24/05/2020 10:23 GMT+7

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM: Một năm đặc biệt và nhớ mãi

XUÂN MAI
XUÂN MAI

TTO - 12h, trong phòng bệnh, các điều dưỡng vẫn tất bật như con thoi. Người cập nhật diễn tiến bệnh vào hồ sơ, người thuyết phục bệnh nhân đang kháng cự, người cùng bác sĩ xử trí ca bệnh nặng... Trên bàn, những suất cơm trưa vẫn chưa kịp ăn.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM: Một năm đặc biệt và nhớ mãi - Ảnh 1.

Điều dưỡng Phạm Thị Tuyến thăm khám, trò chuyện và động viên bệnh nhân dương tính với virus corona đã được điều trị khỏi - Ảnh: V.BÌNH

Nhiều ngày như vậy, các điều dưỡng ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) dường như không còn giờ nghỉ ngơi. Và năm nay sẽ là một năm đặc biệt và nhớ mãi của họ.

Luôn tay luôn chân, quên thời gian

Mặt trời đứng bóng, khuôn viên bệnh viện dần vắng người qua lại. Bên ngoài khoa cấp cứu - hồi sức tích cực chống độc người lớn im ắng đến lạ thường. Vượt qua 2 lớp cửa khóa cảm ứng, chúng tôi được đặt chân vào khoa này. Sự đối lập bên ngoài 4 bức tường khiến tôi lặng người, cảm giác như thời gian ngừng trôi tại đây.

Hàng chục bệnh nhân nặng nằm cùng mớ dây nhợ chằng chịt kết nối các thiết bị y tế chuyên dụng.

Giường số 11, một bệnh nhân lớn tuổi, nhập viện từ ngày 30-4, mắc bệnh uốn ván nặng, không tĩnh mạch với nền bệnh tiểu đường, huyết áp thấp... Điều dưỡng Huỳnh Tấn Đạt cùng 2 bác sĩ căng mình đặt ống vào tĩnh mạch lớn để đưa nhanh một lượng dịch, thuốc vào cơ thể bệnh nhân.

Buồng bên, nam điều dưỡng gồng sức cố định chân tay một bệnh nhân đang kích động vào thành giường.

Tranh thủ giữa trưa, điều dưỡng Nguyễn Hoàng Huy - người trực tiếp chăm sóc, theo dõi bệnh nhân 91 (phi công người Anh) - mới có thể tiếp chúng tôi. Vết hằn trên khuôn mặt do đeo khẩu trang chuyên dụng sau ca trực dài vẫn còn hiện rõ.

Anh kể: "Gần 10 năm làm nghề điều dưỡng, công việc ở khoa điều trị bệnh nặng áp lực rất lớn nhưng chúng tôi không suy nghĩ gì khác ngoại trừ phải dốc hết sức mình cứu chữa bệnh nhân. Nhiều lúc buồn, cảm giác bất lực khi phải chứng kiến sức khỏe bệnh nhân chuyển biến xấu. Tôi lại dằn vặt bản thân đã chăm sóc tốt nhất cho bệnh nhân hay chưa".

Cuộc trò chuyện chỉ hơn 15 phút, điều dưỡng Huy lại vội vã vào phòng bệnh cập nhật các kết quả xét nghiệm của bệnh nhân 91 vào hồ sơ bệnh án. Anh vừa đi vừa nói gấp: "Theo lý thuyết thì chúng tôi có giờ nghỉ trưa nhưng thực tế công việc làm không xuể, phải tranh thủ từng phút...".

Với 16 năm làm việc tại khoa cấp cứu - hồi sức tích cực chống độc người lớn và 3 năm làm điều dưỡng trưởng khoa nhiễm D, chị Phạm Thị Tuyến chia sẻ từ khi còn là nhân viên cho đến làm quản lý lúc nào công việc cũng đến dồn dập, khó khăn này chưa giải quyết thì khó khăn khác lại đến.

Bắt tay vào việc dường như không nhớ đến thời gian, nhiều lúc quên cả ăn uống. Đặc biệt khi vào mùa dịch bệnh cao điểm như sốt xuất huyết, sởi... áp lực càng đè nặng khi mỗi ngày phải chăm sóc, theo dõi hàng trăm người bệnh.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM: Một năm đặc biệt và nhớ mãi - Ảnh 2.

Điều dưỡng trực quan sát qua màn hình camera ở khu vực có bệnh nhân đã điều trị âm tính COVID-19 để kịp thời hỗ trợ - Ảnh: VĂN BÌNH

Niềm vui lớn nhất: bệnh nhân khỏi bệnh

Điều dưỡng là người bên cạnh bệnh nhân nhiều nhất từ lúc nhập viện đến khi xuất viện. Theo điều dưỡng Tuyến, điều dưỡng mỗi khoa, phòng đều có những khó khăn riêng. Ở nơi người bệnh nhẹ thì thường quá tải, mỗi bệnh nhân một yêu cầu. Còn ở nơi bệnh nhân nặng, mất khả năng tự phục vụ bản thân, điều dưỡng trực tiếp chăm sóc, theo dõi 24/24 giờ.

Ngoài những vất vả, người điều dưỡng phải chịu nhiều áp lực từ phía bệnh nhân và thân nhân. Chỉ có tinh thần thép và tình yêu nghề rất lớn mới "níu chân" họ tiếp tục gắn bó với nghề "làm dâu trăm họ" này.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Thanh Vân (khoa nhiễm D) nhớ lại cách đây vài năm, khoa nhiễm D tiếp nhận nam bệnh nhân sốt cao kéo dài hơn 7 ngày, nghi mắc sốt xuất huyết. Kết quả xét nghiệm máu cho kết quả dương tính HIV. Quá sốc, không chấp nhận sự thật, nam bệnh nhân đập đá bàn ghế, mắng chửi xối xả chị Vân và đồng nghiệp.

Đối diện với những sự phản kháng kiểu này, điều dưỡng chỉ biết "nuốt nước mắt" rồi vẫn cố gắng giải thích mềm dẻo, ôn hòa. Trong trường hợp vẫn không xử lý được thì điều dưỡng trưởng khoa, thậm chí ban lãnh đạo bệnh viện cùng hỗ trợ, giải quyết.

"Nhiều lúc đuối sức, nói chuyện có phần không được vui, cười không được tươi, có khi vẫn bị bệnh nhân và người nhà bắt bẻ, cho là điều dưỡng không tôn trọng họ. Nhưng vẫn luôn tự nhủ vì bệnh nhân, phải bỏ qua tất cả" - chị Vân tâm sự.

Còn với bệnh nhân nặng nằm một chỗ, mọi việc từ vệ sinh cá nhân, ăn uống... cũng đều do bàn tay người điều dưỡng chăm lo. Có những bệnh nhân xơ gan, tiêu chảy tràn ra giường, điều dưỡng lại xông vào dọn. Bằng mọi cách, bệnh nhân phải được vệ sinh sạch sẽ, khô thoáng, đảm bảo không ẩm ướt, tránh nguy cơ lở loét, nhiễm trùng.

Mọi vất vả, khó khăn, cực nhọc... của nghề dường như tan biến khi thấy sức khỏe bệnh nhân dần tiến triển tốt và xuất viện.

"Niềm vui lớn nhất của người điều dưỡng là được chăm sóc bệnh nhân từ lúc nhập viện, rồi "sát cánh" cùng nhau vượt qua những lúc trở nặng và thấy họ dần dần khỏe mạnh, xuất viện. Lúc này cảm thấy công sức được đền bù xứng đáng" - điều dưỡng Huy tươi cười chia sẻ.

Xung phong chăm sóc bệnh nhân COVID-19

Hơn 2 tháng qua, kể từ khi bệnh nhân phi công người Anh được xét nghiệm dương tính với virus corona (ngày 18-3), các bác sĩ và điều dưỡng luân phiên theo dõi sát sao từng diễn biến, dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân trong phòng áp lực âm. Mỗi ca trực gồm 2 bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy, 1 bác sĩ và 4 điều dưỡng Bệnh viện Bệnh nhiệt đới.

Điều dưỡng Vân - người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân phi công người Anh - cho biết mỗi ca trực 4 tiếng, có khi kéo dài đến 5, 6 tiếng. Vì bệnh nhân rất nặng, thở máy nên việc chăm sóc, theo dõi rất đặc biệt.

"Hằng ngày, chúng tôi thay dịch lọc, vệ sinh cá nhân, thay drap giường... Lúc đầu làm những việc này trong bộ đồ chuyên dụng rất khó chịu, vướng víu, giờ quen rồi. Cả êkip nỗ lực hết mình cứu chữa bệnh nhân" - chị Vân chia sẻ.

Ngay khi bệnh viện lên kế hoạch điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19, điều dưỡng Nguyễn Hoàng Huy xung phong nhận công việc được chăm sóc người nhiễm COVID-19.

"Tôi chăm sóc bệnh nhân phi công người Anh từ những ngày đầu bệnh nhân nhập viện cho đến nay. Một ca bệnh đặc biệt nhất trong nghề điều dưỡng của tôi. Những lúc bệnh nhân chuyển biến nặng, không đáp ứng thuốc hay dương tính lại, chúng tôi rất buồn nhưng vẫn cố gắng dồn hết tâm huyết, tập trung chăm sóc cẩn thận, tỉ mỉ từng chút" - điều dưỡng Huy nói.

Bệnh nhân 91 có nhịp tự thở khi giảm liều an thần, tiên lượng còn nặng Bệnh nhân 91 có nhịp tự thở khi giảm liều an thần, tiên lượng còn nặng

TTO - Bệnh nhân 91 (phi công người Anh) có nhịp tự thở (15 - 25 lần/phút) khi giảm liều an thần. Tuy nhiên, tiên lượng bệnh nhân còn nặng, phụ thuộc hoàn toàn vào ECMO và nhiễm trùng phổi chưa được khống chế.

XUÂN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên