21/06/2012 08:12 GMT+7

Trọng tài cũng coi chừng... doping

Michel Platini
Michel Platini

TTO - Không mất tiền, chỉ mất đôi chút thời gian chong mắt ngồi xem, dại gì không xem để học những điều hay mà phải chờ đến bốn năm mới được “học” một lần.

vCR3JJV5.jpgPhóng to

Pha bóng đã thành bàn của Devic - Ảnh: Getty Images

Hơn hai tuần dõi theo quả bóng Tango 12, cựu trọng tài FIFA - ông Dương Văn Hiền (hiện là giám sát trọng tài V-League, và là trợ giảng các lớp học nâng cao của trọng tài trẻ trong nước), đã có bài viết gởi đến Tuổi Trẻ Online...

Việc bố trí năm trọng tài và trợ lý cùng tham gia điều hành trận đấu không là điều mới với bóng đá châu Âu. Bởi điều này từng diễn ra ở Europa League hay Champions League từ nhiều mùa qua, nhưng đây là lần đầu tiên được áp dụng tại vòng chung kết Euro.

Theo tôi, có lẽ, đến lúc này thì FIFA - cơ quan quyền lực cao nhất của làng bóng đá thế giới- cần phải dở bỏ tính bảo thủ để nhìn nhận khía cạnh tốt nhất của việc tăng cường thêm hai trọng tài đứng cạnh cầu môn.

Thêm người, tức phải thêm kinh phí, nhưng bù lại thì sự thiệt thòi - chẳng hạn như bàn thắng bị tước bỏ của Lampard (Anh) tại World Cup 2010 vào lưới đội Đức - sẽ không bị tước bỏ oan uổng.

Bóng đá là trò chơi do con người tạo nên, do vậy không cần thiết phải ứng dụng khoa học kỹ thuật bằng cách gắn máy quay vào cầu môn để xác định bóng qua vạch vôi hoàn toàn hay chưa.

Nhờ sự xuất hiện của trọng tài cạnh cầu môn mà họ đã giúp cho trọng tài chính công nhận pha đá phản vào lưới nhà của hậu vệ Johnson (Anh) trong trận gặp Thụy Điển.

Và cũng nhờ sự quan sát tinh tường của vị trọng tài này mà họ đã xác định được pha cứu bóng không thành công của Duff (Ireland) khi bóng đi qua vạch vôi cầu môn từ cú dứt điểm của Cassano (Ý). Trong tình huống lộn xộn này, trợ lý trọng tài và trọng tài đều bị khuất tầm nhìn, nếu không có trọng tài cuối sân thì bàn thắng của Ý nhiều khả năng sẽ không được thừa nhận.

Nhưng, không phải mọi chuyện đều xuôi chèo mát mái. Sự cố trọng tài đứng cạnh cầu môn đã đến, và Ukraine đã bị tước oan bàn thắng của Devic vào giữa hiệp nhì trong trận gặp Anh. Trò chơi bóng đá không bao giờ tròn trịa như quả bóng. Bởi nếu tròn quá thì lấy đâu ra chuyện “hỉ nộ ái ố” chung quanh trái bóng tròn. Tai nạn vì nghề thì bất cứ ai hành nghề gì trong cuộc sống cũng không tránh khỏi.

Để ý một chút, bạn sẽ thấy rằng trên tay của trọng tài đứng cạnh cầu môn là một thiết bị điện tử. Thiết bị này có nút bấm, được nối vào tai nghe của trọng tài chính. Hai trợ lý trọng tài cũng có thiết bị như vậy, nhưng tín hiệu của họ khi truyền đến trọng tài chính sẽ khác với tín hiệu thông báo từ trọng tài cuối sân.

Nhìn các ông Vua sân cỏ châu Âu được trang bị đến tận răng để giảm thiếu tối đa sai sót, không khỏi chạnh lòng cho sự thiếu hụt về mọi mặt của trọng tài nước nhà.

Bóng đá châu Âu phát triển từ lâu, do đó đội ngũ cầm cân nẩy mực ở khu vực này cũng được nâng tầm. Để được làm nhiệm vụ ở Euro, trọng tài và trợ lý trọng tài được sát hạch rất kỹ về thể lực, kiến thức, luật…rồi mới được bố trí làm nhiệm vụ. Nhưng có lẽ ít ai biết được rằng tại Euro 2012, trọng tài cũng được chỉ định ngẫu nhiên để đi…xét nghiệm doping!

"Năm trọng tài sẽ khiến mọi thứ dễ dàng hơn. Với tổ năm người, các trọng tài sẽ thấy tất cả mọi thứ".

Khẳng định này của Platini đã biến thành... trò hề khi bàn thắng của Ukraine trước Anh không được công nhận. Báo chí châu Âu đã đồng loạt lên tiếng phê phán UEFA và Platini về công tác tổ chức tại VCK Euro kỳ này.

Sự cẩn thận không bao giờ thừa. Có thể anh vượt qua được các đợt sát hạch trước ngày khai mạc, nhưng khi cuộc chơi vén màn, vì một lý do nào đó anh cần phải sử dụng thuốc thì rất cần phải kiểm tra. Đơn giản chỉ vì anh đang là thành viên của một cuộc chơi như cầu thủ. Tất cả cần phải sòng phẳng, trung thực, rõ ràng, đó là quy định mới được ban hành từ UEFA.

Thẻ vàng, thẻ đỏ không bao giờ thiếu ở các trận đá bóng. Xem Euro kỳ này, tôi nhận ra rằng các trọng tài rất “mềm” mỗi khi rút thẻ khỏi túi áo (hay túi quần). Họ đưa thẻ một cách nâng niu với chỉ bằng hai ngón tay, đây là điều mà tôi ghi nhận được để truyền đạt lại cho lớp kế thừa.

Cầu thủ phạm lỗi cũng như người thân mình sai phạm vậy. Họ hoảng sợ, lo âu về hình phạt sắp nhận lãnh. Đây là lúc mà trọng tài cần có phương pháp xử lý uyển chuyển nhất. Cần gì phải hò hét, dọa nạt (trong gia đình) mà hãy nhỏ nhẹ chỉ ra lỗi sai phạm trước rồi từ tốn rút thẻ phạt. Tâm lý hoảng loạn vì lỗi lầm của cầu thủ rất dễ bùng phát và chuyển sang chiều hướng phản ứng tiêu cực khi đối mặt với ánh mắt, gương mặt không mấy thiện cảm của trọng tài, nhất là cách rút thẻ và đưa thẻ.

Nói không thừa, nhưng tôi cho rằng qua Euro 2012, trọng tài nước nhà cũng nên mềm mại, linh hoạt và nhẹ nhàng hơn trước những lỗi lầm - đôi lúc ngoài ý muốn - của cầu thủ. Đó cũng là một trong nhiều cách để V-League và giải bóng đá hạng nhất quốc gia, bớt đi những hình ảnh xấu xí…

Michel Platini
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên