Kỳ 1: Việt - Mỹ hợp tác chống đại dịch - Ảnh 1.

Đại dịch COVID-19 hoành hành đúng giai đoạn kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Mỹ (11-7-1995 - 11-7-2020). Nhưng trong giai đoạn khó khăn, sự hợp tác hiệu quả Việt - Mỹ một lần nữa cho thấy hai nước tiếp tục đi những bước dài hợp tác.

Trong những tháng đầu năm, nền kinh tế toàn cầu đã trở nên ảm đạm vì COVID-19, song nó cũng mang lại những cơ hội hợp tác "ngàn năm có một" cho các doanh nghiệp đủ nhạy bén. Và câu chuyện của Công ty may mặc Dony - một doanh nghiệp Việt - là điển hình cho điều đó.

Kỳ 1: Việt - Mỹ hợp tác chống đại dịch - Ảnh 2.
Kỳ 1: Việt - Mỹ hợp tác chống đại dịch - Ảnh 3.

Khoảng giữa tháng 3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kích hoạt Đạo luật sản xuất quốc phòng (DPA) để yêu cầu tăng tốc sản xuất các thiết bị y tế chống dịch. Các doanh nghiệp Mỹ đã nhanh chóng thay đổi để đáp ứng với sắc lệnh mới.

Vốn là một công ty may mặc nhỏ, Dony đã nhanh chóng chuyển sang sản xuất khẩu trang vải kể từ lúc dịch bệnh bắt đầu. Trong bối cảnh đó, Công ty vũ khí Security Pro USA đã tìm đến Dony. "Tôi thích làm việc với Dony vì họ duy trì liên lạc và giao hàng đúng hạn" - ông Al Evan, giám đốc kiêm nhà sáng lập của Security Pro USA, nói.

Trong khi nhiều doanh nghiệp cho rằng làm ăn với Mỹ rất khó, Phạm Quang Anh - giám đốc Dony - nhận thấy điều ngược lại. "Đối với đối tác Mỹ, thật ra chỉ cần sản phẩm chất lượng, chứng nhận đầy đủ và mức giá phù hợp thì mọi thứ khác đều rất dễ. Tuy thị trường Mỹ cạnh tranh về giá có gắt hơn những thị trường khác nhưng chỉ cần đáp ứng đủ điều kiện, họ sẽ không hỏi thêm gì" - ông giải thích.

Cũng theo ông Anh, việc hợp tác với phía Mỹ có nhiều điểm thuận lợi so với các thị trường khác ở chỗ thị trường có sức mua hàng lớn và hoạt động thông thương giữa 2 nước cũng đơn giản, "từ vận chuyển, giao nhận hàng hóa cho đến thanh toán". Dony cũng là một trong những doanh nghiệp tham gia quyên góp vật tư y tế cho Mỹ do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hôm 5-6. Công ty này đã quyên góp 100.000 khẩu trang kháng khuẩn chống giọt bắn, tổng trị giá hơn 10,5 tỉ đồng.

Nghĩ đến việc Mỹ đã nhiều lần tài trợ cho Việt Nam kể từ khi bình thường hóa quan hệ, ông Anh xem phần quyên góp này chỉ là "một chút quà quê" để tri ân nước Mỹ.

Đặc biệt trong thời gian dịch bệnh, việc Chính phủ Mỹ duy trì mở cửa cho vận tải đã góp phần không nhỏ cho hoạt động xuất khẩu của Dony được thuận lợi. Ông Anh cho biết nhờ chứng minh được đã hoàn thành tốt những đơn hàng lớn đi Mỹ, Dony đã tìm kiếm được thêm nhiều đối tác ở những nước khác. Ông Razzi Yahyapour, đồng sở hữu công ty cung cấp đồng phục thể thao Toop Sports (Mỹ), cho hay: "Dony cung cấp khẩu trang cho hoạt động phân phối tại Mỹ của Toop Sports. Đây là một cơ hội lớn để chúng tôi đa dạng hóa kinh doanh và mở rộng ra ngoài các mặt hàng thể thao".

Kỳ 1: Việt - Mỹ hợp tác chống đại dịch - Ảnh 4.

Là một đối tác lâu năm, Toop Sport cũng là một trong những đối tác duy nhất của Dony vẫn tiếp tục đặt hàng cho đến nay, sau khi nhu cầu khẩu trang đã tạm nguội xuống trong khi nhu cầu dành cho những mặt hàng may mặc truyền thống vẫn chưa hồi phục. Cũng theo ông Anh, ngoài các đơn hàng nội địa, Dony tới nay chỉ còn các đơn hàng xuất khẩu đi Mỹ và 1 đơn hàng đi Campuchia, đều là số lượng lớn.

Kỳ 1: Việt - Mỹ hợp tác chống đại dịch - Ảnh 5.

Một tối muộn đầu tháng 4-2020, khi Việt Nam đã bước qua ngày thứ 10 của quãng thời gian giãn cách xã hội đầy căng thẳng, chị Trịnh Thái Hà nhận được một cuộc gọi. "Chị nghĩ chúng ta cần phải làm gì đó để giúp đỡ họ" - đầu dây bên kia, chị Nguyễn Thu Thảo khẩn thiết.

Chị Hà và chị Thảo là một trong những thành viên cốt cán của Câu lạc bộ Hà Nội của cựu du học sinh Việt Nam tại Mỹ (VUSAC Hanoi) - những người đã dành một phần thanh xuân của mình ở xứ sở cờ hoa. "Họ" ở đây là những người dân Mỹ đang chật vật chống chịu với những thảm khốc mà đại dịch COVID-19 gây ra trên phạm vi toàn cầu.

Kỳ 1: Việt - Mỹ hợp tác chống đại dịch - Ảnh 6.

Vào thời điểm đó, toàn nước Mỹ đã có hơn 560.000 ca mắc COVID-19, cướp đi sinh mạng của hơn 22.000 người. Những con số kinh hoàng tăng dần đều lên từng ngày. Ngay trong đêm, bức thư ngỏ đầu tiên được chấp bút với mục tiêu bước đầu là quyên góp đủ 600 triệu đồng để mua khoảng 100.000 khẩu trang, thời gian thực hiện là hai tuần.

Mọi chuyện diễn ra tiếp sau đó vượt ngoài sự kỳ vọng, khi kế hoạch đạt được chỉ sau một tuần đầu tiên. Những người quyên góp là cựu sinh viên ở Mỹ, gia đình của cựu sinh viên ở Mỹ và những người có bạn bè đang sống tại một trong những ổ dịch lớn nhất của thế giới ở bên kia bán cầu. Mối liên hệ là rất rõ ràng. "Tiền lúc bấy giờ không còn là mục tiêu chính yếu nữa. Điều chúng tôi mong mỏi là được thấy sự lan tỏa của chiến dịch, càng nhiều người tham gia càng tốt" - chị Thảo cho hay.

"Đó là những em học sinh chưa bao giờ sang đến Mỹ nhưng đã đọc và hiểu về nước Mỹ. Khi thấy lời kêu gọi này, các em cảm thấy mình cũng cần đóng góp. Đó là những doanh nghiệp chưa hề có quan hệ làm ăn ở thị trường này nhưng sẵn sàng chi hàng chục triệu đồng mà không cần vinh danh. Đó thậm chí là một vài người có hoàn cảnh đặc biệt, phải sống dựa vào tiền hỗ trợ của những nhà hảo tâm trong thời điểm cách ly xã hội, cũng đồng ý san sẻ một phần cho hoạt động thiện nguyện" - chị Thảo chia sẻ.

Vô hình trung, một sáng kiến của riêng cộng đồng cựu du học sinh Việt Nam ở Mỹ đã tạo thành một "ngôi nhà chung" liên kết hơn 900 con người với nhau, thông qua đó nhân dân Việt Nam có dịp thể hiện sự cảm thông, chia sẻ chân thành đối với những người bạn cách xa nửa vòng Trái đất.

Hơn 1,2 tỉ đồng được quyên góp sau hai tuần phát động chương trình, ước tính mua được 300.000 chiếc khẩu trang. Tuy nhiên, cần một số tiền tương đương để vận chuyển số hàng đó qua Mỹ. Giữa lúc bối rối, một người thân tình cờ tiết lộ với chị Thảo rằng Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cũng sắp có một chuyến hàng viện trợ sang Mỹ. Rất nhanh chóng, thỏa thuận được sắp đặt giữa ba bên: VUSAC, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và bên tiếp nhận - Hội Chữ thập đỏ Mỹ sẽ chi trả toàn bộ chi phí vận chuyển bằng đường hàng không.

Những thủ tục thông quan cho chuyến hàng viện trợ, vốn dĩ kéo dài hàng tháng trời, nay rút ngắn lại còn vài ngày nhờ sự ủng hộ và tạo điều kiện từ phía Bộ Ngoại giao Việt Nam và Văn phòng Chính phủ.

Ngày 6-5, 300.000 khẩu trang quyên góp bởi VUSAC và 100.000 khẩu trang tài trợ bởi Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã được chuyển giao cho FedEx để vận chuyển bằng đường hàng không sang Mỹ ngay trong tuần.

Có một tình cảm quý mến khá đặc biệt giữa người Việt Nam và người dân Mỹ, dù trong thời điểm chiến tranh ác liệt nhất, theo chị Thảo. "Chính nhờ cái đó mà chiến tranh kết thúc sớm hơn. Sau này bắt đầu quá trình vận động để bình thường hóa quan hệ ngoại giao, chính những nhân tố trong ngoại giao nhân dân đó đã thúc đẩy cho quan hệ Việt - Mỹ", chị nói thêm.

Ngày hôm nay, khi nước Mỹ vẫn đang là tâm dịch COVID-19 của thế giới, tình cảm đó được thể hiện rõ nét hơn, không đơn thuần là sự tin cậy nhau mà còn là sự cảm thông đối với người bạn phương xa đang trong cơn hoạn nạn. "Đó mới chính là động lực khiến chúng tôi thực hiện chương trình và qua đó gắn kết nhân dân hai nước Việt - Mỹ với nhau" - chị Thảo giãi bày.

Kỳ 1: Việt - Mỹ hợp tác chống đại dịch - Ảnh 7.
Kỳ 1: Việt - Mỹ hợp tác chống đại dịch - Ảnh 8.
Kỳ 2: Người mở khóa lãng du - Ảnh 1.

Vượt qua những nghi kỵ lẫn nhau trong hơn 20 năm thời hậu chiến, Tổng thống Bill Clinton và Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã tuyên bố bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ tháng 11-1995. Song trước đó, đã có những cá nhân giúp đẩy nhanh tiến trình này.

Băng qua một đoạn đường nhỏ, có lúc hai bên toàn ruộng đồng, chúng tôi dừng lại nơi căn nhà cách xa khu phố cổ Hội An. Một ông cụ đầu tóc bạc phơ bắt tay chúng tôi và trao danh thiếp với kiểu thiết kế rất "Tây".

Kỳ 2: Người mở khóa lãng du - Ảnh 2.

Phong cách này phù hợp với thông tin về việc ông từng là đại diện ngân hàng của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam thuộc chế độ cũ tại Mỹ hay một doanh nhân địa ốc ở Pháp. Đó là ông Bùi Kiến Thành, từng là trợ lý đặc biệt cho thủ tướng Ngô Đình Diệm trong chính quyền cũ và sau này được biết tới như một chiếc cầu nối Việt - Mỹ trong quá trình mở cửa kinh tế Việt Nam. Ông là một trong những Việt kiều được bầu chọn danh hiệu "Vinh danh nước Việt 2004".

Lớn lên trong cuộc sống của một thanh niên có xuất thân tốt, định mệnh khiến cuộc đời Bùi Kiến Thành lại lắm thăng trầm, như cuốn sách viết về cuộc đời và đóng góp của ông như một chứng nhân lịch sử Bùi Kiến Thành - Người mở khóa lãng du.

Cơ duyên đầu tiên dẫn tới cuộc đời đầy biến động song hành cùng lịch sử của ông Bùi Kiến Thành là những ngày ở New York (Mỹ). Trong quá trình tái thiết, chính phủ của ông Ngô Đình Diệm, dưới sự trợ cấp của tổ chức International Cooperation Administration, khi ấy đã cử ba cán bộ đi Mỹ, trong đó có ông Bùi Kiến Thành, để đào tạo về ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng trung ương. Sau một năm học, Bùi Kiến Thành được giữ lại Mỹ, bổ nhiệm làm đại diện Ngân hàng Quốc gia Việt Nam tại New York. Năm ấy ông mới 25 tuổi.

Trước khi về Việt Nam đầu những năm 1990, ông Bùi Kiến Thành thường xuyên đi - về giữa Pháp và Mỹ. Năm 1984, ông được mời sang Mỹ làm việc cho tập đoàn American International Group (AIG). AIG được phát triển từ tiền thân là tập đoàn bảo hiểm AIU mà ông Thành từng làm đại diện chính thức ở Sài Gòn trước kia.

Kỳ 2: Người mở khóa lãng du - Ảnh 3.

Kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh tế quốc tế dày dặn, đặc biệt là mối quan hệ với doanh nhân và giới chức Mỹ, đã đóng vai trò nền tảng cho vị trí đặc biệt của ông Bùi Kiến Thành đối với việc bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ sau này.

Cụ thể, ông được xem như một trong những người có đóng góp, tham vấn trong tiến trình đổi mới của Việt Nam (Đổi Mới 1986), với hạt nhân là mở rộng quan hệ kinh tế, kéo theo nhu cầu bình thường hóa với Mỹ.

Kể lại với chúng tôi tại Hội An, ông Thành vẫn tâm đắc việc mình là người trao đổi với những người đang tìm cách đổi mới kinh tế Việt Nam những năm đầu thập niên 1980, gồm phó chủ tịch Hội đồng bộ trưởng kiêm bộ trưởng công an (nội vụ) Phạm Hùng khi đó. Sau nhiều tháng, ông Thành kể, chính quyền Việt Nam đồng ý rằng "dân có giàu thì nước mới mạnh".

Kỳ 2: Người mở khóa lãng du - Ảnh 4.
Kỳ 2: Người mở khóa lãng du - Ảnh 5.

Theo chuyên gia Bùi Kiến Thành, bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ là nhu cầu tất yếu của hai bên. Nếu như Mỹ từ giai đoạn 1975 đã xuất hiện các luồng ý kiến kêu gọi tìm cách bình thường hóa với Việt Nam, thì một Việt Nam muốn quật cường kinh tế giai đoạn 1986 cũng không thể bỏ qua thị trường Mỹ - nền kinh tế số 1 thế giới.

Những năm 1986, 1987, một số lãnh đạo Việt Nam xem xét vấn đề đàm phán với Mỹ, nhưng thời điểm ấy không có nhiều kênh liên lạc. Lựa chọn liên lạc thông qua Thụy Điển, một trong những quốc gia thân thiết sớm nhất với Việt Nam, cũng gặp khó khăn liên quan tới quan điểm của các bên về vai trò của Việt Nam ở Campuchia. Ông Bùi Kiến Thành, với mối quan hệ với phía Mỹ, một lần nữa có dịp thể hiện đóng góp như một "cầu nối ngoại giao".

Kỳ 2: Người mở khóa lãng du - Ảnh 6.

"Do tôi là một trong những người hiếm hoi có quá khứ làm việc với chính quyền Mỹ cấp cao nhất cũng như lãnh đạo xã hội và kinh tế Mỹ, khi Chính phủ Việt Nam cần móc nối với Chính phủ Mỹ, tôi có thể giúp kết nối với các cầu nối bên kia. Tất cả những gì tôi làm từ vài chục năm qua như một sứ mệnh của bản thân tôi. Không phải tôi tài giỏi gì, nhưng tôi lại vô tình ở một cái thế tốt để làm được những nhiệm vụ như thế" - ông Bùi Kiến Thành nói.

Cứ như vậy suốt từng ấy năm, ông Bùi Kiến Thành đóng góp thầm lặng vào việc giải quyết từng bước những yêu cầu tiên quyết cho việc nối lại quan hệ Việt - Mỹ, sử dụng chính những gì mình có từ thời làm việc cho chế độ cũ để giúp hàn gắn những vết nứt giữa hai bên. Như chính ông thừa nhận, có rất nhiều người giỏi và "có cái thế" giống ông, nhưng không phải ai cũng sẵn sàng góp sức cho đại cục.

Còn bản thân ông, nửa thế kỷ bôn ba, đi đi về về, hoạt động như một con thoi trong quan hệ Việt - Mỹ chính là một sứ mệnh.

Khi chúng tôi chào tạm biệt ông ra về, người phụ nữ trạc tuổi 40 trong nhà ông ra tiễn. Bà chia sẻ đôi điều về sức khỏe của ông, và về việc con, cháu có lúc "giận" ông vì không chịu về Mỹ sống: "Ông ấy nói phải ở Việt Nam, còn giúp được thì cứ giúp".

Kỳ 2: Người mở khóa lãng du - Ảnh 7.
Kỳ 3: Những “sứ giả” giáo dục - Ảnh 1.

Thượng nghị sĩ Mỹ William Fulbright đã sáng lập ra học bổng Fulbright với ý nghĩa rằng: "Để thêm bạn, bớt thù, giáo dục chính là con đường tốt nhất". Quan điểm giáo dục thúc đẩy tình bằng hữu rất đúng với quan hệ Việt - Mỹ những năm đầu thời hậu chiến.

GS Herbert Covert, Đại học Colorado (Mỹ), là một trong những "sứ giả giáo dục" thế hệ đầu của chương trình Fulbright sau khi Việt Nam và Mỹ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1995. Ông hai lần sang Việt Nam với tư cách học giả của chương trình những năm 2001 và 2009.

Kỳ 3: Những “sứ giả” giáo dục - Ảnh 2.

Nhưng những trải nghiệm Việt Nam của GS Covert bắt đầu sớm hơn thế, từ năm 1998, khi ông cùng các cộng sự Việt Nam của mình ở Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội và Viện sinh học Nhiệt đới khảo sát và tiến hành các nghiên cứu sinh học tại nhiều vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên trên khắp đất nước.

"Năm 1998 khi tôi đến Việt Nam lần đầu, đất nước này trong mắt nhiều người Mỹ vẫn bị coi là "kẻ thù" với những đối lập sâu sắc trong hệ thống chính trị và hệ tư tưởng. Tuy nhiên khi đặt chân đến mảnh đất này, tôi lại được chào đón bởi rất nhiều người Việt Nam, đặc biệt là các cộng sự ở Đại học Khoa học Tự nhiên. Họ dành cho tôi tình cảm chân thành giữa những người nghiên cứu. Chúng tôi gắn kết với nhau bởi lòng say mê khoa học. Tất cả tạo nên những chất xúc tác mạnh mẽ để tôi thấy mình thuộc về nơi này", ông Covert nói với Tuổi Trẻ.

Kỳ 3: Những “sứ giả” giáo dục - Ảnh 3.

Đã 16 năm trôi qua, GS Herbert Covert vẫn chưa quên những cảm xúc của mình trong lần đầu tiên nhìn thấy một con voọc mũi hếch từ khoảng cách 30m. Đó là một buổi sáng tháng 6 mát lạnh trên núi đá Hà Giang, ông Covert theo chân học trò - TS Lê Khắc Quyết, người sau này trở thành Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học và Loài nguy cấp - trên hành trình tìm kiếm những quần thể linh trưởng đặc chủng trong các cánh rừng Tây Bắc.

"Ông là người nước ngoài đầu tiên được nhìn thấy loài linh trưởng này", Quyết nói với tôi như thế. "Nhiều năm đã trôi qua, nhớ lại câu nói đó tôi lại thấy vô cùng tự hào", ông chia sẻ.

Theo GS Covert, hợp tác trong môi trường học thuật là một trong những yếu tố đem hai đất nước đến gần nhau hơn, đồng thời mở mang cho những nhà nghiên cứu những cái nhìn mới mẻ và ý tưởng độc đáo.

Hơn 20 năm đi về giữa Việt Nam và Mỹ đã mang đến cho GS Covert những tình bạn đẹp với các học giả địa phương. Nhiều trong số đó đã trở thành những người tiên phong trong bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học ở Việt Nam.

Kỳ 3: Những “sứ giả” giáo dục - Ảnh 4.

Bên phía Việt Nam, một trong những nhân vật cũng góp công vào chiếc cầu ấy có thể kể đến ông Trần Đức Cảnh, hiện là thành viên Hội đồng quốc gia về Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực 2016 - 2021.

Sinh ra tại Khánh Hòa và sang Mỹ năm 1975, thời điểm mới 19 tuổi, ông Trần Đức Cảnh đã trải nghiệm nhiều ngành học khác nhau, từ kỹ sư hàng không cho tới kinh tế, chuyên về kinh tế lao động. Nhưng sau đó, ông lại thấy mình phù hợp khi đi sâu vào mảng phát triển nguồn nhân lực. Trong vai trò này, ông Cảnh đã đóng góp ở lĩnh vực quản lý nhà nước trong chính quyền bang Massachusetts, phụ trách nhiều vấn đề như trợ cấp xã hội, thực phẩm, y tế, nhà cửa, tạo công ăn việc làm cũng như đào tạo nguồn nhân lực.

Trong vài chục năm qua, ông Cảnh đã trở thành một trong những nhân vật nổi bật đóng góp cho giao lưu giáo dục Việt - Mỹ.

Cựu cố vấn Hội đồng tuyển sinh đại học Harvard này còn nhớ rõ những ngày đầu khi các nhóm hoạt động muốn đưa chương trình Fulbright vào Việt Nam. "Vì hai nước chưa có liên hệ với nhau, vì vậy phải sử dụng một địa chỉ trung gian tư nhân là Đại học Harvard để ‘hợp thức hóa’ một chương trình đào tạo của Mỹ tại Việt Nam", ông Cảnh kể.

Kỳ 3: Những “sứ giả” giáo dục - Ảnh 5.
Kỳ 3: Những “sứ giả” giáo dục - Ảnh 6.

Chuyện giáo dục giúp xóa nhòa hoài nghi lẫn nhau cũng được cựu đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Cường cảm nhận. Công tác giai đoạn 2011 - 2014, ông Nguyễn Quốc Cường là đại sứ thứ tư của Việt Nam ở Mỹ thời hậu chiến nhưng lại là vị đại sứ Việt Nam đầu tiên từng du học ở Mỹ theo chương trình Fulbright.

Từ năm 1992 đến nay, đã có khoảng 600 người Việt Nam từng được nhận học bổng danh giá này. Nhiều trong số đó đang giữ những vị trí lãnh đạo chủ chốt trong các cơ quan Nhà nước, các Viện nghiên cứu, các cơ sở kinh tế Nhà nước và tư nhân của Việt Nam.

Kỳ 3: Những “sứ giả” giáo dục - Ảnh 7.

Ông Cường cho biết: "Nhìn rộng ra, các chương trình hợp tác về giáo dục hay hợp tác về y tế giữa hai nước vào đầu những năm 1990 có thể coi là những bước khai phá quan trọng theo kênh chúng ta vẫn gọi là ngoại giao nhân dân, góp phần phá vỡ tảng băng, phá vỡ những nghi kỵ để hai nước tiến tới thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ vào năm 1995".

Tại thời điểm ông Cường còn giữ vai trò đại sứ ở Mỹ, đã có khoảng 16.000 du học sinh Việt Nam tại khắp các bang. Trong 5 năm qua, con số này đã tăng gấp đôi, hơn 30.000, đưa Việt Nam thành quốc gia gửi học sinh sang Mỹ đông nhất trong các nước thuộc ASEAN.

"Số du học sinh này, cùng với các du học sinh Việt Nam ở nhiều nước khác nhau trên thế giới là nguồn lực rất quan trọng cho sự phát triển của đất nước trong tương lai",ông Cường nhận định.

Kỳ 3: Những “sứ giả” giáo dục - Ảnh 8.
Kỳ 4: Ông Leahy và chị Thảo - Ảnh 1.

Sau sự kiện bình thường hóa quan hệ hai nước năm 1995, các vấn đề hậu chiến vẫn còn hết sức nhạy cảm, là vết thương nhức nhối không chỉ với người Việt Nam mà còn với người Mỹ.

Đáp lại sự giúp đỡ tích cực của Việt Nam trong chương trình Tìm kiếm tù binh và người Mỹ mất tích trong chiến tranh (POW/MIA), phía Mỹ cũng đã thiện chí giải quyết các di sản chiến tranh ở Việt Nam bao gồm chất độc da cam/dioxin và bom mìn, vật nổ còn sót lại.

Theo lời cựu Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Cường, khắc phục hậu quả chiến tranh đã trở thành một trong những chương trình lớn của quan hệ Việt - Mỹ trong hơn 20 năm qua và là điểm sáng giúp hai cựu thù trong quá khứ có thể gọi nhau là bạn bè, đối tác như hiện tại.

Kỳ 4: Ông Leahy và chị Thảo - Ảnh 2.

Thượng nghị sĩ Patrick Leahy là một trong những nhân vật có đóng góp quan trọng nhất ở phía Mỹ nhằm giải quyết vấn đề khắc phục hậu quả chiến tranh tại Việt Nam. Ông đến Việt Nam lần đầu tiên năm 1996 để gặp và thảo luận với các bên liên quan về cách thức mà Mỹ và Việt Nam có thể tiến hành để rà phá bom mìn, vật nổ còn sót lại. Sau này, khi đã trở thành Chủ tịch Thượng viện Mỹ, ông Leahy nhiều lần quay trở lại Việt Nam để thúc đẩy các nỗ lực giải quyết di sản chiến tranh, mà ông từng bắt đầu vào năm 1996.

Thật ra ông bắt đầu các nỗ lực hỗ trợ người khuyết tật ở Việt Nam kể từ khi Tổng thống Bush (cha) còn đương chức. Vào thời điểm đó, ông tập trung chủ yếu vào nạn nhân của bom mìn còn sót lại sau chiến tranh. Năm 1989, Quỹ Nạn nhân Chiến tranh Partrick Leahy trở thành chương trình hỗ trợ đầu tiên của Mỹ cho người dân Việt Nam thời kỳ hậu chiến. Kể từ đó, Quỹ Leahy đã giúp đỡ hàng ngàn nạn nhân chiến tranh Việt Nam, những người bị mất chân, tay, có thể đi lại và tự lập thông qua việc trao tặng tay chân giả, xe lăn và các khóa dạy nghề.

Khi còn là đại sứ Việt Nam tại Mỹ (2011 - 2014), ông Nguyễn Quốc Cường đã gặp thượng nghị sĩ Patrick Leahy và được nghe kể một câu chuyện xúc động. Đó là lần ông Leahy sang Việt Nam để tặng xe lăn cho những người khuyết tật do bom mìn. Tại buổi lễ hôm đó, có một thanh niên bị cụt hai chân đề nghị được ông bế lên xe lăn.

Cảm giác đầu tiên khi bế người thanh niên đó lên là hụt hẫng, bởi vì người Việt Nam vốn thấp bé nay bị mất hai chân nên trở nên rất nhẹ, khiến ông Leahy tưởng chừng như không có kí lô nào cả. Rồi thì người thanh niên đó kéo nhẹ cổ áo của ông Leahy lại. Ông giật mình, ngỡ mình đã làm điều gì thất thố. Nhưng hóa ra người thanh niên quàng cánh tay còn lại lên cổ ông để nói cảm ơn.

Kỳ 4: Ông Leahy và chị Thảo - Ảnh 3.

"Ông Patrick Leahy nói với tôi rằng cả đời không bao giờ có thể quên được nghĩa cử đó của người thanh niên Việt Nam", Đại sứ Quốc Cường kể lại.

Khi kết thúc nhiệm kỳ ở Mỹ, ông Cường có đến chào từ biệt ông Leahy. Vị chính trị gia Mỹ cảm ơn những đóng góp của Đại sứ Cường trong việc phát triển quan hệ song phương giữa hai nước, đặc biệt là sắp xếp chuyến thăm lịch sử của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Đồng thời, ông cũng đánh giá đại sứ Cường là một đại sứ xuất sắc của Việt Nam tại Mỹ.

"Lúc đó, tôi cảm ơn những lời đánh giá, động viên của ông Patrick Leahy. Tuy nhiên, tôi có nói với ông ấy rằng người đại sứ xuất sắc nhất của Việt Nam tại Mỹ chính là người thanh niên cụt chân đã quàng tay lên cổ ông Leahy để cảm ơn cách đây nhiều năm trước. Nghe thấy thế, ông ấy rất xúc động, đứng lên bắt tay, ôm tôi và bảo rằng: 'Ông nói rất đúng!'".

Đại sứ Cường kể thêm rằng khi còn làm Phó Chủ tịch Ủy ban chuẩn chi ngân sách Quốc hội Mỹ và Chủ tịch thượng viện Mỹ, thượng nghị sĩ Patrick Leahy luôn nói với trợ lý thân cận Tim Rieser - một người cũng có nhiều tình cảm với Việt Nam - rằng luôn luôn phải nhớ dành ra một khoản hằng năm cho việc giải quyết hậu quả chiến tranh tại Việt Nam.

Kỳ 4: Ông Leahy và chị Thảo - Ảnh 4.
Kỳ 4: Ông Leahy và chị Thảo - Ảnh 5.

Thượng nghị sĩ Patrick Leahy có mối quan hệ rất thân thiết với một phụ nữ Việt, đó là chị Nguyễn Thu Thảo - cựu Trưởng đại diện Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam(VVAF) bởi hai người cùng có mối quan tâm chung đặc biệt trong trong các vấn đề giải quyết hậu quả chiến tranh tại Việt Nam.

Ngày 16-9-2010, trong bài phát biểu tại Thượng viện Mỹ, ông Leahy đã nhấn mạnh vai trò của VVAF, mà ở đó chị Thảo nắm giữ một trong những vị trí chủ chốt, là "không thể thiếu" trong việc thực hiện các nỗ lực này tại Việt Nam.

Cơ duyên khiến chị Thảo chọn con đường đóng góp hàn gắn vết thương chiến tranh cũng rất tình cờ. Đúng vào ngày cưới của chị (17-11-2000), cả gia đình chị dán mắt vào màn hình theo dõi bài phát biểu của Tổng thống Bill Clinton tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông là tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam thời hậu chiến. "Chúng tôi mong muốn tăng cường các chương trình hợp tác với Việt Nam trên mọi lĩnh vực. Chúng tôi muốn tiếp tục chương trình rà phá bom mìn vật nổ", tuyên bố của ông Clinton ngay lập tức thu hút được sự chú ý của chị Thảo.

Cùng thời điểm chuyến thăm của Tổng thống Bill Clinton, Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam (VVAF) - tổ chức từng nhận được giải Nobel Hòa bình năm 1997 cho chiến dịch chống sử dụng mìn sát thương trên toàn thế giới, khởi động một số khảo sát về vật nổ chiến tranh còn sót lại với sự hợp tác cùng Bộ Quốc phòng Việt Nam.

Tò mò về sứ mệnh của tổ chức VVAF, chị Thảo quyết định nộp đơn làm việc cho VVAF dù đang là cán bộ dự án dân tộc thiểu số của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Hà Giang. "Cho dù chỉ mới có một chút hiểu biết về bom mìn ở quê hương mình thôi, nhưng tham gia dự án này sẽ cho mình cơ hội được hiểu thêm về hậu quả của cuộc chiến tranh ở Việt Nam từ một góc nhìn khác - của những người bên kia chiến tuyến và ảnh hưởng của nó để lại cho đời sống của người dân Mỹ", chị Thảo nhớ lại động lực đã thúc đẩy mình nộp đơn.

Kỳ 4: Ông Leahy và chị Thảo - Ảnh 6.

Năm 2004, chị Thảo lên đường sang Mỹ với học bổng Fulbright cho ngành quan hệ quốc tế cùng một nguyện vọng duy nhất: trường nào cũng được, miễn là ở Washington DC, nơi đặt trụ sở chính của VVAF. Ban ngày chị đi làm việc ở trụ sở chính của VVAF, ban đêm đến trường và thường xuyên tháp tùng Chủ tịch VVAF là ông Bobby Muller trong những buổi gặp mặt của chính giới và học giả địa phương cũng như nghe những buổi điều trần liên quan đến Việt Nam ở Thượng viện và Hạ viện Mỹ.

Ròng rã một năm rưỡi ở xứ cờ hoa, chị Thảo kết thúc chương trình học và trở về Việt Nam. Và một nhiệm vụ mới được mở ra. Một ngày giữa năm 2006, ông Bobby Muller gọi chị Thảo đến để đưa ra đề xuất: "Hãy bắt đầu chương trình xử lý chất độc màu da cam tại Việt Nam".

Nhờ vào sự thúc đẩy của ông Leahy và trợ lý Rieser, tháng 5-2007, Chính phủ Mỹ tuyên bố sẽ cung cấp 3 triệu USD "cho các hoạt động khắc phục hậu quả về môi trường và sức khỏe ở những khu vực bị ô nhiễm dioxin ở Việt Nam".

Từ 3 triệu USD ban đầu, cho đến nay, phía Mỹ đã chi hơn 100 triệu USD cho việc tẩy độc Sân bay Đà nẵng và cam kết dành 300 triệu USD cho tẩy độc Sân bay Biên Hòa. Ngoài ra, từ năm 1989, 125 triệu USD đã được Chính phủ Mỹ dành cho chương trình hỗ trợ người khuyết tật tại Việt Nam, giúp đỡ khoảng hơn 1 triệu người.

Kỳ 4: Ông Leahy và chị Thảo - Ảnh 7.
Kỳ 5: Tôn trọng quá khứ, vun đắp tương lai - Ảnh 1.
Kỳ 5: Tôn trọng quá khứ, vun đắp tương lai - Ảnh 2.

Trong 25 năm qua, Việt Nam và Mỹ đã ghi dấu một chặng đường từ cựu thù đến đối tác trong nhiều lĩnh vực. Trước những thách thức đương đại, hai nước sẽ chọn cách đối diện như thế nào để cùng nhau vượt qua khó khăn và thắt chặt mối quan hệ bằng hữu?

Tuổi Trẻ có cuộc trò chuyện với Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink để cùng nhìn lại quá khứ và xem xét những triển vọng tương lai cho quan hệ song phương đầy đặc biệt này.

Kỳ 5: Tôn trọng quá khứ, vun đắp tương lai - Ảnh 3.

25 năm qua, từ cựu thù trong quá khứ, Việt Nam và Mỹ ngày nay đã có thể gọi nhau là bạn bè. Ông suy nghĩ gì về tiến trình này? Liệu một phần tư thế kỷ có quá dài hay quá ngắn cho sự thay đổi này?

- 25 năm là quãng thời gian tương đối dài nếu nói về cuộc đời của một con người.

Tuy nhiên, tôi cảm thấy ngạc nhiên khi Mỹ và Việt Nam có thể xây dựng quan hệ đối tác nhanh chóng và thành công đến như thế trong thời gian qua. Và chúng ta cần cảm thấy tự hào về điều đó.

Giữ những phẩm chất này, sẽ không có gì hai nước chúng ta không thể làm được. Những con số thống kê sẽ cho chúng ta thấy Việt Nam và Mỹ đã đi được quãng đường dài thế nào.

Từ chỗ không có quan hệ kinh tế, ngày nay giá trị thương mại giữa hai nước đã đạt 77 tỉ USD.

Từ chỗ không có quan hệ an ninh, ngày nay, tôi có thể tự tin mà nói rằng Việt Nam là một trong số những đối tác quốc phòng quan trọng nhất của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Trong vòng 5 năm qua chúng ta có 3 Tổng thống Mỹ đến thăm Việt Nam và hai cuộc viếng thăm cấp lãnh đạo của Việt Nam đến Mỹ. Hợp tác trong lĩnh vực nhân đạo và khắc phục hậu quả chiến tranh vẫn đang được tiếp tục.

Hàng năm, nước Mỹ đón khoảng 30.000 du học sinh từ Việt Nam, nhiều nhất trong số các nước thuộc khối ASEAN.

Nếu cần một minh chứng rõ ràng cho tiến trình mà hai bên đã trải qua, chúng ta hãy nhìn lại tháng 2-2019 khi Việt Nam trở thành nơi tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều. Sự lựa chọn đó được đưa ra bởi lòng tin vào khả năng của Việt Nam. Và Việt Nam đã minh chứng cho cả thế giới thấy trách nhiệm của một nước chủ nhà, đồng thời, trở thành ví dụ mạnh mẽ cho cầu nối hòa bình.

Kỳ 5: Tôn trọng quá khứ, vun đắp tương lai - Ảnh 4.

Ông có so sánh quãng thời gian 25 năm trong quan hệ Việt - Mỹ với cuộc đời một con người. Ở tuổi 25, người ta thường nói đến sự chênh vênh khi đứng trước nhiều sự lựa chọn. Trong quan hệ Việt - Mỹ, giữa lúc thời thế bấp bênh như hiện nay, chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức và cơ hội gì, thưa ông?

- Tôi nghĩ rằng cơ hội và thách thức luôn song hành. Là người lạc quan, tôi nghĩ mình chỉ nên tập trung nhìn vào cơ hội mà hai nước có thể tiếp tục thúc đẩy các lợi ích chung.

Chúng tôi đang nhận thấy nhiều cơ hội kinh doanh ở Việt Nam, trong các lĩnh vực mà Mỹ có năng lực, có thể kể đến năng lượng, y tế, công nghệ thông tin, phát triển cơ sở hạ tầng, vận tải và dịch vụ số.

Tuy nhiên vẫn còn nhiều rào cản như vấn đề thuế, minh bạch trong chính sách và cách thức Việt Nam phát triển dịch vụ số như thế nào sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc phát triển tiềm năng của các bạn.

Trên phương diện an ninh, quan điểm và lợi ích của chúng ta về vấn đề Biển Đông gần như là song trùng. Hai nước đều mong muốn duy trì ổn định, hòa bình và thượng tôn pháp luật trong khu vực. Tôi nghĩ rằng việc chia sẻ những giá trị chung đó sẽ tạo nên nền tảng vững chắc và góp phần thúc đẩy các hợp tác trên Biển Đông, khu vực sông Mekong và ngay cả quá trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Ông bắt đầu sự nghiệp ngoại giao vào năm 1994 - một năm trước khi Việt Nam và Mỹ chính thức bình thường hóa quan hệ. Hình ảnh Việt Nam trong mắt người dân Mỹ thời đó như thế nào và cá nhân ông thấy những ấn tượng đó đã thay đổi ra sao trong 25 năm vừa qua?

- Những ngày đầu của sự nghiệp, tôi cảm thấy một sự phấn khích và tràn đầy hi vọng trong suốt thời gian Việt Nam và Mỹ rục rịch thiết lập quan hệ ngoại giao. Bao trùm quanh cảm giác đó là niềm tin vào "một khởi đầu mới" cho đôi bên.

Tôi cảm thấy hạnh phúc khi được sống qua những ngày tháng đó và may mắn khi được bổ nhiệm làm Đại sứ ở Việt Nam.

Đối với phần đông người Mỹ, khi nghĩ đến đất nước các bạn, điều đầu tiên hiện lên trong đầu họ là chiến tranh. Và tôi tự hào khi nghĩ rằng mình là một trong hàng triệu người Mỹ biết được Việt Nam là một đất nước tươi đẹp với những con người hào hiệp và tài năng.

Đối với tôi, đó là sự thay đổi lớn nhất.

Trong suốt 3 năm tại đây và trước đó là quá trình công tác về vấn đề Việt Nam cho Washington, tôi nhận thấy Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng và có năng lực nhất mà chúng tôi có trong khu vực, nếu không nói là trên cả phạm vi toàn thế giới.

Chúng tôi thực sự trân trọng điều đó.

Tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố chính thức bình thường hóa quan hệ với Việt Nam

Kỳ 5: Tôn trọng quá khứ, vun đắp tương lai - Ảnh 6.

Kinh tế Việt Nam đang dần lấy lại động lực sau quãng thời gian ngưng trệ bởi đại dịch COVID-19. Việt Nam thời gian qua cũng đã ký nhiều hiệp đinh tự do thương mại thế hệ mới, đồng thời, nâng cao các quy chuẩn về điều kiện lao động. Ông có gợi ý gì cho Việt Nam trong việc thúc đẩy đầu tư, đặc biệt là từ phía Mỹ, và gia tăng lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh hiện nay?

- Về kinh tế, Việt Nam đã có một sự phát triển vượt bậc. Ngân hàng Thế giới đã xếp Việt Nam là nền kinh tế phát triển nhanh thứ hai toàn cầu trong 20 năm qua và có nhiều triển vọng trong 20 năm tới.

Đất nước của các bạn có rất nhiều cơ hội. Điều Việt Nam cần làm để thu hút đầu tư nước ngoài và tiếp tục vai trò là một đối tác tin cậy là tạo ra những chính sách ổn định về mặt pháp chế và quan tâm đến bảo vệ môi trường để thu hút sự chú ý của các công ty vào Việt Nam.

Các công ty Mỹ luôn đưa ra nhũng quyết định độc lập cho việc đầu tư vào nơi nào chứ không đơn giản là làm những gì chính phủ bảo. Điểm thu hút của Việt Nam nằm ở tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng, sự ổn định chính trị và nguồn nhân lực được thụ hưởng một nền giáo dục tốt.

Chúng tôi nghĩ rằng Việt Nam nên giữ động lực đó và tiếp tục bảo vệ danh tiếng của mình, giảm bớt rào cản thuế ở một số ngành nhất định cũng như gia tăng các dịch vụ số và thúc đẩy tiến tới Cách mạng công nghiệp 4.0.

Kỳ 5: Tôn trọng quá khứ, vun đắp tương lai - Ảnh 7.

Căng thẳng trên Biển Đông đang ngày càng leo thang. Sự hợp tác của Việt Nam và Mỹ sẽ diễn ra như thế nào để đảm bảo quyển và lợi ích chính đáng của các bên liên quan trên vùng biển này?

- Đó không chỉ là vấn đề của riêng Mỹ hay Việt Nam mà còn là mối quan tâm chung của nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Chúng ta chia sẻ các giá trị, tôn trọng luật pháp quốc tế, thượng tôn pháp luật, tự do hàng hải, tự do vùng trời, thăm dò và khai thác hợp pháp tài nguyên thiên nhiên cũng như có niềm tin vào Biển Đông ổn định.

Chúng tôi đang làm việc hết sức để đạt được mục tiêu đó.

Thật đáng thất vọng và phiền lòng khi Trung Quốc lợi dụng tình hình dịch bệnh để hung hăng đề ra yêu sách vô lý trên Biển Đông.

Các nước chia sẻ những giá trị sẽ cùng nhau làm việc để đảm bảo công lý được thực thi trên Biển Đông, trong đó ASEAN có vai trò đặc biệt quan trọng.

Mỹ đang hỗ trợ những người bạn của mình nhằm nâng cao năng lực hàng hải. Điều này rất quan trọng, bởi lẽ khi các nước hiểu được rằng điều gì đang diễn ra với lãnh thổ của họ, họ cần đấu tranh để thay đổi điều đó.

Biển Đông có vai trò không thể thiếu trong kinh tế toàn cầu và những gì đang xảy ra tại đây có ảnh hưởng rất lớn đến an ninh và kinh tế trong khu vực.

Khi nhắc đến những người phá băng cho quan hệ Việt - Mỹ, người ta thường nhớ đến cựu thượng nghị sĩ John McCain hay cựu ngoại trưởng John Kerry. Hai nhân vật này, một người đã mất, người còn lại đã rời xa chính trường. Theo ông, đâu là thế hệ kế cận sẽ thúc đẩy cho mối quan hệ này?

- Đây là một câu hỏi quan trọng mà chính chúng tôi cũng thường đặt ra cho mình. Tôi không có nghi ngờ gì rằng chính quyền Mỹ, cho dù là bất kể ai đi chăng nữa sẽ tiếp tục làm sâu đậm hơn mối quan hệ với Việt Nam. Tôi không có thẩm quyền để chỉ định ai sẽ là người tiêp theo phụ trách các vấn đề Việt Nam.

Hãy nhìn vào những chính khách Mỹ đã đến đây trong hơn hai năm vừa qua. Có ít nhất 11 thượng nghị sĩ Mỹ đã thăm đất nước của các bạn với sự dẫn dắt của cựu chủ tịch thượng viện Patrick Leahy.

Tất cả họ đều tỏ ý mong muốn trở thành những người ủng hộ nhiệt thành cho quan hệ hai nước, có thể kể đến các ông Tim Kaine, Tom Udall, Rob Portman và nhiều cái tên khác.

Điều này có được là nhờ những nỗ lực của thượng nghị sĩ Patrick Leahy trong việc tạo dựng nền móng cho quan hệ Việt - Mỹ qua nhiều thập kỷ.

Đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng từng đến Việt Nam 2 lần.

Tôi không biết rằng liệu có quan trọng khi có một hoặc hai chính khách ở Mỹ đứng ra nhận mình là chất xúc tác cho quan hệ hai nước hay không.

Điều quan trọng hơn là có sự đồng lòng từ phía chính quyền và nhân dân Mỹ, giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hoà trong việc tiếp tục vun vén cho mối quan hệ này.

Kỳ 5: Tôn trọng quá khứ, vun đắp tương lai - Ảnh 8.
Kỳ 5: Tôn trọng quá khứ, vun đắp tương lai - Ảnh 9.

Tuần rồi, tôi cùng ba vị nguyên Đại sứ Việt Nam tại Washington DC là anh Lê Bàng, anh Lê Công Phụng, và anh Phạm Quang Vinh có buổi ăn tối thân mật với đương kim Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink.

Cuộc trò chuyện xoay quanh những trải nghiệm của chúng tôi ở hai nước trên cương vị những nhà ngoại giao và cùng nhau đưa ra những đánh giá về tương lai mối quan hệ này.

Một điều thú vị là tất cả chúng tôi đều có chung cảm nhận rằng 25 năm qua Việt Nam và Mỹ đã có những bước tiến thật dài. Từ cựu thù, hai bên từng bước hàn gắn để phát triển thành quan hệ đối tác toàn diện - những điều mà hơn hai thập kỷ trước vẫn còn quá khó để hình dung.

Những con số thống kê ấn tượng về kinh tế, thương mại, đầu tư; sự hợp tác về chính trị ngoại giao, quốc phòng và sự phối hợp trong những vấn đề liên quan an ninh khu vực là minh chứng rõ ràng cho những nỗ lực đáng tự hào mà chúng ta đã xúc tiến cùng nhau.

Tôi đặc biệt chú ý đến câu chuyện mà ông Đại sứ Mỹ chia sẻ với báo giới Việt Nam nhân dịp này, rằng những chuyến đi khiến ông cảm thấy xúc động nhất là khi đến viếng thăm Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn và gặp gỡ với những cựu binh Việt Nam, cùng nắm tay họ bước đi trên cầu Hàm Rồng, nơi xưa kia là địa bàn giao tranh ác liệt.

Đó là hành động mang tính biểu tượng nhưng đồng thời cũng đã cho chúng ta thấy niềm tin giữa hai nước đã được vun vén trong 25 năm qua như thế nào. Và chúng ta có quyền nhìn vào đó để hi vọng về những gì hai nước có thể làm cùng nhau trong những năm tiếp theo.

Phía Mỹ mới đây đã tuyên bố sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc tìm kiếm bộ đội mất tích và giải quyết hậu quả chiến tranh. Đối với tôi, đó là những tín hiệu rất đáng hoan nghênh, giúp rải đường cho hai nước đi đến một tương lai tươi sáng hơn nữa.

Buổi trò chuyện thân mật cũng là lúc chúng tôi nhìn lại những dấu mốc đáng nhớ trong quan hệ hai nước mà mình có cơ hội chứng kiến. Trong nhiệm kỳ đại sứ của tôi (2011-2014), chuyến thăm chính thức Mỹ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang năm 2013, đã mở ra một giai đoạn mới qua quan hệ Việt - Mỹ. Từ đây, hai nước đã có thể gọi nhau bằng cái tên "đối tác toàn diện".

Kỳ 5: Tôn trọng quá khứ, vun đắp tương lai - Ảnh 10.

Trong tuyên bố chung Việt - Mỹ nhân chuyến thăm của Chủ tịch Trương Tấn Sang, nguyên tắc "tôn trọng thể chế chính trị" đã được tô đậm, cùng các nguyên tắc khác như "tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc, luật pháp quốc tế" và "tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau", trở thành kim chỉ nam cho mối quan hệ này.

7 năm qua, những quyết tâm cao độ của lãnh đạo hai nước trên cơ sở tôn trọng các lợi ích chung đã bồi đắp thêm cho niềm tin vào mối quan hệ Việt - Mỹ và tạo động lực cho những hợp tác thực chất hơn.

Tôi đồng ý với quan điểm của ngài Đại sứ Mỹ rằng không quá quan trọng cái nhãn chúng ta đặt cho mối quan hệ này là gì, Đối tác toàn diện hay Đối tác chiến lược. Điều chúng ta bận tâm hơn là làm thế nào để mối quan hệ đó dẫn tới những thành tựu mới, thực chất và hiệu quả hơn nữa trong tương lai.

Nhìn lại 25 năm qua, chúng tôi - những người từng và đang làm cầu nối cho quan hệ đặc biệt này - càng thêm tin tưởng rằng những gì chúng ta đã đạt được chỉ mới là bước khởi đầu.

Tương lai ắt hẳn còn nhiều khó khăn, nhưng nếu vẫn giữ được lòng tin và sự kiên định với các giá trị đã được hai bên thống nhất, chúng ta sẽ còn cùng nhau chứng kiến những bước tiến dài hơn nữa.

Kỳ 5: Tôn trọng quá khứ, vun đắp tương lai - Ảnh 11.
Kỳ 5: Tôn trọng quá khứ, vun đắp tương lai - Ảnh 12.
Kỳ 5: Tôn trọng quá khứ, vun đắp tương lai - Ảnh 13.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0