29/11/2019 08:22 GMT+7

30 năm 'biên niên sử' SEA Game - Kỳ 8: 'Ông là đồ mẹ mìn'

KHƯƠNG XUÂN
KHƯƠNG XUÂN

TTO - "Nhiều phụ huynh đã mắng tôi như vậy khi tôi thuyết phục họ cho consang Trung Quốc tập luyện để chuẩn bị lực lượng cho thể thao VN ở SEA Games. Đã bao nhiêu năm trôi qua, tôi luôn cảm thấy mình là tội đồ", ông Hoàng Vĩnh Giang trải lòng.

30 năm biên niên sử SEA Game - Kỳ 8: Ông là đồ mẹ mìn - Ảnh 1.

Ông Hoàng Vĩnh Giang, nguyên giám đốc Sở TDTT Hà Nội, hiện là phó chủ tịch Ủy ban Olympic VN (người mặc vest đen bên trái), trong lễ tiễn đoàn TTVN lên đường làm nhiệm vụ tại SEA Games 30 - Ảnh: QUÝ LƯỢNG

Có thể nói SEA Games là tiền đề để thể thao VN (TTVN) đạt được HCV Asiad và đỉnh cao là HCV Olympic của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh. Để có thể "thẳng lưng" với thể thao quốc tế, mồ hôi, nước mắt, thậm chí là tính mạng của VĐV đã đổ xuống trong suốt 30 năm qua kể từ khi TTVN trở lại với SEA Games.

Đó là những cô bé, cậu bé 5-6 tuổi của môn thể dục dụng cụ đã phải rời xa vòng tay cha mẹ đi tập huấn ở Trung Quốc trong nước mắt. Là võ sĩ judo Trần Thanh Ngời, người qua đời vì bị gãy cổ khi nỗ lực tập luyện trước thềm SEA Games 22. Hay tay đua Đỗ Xuân Tâm đột tử sau khi cán đích trên đường đua...

Những cuộc chia ly xé lòng

Sau SEA Games 18 năm 1995 tại Chiang Mai (Thái Lan), TTVN đã tổ chức hội nghị tổng kết, đánh giá về quá trình tham dự đại hội từ 1989 đến 1995. Ủy ban TDTT khi đó nhận định: chúng ta rất kém về các môn Olympic như các môn bóng (bóng đá, bóng chuyền), bơi lội, điền kinh, thể dục dụng cụ... Do đó, phải có cách làm đổi mới, đột phá để rút ngắn khoảng cách của TTVN với Đông Nam Á, dứt khoát không thể đứng vị trí 6/10 nước như tại SEA Games 18 nữa.

Chiến thuật "đi tắt đón đầu, lấy nữ làm chủ công" của ông Hoàng Vĩnh Giang, giám đốc Sở TDTT Hà Nội, đã ra đời trong giai đoạn đó. Với chiến thuật này, hàng trăm VĐV nhí mới 5-6 tuổi, được tuyển chọn ở nhiều bộ môn đã được đưa sang Trung Quốc tập huấn 8-9 năm liên tục.

Và không phải phụ huynh nào cũng vui mừng khi thấy con mình được trao cơ hội đi tập huấn. "Ông là đồ mẹ mìn, ông đã cướp đi tuổi thơ của các con tôi", nhiều phụ huynh thẳng thừng ném câu mắng ấy vào mặt ông Hoàng Vĩnh Giang khi ông thuyết phục các bậc phụ huynh cho con họ sang Trung Quốc. Những cuộc chia ly xé lòng, đầy nước mắt của cha mẹ với các con đã diễn ra trong giai đoạn đó.

30 năm biên niên sử SEA Game - Kỳ 8: Ông là đồ mẹ mìn - Ảnh 2.

“Búp bê” Ngân Thương trong cuộc phỏng vấn của VTV sau khi giành 2 HCV SEA Games 22 năm 2003 tại VN - Ảnh tư liệu: NAM KHÁNH chụp lại

"Lò bát quái" ở Trung Quốc

Ông Hoàng Vĩnh Giang cho biết thực hiện theo chỉ thị số 28/CTTU, thể thao Hà Nội khi đó đã mời chuyên gia sang các trường phổ thông của Hà Nội để phát hiện nhân tài, sau đó đưa đi đào tạo ngay tại nơi công tác của chuyên gia đó ở Trung Quốc.

Ông Giang nói: "Tôi gọi đó là lò bát quái, nhất là những môn đòi hỏi phải đào tạo từ sớm như thể dục dụng cụ, thể dục nghệ thuật, nhảy cầu, bơi lội, bóng bàn… Những cháu bé mới 5-6 tuổi khi đó phải xa nhà đi "chinh chiến". Tôi nói "chinh chiến" bởi một ngày các cháu tập luyện 6-7 tiếng từ sáng đến chiều, còn buổi tối học văn hóa.

Nhiều đoàn cán bộ của trung ương, Hà Nội sang tham quan, gặp các cháu thấy cảnh các cháu vừa tập luyện khổ cực, nhớ nhà, nhớ cha mẹ khóc mà không ai cầm được nước mắt. Câu mắng của các phụ huynh đối với tôi tuy có cay đắng phũ phàng thật, nhưng nhiều lúc tôi cũng thấy mình chẳng khác gì tội đồ, là mẹ mìn thật".

"Phân hiệu hải ngoại"

Để đảm bảo việc học văn hóa cho các VĐV nhí, ngành thể thao Hà Nội đã bố trí 2-3 giáo viên văn hóa đa năng dạy các con từ lớp 2 đến lớp 12. Sở Giáo dục Hà Nội khi đó đã cùng với Sở TDTT tổ chức những kỳ thi hết cấp ở tỉnh Nam Ninh (Trung Quốc), khi đó được gọi là "phân hiệu hải ngoại" của Trường Văn hóa - thể thao Hà Nội. Tại SEA Games 22 năm 2003 ở Hà Nội, các "chiến binh" nhí khi xưa đã xuất trận và góp phần vào chiến thắng vang dội của đoàn TTVN.

Ông Hoàng Vĩnh Giang nhớ lại: "Lúc đó tôi có xin HĐND TP Hà Nội một khoản 3,4 tỉ đồng (tôi gọi là miếng bít tết) để trả tiền tập huấn nước ngoài còn nợ. Khi được HĐND biểu quyết đồng ý, tôi đã thề sống thề chết: Nếu VĐV của Hà Nội không đoạt ít nhất là 1/2 số HCV của đoàn VN tại SEA Games 22 và đoàn VN không nhất toàn đoàn thì tôi sẽ nhảy từ nóc nhà UBND TP xuống đất".

Ngân Thương: thèm một cây kem

Thành tích đạt được, nhưng tuổi thơ thì chẳng thể nào bù đắp được cho các VĐV trẻ - những người trải bao năm tháng cơ khổ tập luyện miệt mài trên xứ người.

Trong thế hệ VĐV nhí 5-6 tuổi của Hà Nội được đưa sang Trung Quốc tập huấn thập niên 1990, nổi bật có VĐV Đỗ Thị Ngân Thương (thể dục dụng cụ). Ngân Thương còn có biệt danh là "búp bê" bởi ngoại hình xinh xắn và nhỏ xíu. Sau quá trình dài tập huấn gian khổ ở Trung Quốc, năm 2003 Ngân Thương đã giành 2 HCV cho thể dục dụng cụ VN tại SEA Games 22. Những SEA Games sau đó Ngân Thương còn giành thêm 3 HCV nữa.

Và nhiều phụ huynh sau này đã cực kỳ xúc động khi nghe Ngân Thương thổ lộ: "Cả đời con đến lúc này chưa từng được ăn kem". Để có được thành công, Ngân Thương cho biết các VĐV thể dục dụng cụ như cô phải tập luyện cực khổ, thiếu thốn tình cảm vì xa bố mẹ từ khi còn nhỏ. VĐV thể dục dụng cụ còn phải tuân thủ quy trình ăn uống nghiêm ngặt để không bị tăng cân. Và có rất nhiều thứ vốn dĩ là sở thích của trẻ nhỏ nhưng những VĐV chuyên nghiệp như Ngân Thương chưa từng biết đến.

Năm 2012, Hãng tin Barcroft gây chấn động thế giới với bài phóng sự lột trần độ tàn bạo của các lò đào tạo VĐV trẻ Trung Quốc. Các tấm ảnh chân thực về những trẻ nhỏ bị treo mình lên xà ngang, hay bị giáo viên bẻ tay, giẫm chân một cách tàn bạo để ép dẻo cơ thể chúng được đăng tải khiến cả thế giới phẫn nộ.

Nhiều phụ huynh Việt Nam có con em sang Trung Quốc tập huấn thời đó có lẽ đã tự hỏi: Phải chăng đây là con đường mà con cái họ từng phải trải qua để đổi lấy huy chương SEA Games?

Mang bánh chưng từ Hà Nội sang Trung Quốc để các con ăn tết

"Các VĐV của chúng tôi không được về VN ăn tết mà phải ở lại nơi đất khách quê người, năm này qua năm khác.

Tết đến, bố mẹ các con cùng chúng tôi đi bằng đường bộ sang Trung Quốc cho con ăn miếng bánh chưng, miếng mứt tết... Ba ngày sau bố mẹ, lãnh đạo lại gạt nước mắt từ biệt các con để ra về. Năm nào tôi cũng đi đường bộ sang Nam Ninh để chơi, lì xì cho các con" - ông Hoàng Vĩnh Giang, nguyên giám đốc Sở TDTT Hà Nội.

Những cuộc ra đi thương đau

ngan thuong bia trai 4(read-only)

VĐV thể dục dụng cụ Đỗ Thị Ngân Thương (bìa trái) lúc 7 tuổi chụp ảnh với HLV và đồng đội khi đang tập huấn tại Nam Ninh (Trung Quốc) - Ảnh tư liệu: NVCC

Trước SEA Games 22 năm 2003 tại Hà Nội, TTVN đã vĩnh viễn mất 2 VĐV tài năng là Trần Thanh Ngời (judo) và Đỗ Xuân Tâm (đua xe đạp). Câu chuyện về cái chết của hai VĐV đến giờ vẫn là nỗi đau, sự ám ảnh với TTVN.

Tháng 3-2003, Trần Thanh Ngời (21 tuổi) - niềm hi vọng vàng của TTVN - đang tập luyện tại Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội. Trong một buổi tập, anh bị tai nạn gãy cổ phải đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn. Sau 95 ngày chiến đấu với chấn thương nặng, ngày 16-6-2003, võ sĩ Trần Thanh Ngời đã vĩnh viễn ra đi, để lại thương đau cho gia đình, đồng đội và cả ngành thể thao.

Tháng 10-2003, khi SEA Games 22 chỉ còn 2 tháng nữa sẽ khởi tranh, bộ môn xe đạp tổ chức Giải đua xe tiền SEA Games tại Hòa Bình. Tại cuộc thi, khi chỉ cách đích 150m, tay đua Đỗ Xuân Tâm bị nổ lốp xe nên anh đã vác xe chạy về đích rồi kiệt sức ngất đi. Đỗ Xuân Tâm được đưa về cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai nhưng anh đã mất trên đường đi.

30 năm 'biên niên sử' SEA Games - Kỳ 7: Đôi vợ chồng xạ thủ huyền thoại 30 năm "biên niên sử" SEA Games - Kỳ 7: Đôi vợ chồng xạ thủ huyền thoại

TTO - Yêu nhau trên trường bắn, kết hôn bằng bữa cơm đạm bạc chỉ có bố mẹ hai bên và cô dâu chú rể. 37 năm sống cùng nhau, vợ chồng xạ thủ Đặng Thị Đông - Lê Tuấn Đồng đã ghi dấu trong lịch sử thể thao VN khi giành 8 HCV SEA Games.

KHƯƠNG XUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên