28/11/2023 10:00 GMT+7

Ăn không nhiều, sao vẫn mập?

Theo một nghiên cứu mới đây của Viện Dinh dưỡng quốc gia với gần 700 phụ nữ trung niên từ 40 - 65 tuổi tham gia cho thấy có tới 78% chị em gặp tình trạng vòng eo vượt 80cm.

Ăn không nhiều, sao vẫn mập?- Ảnh 1.

Việc vòng eo ngày càng "phát tướng" không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ của chị em mà còn tiềm ẩn không ít nguy cơ đối với sức khỏe.

Vòng eo con kiến thành "bánh mì"

Chị Nguyễn Thị Huyền (42 tuổi, Hà Nội) ngán ngẩm mỗi khi đứng trước gương bởi vòng eo "con kiến" hồi con gái giờ đã trở thành "bé mỡ" lúng liếng, hình dạng "bánh mì" phía trước bụng. "Thực tế tôi không ăn nhiều hơn, thậm chí còn ít hơn ngày trước, nhưng chẳng hiểu sao bụng vẫn ngấn mỡ" - chị Huyền nói.

Đây không phải nỗi buồn của riêng chị Huyền, rất nhiều chị em khi bước vào tuổi trung niên cùng chung nỗi khổ… "bụng bự".

Theo kết quả nghiên cứu cắt ngang được Viện Dinh dưỡng quốc gia thực hiện mới đây với gần 700 chị em độ tuổi 40 - 65 tham gia cho thấy tỉ lệ thừa cân, béo phì ở nhóm tuổi này là 36,41%. 

Đặc biệt, hơn 3/4 (78%) chị em tham gia nghiên cứu bị béo bụng, vòng eo vượt 80cm. Hầu hết (98,1%) có béo trung tâm, với tỉ lệ WHR (tỉ lệ eo - hông) vượt hoặc bằng 0,8.

Theo TS Lê Thị Hương, Viện Dinh dưỡng quốc gia, không chỉ riêng nhóm người thừa cân và béo phì có tỉ lệ béo bụng cao (chiếm 92,8%), mà ngay cả ở nhóm phụ nữ có chỉ số BMI bình thường cũng có đến quá một nửa bị béo bụng. Trong nghiên cứu này cũng phát hiện khoảng 2,7% chị em có sử dụng thuốc giảm cân.

Theo các chuyên gia, tỉ lệ thừa cân béo phì gia tăng có nguyên nhân chủ yếu là từ lối sống. Đặc biệt, do chế độ ăn nhanh và ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn, chiên rán ngày càng phổ biến. Bên cạnh đó, người Việt vẫn thích ăn thịt hơn ăn rau, vận động còn hạn chế.

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn - phó viện trưởng Viện phẫu thuật tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - cho biết có nhiều nguyên nhân gây béo bụng như sự thay đổi hormone, do giảm quá trình trao đổi chất, tuổi tác tăng... dẫn đến việc tiêu hao calo không hiệu quả hơn và dễ dẫn đến tăng cân.

"Ngoài ra, stress và áp lực trong cuộc sống có thể dẫn đến tăng cân và tăng mỡ bụng", PGS Tuấn nhấn mạnh.

PGS Tuấn cũng cho hay việc tích tụ mỡ bụng không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn có thể gây ra các vấn đề sức khỏe như tăng nguy cơ bệnh tim mạch, đái tháo đường, bệnh về dạ dày. Tình trạng béo bụng ở nam giới cũng có thể xảy ra.

Làm sao để ngăn béo bụng?

PGS Tuấn cho hay phụ nữ khi bước vào tuổi trung niên khả năng trao đổi chất giảm, dễ tăng cân.

"Trước kia, chị em có thể ăn một chén cơm/bữa nhưng thân hình vẫn cân đối. Tuy nhiên, khi lớn tuổi hơn, vẫn với chế độ dinh dưỡng ấy có thể gây tăng cân do khả năng tiêu hao năng lượng, chuyển hóa của cơ thể đã thay đổi. Bởi vậy, chị em cần kiểm soát cân nặng, theo dõi cân nặng thường xuyên để duy trì cân nặng ở mức bình thường", PGS Tuấn nêu rõ.

Chuyên gia cũng khuyến cáo chị em nên thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung thực phẩm giàu chất xơ, hạn chế đồ ăn dầu mỡ, thường xuyên tập thể dục... 

Chú ý thực hiện những bài tập thể dục như luyện tập aerobics, tập thể dục lực cơ có thể giúp đốt cháy mỡ và duy trì cơ bắp...; kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Tại sao người ăn ít vẫn tăng cân, ăn nhiều chẳng mập?Tại sao người ăn ít vẫn tăng cân, ăn nhiều chẳng mập?

Nhiều người ăn ít, giảm tối đa tinh bột, chất béo vào cơ thể nhưng vẫn tăng cân. Thế nhưng ngược lại, nhiều người dù ăn rất nhiều, ăn uống thoải mái lại không thể tăng cân được.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên