28/09/2020 09:00 GMT+7

Bão cuối năm dồn dập, mưa nhiều nhưng lũ miền Tây vẫn thấp

LÊ PHAN
LÊ PHAN

TTO - Thông tin trên được Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ báo cáo trong Nhận định tình hình khí tượng thủy văn Nam Bộ từ tháng 9-2020 đến 3-2021.

Bão cuối năm dồn dập, mưa nhiều nhưng lũ miền Tây vẫn thấp - Ảnh 1.

Tháng 10-11, Nam Bộ dự báo có mưa lớn dồn dập - Ảnh: CHÂU TUẤN

Mùa mưa đến muộn, cuối mùa mưa tăng

Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết mùa mưa năm nay đến muộn. Mưa tại Nam Bộ thật sự bắt đầu vào khoảng ngày 16 đến 18-5. Thậm chí cá biệt có một số địa phương như Vĩnh Long, Cà Mau mùa mưa bắt đầu vào cuối tháng 5.

Mùa bão năm nay cũng đến muộn hơn so với trung bình nhiều năm và đến tháng 10 mới có 4 cơn bão hoạt động trên Biển Đông.

Dự báo từ nay đến cuối năm có khoảng 6-8 cơn bão hoạt động trên Biển Đông và 4-5 trong số đó có khả năng ảnh hưởng đến nước ta, chủ yếu khu vực miền Trung và miền Nam.

Do ảnh hưởng của mưa bão từ tháng 10 đến tháng 2-2021, tổng lượng mưa khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ cao hơn trung bình nhiều năm 15-30%, riêng tháng 11 khu vực Tây Nguyên có tổng lượng mưa cao hơn từ 30-60%.

Cơ quan khí tượng cảnh báo các tỉnh miền Trung và Nam bộ cần đề phòng mưa dồn dập vào các tháng 10 và 11. Tháng 1 đến 2-2021, khu vực Nam Bộ có khả năng xuất hiện các đợt mưa trái mùa.

Đỉnh lũ thấp, hạn mặn dự báo gay gắt

Về tình hình lũ tại đồng bằng sông Cửu Long, ông Nguyễn Kiệt - trưởng phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ - cho biết đỉnh lũ năm tại đầu nguồn sông Cửu Long ở mức thấp, trên sông Tiền tại Tân Châu; sông Hậu tại Châu Đốc thấp hơn báo động 1 từ 0,2-0,3m. (mức báo động 1 tại Tân Châu là 3.5m; Châu Đốc là 3m).

"Thời gian xuất hiện mực nước đỉnh lũ năm có khả năng xảy ra vào giữa tháng 10. Dự báo đỉnh lũ năm nay trên sông Cửu Long ở mức thấp, tổng lượng dòng chảy thượng nguồn Mekong về khu vực đồng bằng Sông Cửu Long thiếu hụt so với trung bình nhiều năm.

Do mùa lũ thấp nên trong các tháng đầu mùa mùa khô khả năng xâm nhập mặn vùng cửa sông Nam Bộ sẽ đến sớm, cao hơn, gay gắt hơn cùng kỳ nhưng thấp hơn mùa khô 2019-2020" - ông Kiệt cho biết.

Cũng theo ông Kiệt do mưa cuối mùa khu vực Nam Bộ cao hơn trung bình nhiều năm 15-30%, cùng với nhiều khả năng xuất hiện các đợt mưa trái mùa vào mùa khô 2020-2021 nên khả năng thiếu hụt nước nông nghiệp và nước sinh hoạt không gay gắt như mùa khô 2019-2020.

Bão cuối năm dồn dập, mưa nhiều nhưng lũ miền Tây vẫn thấp - Ảnh 2.

Hạn mặn gay gắt mùa khô 2019-2020 đạt kỷ lục trong lịch sử - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Bắt đầu từ giữa tháng 9 đến tháng 3-2021, Nam Bộ sẽ xuất hiện 5 đợt triều cường cao. Triều cường có thể chạm mốc kỷ lục vào ngày 18-10, trong trường hợp trùng với kỳ hoạt động của gió chướng sẽ gây ngập lụt cho khu vực ven biển Nam Bộ, các cù lao ven sông, các tỉnh: Cần Thơ, Vĩnh Long...

Trước diễn biến thời tiết trên, các tỉnh miền Tây cần sớm có các biện pháp chủ động phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn.

Người dân cần chủ động cập nhật các thông tin dự báo của các cơ quan chuyên ngành để có được thông tin sớm nhất diễn biến tình hình thời tiết, lũ, triều cường, hạn mặn.

Đồng bằng sông Cửu Long lo Đồng bằng sông Cửu Long lo 'đói lũ'

TTO - Với dự báo lũ sẽ về chậm với mực nước thấp, thậm chí "đói lũ" năm nay, nhiều người dân các tỉnh đầu nguồn ĐBSCL sẽ đối diện với nhiều khó khăn, không chỉ mất mùa đánh bắt cá mà mùa màng cũng thất bát do chuột bọ, sâu rầy tấn công.

LÊ PHAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên