTO - Đội tuyển nữ Việt Nam đã làm thỏa lòng hàng triệu người hâm mộ bóng đá nước nhà khi hiện thực hóa giấc mơ giành vé tham dự World Cup. Đằng sau kỳ tích đó là hành trình chông gai, sự hy sinh mà những cô gái Việt Nam đã trải qua.

Bí mật của những cô gái kim cương - Ảnh 1.

Đội tuyển nữ Việt Nam - Ảnh: VFF

Vì đam mê, các "cô gái kim cương" đã vượt qua định kiến xã hội để theo đuổi sự nghiệp quần đùi áo số. Vượt qua những khó khăn về vật chất, để vừa bán hàng online, làm nông kiếm sống, nuôi dưỡng tình yêu bóng đá.

Ở đội tuyển nữ VN, HLV Mai Đức Chung không chỉ là thầy mà còn là cha là mẹ của chúng tôi. Đây thực sự là một gia đình, đã tiếp sức mạnh để chúng tôi giành vé đến World Cup.

Đội trưởng HUỲNH NHƯ

Ngày tôi khoác áo đội tuyển nữ quốc gia VN cũng là ngày ba tôi qua đời. Rất buồn vì ba đã mất nên không thể chứng kiến thành công này của tôi và các đồng đội hôm nay.

Tuyển thủ BÍCH THÙY

Những điều chưa kể

Những cô gái dũng cảm đã vượt qua quan niệm của nhiều người Việt Nam, bóng đá vốn là môn thể thao dành cho nam giới. Hình ảnh những cô gái tóc cắt ngắn chạy theo trái bóng không phải ai cũng thích, thậm chí khó được chấp nhận nếu là con cái mình. Để được gia đình cho theo đuổi giấc mơ đá bóng, các cô gái phải là những người nghị lực, dũng cảm và can trường nhất.

Nói về việc đến với bóng đá, ông Nguyễn Đức Tiếp (bố của tuyển thủ Tuyết Dung) chia sẻ: "Từ lúc bé tí, Tuyết Dung đã thích đá bóng và mê chơi bóng. Tôi trước đây vốn từng ở trong quân đội và chơi bóng đá nên khi con gái mình thích thì mình cũng không cản.

Vợ tôi không muốn Tuyết Dung theo đuổi môn thể thao này vì cháu là con gái. Dù vậy vì tình yêu với bóng đá của con, năm cháu 10 tuổi gia đình tôi cũng cho cháu đi lên đội tuyển bóng đá trẻ Hà Nam tập luyện.

Một tháng sau khi con đi, vợ chồng tôi lên thăm cháu thì thấy con gầy gò, ghẻ lở đầy người. Việc sinh hoạt, ăn ở tại đội thời đó rất khó khăn chứ không như bây giờ. Vợ chồng tôi thương con chảy nước mắt, muốn đưa con về.

Ấy vậy mà Tuyết Dung lúc đó nói: "Con chịu đựng được và xin bố mẹ cho ở lại". Chính sự quyết tâm, dũng cảm của cháu khi đó đã khiến chúng tôi quyết định cho cháu ở lại tập luyện và ngày nay có được cầu thủ Tuyết Dung".

Trong khi đó, Bích Thùy - cô gái quê Quảng Ngãi đến với bóng đá khi đã học lớp 9 (14 tuổi). Bích Thùy cho biết khi cô tham gia giải thể thao ở trường và có một thầy giáo đã đến gia đình thuyết phục cho em theo bóng đá.

Bích Thùy sau đó rời Quảng Ngãi vào TP.HCM để tập luyện với đội nữ TP.HCM.

14 năm gắn bó với CLB nữ TP.HCM và đội tuyển quốc gia, nay Bích Thùy thực sự là cái tên không thể thiếu ở đội tuyển. Chính bàn thắng nâng tỉ số lên 2-1 của Bích Thùy trong trận đấu với Đài Loan hôm 6-2 đã giúp bóng đá nữ Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử có vé đến World Cup.

Dũng cảm xa gia đình khi còn nhỏ, quyết tâm theo đuổi giấc mơ, trải qua muôn vàn khó khăn đã tạo nên Bích Thùy của ngày hôm nay.

Bí mật của những cô gái kim cương - Ảnh 4.

Thủ tướng Phạm Minh Chính động viên đội trưởng Huỳnh Như - Ảnh: Web chính phủ

Giọt nước mắt ở Tây Ban Nha

Để chuẩn bị cho vòng chung kết Asian Cup 2022 và cũng là giải đấu quyết định chiếc vé đến World Cup 2023, đội tuyển nữ Việt Nam tập trung từ ngày 28-11-2021 tại Hà Nội. Ngày 27-12-2021 đội tuyển lên đường đến Tây Ban Nha tập huấn giữa bối cảnh COVID-19 diễn biến phức tạp.

Sau 3 trận giao hữu với các CLB tại Tây Ban Nha, ngày 9-1-2022 đội tuyển nữ Việt Nam được xác định có 3 tuyển thủ và 1 bác sĩ dương tính với COVID-19. Có ngày đội nữ nhận tin thêm 13 cầu thủ dương tính và nguy cơ không thể đến Ấn Độ dự Asian Cup.

Ở Tây Ban Nha, những thành viên khỏe mạnh nhất đội đã phải tỏa đi ra các siêu thị mua muối, gừng, tỏi về xông mũi cho các thành viên nhiễm COVID-19, hy vọng chóng khỏi. Mắc bệnh ở nước ngoài khiến việc điều trị khó khăn, thuốc uống trị COVID-19 không có khiến đội nữ Việt Nam thực sự rơi vào khủng hoảng, khóc ròng.

Nhiều tuyển thủ xông mũi ngày 3 - 4 lần đến chảy máu. Đội trưởng Huỳnh Như cho biết: "Khi biết quá nửa thành viên nhiễm COVID-19, tôi đã ngồi trong phòng khóc vì nghĩ chẳng nhẽ mọi thứ lại kết thúc như vậy".

Trò chuyện với Tuổi Trẻ, ông Trương Hải Tùng - trưởng đoàn bóng đá nữ Việt Nam - từng nhiều lần chảy nước mắt: "Tôi ước gì mình bị COVID-19 để cho các cháu được khỏe mạnh".

Đến ngày đội tuyển nữ Việt Nam phải sang Ấn Độ, chỉ còn 6 cầu thủ và 4 thành viên đội tuyển khỏe mạnh. Ông Tùng nhất quyết không rời Tây Ban Nha vì muốn ở lại để chăm sóc các cầu thủ nhiễm bệnh COVID-19.

Tâm sự với Tuổi Trẻ, ông Trần Quốc Tuấn - quyền chủ tịch VFF - xúc động nhớ lại: "Khi gần hết đội tuyển nữ nhiễm COVID-19, có cuộc gọi về Việt Nam, anh Trương Hải Tùng khóc như một đứa trẻ. Chúng tôi ở Hà Nội cũng rối bời, lo lắng nhưng phải tìm mọi cách để tháo gỡ và động viên đội.

Tôi đã yêu cầu anh Tùng trưởng đoàn phải dẫn theo 6 cầu thủ khỏe mạnh, HLV Mai Đức Chung và hai thành viên khác sang Ấn Độ. Phải sang đó để chuẩn bị, chờ đón các cầu thủ bình phục và di chuyển dần từ Tây Ban Nha sang. Nếu không tính toán kỹ lưỡng thì không xử lý được.

Rất may những ngày sau đó các cầu thủ lần lượt khỏi COVID-19 và sang Ấn Độ. Đội nữ Việt Nam đủ quân số để tham dự trận ra quân với Hàn Quốc ngày 21-1".

Khi đội sang Ấn Độ, lại thêm một số thành viên bị nhiễm COVID-19, có thành viên bị tái nhiễm trở lại. Có hôm 12h đêm, ông Tuấn cho biết đội từ Ấn Độ gọi về Việt Nam xin phép ông cho uống thuốc điều trị COVID-19 khiến người đứng đầu VFF cũng "rối như tơ vò".

Nhiều đêm mất ngủ vì lo lắng, tìm cách tháo gỡ khó khăn cho đội nữ, HLV Mai Đức Chung, trưởng đoàn Trương Hải Tùng sụt cân, mặt mũi bơ phờ.

Bí mật của những cô gái kim cương - Ảnh 5.

Bích Thùy đã chiến thắng COVID-19, ghi bàn ấn định chiến thắng 2-1 trước Đài Loan để giúp nữ Việt Nam lấy vé đến World Cup - Ảnh: FBNV, AFC

Miếng thịt bò từ Mumbai

Tuyển thủ Bích Thùy cho biết cô là 1 trong 6 tuyển thủ không bị COVID-19 tại Tây Ban Nha và ngày 16-1 đã di chuyển sang Ấn Độ. Dù vậy khi sang Ấn Độ, cô lại có kết quả dương tính, phải cách ly trong phòng, tâm trạng rất hoảng sợ. Bích Thùy và các thành viên bị nhiễm COVID-19 phải cách ly riêng một mình một phòng, đến giờ có người mang thức ăn đến.

Ấn Độ là quốc gia đa phần dân số không ăn thịt bò, thịt heo trong khi đó lại là hai món chính của người Việt Nam. Muốn bồi bổ sức khỏe cho cầu thủ bị nhiễm COVID-19 và đã khỏi bệnh thì họ phải được ăn uống đủ chất, hợp khẩu vị, tăng cường thêm trái cây, vitamin. Chính lúc khó khăn đó, Lãnh sự quán Việt Nam tại Mumbai (Ấn Độ) đã giúp đội nữ Việt Nam lùng sục khắp nơi mua thịt bò, cá hồi, trái cây tươi để tẩm bổ cho cầu thủ.

Ông Trương Hải Tùng chia sẻ: "Khi đã mua được thịt bò rồi nhưng mang về khách sạn thì đầu bếp khách sạn ở Mumbai nhất quyết không chế biến cho đội nữ Việt Nam. Không có cách nào khác, tôi phải hỏi trong đội có thành viên nào biết làm bò bít tết không? Rất may HLV thể lực của đội nữ Cedric Roger là người Pháp nên anh có thể làm bò bít tết".

Được ăn uống đủ chất và hợp khẩu vị, các cầu thủ nữ đã hồi phục dần dần, thi đấu tốt hơn sau từng trận.

Chiếc vé đến World Cup 2023 là kỳ tích của các cô gái Việt Nam khi họ đã vượt qua chính mình, chiến thắng COVID-19 để ghi dấu lịch sử cho bóng đá Việt Nam. Tiền đạo Huỳnh Như cho biết hành trình đến World Cup 2023 của cô và các đồng đội còn ly kỳ hơn cả phim Hollywood là thế.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi: ‘Tôi nghĩ trước đây chúng ta nhìn bóng đá nữ chưa được công bằng Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi: ‘Tôi nghĩ trước đây chúng ta nhìn bóng đá nữ chưa được công bằng'

TTO - Ngày 11-2, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chia sẻ: “Chúng ta cần quan tâm thỏa đáng đến cầu thủ nữ TP.HCM để các chị em không còn tưởng rằng việc được đi xe buýt hai tầng, được diễu hành trên phố là chuyện dành cho bóng đá nam”.

KHƯƠNG XUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên