18/09/2023 17:10 GMT+7

Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhìn nhận có tình trạng gian lận, trục lợi bảo hiểm

Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhận định các hình thức cầm cố, ủy quyền cho cá nhân khác rút một lần có dấu hiệu mua bán sổ bảo hiểm.

Người lao động làm thủ tục liên quan đến bảo hiểm xã hội tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Giang - Ảnh: HÀ QUÂN

Người lao động làm thủ tục liên quan đến bảo hiểm xã hội tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Giang - Ảnh: HÀ QUÂN

Ngày 18-9, Trung tâm truyền thông (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết cơ quan này vừa có công văn gửi các bộ ngành, tỉnh thành về tăng cường lãnh đạo trong phòng, chống gian lận, trục lợi các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế. 

Nhiều thủ đoạn trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội

Cụ thể, Bảo hiểm xã hội nhận thấy nhiều lao động muốn nhận tiền bảo hiểm xã hội một lần sớm hoặc mong làm thủ tục hồ sơ đơn giản, nên nhiều cá nhân đã tổ chức thu gom sổ bảo hiểm xã hội. Các hình thức phổ biến là cầm cố, người lao động ủy quyền cho người khác làm thủ tục hưởng bảo hiểm một lần...

Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhận định đây là hành vi mua, bán sổ bảo hiểm xã hội.

Việc này không chỉ khiến người lao động chỉ nhận 1/3 hoặc 1/2 giá trị thực của sổ bảo hiểm xã hội mà còn tạo sức ép lên hệ thống an sinh xã hội.

Móc nối với "cò" lập bệnh án khống

Lực lượng chức năng phát hiện có lao động đề nghị giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe dù vẫn đi làm hưởng lương, nghỉ phép, điều trị tai nạn lao động… 

Cá biệt có doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận chỉ đóng bảo hiểm xã hội trong 6 tháng hoặc tăng mức đóng bảo hiểm cao bất thường trong 6 tháng trước khi sinh con để hưởng lợi.

Một số nơi có tình trạng nhân viên cơ sở y tế sử dụng thẻ bảo hiểm y tế của người nhà hoặc mã thẻ bảo hiểm y tế của người khám trước đó để lập khống hồ sơ thanh toán chi phí. 

Thậm chí, có cơ sở móc nối với “cò” lập bệnh án khống cho người đóng bảo hiểm nhân thọ. Cách này trục lợi cả bảo hiểm y tế lẫn bảo hiểm nhân thọ.

Bảo hiểm xã hội chỉ rõ còn nhiều hình thức trục lợi chính sách khác như thống kê đề nghị thanh toán nhiều hơn số thuốc thực tế, dùng thuốc không phù hợp với chẩn đoán bệnh hay thu gom người có thẻ bảo hiểm y tế để cung cấp dịch vụ y tế không cần thiết…

Bên cạnh đơn vị thực hiện tốt, Bảo hiểm xã hội phát hiện nhiều trường hợp lạm dụng quỹ bảo hiểm y tế - Ảnh: HÀ QUÂN

Bên cạnh đơn vị thực hiện tốt, Bảo hiểm xã hội phát hiện nhiều trường hợp lạm dụng quỹ bảo hiểm y tế - Ảnh: HÀ QUÂN

Giải pháp ngăn chặn trục lợi thế nào?

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cơ quan này đã phối hợp với các sở, ban, ngành và cơ quan điều tra để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm.

Song ngành bảo hiểm mới chỉ dừng lại ở hướng thu hồi, kiến nghị cơ quan chức năng giải quyết. Việc này mang tính tình thế, chưa thực sự đủ mạnh để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và răn đe các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm, trục lợi chính sách.

Do vậy, Bảo hiểm xã hội đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục tăng cường thanh tra, chia sẻ dữ liệu các đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế.

Cơ quan này đề nghị Bộ Y tế tăng chỉ đạo thanh tra, kiểm tra việc tổ chức khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và xử lý các hành vi trục lợi theo quy định.

Ngoài ra, các tỉnh thành tiếp tục kiểm tra, giám sát các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn trong chấp hành pháp luật về bảo hiểm, từ đó có giải pháp kịp thời để ngăn chặn trục lợi chính sách.

Tại sao Bộ Tài chính bác đề xuất dùng ngân sách chi trợ cấp thai sản của bảo hiểm xã hội tự nguyện?Tại sao Bộ Tài chính bác đề xuất dùng ngân sách chi trợ cấp thai sản của bảo hiểm xã hội tự nguyện?

Bộ Tài chính đề nghị không sử dụng ngân sách nhà nước để trợ cấp thai sản cho người đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện mà dùng từ nguồn quỹ bảo hiểm xã hội vì nhiều lý do.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên