07/01/2020 20:22 GMT+7

Bầu Đức, bầu Thắng và các doanh nhân đầu tư vào bóng đá sinh viên

NGUYÊN KHÔI
NGUYÊN KHÔI

TTO - Lần đầu tiên trong lịch sử, 8 ông bầu bóng đá chuyên nghiệp và doanh nhân đã cùng nhau đầu tư vào 8 trường đại học và đứng ra tổ chức "Giải bóng đá sinh viên Đại học Quốc gia TP.HCM mở rộng 2020" với nhiều kỳ vọng.

Bầu Đức, bầu Thắng và các doanh nhân đầu tư vào bóng đá sinh viên - Ảnh 1.

8 ông bầu và doanh nhân siết tay nhau tại buổi ra mắt - Ảnh: N.K.

Giải sẽ được tổ chức định kỳ hằng năm. Trước mắt, Công ty cổ phần thể thao NutiFood sẽ đứng ra tổ chức, quản lý và điều hành giải đấu năm 2020; hướng đến xây dựng một môi trường thi đấu bóng đá thật hấp dẫn và chuyên nghiệp. 

Giải sẽ được khởi tranh vào tháng 3 và kết thúc vào tháng 11-2020. Các đội sẽ thi đấu vòng tròn 2 lượt (sân nhà/sân khách), chọn 4 đội đầu bảng bốc thăm đá bán kết và chung kết. Giải thưởng cho đội vô địch lên đến 200 triệu đồng cùng nhiều giải thưởng khác.

Bảo trợ về chuyên môn và tài chính cho 8 đội tuyển của 8 trường đại học tham gia mùa đầu tiên  là các doanh nghiệp lớn. Đáng chú ý là các ông bầu và người đứng đầu doanh nghiệp chỉ biết mình sẽ đầu tư vào trường nào khi tiến hành bốc thăm trong buổi họp báo giới thiệu về giải vào chiều 7-1 tại TP.HCM. 

Kết quả, ông bầu nổi tiếng Đoàn Nguyên Đức (Công ty cổ phần cà phê Ông Bầu) gắn với Đại học Nông lâm, nơi ông từng học. Một ông bầu nổi tiếng khác là Võ Quốc Thắng (Công ty cổ phần Đồng Tâm) gắn với Đại học Tôn Đức Thắng. 

Ông Trần Thanh Hải (Công ty cổ phần thực phẩm dinh dưỡng NutiFood) gắn với Đại học Cần Thơ. Ông Đào Hồng Tuyển (Tập đoàn Tuần Châu) gắn với Đại học Văn Hiến. Ông Nguyễn Quốc Kỳ (Công ty du lịch Vietravel) gắn với Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. Ông Nguyễn Hoàng Anh (Công ty TNHH đầu tư thủy sản Nam Miền Trung) gắn với Đại học Bách khoa. Ông Nguyễn Anh Khiêm (Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Hưng Phú) gắn với Đại học Khoa học tự nhiên và ông Nguyễn Miên Tuấn (Công ty cổ phần chứng khoán Rồng Việt) gắn với Đại học Sài Gòn.

Bầu Đức, bầu Thắng và các doanh nhân đầu tư vào bóng đá sinh viên - Ảnh 2.

Ban chỉ đạo của giải trao đổi với giới truyền thông - Ảnh: N.K.

Phát biểu tại lễ công bố, PGS.TS Huỳnh Thành Đạt - giám đốc ĐHQG -TP.HCM, trưởng ban chỉ đạo - cho biết: "Những trận đấu của bóng đá sinh viên luôn mang lại những cảm xúc khó tả vì sự cuồng nhiệt của cả cầu thủ và cổ động viên sinh viên từ các trường. Nhiều trường đại học và cao đẳng đều có tổ chức giải bóng đá cho riêng mình. 

Tuy nhiên, với điều kiện kinh phí hạn chế, các giải đấu thường chỉ được xem là sân chơi phong trào, diễn ra trong vài ngày và chưa nhận được sự quan tâm, đầu tư xứng đáng. Do đó, sự tài trợ, đồng hành của các nhà hảo tâm tâm huyết với nền bóng đá nước nhà là bước đi quan trọng xây dựng nên một nền móng vững chắc cho bóng đá sinh viên cũng như bóng đá học đường tiến đến chuyên nghiệp, giúp sinh viên rèn luyện thể lực, phát triển trí tuệ".

Ông Võ Quốc Thắng - chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đồng Tâm - cho rằng sự phát triển phong trào bóng đá học đường là cơ hội phát hiện các tài năng bóng đá, là hướng đi căn cơ mà các nền bóng đá mạnh ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc đang làm. 

"Chúng ta phải có khát vọng. Bóng đá Việt Nam trước đây cứ nói đến Thái Lan là sợ, giờ thì chẳng còn sợ nữa. Bóng đá Việt Nam giờ vẫn còn dưới Nhật Bản. Nhưng tôi tin là nếu chúng ta làm tốt giải bóng đá sinh viên, bóng đá Việt Nam có thể sẽ tiếp cận được. Mà tại sao chúng ta không mơ tới sẽ sánh với Brazil? Chúng ta phải có khát vọng mới làm được".

Ông Trần Thanh Hải (Công ty cổ phần thực phẩm dinh dưỡng NutiFood) nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ lo toàn bộ chi phí, thuê HLV, tiền di chuyển và tổ chức trận đấu. Ngoài ra, các cầu thủ được hỗ trợ học bổng nữa. Các em chỉ tập trung thi đấu xanh - sạch - đẹp, chứ không cần phải suy nghĩ gì cả".

Ông Dương Vũ Lâm - cựu trưởng đại diện phía Nam LĐBĐ VN (VFF) và giờ là trưởng ban tổ chức giải đấu sinh viên này - chia sẻ: "Sân chơi phong trào nhưng chúng tôi sẽ tổ chức như chuyên nghiệp. Tham vọng của chúng tôi là rất lớn. Nhưng bước đi đầu tiên là cách tổ chức thật chuyên nghiệp, chứ chưa phải chuyên môn. Việc các doanh nghiệp đứng sau lưng các trường đại học là điều tốt để bóng đá sinh viên phát triển".

Các cổ động viên cũng có giải thưởng từng trận nếu cổ vũ ấn tượng. Trong đó, giải thưởng cho nhóm cổ động viên ấn tượng của toàn giải lên đến 100 triệu đồng, bằng phân nửa so với giải thưởng dành cho đội vô địch.

Khởi tranh Giải bóng đá  sinh viên TP.HCM năm 2016 Khởi tranh Giải bóng đá sinh viên TP.HCM năm 2016

TTO - Tham gia Giải bóng đá sinh viên TP.HCM năm 2016 có 16 đội đến từ các trường đại học, cao đẳng.

NGUYÊN KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên