05/02/2019 10:30 GMT+7

3 gương mặt trẻ lập ngôn và chọn chỗ đứng

HUỲNH TRỌNG KHANG
HUỲNH TRỌNG KHANG

TTO - Đến từ ba miền đất nước, Nhật Huy, Phát Dương và Maik Cây chọn cho mình riêng một thể loại để lập ngôn và cũng tự chọn cho mình một chỗ đứng.

Chỗ đứng và thế đứng ấy có thuận lợi hay bấp bênh thì bằng sức trẻ của mình, họ đã dám bứt ra, thoát khỏi những ràng buộc để tiếp bước.

Maik Cây giữa chốn tận cùng thế giới

Văn học trẻ phần đông loay hoay ở một vài nơi chốn, xử lý một vài tình huống, dẫu cái chốn ấy đã ngày càng chật nhưng vẫn ít ai dám bước ra chọn cho mình một lối. Khác người cần rất nhiều can đảm.

Tôi tin rằng nếu ai từng đọc qua Wittgenstein của thiên đường đen sẽ sẵn sàng đọc tác phẩm kế tiếp của Maik Cây, bởi nó đã chọn sự khác. Cô gái sinh năm 1987 lạ ngay ở bút danh. Với tên ấy, người đọc không đoán được cuốn sách tác giả viết ra sao, nhưng chắc chắn nó phải "độc".

3 gương mặt trẻ lập ngôn và chọn chỗ đứng - Ảnh 1.

Viết lách là sự mời mọc của tôi với người đọc - mong cầu một sự mở lời, một chiêm nghiệm chung hay một sự hòa giọng - dù lời mời đó có vô vọng như tiếng hét giữa đồng không

Maik Cây

Cái tên gây được tò mò đã xem là bước đầu thành công. Nhưng không chỉ có cái tên, cả những gì Maik Cây viết cũng khiến ta bất ngờ như đang trên chuyến tàu lượn trong khu vui chơi, với đầy ắp những hình ảnh. Thoạt nhìn thì kỳ cục, nhưng cũng không thể phủ định rằng những thứ dị quái ấy qua ngòi bút của Maik Cây lại gây được thiện cảm kỳ lạ.

Điều làm cho Maik Cây có tiềm năng trụ lại lâu với văn chương chính là một kiến văn rộng mà lại còn duyên, vì kiến văn rộng thì không phải hiếm hoi, nhưng viết sao cho có duyên, sao cho tri kiến của mình tung ra nhuần nhuyễn, chứ không trơ khắc những cái lỏi khô cứng.

Nhật Huy cho chốn thị thành

Vừa nói đã vang, ấy là trường hợp Nguyễn Hải Nhật Huy. Có thời chưa xa, văn chương trẻ trung thành với khẩu hiệu "Ra ngõ gặp nỗi buồn". 

Buồn không buông được, buồn như thể không còn gì để vui. Rồi Huy xuất hiện, dắt theo Cô gái Hà Nội mập mặc Burqa vào văn đàn và người ta thấy giữa những tiếng rên dài là một nụ cười tươi rói. 

3 gương mặt trẻ lập ngôn và chọn chỗ đứng - Ảnh 3.

Tôi nghĩ có thể tìm thấy một mảnh của mọi thứ trong bất kỳ hành động, suy nghĩ, tình yêu, nỗi sợ, buồn, vui, hận thù, cảm giác bị áp bức... của mỗi người bình thường trên Trái đất. Tôi yêu việc nghe, đọc, quan sát những câu chuyện như thế. Tôi cũng thích việc kể lại chúng

Nhật Huy

Năm 2018, Huy tái xuất với tiểu thuyết Tôi ngồi đây chờ cơn bão tới, đi kèm với lời khẳng định thủy chung với tiểu thuyết. Trong tiểu thuyết của Huy đầy ắp hơi thở của cuộc sống đương đại, vẽ nên một bức chân dung xã hội Việt Nam đang phát triển với trung tâm thương mại, các cao ốc, kẹt xe... bằng những câu văn chuộng khẩu ngữ, trào lộng nhưng không cợt nhả. 

Được "vũ trang" bởi thứ hài hước đối chọi lại thế giới hiện đại đầy hỗn độn, Huy cho mọi người thấy một xã hội Việt Nam đã khác, đã thay đổi, không còn chiến tranh, không còn nghèo đói, mà là những thị dân đang hòa nhập với thế giới. 

Những người trẻ sinh trưởng trong thời đại này cần những nhà văn như Huy và những tác phẩm như Tôi ngồi đây chờ cơn bão tới để dẹp bỏ cái định kiến văn chương chỉ nói chuyện trên trời dưới đất, mà càng tiến gần đến sự đồng điệu với những độc giả của hôm nay, nhất là những người trẻ.

Phát Dương ở cõi Tây Nam Bộ

Sông nước con người miền Tây từ lâu đã không còn xa lạ với độc giả. Con người miền Tây chân chất thiệt thà, áo bà ba chèo xuồng đi khắp kinh rạch ngoằn ngoèo... 

Thì kinh rạch, sông cồn miền Tây vẫn thế, nhưng ngày nay bói ra một người miền Tây mặc áo bà ba cũng hơi khó và bắt miền Tây chân quê mãi cũng hơi ép uổng cho nó. Trước những định kiến về văn học miền Tây như thế, một nhà văn miền Tây sông nước phải làm gì? 

Ta có thể tìm câu trả lời trong tập truyện ngắn đầu tay Tự nhiên say của Phát Dương xuất bản năm 2018.

3 gương mặt trẻ lập ngôn và chọn chỗ đứng - Ảnh 5.

Viết là cách để tôi trò chuyện với chính mình. Tôi thích cảm giác được thể hiện một thế giới riêng biệt. Bằng cách đó, tôi cảm thấy mình được chia sẻ và thấu hiểu

Phát Dương

Vẫn là khung cảnh ấy, vẫn là những con người với nét tính cách tưởng chừng bất di bất dịch, nhưng qua nhãn quan của một người trẻ như Phát Dương (sinh năm 1995) bỗng hiện ra với những sự phức tạp trong tính cách, chứ không phải những con người dường như chỉ mới sinh ra vào hôm qua.

Trong cõi miền Tây của Phát Dương, ta thấy một cõi miền Tây của những bậc tiền bối đi trước. Đó là sự tiếp nối, hay đúng hơn là sự mở rộng của một cõi miền Tây tồn tại trong văn chương, được xác lập bởi những tiểu thuyết Nam Bộ thế kỷ 19. 

Lịch sử ngôn ngữ, lời ăn tiếng nói của một vùng miền được bảo tồn và truyền đời hết lớp tác giả này đến tác giả khác, mà tôi tin rằng Phát Dương không phải là nhà văn cuối cùng của cõi miền Tây ấy.

Thời của người viết trẻ Thời của người viết trẻ

TT - Nhiều đầu sách do người trẻ viết liên tục đứng đầu danh sách sách bán chạy đang khiến nhiều người quan tâm đến thị trường sách cùng nhìn về dòng sách “tưởng giỡn chơi” này.

HUỲNH TRỌNG KHANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên