18/11/2023 12:24 GMT+7

Vật thể bí ẩn để lại hố đôi trên Mặt trăng là của Trung Quốc?

Nghiên cứu mới vừa công bố cho rằng tên lửa đẩy của Trung Quốc gắn vật thể bí ẩn đã để lại hai miệng hố trên bề mặt Mặt trăng.

Những đoạn địa hình Mặt trăng dài khoảng 500m được LRO chụp cho thấy vị trí va chạm của Chang'e 5-T1 R/B và miệng hố đôi được hình thành - Ảnh: NASA

Những đoạn địa hình Mặt trăng dài khoảng 500m được LRO chụp cho thấy vị trí va chạm của Chang'e 5-T1 R/B và miệng hố đôi được hình thành - Ảnh: NASA

Theo Space.com, vào ngày 4-3-2022, một vật thể không xác định đã va chạm Mặt trăng, tạo ra một miệng hố đôi với bề ngang lên tới 29m. Các nhà khoa học tin rằng vật thể này không phải tiểu hành tinh.

Ban đầu người ta đưa ra giả thuyết rằng vật thể này là tầng trên của tên lửa SpaceX Falcon 9 (Mỹ) dùng để phóng vệ tinh DSCOVR quan sát Trái đất. Tuy nhiên, các cơ quan theo dõi các vụ phóng đã sớm bác bỏ giả thuyết này.

Một nhóm kỹ sư cơ khí và hàng không vũ trụ từ Đại học Arizona, Viện Công nghệ California, Dự án Sao Diêm Vương và Viện Khoa học hành tinh (Mỹ) mới đây thông báo đã tìm thấy bằng chứng cho thấy vật thể va chạm Mặt trăng (ký hiệu WE0913A) ngày 4-3-2022 là một tên lửa đẩy của Trung Quốc có gắn vật thể không xác định.

Trong bài báo đăng trên tạp chí The Planetary Science Journal, nhóm nghiên cứu cho hay họ đã theo dõi WE0913A trong 7 năm trước khi nó lao xuống bề mặt Mặt trăng.

Trong quá trình nghiên cứu WE0913A, nhóm đã quay lại đường đi của nó và phát hiện đây là tên lửa đẩy cho sứ mệnh Chang'e 5-T1. Đây là một trong nhiều sứ mệnh do Trung Quốc triển khai nhằm kiểm tra tính khả thi của việc gửi tàu thăm dò lên Mặt trăng và lấy một mẫu đá Mặt trăng.

Nhóm nghiên cứu cũng cố gắng tìm hiểu thêm về tên lửa đẩy khi nó di chuyển trong không gian bằng cách so sánh đường cong ánh sáng của nó.

Họ phát hiện nó không lắc lư như các tên lửa đẩy khác. Thay vào đó, có thứ gì đó đang khiến nó di chuyển một cách có trật tự. Thường ở một bên tên lửa có gắn bộ tăng áp. Đó là một cái vỏ rỗng với một động cơ hạng nặng. Sự bất đối xứng này của tên lửa thường khiến nó chao đảo khi bay lên.

Nhưng tên lửa Trung Quốc không có hiện tượng lắc lư như vậy, cho thấy các kỹ sư Trung Quốc đã gắn một "thứ khác" vào lớp vỏ đối diện với động cơ, nhằm tối ưu hóa sự phân bổ trọng lượng của nó.

Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng bất kể "thứ khác" đó là gì, thì nó cũng đã tạo ra một miệng hố khi tên lửa đẩy lao vào bề mặt Mặt trăng.

Theo trang khoa học Phys.org, Trung Quốc không bình luận về các thông tin trên.

Náo nhiệt cuộc đua lên Mặt trăngNáo nhiệt cuộc đua lên Mặt trăng

Cuộc đổ bộ thành công của Ấn Độ lên Mặt trăng cho thấy sự quan tâm của các nước đến việc khám phá Mặt trăng ngày càng lớn, được thúc đẩy bởi cả niềm tự hào dân tộc và các cân nhắc chiến lược.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên