31/07/2019 19:00 GMT+7

Amour, Điều cha mẹ không kể... và khi người già bị bỏ rơi

MI LY
MI LY

TTO - Điện ảnh Hàn Quốc bắt đầu nhìn nhận xu hướng già hóa của xã hội khi sản xuất những bộ phim sâu sắc về tuổi già. Điều cha mẹ không kể (Romang) về cặp vợ chồng già mắc bệnh mất trí nhớ, mới khởi chiếu ở Việt Nam, là một ví dụ.

Amour, Điều cha mẹ không kể... và khi người già bị bỏ rơi - Ảnh 1.

Phim về người già gây xúc động không chỉ vì tình thương cha mẹ, mà còn khiến mỗi khán giả nghĩ về tuổi già của chính mình. Cảnh trong phim Amour, The Bacchus Lady (từ trên xuống:) và Điều cha mẹ không kể (ảnh phải) - Ảnh: CJ HK/Les Films du Losange/Variety

Các nhà làm phim Hàn Quốc thường kiến giải xã hội theo cách riêng độc đáo, nhưng vẫn không bỏ lỡ những vấn đề điển hình. Về tuổi già, họ luôn nỗ lực để cho thấy đối tượng này bị lãng quên như thế nào.

Những góc nhìn cảm động về người già

Trong Điều cha mẹ không kể, người mẹ bị phát hiện mắc bệnh mất trí nhớ ngắn hạn và hành xử kích động do tinh thần căng thẳng trong thời gian dài. Bác sĩ khuyên rằng bệnh của bà rất cần sự đồng hành, kiên nhẫn và bao dung từ gia đình, nhưng dường như không ai có thể làm điều đó cho bà.

Trailer phim 'Điều cha mẹ không kể' - Video: CJ HK

Con trai thất nghiệp, con dâu bận rộn với công việc và đứa cháu, người chồng già thì vô tâm. Cả gia đình dường như không còn cách nào khác ngoài việc "tống" bà vào viện dưỡng lão. 

So với cả đời tảo tần của bà, hành động đó chẳng khác nào một sự bỏ rơi của gia đình. Còn người chồng già, việc ông muốn tiếp tục lái taxi kiếm tiền cũng là vì không muốn bị coi là người thừa, vô dụng.

Năm 2016, Hàn Quốc có một phim gây sốc dự Liên hoan phim Berlin. Đó là The Bacchus Lady của đạo diễn Lee Jae Yong. Phim kể về cụ bà 70 tuổi làm nghề bán dâm do Yoon Yuh Jung đóng. Khách hàng của bà là những cụ ông nghèo khổ, gần đất xa trời. 

Chọn chủ đề gây sốc này, đạo diễn muốn nhấn mạnh sự thờ ơ của xã hội Hàn Quốc đối với người già, đặc biệt là những người già nghèo khổ, không nơi nương tựa. 

Người bà, người mẹ trong Điều cha mẹ không kể có gia đình mà còn bị bỏ rơi, nói gì đến những cụ ông, cụ bà không con cháu, sống dưới đáy xã hội.

Amour - bộ phim đoạt Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes 2012 - cũng kể về cặp vợ chồng già đối diện với cái chết. Người vợ Anne bị liệt và mất trí nhớ sau hai cơn đột quỵ, bà từ chối vào viện dưỡng lão và người chồng George phải kề bên chăm sóc. 

Những ngày tháng cận tử của cụ bà Anne thực sự đầy căng thẳng và gian khó, nhưng cũng nặng trĩu tình yêu và kỷ niệm, để lại những nỗi đau khó diễn tả thành lời. 

Điều khiến Amour đáng nhớ không chỉ là cái kết choáng váng, mà còn ở cách mô tả chân thực và rất sâu sắc về quãng đời cận tử của người già bệnh tật, nỗi khổ sở của người chăm sóc.

Amour (Love) Official Trailer

Điện ảnh Việt quên người già

Các nhân vật người già trong điện ảnh Việt thường là nhân vật phụ, hầu như không có một tuyến truyện dành riêng cho họ. Kết quả là thế giới nội tâm của họ cũng thường không được phản ánh kỹ lưỡng. 

Họ thường xuất hiện trong vai trò người khuyên nhủ, người ép buộc, người tấu hài... bên cạnh những nhân vật chính là người con, người cháu. Về ngoại hình, đôi khi trông vẻ ngoài của họ không phản ánh chân thực lắm độ tuổi khi được trang điểm kỹ lưỡng để che đi dấu hiệu tuổi già, nhất là với diễn viên nữ.

Sẽ đến lúc Việt Nam đối mặt với những cú sốc, những biến chuyển khi lớp dân số già ngày càng đông đảo. 

Các vấn đề xã hội sẽ phát sinh và thu hút sự quan tâm, chẳng hạn: những căn bệnh tuổi già, sự bối rối của các gia đình khi cha mẹ già mất khả năng lao động và kiểm soát hành vi (như trong Điều cha mẹ không kể), sự ra đời và trở nên phổ biến của viện dưỡng lão.

Đến lúc đó, phim ảnh nghệ thuật sẽ chẳng thể làm ngơ được, nhất là khi khán giả có nhu cầu tiếp nhận và chia sẻ. 

Khán giả Việt đã khóc và đồng cảm khi xem những bộ phim tuổi già của nước ngoài, dù hầu như chỉ có người già xuất hiện từ đầu đến cuối, không có trai xinh gái đẹp hay những cảnh nóng hấp dẫn. Lý do không đơn giản vì ai cũng có cha mẹ già, mà còn vì các bộ phim khiến mỗi người chiêm nghiệm về tuổi già khi nó ập đến với chính mình.

Năm 2019, độ tuổi trung bình của 96,2 triệu người Việt Nam (theo số liệu được Ban chỉ đạo tổng điều tra dân số và nhà ở trung ương công bố ngày 11-7-2019) là 31, theo danso.org. Còn ở Hàn Quốc, độ tuổi trung bình của 51,3 triệu dân đang là 41,3.

Dự kiến Việt Nam sẽ "đuổi kịp" số tuổi trung bình hiện nay của Hàn Quốc vào năm 2045. Khi đó, con số của Hàn Quốc đã tăng đến 52,6 tuổi. Đây chỉ là hai trong số những quốc gia từng có dân số trẻ, nay đang già hóa nhanh chóng.

Ai nói tuổi già là đoạn cuối đời người, già bây giờ cũng là già kiểu khác Ai nói tuổi già là đoạn cuối đời người, già bây giờ cũng là già kiểu khác

TTO - Năm 1965, André-François Raffray, luật sư 47 tuổi ở miền nam Pháp, đạt được một thỏa thuận tưởng chừng rất khôn ngoan.

MI LY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên