03/10/2021 10:31 GMT+7

Bảo vệ sao la - 'linh hồn Trường Sơn' đang tuyệt chủng

NHẬT LINH
NHẬT LINH

TTO - Tờ mờ sáng, 5 người thuộc đội tuần tra và kiểm lâm Khu bảo tồn sao la đến bìa rừng. Những con dốc dựng đứng. Rừng nguyên sinh ẩm ướt đầy rêu phong trơn trượt sau trận mưa rào hôm trước.

Bảo vệ sao la - linh hồn Trường Sơn đang tuyệt chủng - Ảnh 1.

Những người bảo vệ rừng nguyên sinh ở Khu bảo tồn Sao La - Ảnh: NHẬT LINH

4h sáng, nhóm tuần tra bảo vệ rừng của anh Phạm Viết Nước (nhân viên Khu bảo tồn sao la Thừa Thiên Huế) lặng lẽ tiến vào rừng sâu, bắt đầu chuyến tuần tra tháo gỡ bẫy dài ngày và theo dấu sao la - loài vật được mệnh danh là "kỳ lân châu Á" hay "linh hồn" Trường Sơn đang bên bờ tuyệt chủng.

Những người tuần rừng

"Nhà báo đi sát sau lưng tui nghe. Tui đạp chân chỗ mô thì anh đạp đúng chỗ đó. Đi rừng không quen, chỉ sơ sẩy là rớt xuống bên dưới, đập đầu vô đá" - anh Nước ngoái lại nói với tôi.

Đi bộ khoảng 1 giờ đồng hồ, anh Nước bỗng dưng khựng lại rồi đưa tay lên ra hiệu: "Dừng lại, có bẫy!". Chiếc bẫy sập làm bằng dây phanh xe đạp ẩn dưới lớp lá rừng. Sợi dây thép nhỏ nối bẫy với một nhành cây được bẻ cong vút.

Anh Nước cẩn thận đi quanh một vòng và nói: "Chúng tôi từng gặp loại bẫy tương tự, nhưng là bẫy lao chứ không phải bẫy sập. Thú giẫm phải bẫy thì những mũi lao sắc nhọn sẽ bắn xuyên mình con vật xấu số. Nên gỡ bẫy cũng phải cẩn trọng, nếu không sẽ nguy hiểm". 

Cầm chiếc rựa trên tay, anh Nước từ từ đặt phần cán rựa xuống lớp lá rừng rồi dùng lực nhấn mạnh xuống. Dây thép bẫy lập tức quấn vào phần cán, giật phắt chiếc rựa treo vút lên trời trong chớp mắt.

Phá xong chiếc bẫy đầu tiên, nhóm bảo vệ rừng cũng phát hiện thêm chiếc bẫy tương tự cách đó khoảng 50m. Mỗi cái bẫy được phá xong, anh Nước đều lấy máy định vị tọa độ đánh dấu vị trí bẫy lên bản đồ Khu bảo tồn sao la Thừa Thiên Huế.

Lớn lên dưới sự chở che của rừng già, từ nhỏ anh Phạm Viết Nước đã cùng ông cha vào rừng kiếm sống như bao người đồng bào dân tộc Pa Kô ở miệt miền cao A Lưới. Chính vì thế anh Nước hiểu rất rõ đặc tính của từng loại thú hoang trong rừng, nơi mà sau này anh dành thanh xuân của mình để hết lòng bảo vệ.

"Sao la cũng như các loại mang, nai khác, rất thích ăn các loài cây thân mềm ở dọc suối. Món ăn khoái khẩu nhất của loài này các cây môn thục, nên chúng tôi thường đặt bẫy ảnh quanh khu vực nhiều bụi cây này. Cũng vì đặc tính ấy mà dọc bờ khe, suối thường có rất nhiều bẫy sập của thợ săn" - anh Nước chia sẻ.

Người hiếm hoi chạm mặt sao la

Trong nhóm bảo vệ rừng, anh Hồ Viết Nhàn (42 tuổi) được mọi người kính trọng hơn cả bởi không chỉ lớn tuổi nhất đoàn mà còn là người duy nhất từng chạm mặt sao la bằng xương bằng thịt.

Năm 2000, anh Nhàn còn là cậu trai bản sống dựa vào nương rẫy ở bản A Min, xã A Roàng, huyện A Lưới. Một hôm có người trong bản chạy về báo phát hiện có con vật lạ "không phải mang mà cũng chẳng phải nai" ở khe suối Tà Rá rồi cùng dân làng kéo ra khe suối bắt con vật về.

"Con vật to như con nai, có hai cái sừng thẳng dài nhọn hoắt đẹp lắm. Ở má có hoa văn, nặng khoảng 30kg. Chân nó bị mắc vào chiếc bẫy kẹp, nằm chết dưới suối" - anh Nhàn nhớ lại.

Cả làng phá bẫy, khiêng con vật về bản chờ phán xét của già làng. 

Già làng thấy con vật đã chết nên làm lễ tạ thần rừng, thần suối, sau đó cho mổ thịt, chia đều mọi người trong bản. Riêng phần đầu có chiếc sừng được giao cho người phát hiện con vật giữ. "Lúc đó dân bản còn nghèo, pháp luật cũng chưa phổ biến như giờ. Nghĩ lại mình cũng có lỗi, đáng ra dân bản nên báo cho chính quyền" - anh Nhàn nói.

Cũng theo anh Nhàn, dù từ đó đến nay chưa một lần bẫy ảnh chụp được hình sao la có trong khu bảo tồn, nhưng trong các lần tuần tra rừng, anh cùng đồng đội đã ghi nhận được nhiều vết tích nghi của loài vật quý hiếm này.

"Sao la là loài rất nhạy với hơi người. Chỉ cần nghe tiếng động từ xa thì chúng sẽ lẩn đi rất nhanh. Nhiều lần anh em chúng tôi nhìn thấy dấu chân nghi của loài sao la nhưng lần theo thì đều mất hút" - anh Nhàn nói.

Bảo vệ sao la - linh hồn Trường Sơn đang tuyệt chủng - Ảnh 2.

Bẫy thú được lực lượng bảo vệ rừng ở Khu bảo tồn Sao La Thừa Thiên Huế thu giữ - Ảnh: NHẬT LINH

Hiểm nguy và quả ngọt

Anh Nhàn cho biết, với công việc bảo vệ rừng ở Khu bảo tồn sao la Thừa Thiên Huế, mỗi tháng anh cùng đồng đội phải ở trong rừng ít nhất 22 ngày và đã nhiều lần chạm mặt tử thần.

"Sợ nhất là mùa mưa lũ. Nước ở các con suối, con khe trong rừng dâng lên rất nhanh do mưa đầu nguồn đổ về, cuốn phăng mọi thứ. Đó là chưa kể núi trượt, rắn rít và cây đổ xuống người là điều mà chúng tôi gặp thường xuyên" - anh Nhàn chia sẻ.

Nói đến đây, giọng anh Nhàn chùng xuống, kể năm 2015 một đồng đội đã nằm lại cánh rừng này. "Đó là anh V.T.T., thuộc hạt kiểm lâm Khu bảo tồn sao la. Anh ấy đang ngủ trong lán trại giữa rừng thì bị nhành cây đổ, đè trúng người. Khi chúng tôi đưa anh ra ngoài thì đã ngừng thở".

Còn với anh Lê Thanh Hướng, hạt phó hạt kiểm lâm Khu bảo tồn sao la Thừa Thiên Huế, vẫn nhớ như in 11 ngày anh bị kẹt lại giữa rừng già. 

Những ngày cuối tháng 10 năm 2017, anh nhận tin lực lượng tuần tra bắt được 4 "lâm tặc" đang xẻ gỗ trong rừng. Tức tốc, anh Hướng cùng anh em và người dân thông thạo con nước lên 2 chiếc thuyền đi đến khu vực bắt giữ để giải người về. Tuy nhiên, lũ rừng già dâng lên quá nhanh khiến thuyền anh Hướng bị va vào đá, vỡ tung.

"Chúng tôi bị kẹt trong rừng 11 ngày. Không có lương thực, đói quay đói quắt. Có người vì đói quá, nửa đêm bất chấp nguy hiểm đi vào rừng sâu tìm lõi chuối rừng về ăn, nếu không chết mất" - anh Hướng kể.

Nghề giữ rừng gian lao, hiểm nguy là vậy, nhưng anh Hướng nói rằng nỗ lực của anh em ở đây đã được đền đáp xứng đáng. Những cánh rừng nguyên sinh dần hồi sinh nhờ được các cấp chính quyền, dự án bảo tồn quan tâm nhiều hơn sau khi phát hiện những dấu chân, vết tích của "linh hồn Trường Sơn": sao la.

Những năm 2015 - 2017, trung bình mỗi năm khu bảo tồn phá gỡ khoảng 20.000 cái bẫy thú. Con số đó giảm xuống chỉ còn khoảng từ 3.000 - 4.000 vào năm 2020. Tần suất xuất hiện của nhiều loài động vật quý hiếm trong các bẫy ảnh được đặt giữa rừng cũng tăng lên rất nhiều.

"Dù chưa phát hiện sao la nhưng chúng tôi đã chụp được ảnh của loài mang Trường Sơn, mang lớn, thỏ vằn... - những loài vật cực kỳ quý hiếm của dãy Trường Sơn" - anh Hướng kể.

Định "nhân giống sao la"

14-8 theo dau linh hon cua day truong son (15) 1(read-only)

Sao la - loài vật quý hiếm được mệnh danh “kỳ lân châu Á” hay “linh hồn Trường Sơn” - Ảnh: DAViD HULSE, WWF

Năm 2017, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã hợp tác với Nhóm các nhà nghiên cứu sao la (SWG) của Chương trình Bảo vệ các loài nguy cấp (SSC), thuộc Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), thực hiện chương trình nhân giống sao la tại Vườn quốc gia Bạch Mã (Thừa Thiên Huế). Mục tiêu chương trình nhằm tìm kiếm, bắt giữ sao la trong tự nhiên rồi sau đó tiến hành nuôi dưỡng, nhân giống loài động vật quý hiếm này.

Tuy nhiên, từ đó cho đến nay vẫn chưa phát hiện thêm một cá thể sao la nào trong tự nhiên trên dãy Trường Sơn.

Sao la cũng được chọn làm linh vật biểu trưng của SEA Games 31 dự kiến được tổ chức tại Việt Nam vào năm 2022.

Đoàn kinh tế - quốc phòng 337: Dựng ngày mới giữa núi rừng Trường Sơn Đoàn kinh tế - quốc phòng 337: Dựng ngày mới giữa núi rừng Trường Sơn

TTO - Sư đoàn 337 được mệnh danh là “Cánh cửa thép Lạng Sơn” trong chiến tranh biên giới phía Bắc 1979 khốc liệt ấy, nay đã trở thành Đoàn kinh tế - quốc phòng 337 đứng chân tại miền tây Quảng Trị để giúp dân.

NHẬT LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên