10/04/2016 09:31 GMT+7

Bao giờ mới hết ồn ào?

TRƯỜNG HUY
TRƯỜNG HUY

TT - Cả chục năm nay, cứ ba năm một lần là chuyện mua bản quyền truyền hình bóng đá Anh (EPL) lại ồn ào, tranh luận đủ kiểu. Liệu có cách nào chấm dứt tình trạng này?

Trước tiên, cũng phải nhắc lại một chút về lý do khiến chuyện mua bản quyền EPL ồn ào, đó chính là do giá tiền tăng đến chóng mặt. Cụ thể hai mùa giải từ 2002 đến 2004, VTV mua của ESPN Star Sports (Singapore) với giá 900.000 USD. Sau đó, VTV tiếp tục mua bản quyền ba mùa giải 2004-2007 với giá khoảng 2 triệu USD. Đến năm 2007, VTC chen vào đàm phán với ESPN Star Sports và mua được bản quyền ba mùa giải tiếp theo 2007- 2010 với giá khoảng 4 triệu USD, tăng gấp đôi so với ba mùa trước.

Sự nhập nhằng công-tư đã gây ra chuyện ồn ào trong việc mua bản quyền truyền hình EPL. Ảnh: Reuters

 

Tiếp đến, khi ban tổ chức Giải ngoại hạng Anh tổ chức đấu giá ba mùa 2010-2013, như thường lệ các đài truyền hình, đơn vị cung cấp truyền hình trả tiền VN không tham gia và lần này Công ty MP & Silva (Ý) đã chi khoảng 12 triệu USD mua bản quyền phát sóng EPL tại VN. Sau đó, công ty này bán lại và thu về gần 19 triệu USD. Trong đó chỉ riêng kênh K+ mới ra đời sau cuộc “hôn phối” của VTV với Canal Plus (Pháp) đã bỏ ra 9 triệu USD để độc quyền phát sóng các trận ngày chủ nhật.

Đến ba mùa giải 2013-2016, bản quyền phát sóng EPL trên lãnh thổ VN về tay Công ty IMG Media (Mỹ) với giá gần 35 triệu USD và họ thu về hơn 40 triệu USD sau khi bán cho các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình VN. Và chuẩn bị cho gói ba mùa tới từ 2016 đến 2019, một đơn vị truyền hình của VN tham gia đấu thầu đã bỏ đến 50 triệu USD nhưng cũng đã thua Công ty MP&Silva. Vì vậy, thông tin hậu trường giới truyền hình cho biết nhiều khả năng MP&Silva sẽ bán cho các nhà đài ở VN khoảng 70 triệu USD, tương đương 1.500 tỉ đồng!

Thật ra xét về toàn cảnh bản quyền EPL, tốc độ tăng ở các nước cũng rất chóng mặt và đó là nhờ nghệ thuật bán hàng của người Anh đạt mức siêu đẳng! Nhưng liệu tất cả các nước đều bị người Anh “dắt mũi” giống nhau? Không. Trung Quốc cương quyết không bị cuốn vào cơn lốc này với lập luận “phát sóng bóng đá Anh cũng là một cách để quảng bá giải đấu này, giúp họ thu về quảng cáo nên không việc gì phải chi tiền cao để mua bản quyền truyền hình”. Hay Chính phủ Singapore cũng phải tham gia vào cuộc bằng việc ban hành luật phát chéo (không cho độc quyền) để chấm dứt cuộc chạy đua của hai công ty Star Hub và Singtel.

Còn ở VN thì sao? Quan điểm từ Chính phủ thông qua việc Bộ Thông tin - truyền thông yêu cầu Hiệp hội Truyền hình trả tiền (VNPayTV) phải lập ban đàm phán để làm việc với MP&Silva, không chấp nhận độc quyền và không mua đắt hơn 20% so với ba mùa trước...đã cho thấy vấn đề này ngày càng gây bức xúc. Tuy nhiên, cũng có một luồng quan điểm ngược lại cho rằng hãy để mọi việc diễn biến theo cơ chế thị trường, anh nào mua đắt hơn giá trị thật thì sẽ phải chịu lỗ. Còn nếu người tiêu dùng vẫn chịu được thì không lý gì Nhà nước phải can thiệp.

Thật ra, quan điểm cho rằng hãy để chuyện mua bán bản quyền EPL diễn biến theo quy luật thị trường là không sai, xét về lý thuyết! Sở dĩ nói như vậy là vì câu chuyện đang diễn ra ở VN chưa thật sự đầy đủ các yếu tố về thị trường. Nói cách khác cho dễ hiểu hơn, nếu K+ là một đơn vị tư nhân, hoàn toàn 100% vốn do Canal Plus đầu tư thì họ muốn mua bao nhiêu không ai quan tâm. Nếu họ mua đắt, bán lại với giá “cắt cổ” thì người tiêu dùng tẩy chay, phải trả giá bằng thiệt hại về kinh tế. Còn ngược lại, họ mua hời thì lãi to, thế thôi.

Nghiệt một nỗi K+ có đến 51% vốn của Nhà nước do VTV đại diện. Từ đây đã có một câu hỏi lớn được đặt ra: K+ lời hay lỗ? Nếu lời thì chẳng nói làm gì, nhưng nếu lỗ thì không khéo cái vốn do VTV góp vào (là cơ sở vật chất, là đất đai mà Nhà nước giao cho VTV) sẽ có ngày mất trắng! Suy cho cùng, mọi vấn đề gây ồn ào quanh chuyện bản quyền truyền hình EPL đều do sự nhập nhằng giữa công - tư, mà ở đây là các đơn vị kinh doanh truyền hình do đài truyền hình quốc gia “đẻ” ra.

Có dùng biện pháp mạnh được không?

Biện pháp mạnh ở đây là việc không cho phát sóng Giải ngoại hạng Anh trên lãnh thổ VN nếu có một đơn vị nào đó “xé rào”, không hợp tác với ban đàm phán như đã có đề xuất từ VNPayTV. Hiện tại, chưa có ai trả lời được rằng liệu chuyện này có đúng luật hay không. Tuy nhiên, bình luận viên Vũ Quang Huy cho rằng: ”Chuyện này chưa có tiền lệ nên thật sự dân làm truyền hình như chúng tôi cũng chưa biết. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng nên làm như vậy để chấm dứt chuyện ồn ào không đáng có kéo dài suốt nhiều năm, đồng thời đưa chuyện mua bán bản quyền vào quy củ”.

TRƯỜNG HUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên