19/10/2023 10:42 GMT+7

Ba khía, con sình lầy đi bán chợ xa - Kỳ 4: Ba khía lên đời đi máy bay

Vợ chồng anh Miên đã thành công khi đưa thương hiệu ba khía của riêng mình đạt chuẩn OCOP đầu tiên và duy nhất đến nay tại Cà Mau.

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Miên có khát vọng đưa thương hiệu ba khía Cà Mau đi nhiều thị trường trong nước và quốc tế - Ảnh: DIỆU QUÍ

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Miên có khát vọng đưa thương hiệu ba khía Cà Mau đi nhiều thị trường trong nước và quốc tế - Ảnh: DIỆU QUÍ

Tay ngang kinh doanh, gia đình không ai tin tưởng bởi "cho ăn học đàng hoàng mà giờ về bán ba khía quê mùa", nhưng sau 6 năm vợ chồng anh Miên đã thành công khi đưa thương hiệu ba khía của riêng mình đạt chuẩn OCOP đầu tiên và duy nhất đến nay tại Cà Mau.

Bỏ làm cán bộ lãnh lương, ra mần ba khía

Không chỉ vậy, sản phẩm ba khía của vợ chồng anh Miên (ngụ ấp Cây Kè, xã Quách Phẩm Bắc, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) cũng được nhiều người trong lẫn ngoài nước chọn lựa mỗi bận thèm đặc sản này.

Ít ai biết để có trái ngọt như hôm nay, vợ chồng anh Miên phải trải qua hành trình bắt đầu từ con số 0. Trước khi bén duyên với nghề muối ba khía, anh Nguyễn Văn Miên (37 tuổi) là cán bộ địa chính xã, còn chị Trần Thị Xa, vợ anh, từng là giáo viên rồi làm cán bộ văn hóa xã.

Sau khi kết thúc đề án của xã, hai vợ chồng quyết định rẽ sang kinh doanh đặc sản quê hương và họ chọn con ba khía. Tuy nhiên, hành trình không dễ chút nào bởi Cà Mau có hơn 400 cơ sở làm nghề muối ba khía thương hiệu lâu năm, muốn vượt qua bắt buộc phải có sự khác biệt.

"Hồi đó chúng tôi vấp phải sự phản đối dữ dội từ gia đình, tại vì cho ăn học đàng hoàng mà về làm cái nghề quá cũ rồi, hàng xóm thì nghĩ mình bị đuổi học nên đi bán ba khía để có tiền năm sau học lại. Rồi cái danh ba khía Rạch Gốc đã in dấu trong tâm trí nhiều người, giờ mình mở ra ba khía Đầm Dơi thì người ta không biết mình là ai, ăn có ngon không", chị Xa nhớ lại.

Vượt qua sự nghi ngờ đó, họ quyết tâm đeo đuổi ba khía. Không có vốn nhiều, những ngày đầu vợ chồng tự đi bắt ba khía về làm nguyên liệu. Họ cũng sản xuất ba khía muối theo quy trình sạch, sử dụng muối trắng và nước ngọt, thay vì muối đen và nước sông như truyền thống. Nhưng cái khó nhất và chưa ai làm là muối ba khía theo tỉ lệ chứ không pha ước chừng như ông bà ngày xưa.

Món ăn bình dân miền ven biển ngày nào giờ đã là đặc sản có giá trị cao - Ảnh THANH HUYỀN

Món ăn bình dân miền ven biển ngày nào giờ đã là đặc sản có giá trị cao - Ảnh THANH HUYỀN

"Mình phải nghiên cứu công thức cũng như pha chế sao để đạt được chất lượng, không mặn quá. Nhiều lúc muốn bỏ cuộc luôn tại nhiều mẻ ba khía không đạt yêu cầu phải đem bỏ", chị nói. Sau nhiều thất bại, vợ chồng chị Xa thành công với công thức của riêng mình. Nhưng những mẻ ba khía muối đầu tiên, mỗi tuần họ chỉ bán được khoảng 20kg, chủ yếu trong tỉnh thông qua người quen, bạn bè giới thiệu và bán trên các nền tảng mạng xã hội để quảng bá cách làm mới.

Dần dần đơn hàng tăng lên. Có thêm chút vốn, họ thuê nhân công, đầu tư máy móc hiện đại từ đóng hộp đến máy nấu nước muối, máy đo độ mặn, máy cắt và ép tắc... cùng quy trình làm sạch sẽ, nghiêm ngặt.

"Qua một thời gian thì tôi chuyển lên hình thức hợp tác xã (HTX). Lượng khách hàng cũng ổn định dần, người ta chấp nhận cách làm mới của mình. Ba khía đóng hộp ngon, sạch bán khắp nơi, không gây mùi khi vận chuyển. Đặc biệt, quy trình sản xuất ba khía ở xưởng đều công khai hết trên mạng xã hội để khách biết mình tuân theo tiêu chuẩn đảm bảo vệ sinh nhất", anh Miên cho biết.

Độc lạ riêu ba khía

Sản phẩm riêu ba khía - Ảnh: THANH HUYỀN

Sản phẩm riêu ba khía - Ảnh: THANH HUYỀN

Ban đầu, HTX chỉ có sản phẩm ba khía muối nguyên con, rồi có thêm ba khía trộn vị mặn và chua ngọt để phù hợp khẩu vị các vùng miền. Nhằm nâng cao giá trị của ba khía, HTX còn cho ra mắt thêm sản phẩm mới sau một năm nghiên cứu là ba khía muối nước mắm nhĩ, ủ theo công thức độc quyền của HTX ba khía Đầm Dơi. \

"Cái này nhiều người chưa biết đến, mình cứ nghĩ sẽ khó bán, nhưng sự hiếu kỳ lại vô tình thu hút khách hàng, nhận được nhiều phản hồi tốt. Đặc biệt, ba khía này dành cho chị em không biết trộn ba khía, mua về ăn liền", chị Xa chia sẻ.

Thấy vẫn chưa tận dụng hết nguồn ba khía địa phương, vợ chồng chị chế thêm sản phẩm mới mẻ, đầy tiềm năng là riêu ba khía để cạnh tranh trực tiếp với riêu cua, và thị trường họ tiếp cận đầu tiên là Hà Nội vì sử dụng riêu cua nhiều. "Khi đưa ra các hội chợ cũng như được tỉnh đưa đi xúc tiến bán trải nghiệm thì nhiều khách hàng cũng nói cái này khác với cua đồng, họ rất thích", chị nói.

Năm 2020, ba khía Đầm Dơi của vợ chồng chị Xa được công nhận đạt tiêu chuẩn 3 sao OCOP đầu tiên và duy nhất tính đến nay của tỉnh Cà Mau. Cùng năm đó, dự án này cũng đoạt giải nhất cuộc thi khởi nghiệp ĐBSCL. Những thành tựu này giúp sản lượng của HTX tăng liên tục hằng năm, dao động 30 - 40%, cao điểm lên tới 50%. Một số công ty lớn cũng tìm đến tận chỗ để ký hợp đồng.

Công nhân HTX ba khía Đầm Dơi trộn ba khía vị chua ngọt và vị mặn ngọt -  Ảnh: THANH HUYỀN

Công nhân HTX ba khía Đầm Dơi trộn ba khía vị chua ngọt và vị mặn ngọt - Ảnh: THANH HUYỀN

Đưa ba khía vươn xa

Đến nay, các sản phẩm HTX ba khía Đầm Dơi có mặt nhiều nơi, từ bán sỉ nhỏ đến các nhà phân phối từ Cà Mau tới Hà Nội.

"Mỗi tháng xưởng tiêu thụ khoảng 5 - 10 tấn ba khía, trong đó sản lượng ba khía muối nguyên con chiếm nhiều nhất vì đó là sản phẩm đầu tay. Ngày xưa người ta nói ba khía chỉ ngồi trên xuồng để đi bán quanh quẩn thôi, nhưng giờ đã được "leo" lên máy bay với chất lượng ngon, hình thức đẹp, bảo quản an toàn, hạn sử dụng và mã code, giúp nâng giá trị lên. 

Nhiều khách mua mang đi nước ngoài, trong đó đi Hàn, Mỹ, Đài Loan nhiều nhất. Tuy nhiên, trước giờ mình phải thông qua các công ty thứ ba chứ không thể trực tiếp xuất khẩu. Sắp tới HTX sẽ xây dựng thêm các quy chuẩn để xuất khẩu qua các nước, đặc biệt khu vực có người Việt sinh sống", chị Xa tâm sự.

Theo chị Xa, trở ngại hiện tại mà HTX đang gặp phải là khâu vận chuyển hàng khá mất thời gian do đường vào HTX rất nhỏ, phải dùng xe máy gắn thùng kéo phía sau ra đường lớn để đưa qua xe tải đem đi tiêu thụ. Sắp tới, vợ chồng anh Miên dự định san lấp thêm mặt bằng phía sau nhằm mở rộng xưởng, kho để trữ đủ lượng hàng vào trái mùa.

"Năm 2024, HTX sẽ nỗ lực đưa cơ sở lên tiêu chuẩn HACCP (tiêu chuẩn giúp doanh nghiệp, tổ chức kiểm soát giới hạn các mối nguy hình thành trong quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm - PV). Những sản phẩm của ba khía Đầm Dơi sẽ được nâng hạng lên 4 sao đầu tiên của tỉnh Cà Mau", anh Miên vui vẻ cho biết.

Chung tay bảo tồn ba khía tự nhiên

Theo anh Nguyễn Văn Miên, những năm gần đây việc khai thác quá mức đã khiến số lượng ba khía giảm khá nhiều. Mong muốn ba khía được bảo tồn và không bị tận diệt, anh đưa ra sáng kiến những người dân chuyên bắt ba khía cùng các vựa và cơ sở muối ba khía ngưng khai thác và thu mua trong mùa sinh sản để con ba khía có sự phát triển ổn định hơn trong tương lai.

"Vì con ba khía này sinh sản tự nhiên, vào mùa hội cái thì nó sinh sản, chỉ cần giữ trứng của nó trong khoảng 7 - 15 ngày thì sau đó có thể thu hoạch những con ba khía đạt chuẩn", anh Miên cho hay.

---------------------

Cá linh, cá hô, cua đồng, cua biển... đều đã được chuyên gia và người dân miền Tây kết hợp nuôi thương phẩm thành công. Còn cái con dưới chân rừng ngập mặn để làm món đặc sản ba khía muối là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thì sao, có nuôi được không?

Kỳ tới: Nuôi ba khía được không?

Ba khía, con sình lầy đi bán chợ xa - Kỳ 3: Mùa hội ba khía giữa rừng đêmBa khía, con sình lầy đi bán chợ xa - Kỳ 3: Mùa hội ba khía giữa rừng đêm

Mỗi năm, từ tháng 6 đến tháng 10 âm lịch, vùng rừng ngập bước vào mùa "ba khía hội", bao nhiêu hy vọng sinh kế của người dân dưới tán rừng ngập mặn cũng đều đặt vào đây...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên