19/08/2012 08:02 GMT+7

Vướng một chữ tình

HUY THỌ
HUY THỌ

TT - Suốt tuần, các phương tiện truyền thông đua nhau đưa thể thao Việt Nam “lên thớt” để mổ xẻ về màn trình diễn gây thất vọng tại Olympic London 2012. Tuy nhiên, việc mổ xẻ cũng na ná như hồi thảm bại tại Asiad 2010, đó là ngành thể thao đầu tư tràn lan, thiếu định hướng; lãnh đạo ngành thiếu tầm; VĐV thiếu bản lĩnh; khoảng trống mênh mông về thể thao học đường... Có một chuyện chưa ai đề cập, đó là thể thao Việt Nam “chết” vì một chữ tình.

1 Ai cũng biết và ai cũng nói muốn thể thao đỉnh cao phát triển cần phải có những liên đoàn mạnh. Nhưng gần như chẳng có một liên đoàn nào trong lĩnh vực thể thao ở nước ta đủ mạnh như mong muốn. Và cái việc không mạnh ấy ai cũng thấy lý do vì ngành thể thao đưa quá nhiều cán bộ lãnh đạo đã về hưu của mình sang nắm những vai trò chủ chốt ở các liên đoàn. Hiệu quả công việc từ các vị ấy mang lại cho liên đoàn mà mình tham gia gần như là con số không. Sự ưu ái bố trí các vị ấy ngồi vào các liên đoàn là bởi chữ tình, như một lãnh đạo đương nhiệm của ngành thể thao đã tâm sự: “Họ toàn bậc đàn anh mình cả, đâu thể đối xử thẳng thừng”.

Mới đây, trong nội bộ Liên đoàn Quần vợt Việt Nam đã có thay đổi mạnh mẽ khi một doanh nhân là phó chủ tịch kiêm luôn vai trò tổng thư ký. Xung quanh chuyện này, chúng tôi nhận được không ít cuộc điện thoại của những cán bộ trong ngành thể thao tố doanh nhân đó là “ác” khi “vô hiệu hóa” vị cán bộ về hưu của ngành thể thao ngồi ghế tổng thư ký đã hơn chục năm. Nhưng chúng tôi hỏi lại rằng sự thay thế này có mang lại hiệu quả hơn không thì ai cũng thừa nhận vị doanh nhân “tiếm ngôi” tổng thư ký đã giúp quần vợt có được những thay đổi tích cực. Thế đấy, ngồi hơn chục năm, không làm được việc, nên bị gạt qua một bên là cần thiết, thế nhưng vẫn mang tiếng là vô tình.

2 Tại Giải bóng chuyền quốc tế VTV 2012 diễn ra cách đây hơn một tháng, ai cũng mê mẩn các cô gái sinh viên Nhật Bản bởi lối chơi tưng bừng, đẹp mắt. Ngay sau giải, chúng tôi hỏi HLV Lương Khương Thượng của đội Bình Điền Long An rằng vì sao các nữ sinh viên Nhật Bản có thể hình, tầm vóc tương tự các tuyển thủ Việt Nam nhưng lại chơi được tưng bừng như thế? Ông Thượng bảo rằng có nhiều lý do, nhưng trong đó chuyện lớn nhất là tính kỷ luật lỏng lẻo trong các đội bóng của chúng ta. Thường thì các bài tập đưa ra ít được thực hiện đến nơi đến chốn, giáo án cho tập phát bóng 100 lần, nhưng mới 60-70 lần thì than vãn, trốn tránh. VĐV ngại khổ nên trốn giáo án và HLV thì dễ dãi, xuê xoa cho qua. Mà trong thể thao đỉnh cao, không đạt được tính kỷ luật trong tập luyện thì xem như cầm chắc thất bại. Sự xuê xoa ấy cũng là biểu hiện của chữ tình. Điều đó không chỉ hiện diện trong bóng chuyền mà có ở tất cả các môn.

3 Nhưng tại sao lại xảy ra sự xuê xoa như thế? Làm sao không xuê xoa được khi VĐV thi đấu có thành tích, nhận được món tiền thưởng dù to hay nhỏ cũng trích ra để phong bì phong bao cho thầy, cho lãnh đạo. Nhiều VĐV nổi tiếng đã khẳng định với chúng tôi rằng đây là chuyện thường ngày trong làng thể thao Việt Nam. Có điều, họ cũng cho rằng đó là chuyện bình thường, “tình cảm thôi mà”, chứ chẳng phải là chuyện tiêu cực!

Vâng, lại chữ tình. Một khi HLV và VĐV vô tư đưa - nhận phong bao thì mối quan hệ lập tức trở nên xuê xoa, dễ dãi trong huấn luyện, tập luyện.

Từ cao xuống thấp, mọi mối quan hệ “lãnh đạo - HLV - VĐV” đều xoay quanh chữ tình. Và như thế, thể thao đỉnh cao làm sao không “chết”.

HUY THỌ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên