10/07/2020 11:01 GMT+7

Bầu chọn vị trí phó chủ tịch VFF: Cuộc đua của 'người nhà' VFF?

KHƯƠNG XUÂN
KHƯƠNG XUÂN

TTO - Trước thềm cuộc bầu chọn phó chủ tịch tài chính VFF tại đại hội thường niên LĐBĐVN (VFF) diễn ra ở Hà Nội ngày 8-8 tới, đại diện nhiều đơn vị thành viên VFF cho biết họ khá e ngại trước các ứng viên doanh nhân bên ngoài VFF.

Bầu chọn vị trí phó chủ tịch VFF: Cuộc đua của người nhà VFF? - Ảnh 1.

Ông Lê Văn Thành (phải), người đã nhiều năm tài trợ cho bóng đá VN

Hiện VFF đang chờ văn bản giới thiệu ứng viên tham gia ứng cử vào vị trí phó chủ tịch tài chính VFF của hơn 70 đơn vị thành viên. Ngày 15-7, danh sách ứng cử sẽ được tổng hợp và trình ban chấp hành VFF cho ý kiến.

Ứng viên doanh nhân muốn công khai đề án

Về tiêu chí tuyển chọn ứng viên phó chủ tịch tài chính, VFF cho biết ứng viên phải tự nguyện ứng cử, có kinh nghiệm trong hoạt động bóng đá, tài chính, thương mại, có khả năng hoạch định, có khả năng huy động được nguồn lực của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế để tài trợ cho hoạt động của bóng đá VN... Đáng chú ý, lần này ứng viên không cần thiết phải có bằng tốt nghiệp phổ thông hay đại học.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 8-7, ông Trần Văn Liêng (chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty Ca cao Việt Nam) cho biết ông sẽ tham gia ứng cử. Trước đó, tại đại hội VFF khóa 8 tháng 12-2018, ông Liêng từng tham gia ứng cử nhưng thất bại.

Ông Liêng nói: "Tôi đang chờ công văn giới thiệu chính thức của một số đơn vị thành viên VFF để ra tranh cử. Trong lần tái tranh cử này, tôi mong các ứng viên sẽ có 30-60 phút để công khai đề án và tranh cử trực tiếp tại đại hội. Khi bỏ phiếu, tôi đề nghị cần có đại diện của FIFA hay công ty kiểm toán để giám sát quá trình kiểm phiếu, đảm bảo tính minh bạch".

Ngoài ông Liêng, còn có ông Nguyễn Hoài Nam (tổng giám đốc Tập đoàn Berjaya VN), một trong những ứng viên thất bại trong cuộc bầu cử tháng 12-2018. Thời gian qua, tuy nhiều người tiến cử ông Nam tham gia ứng cử lại vị trí phó chủ tịch tài chính VFF sau khi ông Cấn Văn Nghĩa từ chức nhưng ông Nam đã một lần từ chối.

Bầu chọn vị trí phó chủ tịch VFF: Cuộc đua của người nhà VFF? - Ảnh 2.

Ông Phạm Thanh Hùng bắt tay, thăm hỏi cầu thủ nữ VN - Ảnh: NAM KHÁNH

Sẽ là cuộc cạnh tranh của "người nhà" VFF?

Trong số các thành viên ban chấp hành VFF hiện nay có 3 người là doanh nhân và đều đang tham gia trực tiếp quản lý CLB, công ty, ban chức năng của VFF.

Đó là các ông: Lê Văn Thành (chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty CP thể thao Động Lực, trưởng ban tài chính và vận động tài trợ VFF), Trần Anh Tú (chủ tịch hội đồng thành viên Công ty TNHH thương mại Thái Sơn Nam và Thái Sơn Bắc, chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty VPF), Phạm Thanh Hùng (chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty CP khai thác khoáng sản Vàng Hà Giang, chủ tịch CLB Than Quảng Ninh kiêm trưởng ban bóng đá nữ VFF).

Được cho là sẽ có nhiều đề cử từ các CLB, nhất là các CLB futsal nhưng ông Trần Anh Tú không mấy mặn mà với vị trí phó chủ tịch tài chính VFF. Trước đó, tại đại hội VFF năm 2018, ông Tú cũng được đề cử nhưng sau đó đã xin rút lui.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện nhiều đơn vị thành viên VFF cho biết cuộc đua lần này sẽ là cuộc "so găng" giữa ông Lê Văn Thành và ông Phạm Thanh Hùng. Các đơn vị thành viên VFF khá e ngại trước các ứng viên bên ngoài VFF vì cho rằng "không quen".

Chủ tịch một CLB tại V-League nói: "Trong bối cảnh hiện nay, chọn doanh nhân bên ngoài VFF khá mạo hiểm bởi người giỏi thì không muốn vào, còn người muốn vào thì không biết có tâm huyết với bóng đá hay không. Vì thế chúng tôi chỉ chọn một trong hai ông Lê Văn Thành hoặc ông Phạm Thanh Hùng vì những người này đã tham gia bóng đá lâu, rất hiểu và gắn bó với bóng đá. Ông Thành đã tham gia tài trợ cho bóng đá VN mấy chục năm nay, lại là thành viên ban chấp hành nhiều nhiệm kỳ. Ông Hùng mới đây có tham gia tài trợ cho bóng đá nữ nhưng ảnh hưởng với bóng đá chưa lớn".

Cho biết CLB của mình đang cân nhắc tiến cử một trong hai ứng viên Lê Văn Thành và Phạm Thanh Hùng, ông Nguyễn Húp - chủ tịch CLB Quảng Nam - cho biết: "Giờ chọn người ngoài VFF cũng không dễ nên anh Thành và anh Hùng là người được đề cử nhiều. Chúng tôi cũng so bó đũa chọn cột cờ thôi".

Trong khi đó, ông Thành cho biết vẫn đang chờ xem tiến cử của các đơn vị thành viên VFF, tùy vào số tín nhiệm nhiều hay ít ông sẽ quyết định có ra tranh cử hay không.

Dù không có gương mặt nổi bật nhưng nếu VFF tổ chức một cuộc bầu cử công khai, dân chủ, có thời gian tranh cử trực tiếp..., ngày 8-8 tới sẽ là một ngày được chờ đợi với bóng đá VN.

Ứng viên có thể công khai số tiền kiếm về cho bóng đá VN

Đại hội VFF khóa 8 diễn ra tháng 12-2018 đã bầu ông Cấn Văn Nghĩa (nguyên giám đốc Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình) làm phó chủ tịch tài chính. Vậy nhưng sau 6 tháng nắm quyền, ông Nghĩa đã từ chức vì liên quan đến việc nợ tiền thuế, tiền thuê đất đến hơn 500 tỉ đồng tại Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình dưới thời ông làm giám đốc.

Theo báo cáo của VFF, năm 2020 VFF dự kiến thu về 256 tỉ đồng nhưng vì dịch COVID-19, nguồn thu dự kiến giảm ít nhất 6% (khoảng 15 tỉ đồng). Trong tình cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến rất phức tạp, nhiệm kỳ 8 của VFF chỉ còn hơn 2 năm nữa sẽ kết thúc nên ứng viên nào có thể đưa ra cam kết giúp VFF tăng nguồn thu sẽ chiếm ưu thế trong cuộc bầu cử lần này. Các đơn vị thành viên VFF cho biết họ kỳ vọng ứng viên có thể công khai số tiền kiếm về cho bóng đá VN khi họ ngồi vào chiếc ghế này.

Ứng viên phó chủ tịch tài chính VFF không bắt buộc có bằng phổ thông hay đại học Ứng viên phó chủ tịch tài chính VFF không bắt buộc có bằng phổ thông hay đại học

TTO - Ngày 4-7, VFF đã gửi thông báo đến các đơn vị thành viên đề nghị giới thiệu ứng viên vào vị trí phó chủ tịch tài chính. Ứng viên phó chủ tịch tài chính VFF không bắt buộc phải có bằng tốt nghiệp phổ thông hay đại học.

KHƯƠNG XUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên