30/11/2019 05:50 GMT+7

30 năm 'biên niên sử' SEA Games - Kỳ cuối: 'Hoa vương' trên đất Philippines

TẤN PHÚC
TẤN PHÚC

TTO - 21 tuổi, lần đầu tiên xuất hiện tại đấu trường SEA Games, chủ công tuyển bóng chuyền VN Lê Hồng Hảo nhanh chóng trở thành ngôi sao, không chỉ bởi tài năng mà còn là "hoa vương" trong lòng các thiếu nữ Philippines.

30 năm biên niên sử SEA Games - Kỳ cuối: Hoa vương trên đất Philippines - Ảnh 1.

Lê Hồng Hảo ký tên tặng người hâm mộ Philippines tại nhà thi đấu Memorial, SEA Games 1991

SEA Games 1991, tuy đội tuyển bóng chuyền nam VN chỉ xếp thứ 4 nhưng Hảo "tiểu tướng" lại là ngôi sao sáng nhất. "Manila là nơi tôi khẳng định được tên tuổi trong khu vực Đông Nam Á cùng những trải nghiệm không thể nào quên trong suốt sự nghiệp của mình" - Lê Hồng Hảo chia sẻ.

Thấm thoát đã 28 năm, Lê Hồng Hảo đã khép lại sự nghiệp VĐV lừng lẫy để chuyển sang công tác huấn luyện. Anh là thành viên ban huấn luyện từng cùng đội tuyển bóng chuyền nam mang về 3 chiếc huy chương (1 bạc, 2 đồng) SEA Games liên tiếp cho thể thao VN từ năm 2013 đến 2017. Hiện anh là trợ lý HLV của đội bóng chuyền nam TP.HCM.

Từ cậu bé lau sân đến ngôi sao của bóng chuyền Đông Nam Á

"Cũng như bao bạn bè ở lứa năng khiếu bóng chuyền, tôi cũng đi lau sân, nhặt bóng ở các giải đấu. Đến năm 1985, tôi vẫn còn làm công việc này ở các giải trong hệ thống quốc gia hoặc giao hữu của các đội lớn. Với tôi, đó là cơ hội học hỏi chuyên môn rất lớn" - Hảo chia sẻ.

Sự kiên trì của Hảo được đền đáp theo một cách ít ai ngờ nhất vào năm 1987, khi anh 17 tuổi. Vẫn như mọi khi, Hảo có mặt trong đội nhặt bóng ở trận giao hữu giữa tuyển TP.HCM với đội Chim Báo Bão của Liên Xô cũ. Bất ngờ, một cầu thủ TP.HCM bị chấn thương không thi đấu được nên Hảo được gọi vào mặc áo cho đủ số lượng cầu thủ. Tuy chẳng được ra sân phút nào nhưng cảm giác lần đầu khoác áo tuyển TP.HCM cũng đủ khiến Hảo lâng lâng...

Chẳng những vậy, cũng chính ở trận đấu này, Hảo bị hút hồn bởi những cú nhảy phát bóng vừa uy lực, vừa đẹp của một số VĐV Liên Xô. Từ đó, Hảo về tự mày mò nghiên cứu và tập luyện cho mình cú nhảy phát bóng. Đến năm 1991, ở trận giao hữu với Malaysia, Hảo thử nghiệm nhảy phát bóng thắng liền 7 điểm và trở thành VĐV đầu tiên nhảy phát bóng của bóng chuyền VN. Khi bóng chuyền VN lần đầu tiên trở lại đấu trường SEA Games năm 1991, Hảo cũng là VĐV duy nhất Đông Nam Á có cú nhảy phát bóng tại kỳ đại hội này.

"Hút hồn" các cô gái Philippines

Manila 1991 tràn ngập trong ký ức Lê Hồng Hảo bởi nơi đây đã mang đến cho anh nhiều kỷ niệm khó quên. Ngoài những phút giây tung hoành trên sân, Hảo còn được khán giả cuồng nhiệt cổ vũ với biệt danh "hoa vương" của giải. Ngay cả Hảo cũng không biết chính xác từ đâu mình có biệt danh "hoa vương" là do truyền thông hay người hâm mộ Philippines. Chỉ biết rằng, anh đến khổ vì sự hâm mộ của CĐV Philippines.

SEA Games 1991, tuy tuyển bóng chuyền nam VN thua Thái Lan, Indonesia và chủ nhà Philippines nên chỉ xếp hạng 4, nhưng Lê Hồng Hảo lại là cái tên được chú ý nhiều nhất. Những trận đấu của đội tuyển bóng chuyền nam VN dường như chỉ là những trận đấu của riêng Lê Hồng Hảo. Mỗi lần chàng trai 21 tuổi mặc chiếc áo số 7 bật đà, cả cầu trường im lặng và rồi sau đó là những tiếng la hét, vỗ tay như muốn vỡ nóc nhà thi đấu. Hảo là 40% sức mạnh của tuyển VN.

CĐV mến anh vì tài (Hảo là VĐV duy nhất tại giải có thể nhảy phát bóng và là tay ghi điểm nhiều bậc nhất giải) và cũng bị lôi cuốn bởi nét duyên cùng chiếc răng khểnh của chàng trai trẻ cao 1,80m của tuyển VN. Mỗi khi ra sân, Hảo luôn bị vây kín bởi khán giả, nhất là các cô gái Philippines.

30 năm biên niên sử SEA Games - Kỳ cuối: Hoa vương trên đất Philippines - Ảnh 2.

Các thiếu nữ Philippines vây quanh Lê Hồng Hảo tại nhà thi đấu Memorial - Ảnh: HOÀI DÂN

Náo loạn vì số 7 của tuyển VN

"Sau mỗi trận đấu, cả nửa số CĐV trên khán đài vây quanh tôi xin chữ ký. Tôi ký không nổi nên nhờ một người bạn VN giả ký thay rồi tìm cách "chuồn" êm vào trong. Đến khi ra xe về khách sạn, lực lượng an ninh phải mở đường cho tôi về" - Hảo kể.

Khán giả Philippines cuồng nhiệt đến mức Hảo chỉ loanh quanh trong khách sạn mà không dám đi đâu. Mỗi khi anh cùng đồng đội ra sân xem "giò cẳng" đối thủ là ngay lập tức bị phát hiện. Khi đó, khán giả sẵn sàng bỏ trận đấu để "săn" chữ ký "hoa vương".

Những lúc đó, Hảo phải quay lại phòng thay đồ để trốn, chờ đồng đội làm nhiệm vụ xong mới cùng ra về. Hay lúc đi siêu thị, người dân Philippines cũng phát hiện ra anh và hô lên: "Cầu thủ số 7 của VN ". Thế là cả siêu thị náo loạn cả lên.

Rơi lệ vì "hoa vương"

Hảo nhớ nhất là đêm trước hôm về nước, khoảng 20 thiếu nữ Philippines tìm đến tận bản doanh đoàn thể thao VN để tìm anh. Khi gặp được anh, do muốn tổ chức sinh nhật sớm cho Hảo nên họ dẫn Hảo đi một vòng tham quan Manila. Khi về, các thiếu nữ Philippines ai nấy đều rơi nước mắt vì sợ không còn được gặp "hoa vương" nữa.

7 năm sau, Hảo có dịp trở lại Philippines thi đấu và chẳng may bị chấn thương tay. Khi vào đến bệnh viện, một nữ bác sĩ nhận ra Hảo nên chăm sóc anh rất tận tình và còn tranh thủ giờ nghỉ đi khắc tên trên một cây viết để tặng anh làm kỷ niệm.

Thót tim vì trưởng đoàn bị "mất tích"

Chuyện tưởng như trong phim đã xảy ra với đoàn thể thao VN ở lần đầu tiên trở lại đấu trường SEA Games 1991 tại Philippines. Đó là việc trưởng đoàn bóng chuyền VN Đào Hữu Uyển bất ngờ bị "mất tích".

Lê Hồng Hảo nhớ lại: "Tôi nhớ rất rõ đó là ngày chúng ta có chiến thắng trước Malaysia, đồng thời đoàn VN hân hoan khi "gặt vàng" ở các môn bóng bàn, bắn súng. Khi ra sân, trưởng đoàn Đào Hữu Uyển bảo đội đi trước khởi động rồi ông đi bộ ra sau vì khách sạn và sân khá gần nhau. Nhưng suốt cả trận, chúng tôi thi đấu mà ruột gan "nóng như lửa đốt" vì chẳng thấy trưởng đoàn đâu.

Trở về khách sạn, mọi người rất sốt ruột và lo lắng cho sự mất tích kỳ lạ của trưởng đoàn Đào Hữu Uyển. Bất chợt, cảnh sát Philippines gọi đến khách sạn báo phát hiện người tên Đào Hữu Uyển nằm bất tỉnh tại một nghĩa trang cách đại bản doanh của đội hơn… 120km. Trong cái rủi cũng có cái may, bọn xấu chỉ lấy của cải nhưng vẫn để lại cái thẻ SEA Games chú Uyển đeo trước ngực nên cảnh sát mới biết mà liên lạc, không thì còn rắc rối hơn".

Suốt đêm, cả đội cứ bồn chồn lo lắng chờ tin đoàn vào thăm chú Uyển ở bệnh viện. Sau khi tỉnh táo, chú kể lại rằng khi đang đi bộ ra sân, có một người đàn ông đến bắt chuyện rồi ngỏ ý mời lên xe đưa đến sân. Khi lên xe, họ mời chú lon nước ngọt. Chú mở nút vẫn nghe "bóc" một cái như lon nước mới nhưng uống vào thì không biết gì nữa, đến khi mở mắt ra đã thấy mình ở bệnh viện. Từ đó, cả đội gần như chẳng dám đi đâu ra ngoài nữa.

Để giữ hòa khí và chứng tỏ sự mến khách, chủ nhà Philippines đã gửi tặng một chiếc đồng hồ kèm theo 1.000 USD cho chú Uyển coi như sự hỗ trợ đối với những tài sản đã bị mất".

30 năm 'biên niên sử' SEA Games - Kỳ 7: Đôi vợ chồng xạ thủ huyền thoại 30 năm "biên niên sử" SEA Games - Kỳ 7: Đôi vợ chồng xạ thủ huyền thoại

TTO - Yêu nhau trên trường bắn, kết hôn bằng bữa cơm đạm bạc chỉ có bố mẹ hai bên và cô dâu chú rể. 37 năm sống cùng nhau, vợ chồng xạ thủ Đặng Thị Đông - Lê Tuấn Đồng đã ghi dấu trong lịch sử thể thao VN khi giành 8 HCV SEA Games.

TẤN PHÚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên