01/05/2024 14:21 GMT+7

'Vua tiền mặt' đem thêm tiền gửi vào ngân hàng, lãi nhận về không tăng còn hụt

Tại một số doanh nghiệp, dù gia tăng số tiền mặt gửi ngân hàng nhưng lãi nhận về vẫn giảm, trong bối cảnh lãi suất huy động toàn thị trường giảm mạnh.

Nhiều doanh nghiệp tăng lượng tiền gửi vào ngân hàng - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nhiều doanh nghiệp tăng lượng tiền gửi vào ngân hàng - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tiền mặt vẫn là "vua". Nắm giữ khoản tiền mặt lớn thể hiện tiềm lực tài chính mạnh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, phần nào số tiền ngày càng tăng thêm cũng cho thấy cơ hội kinh doanh, đầu tư khác không nhiều.

Đồng thời cũng đặt ra bài toán về giá trị thặng dư của doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh lãi suất tiền gửi về mức thấp kỷ lục 20 năm.

Tiền gửi ngân hàng nhiều hơn, nhưng lãi nhận về lại giảm

Trong số doanh nghiệp niêm yết có lượng tiền gửi ngân hàng lớn, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) đứng “top” đầu với hơn 42.600 tỉ đồng (gần 1,7 tỉ USD) thời điểm cuối tháng 3-2024.

Số tiền gửi trên đã tăng gần 1.900 tỉ đồng so với đầu năm và chiếm hơn 46% tổng tài sản của PV Gas.

Lãi tiền gửi trong 3 tháng đầu năm nay PV Gas nhận được là 436 tỉ đồng, giảm gần 9% so với cùng kỳ năm ngoái, dù số tiền gửi đã tăng 15% so với cùng kỳ.

Về tình hình kinh doanh, quý 1 đầu năm nay PV Gas ghi nhận doanh thu đạt 23.314 tỉ đồng, tăng 10% so với quý 1-2023.

Tuy nhiên, do giá vốn hàng bán tăng, lợi nhuận gộp giảm, kèm theo hao hụt từ khoản tiền lãi ngân hàng, lợi nhuận sau thuế giảm hơn 25%, đạt 2.543 tỉ đồng.

Lãi suất huy động bình quân tại các ngân hàng giảm về mức thấp kỷ lục từ cuối năm 2023 đến nay khiến doanh thu tài chính nhiều doanh nghiệp sụt, không riêng PV Gas.

Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) cũng là doanh nghiệp nổi tiếng nhiều tiền mặt, khi có gần 26.600 tỉ đồng gửi ngân hàng lấy lãi tại thời điểm cuối tháng 3-2024.

Lãi tiền gửi nhận được trong quý 1 của ACV đạt 345 tỉ đồng, giảm gần 16% so với cùng kỳ. Ngoài yếu tố lãi suất, tổng tiền gửi của ACV tại ngân hàng cũng đã giảm xuống từ mức hơn 31.137 tỉ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Về kết quả kinh doanh, ACV ghi nhận doanh thu thuần đạt 5.660 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 2.920 tỉ đồng, tăng lần lượt 19% và 80% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường hàng không hồi phục tạo lực đẩy quan trọng cho sự phục hồi của “ông lớn” này.

Còn tại Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của tỉ phú Trần Đình Long, lượng tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng còn lên tới 34.683 tỉ đồng thời điểm cuối quý 1-2024.

Nếu so với thời điểm đầu năm nay, số dư tiền gửi đã tăng gần 270 tỉ đồng. Tuy nhiên, số lãi tiền gửi mà Hòa Phát nhận về trong 3 tháng đạt 422 tỉ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ.

Thị trường thép phục hồi, quý 1-2024, doanh thu hợp nhất Hòa Phát đạt 31.092 tỉ đồng, tăng gần 16% so với cùng kỳ năm ngoái, còn lợi nhuận sau thuế đạt 2.869 tỉ đồng, cao gấp 7,5 lần.

Thu nhập lãi tiền gửi ngân hàng trong quý này của "ông lớn" ngành bia rượu Sabeco trong quý 1 này cũng chỉ còn 273 tỉ đồng, trong khi quý 1-2023 nhận về 336 tỉ đồng, tức giảm gần 19%.

Tính đến cuối tháng 3-2024, Sabeco có tổng cộng 21.408 tỉ đồng đem gửi ngân hàng ở các kỳ hạn khác nhau hưởng lãi suất, cao hơn mức 20.350 tỉ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Ông lớn ngành bán lẻ "tăng tốc" gửi tiền vào ngân hàng

Thế Giới Di Động (MWG) cũng có xu hướng tăng tiền gửi ngân hàng và đầu tư trái phiếu hay các khoản đầu tư khác hưởng lãi suất.

Cụ thể, đến cuối tháng 3-2024, Thế Giới Di Động ghi nhận tổng tiền gửi ngân hàng và đầu tư trái phiếu hay các khoản đầu tư khác đạt hơn 29.300 tỉ đồng, tăng khoảng 26% so với đầu năm và tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái. .

Nhờ vậy, lãi tiền gửi trong 3 tháng đầu năm MWG nhận về 494 tỉ đồng, tăng gần 58% so với cùng kỳ.

Quý 1 năm nay, MWG báo lãi sau thuế hợp nhất đạt 903 tỉ đồng, tăng tới 4.143% so với cùng kỳ. Trong đó, lãi tiền gửi đóng góp “công” rất lớn vào kết quả lợi nhuận.

Ngoài ra theo lãnh đạo MWG, lợi nhuận sau thuế tăng gấp 42 lần so với cùng kỳ là thành quả của nỗ lực tái cấu trúc toàn diện doanh nghiệp kể từ quý 4-2023 đến nay.

Một thương vụ đáng chú ý năm nay của MWG là việc thông báo hoàn tất giao dịch chào bán cổ phần riêng lẻ Bách Hóa Xanh cho CDH Investments - một nhà đầu tư Trung Quốc - với tỉ lệ 5%.

Còn ở FPT, số dư tiền gửi ngân hàng ở thời điểm cuối tháng 3-2024 hơn 24.500 tỉ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Quý 1, FPT nhận về 265 tỉ đồng lãi tiền gửi, giảm gần 15% so với cùng kỳ.

Về kết quả kinh doanh, doanh thu của FPT quý 1-2024 đạt 14.092 tỉ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ. Còn lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp đạt 2.160 tỉ đồng, tăng hơn 19%.

Doanh nghiệp nào đang đứng đầu lãi tiền gửi ngân hàng?Doanh nghiệp nào đang đứng đầu lãi tiền gửi ngân hàng?

9 tháng đầu năm nay, nhiều công ty tăng mạnh tiền gửi ngân hàng. Có doanh nghiệp lãi tiền gửi bình quân mỗi ngày nhận về gần 6 tỉ đồng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên