27/09/2020 08:53 GMT+7

Băn khoăn khi giao chiếc smartphone cho con

THÁI BÌNH
THÁI BÌNH

TTO - Cho dù còn đang phân vân hay đã giao hẳn chiếc smartphone (điện thoại thông minh) cho con sử dụng riêng, các bậc cha mẹ vẫn ít nhiều lo lắng về nguy cơ con trẻ sử dụng không hữu ích hoặc lạm dụng loại thiết bị số này.

Băn khoăn khi giao chiếc smartphone cho con - Ảnh 1.

Học sinh tiểu học ở quận 2 (TP.HCM) chụm đầu chơi game trên smartphone sau giờ học, trong lúc chờ cha mẹ đến đón - Ảnh: THÁI BÌNH

Trong khi đó, chuyên gia cho rằng việc trang bị smartphone cho con trẻ cần song hành với "luật lệ" và một số kỹ năng nhất định.

Cho thì cho, lo cứ lo

Mỗi chiều trước cổng Trường THCS Giồng Ông Tố (quận 2, TP.HCM), đúng 16h30, học sinh túa ra. Một số em rút smartphone liên lạc cha mẹ, số khác tiến đến chỗ cha mẹ nhưng vẫn tranh thủ bấm bấm vài cái trên màn hình smartphone. 

Có những đôi bạn tranh thủ giơ smartphone lên chụp ảnh "tự sướng", lại có những nhóm túm tụm chơi game quanh chiếc smartphone.

Anh Quốc Hùng, phụ huynh một học sinh lớp 9 trường này, cho biết đã trang bị smartphone cho con trai từ 2 năm trước. Anh nói: "Để dễ liên lạc khi cần hoặc có chuyện khẩn cấp. Hơn nữa, ngày nay con cũng cần tìm kiếm tài liệu trên mạng, trao đổi trực tuyến trong nhóm học tập". Ngoài ra, theo anh Hùng, cha mẹ có thể truy lịch sử vị trí để biết con có trốn học hay la cà đâu đó bên ngoài trường học. Anh Hùng tự tin: "Con mà chơi game, nghe nhạc, chat chít lâu là bị la rầy ngay!".

Cũng có con học lớp 9 trường này, chị Bích Ngọc đang "đau đầu" chuyện con gái đòi mẹ sắm cho chiếc smartphone để "phục vụ học hành". Con chị kể trong lớp là một trong bốn bạn chưa có smartphone, nên khi giáo viên yêu cầu tìm kiếm thông tin trên mạng thì phải nhờ bạn bè giúp. 

Chị Ngọc chia sẻ: "Mỗi tối con bé ngồi vào bàn học là đeo tai nghe. Tôi tra lịch sử trên smartphone thì phát hiện con tranh thủ nghe nhạc, lướt web suốt buổi học. Tôi nhắc nhở nhiều lần nhưng con bé chưa sửa được. Còn xài chung smartphone với mẹ mà đã vậy, huống hồ xài riêng".

Còn anh Lê Thanh Dũng, có con học lớp 4 ở quận 1, cho biết một số bé trong lớp con anh đã có smartphone trong cặp. Anh nói: "Con lên cấp III tôi mới dám cho xài riêng smartphone. Cái lợi ít hơn cái đáng lo. Con hiện xài smartphone của cha mẹ để tra từ điển, tìm hiểu thông tin liên quan bài học, học trực tuyến... nhưng lát sau là sa đà vào game và lướt YouTube". 

Người cha này cảnh báo hại mắt, hại não, mệt mỏi... và kết hợp lôi kéo bé chơi thể thao nhưng cũng chỉ hạn chế phần nào sức hấp dẫn từ chiếc smartphone.

"Luật lệ" đi kèm kỹ năng

Trong một lần tham gia gác thi THPT quốc gia, TS tâm lý Đào Lê Hòa An (hiện là viện phó Viện Việt Nam bách nghệ thực hành) chứng kiến một thí sinh bị đình chỉ thi một cách đáng tiếc chỉ vì smartphone trong túi quần bất ngờ "báo thức" dù bạn này đã cẩn thận tắt nguồn trước giờ thi. Rõ ràng với cậu trò này, smartphone đã trở thành "vật bất ly thân", giống như rất nhiều cô cậu học trò THCS, THPT đã được cha mẹ giao quyền sử dụng loại thiết bị số này.

Ông An khẳng định smartphone, cùng với Internet, giúp cuộc sống của con người trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn: kết nối với thế giới, tìm kiếm thông tin, tra cứu nhanh các vấn đề đang gặp phải... và đặc biệt là bổ trợ quá trình dạy - học, khiến cho việc học tập trở nên lý thú hơn với học sinh. 

Trong khi đó, "mặt trái" thường đến từ cách thức sử dụng smartphone và Internet: truy cập vào những thông tin nhạy cảm, "cày" game, xao lãng trên lớp học...

Do đó, theo TS An, trước khi trao cho con quyền sử dụng smartphone, cha mẹ có thể cùng con tìm hiểu các tính năng kỹ thuật, Internet, mạng xã hội... và thống nhất một số nguyên tắc: chỉ được giải trí vào giờ ra chơi, chỉ sử dụng trên lớp khi được phép, tuyệt đối không chơi game hay lén lút lướt web trong giờ học, một ngày chỉ được xài điện thoại tối đa 2 tiếng... 

Ngoài ra, đi kèm với đó là "luật lệ" với việc "giam" quyền sử dụng smartphone trong khoảng thời gian nhất định nếu có vi phạm. TS An nói: "Luật lệ cần rõ ràng và thực hiện luật phải nghiêm thì mới hiệu quả".

Ông An dẫn kết quả một nghiên cứu gần đây cho thấy có đến 40% học sinh chưa được học về an toàn mạng. Vì vậy ông cho rằng cha mẹ cần tìm hiểu và trao đổi với con trẻ về những nguy cơ tiềm ẩn có thể xuất hiện khi sử dụng smartphone và Internet. Đó có thể là nguy cơ đến từ các yếu tố trực tiếp như cướp giật, móc túi, lừa đảo... Và đó cũng có thể là các nguy cơ đến từ yếu tố trên mạng: mạo danh người quen, các luồng thông tin cực đoan, giả mạo... để con trẻ có những ý niệm cảnh giác ban đầu.

"Cha mẹ cần thường xuyên trò chuyện, trao đổi, chia sẻ với con về các trải nghiệm trên mạng xã hội, dặn con nếu có gì bất thường (đặc biệt là về vấn đề đe dọa, tống tiền...) thì cần báo ngay cho người lớn để kịp thời xử lý" - TS An lưu ý, đồng thời gợi ý cha mẹ có thể đề xuất nhà trường tổ chức những buổi chuyên đề kỹ năng về việc tự bảo vệ và chọn lọc thông tin trên mạng xã hội nhằm cung cấp kiến thức toàn diện và khoa học cho các em.

Theo ông An, nếu cha mẹ thật sự là "người mẫu" hoàn hảo trong việc sử dụng smartphone và Internet hữu ích thì con trẻ cứ thế làm theo, vì vậy mà nguy cơ con trẻ lạm dụng hay sử dụng smartphone sai mục đích sẽ giảm đi. 

"Cha mẹ không thể cứ la rầy con thế này thế nọ, trong khi bản thân lại cày game, lướt web, chat chít hàng giờ", ông An nói. Và thay vì kiểm soát con giống như "cảnh sát trưởng", cha mẹ cần nỗ lực đồng hành với con như một người bạn đường, cùng nhau khám phá bao điều hay trên thế giới mạng bao la. 

TS An lưu ý việc "theo dõi" và "quản lý" con cần khéo léo và tế nhị, tránh trường hợp "nhốt" con vào "lồng" hay kiểm soát thô bạo và toàn diện vì sẽ dễ khiến con trẻ có những phản kháng hoặc lén lút tìm đường "lách luật".

Màn hình có phá hủy bộ não con em chúng ta?

Đây là một số khảo sát về thần kinh học và y học đối với việc sử dụng "màn hình" ở trẻ em Âu Mỹ.

"Màn hình" là thuật ngữ được báo chí Âu Mỹ dùng để chỉ chung các loại điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính, trò chơi điện tử và truyền hình.

Nhiều nghiên cứu về tác động của màn hình đối với não trẻ em đã được thực hiện. Gõ hai từ khóa screen time (thời gian dành cho màn hình) và children (trẻ em) trên PubMed (cơ sở dữ liệu về sinh học và y học trên các tạp chí khoa học), ta thấy có khoảng 1.589 kết quả.

Tháng 12-2018, các nhà nghiên cứu Mỹ chứng tỏ trẻ em dùng điện thoại thông minh, máy tính bảng và trò chơi điện tử hơn 7 giờ một ngày có biểu hiện "vỏ não mỏng đi sớm". Tạp chí JAMA Pediatrics (Mỹ) ngày 4-11-2019 cũng cho rằng màn hình làm thay đổi cấu trúc não của trẻ em.

Các nhà nghiên cứu đã phỏng vấn 47 phụ huynh có con từ 3 đến 5 tuổi về số lần trẻ em sử dụng các loại màn hình và nội dung đã xem. Sau đó, họ cho trẻ làm kiểm tra về đọc hiểu, diễn đạt và xem xét bản scan não của chúng. Kết quả cho thấy trẻ càng dành nhiều thời gian cho màn hình thì càng có điểm thấp trong bài kiểm tra vì có từ vựng ít hơn, đọc kém hơn và mất nhiều thời gian hơn để gọi tên đồ vật.

Nhiều nghiên cứu khác cho thấy mối tương quan giữa thời gian dành cho màn hình và việc giảm khả năng nhận thức, tăng lo lắng, khó tập trung, thiếu ngủ, trầm cảm hoặc béo phì.

Báo cáo của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cũng cho thấy có 72% học sinh các nước thành viên OECD sử dụng máy tính cá nhân hoặc máy tính bảng tại trường. Ở Hàn Quốc và Thượng Hải (xếp thứ nhất và thứ năm môn toán PISA 2012), tỉ lệ này chỉ là 42% và 38%. Nhìn chung, kết quả PISA 2012 của những nước sử dụng nhiều công nghệ số trong trường học (đặc biệt là Tây Âu) đều bị thụt lùi so với 2009. Ngược lại, những nước sử dụng có chừng mực công nghệ số đều có kết quả PISA tốt.

Úc và Na Uy (thứ 19 và 30 môn toán PISA 2012) là ngoại lệ dù đã đưa công nghệ số vào nhà trường từ 5 đến 10 năm nay. Theo OECD, Úc và Na Uy thành công vì sử dụng công nghệ số để thay đổi phương pháp giảng dạy, tác động đến cả ba đối tượng học sinh (khá, giỏi; trung bình; yếu, kém) và tạo ra sự tương tác thật sự giữa người dạy và người học.

TRƯỜNG LÂN

Cho học sinh dùng điện thoại trong lớp: 3 lợi ích và 3 nguy cơ Cho học sinh dùng điện thoại trong lớp: 3 lợi ích và 3 nguy cơ

TTO - Những ngày qua, diễn đàn "Cho học sinh dùng điện thoại trong lớp: nên không?" đã thu hút sự quan tâm của bạn đọc. Nay chúng tôi xin tạm khép lại diễn đàn với 2 bài viết có góc nhìn mở về câu chuyện chưa có hồi kết này.

THÁI BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên