12/10/2019 09:36 GMT+7

17 năm Tiếp sức đến trường: 'Cứ gõ, cửa sẽ mở'!

LÊ ĐỨC DỤC
LÊ ĐỨC DỤC

TTO - Có cô học trò nghèo mẹ cha ốm nặng, giấy báo trúng tuyển đại học được đóng khung treo tường vì người trúng tuyển không có tiền nhập học... Những chuyện trò nghèo vượt khó luôn khơi dòng cảm xúc bạn đọc về tấm gương nghị lực hơn người.

17 năm Tiếp sức đến trường: Cứ gõ, cửa sẽ mở! - Ảnh 1.

Tân sinh viên Nguyễn Trương Thị Kim Thoa - ngành kế toán Trường CĐ Quốc tế TP.HCM (quê ở Cai Lậy, Tiền Giang) - nghẹn ngào bên người mẹ bán vé số trong buổi nhận học bổng Tiếp sức đến trường tại tỉnh Bến Tre - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

"Nếu em đọc được bình luận này thì nhắn tin cho anh nhé! Anh là người Quảng Trị ở Đà Lạt và có quán cà phê để em có thể làm thêm...". Đó là dòng phản hồi của bạn đọc tên Thường về bài báo Và sáng nay Hoàng đã không bỏ cuộc nữa, bắt xe vào Đà Lạt...

Chung tay giúp sức

17 năm Tiếp sức đến trường: Cứ gõ, cửa sẽ mở! - Ảnh 2.

Đồ họa: TUẤN ANH

Hoàng trúng tuyển vào ngành quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành của Trường ĐH Đà Lạt. Hồ sơ học bổng của Hoàng nộp muộn khi danh sách đã chốt, ban tổ chức đã thu xếp thêm một suất học bổng cho Hoàng.

Hai hôm sau, khi biết mình sẽ nhận được học bổng Tiếp sức đến trường, Hoàng nhắn tin cho phóng viên Tuổi Trẻ rằng hãy chuyển suất học bổng ấy cho bạn khác, em sẽ không đi học ĐH nữa. Dù đó là suất học bổng đặc biệt 15 triệu đồng nhưng bốn năm học là quá dài với hoàn cảnh của em.

Hoàng đã quyết định vào Đà Nẵng kiếm việc làm. Tuổi Trẻ đã liên hệ với Trường ĐH Đà Lạt xin cho Hoàng nhập học muộn hơn các bạn. Một cán bộ Trường ĐH Đà Lạt tìm cho Hoàng một chỗ nội trú ký túc xá, đồng thời liên lạc với một nhóm thiện nguyện tìm cho Hoàng một công việc để vừa làm vừa học. Phóng viên Tuổi Trẻ cũng liên hệ Ngân hàng Chính sách xã hội Quảng Trị để cùng tìm sự hỗ trợ sớm nhất, tốt nhất cho trường hợp của Hoàng.

"Tân sinh viên gặp khó khăn hãy gọi Tuổi Trẻ", từ "lời hứa" của chương trình, ngoài khoản tiền học bổng còn là sự chung tay cùng làm tất cả những gì có thể để các tân sinh viên khó khăn được đến trường.

"Cứ gõ, cửa sẽ mở", cùng gõ cánh cửa giảng đường và mở ra tương lai cho học trò nghèo, trước hết phải từ nỗ lực của các bạn. Hơn 1.000 tân sinh viên cả nước nhận học bổng Tiếp sức đến trường năm học này, mỗi gương mặt sinh viên nhận học bổng là một câu chuyện đời có giá trị như một bài học.

Nào phải cổ tích!

Cậu học trò nghèo Đào Đỗ Minh Hiếu (18 tuổi, ở xã Phú Nam An, H.Chương Mỹ, Hà Nội) mồ côi mẹ khi đang học lớp 11. Ngày mẹ bệnh nặng, Hiếu từng nghĩ nếu mẹ mất có lẽ mình cũng sẽ chết theo mẹ. Nhưng rồi cuộc đời và những thương yêu đã cân bằng giúp cho Hiếu vững tin bước tiếp. Trong những niềm tin yêu đến với Hiếu có suất học bổng kịp thời cho tuổi 18 của bạn một tương lai tươi sáng hơn.

Còn Trần Thị Hồng Ngọc - cô tân sinh viên ở huyện Nghi Lộc (Nghệ An), đậu vào Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội) với 26,5 điểm, một kết quả rất cao khi mỗi môn bình quân đạt gần 9 điểm - nhà quá nghèo, mẹ tàn tật, tưởng đã không thể đi học. Giấy báo nhập học được em đóng khung treo lên tường như một kỷ niệm.

Suất học bổng đã được ứng trước cho Ngọc trước lễ trao để kịp nhập học. Biết được câu chuyện và hoàn cảnh của Ngọc, PGS.TS Nguyễn Quang Liệu - trưởng phòng chính trị và công tác học sinh sinh viên, Trường ĐH KHXH&NV - đã trực tiếp về quê đưa Ngọc ra Hà Nội. Trường cũng quyết định miễn toàn bộ học phí, tiền ký túc xá cho Ngọc...

17 năm Tiếp sức đến trường: Cứ gõ, cửa sẽ mở! - Ảnh 3.

Trần Thị Hồng Ngọc

Những câu chuyện nghe như cổ tích giữa đời, mười mấy mùa học bổng Tiếp sức đến trường, từ năm 2003 đến nay đã tạo sự lan tỏa cho chương trình học bổng này. Rất nhiều tân sinh viên không chỉ có gia cảnh khó khăn mà chính các em cũng đang đối mặt với bệnh tật.

Như câu chuyện về bạn Trương Thị Nhỏ Lệ ở ngôi làng Vân Tường, xã Triệu Trạch, H.Triệu Phong (Quảng Trị) với đôi chân không có khớp gối, sống cùng máy trợ tim, thay cả van tim, đi lại khó khăn, cô gái bé nhỏ (cao chưa đến 1m) đã đậu vào khoa công nghệ thông tin Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM.

Bên dưới bài viết về Lệ trên Tuổi Trẻ Online là bình luận đầy xúc động của bạn đọc Trần Văn Hét: "Nhỏ Lệ không rơi nước mắt, nhưng ông đọc bài báo thì rơi lệ thương cháu và khâm phục cháu đấy, cháu à! Ông là ông già về hưu, chẳng giúp gì cho cháu, chỉ biết chúc mừng cháu vào ĐH và được Tiếp sức đến trường từ báo Tuổi Trẻ. Cố gắng học thật giỏi cháu nhé".

17 năm Tiếp sức đến trường: Cứ gõ, cửa sẽ mở! - Ảnh 4.

Bà ngoại dặn dò cháu trai nhiều điều trước khi nhập học - Ảnh: HÀ THANH

Chị Lê Trần Thùy Hạnh (45 tuổi, ngụ H.Bình Chánh, TP.HCM):

Tiếp thêm nghị lực

Tôi tham gia chương trình này cũng nhiều năm nay vì thương các em, muốn góp một phần nhỏ cùng với mọi người giúp được em nào đó qua được những cái ngặt của thời sinh viên. Đọc câu chuyện của các em, tôi lại nhìn thấy hình ảnh của mình năm nào, lúc tôi từ miền Trung vào miền Nam học ĐH phải tự mình bươn chải, tự đi làm thêm đóng học phí, lo ăn ở.

Một lần, tôi không có tiền đóng học phí và may mắn được một người bạn cho mượn, nhờ vậy đã không phải bỏ dở việc học. Có những thời điểm mà nếu không ai giúp đỡ thì việc học sẽ đứt đoạn, ảnh hưởng đến cả cuộc đời sau này. Và tôi hiểu rằng một sự giúp đỡ lúc khó khăn với các bạn sinh viên nghèo quan trọng như thế nào.

Tôi đặt niềm tin vào chương trình và mấy năm nay cứ đến mùa Tiếp sức đến trường thì sức bao nhiêu tôi giúp bấy nhiêu. Có năm 1-2 suất, gần đây thì được 3 suất. Tôi không muốn các em phải cảm thấy mang ơn, nợ nần ai, mà chỉ mong các em học hành tốt và có đủ nghị lực vượt qua những khó khăn đầu đời.

Anh Lê Văn Kim (32 tuổi, ngụ Bình Dương):

Một chương trình có sức lan tỏa

Tôi mới biết đến chương trình hai năm nay từ một người anh trong công ty đã tham gia chương trình từ cách đây nhiều năm. Năm trước, tôi cũng đọc rất nhiều câu chuyện của các em ở Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Vĩnh Long..., thấy em nào cũng khó khăn nhưng nhiều nghị lực. Trước đây, tôi cũng là sinh viên ngoại tỉnh, từ Thanh Hóa vào TP.HCM đi học, cũng trải qua thời kỳ chật vật, khó khăn của đời sinh viên.

Ra trường đi làm, điều kiện cũng không khá giả gì nhưng hiểu được sự giúp đỡ lúc khó khăn cần kíp với các em như thế nào nên cũng muốn góp thêm một phần nhỏ cùng với mọi người hỗ trợ các em. Theo dõi câu chuyện của các em, tôi thấy có một điều hay là nhiều em sau khi học xong, ra trường các em quay lại đóng góp cho chương trình để giúp đỡ các em học sinh khác. Đó cũng là một điều khiến cho chương trình ngày càng lan tỏa.

VŨ THỦY ghi

Sáng nay trao 150 suất học bổng Tiếp sức đến trường Sáng nay trao 150 suất học bổng Tiếp sức đến trường

TTO - Sáng nay 12-10, buổi giao lưu nghệ thuật 17 năm 'Tiếp sức đến trường' và lễ trao học bổng dành cho 150 tân sinh viên của 7 tỉnh, thành Đông Nam Bộ sẽ diễn ra tại Hội trường Thành ủy TP.HCM (số 111 Bà Huyện Thanh Quan, Q.3).

LÊ ĐỨC DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên