17/05/2024 11:42 GMT+7

Trả tiền để được trồng cây

Sau chuỗi hành trình tham quan các di tích, lăng tẩm ở Huế, anh Võ Trọng Khoa (TP.HCM) và bạn gái quyết định cùng "đi suối, thác nào đó tắm mát" để giải nhiệt cái nắng gay gắt của Huế và được trồng cây.

Du khách tự tay trồng cây đỗ quyên - một loài cây hoa đặc hữu ở Vườn quốc gia Bạch Mã dọc khu  thác Mơ - Ảnh: NHẬT LINH

Du khách tự tay trồng cây đỗ quyên - một loài cây hoa đặc hữu ở Vườn quốc gia Bạch Mã dọc khu thác Mơ - Ảnh: NHẬT LINH

Dò tìm trên mạng, cả hai quyết định chọn khu du lịch sinh thái YesHue Eco (huyện Nam Đông, Thừa Thiên Huế) với ngọn thác Mơ chảy từ đỉnh Bạch Mã hùng vĩ thành từng tầng tầng, lớp lớp.

Theo chị Lê Thị Quỳnh Hương - nhân viên khu du lịch, ngoài việc trải nghiệm các dịch vụ vui chơi trên thác suối, thưởng thức ẩm thực dưới tán rừng, khu du lịch cũng đang thí điểm mô hình du lịch có trách nhiệm với môi trường bằng cách trồng cây phục hồi rừng, đặc biệt là hoa đỗ quyên bản địa.

Sau khi nhận được cái gật đầu từ các vị khách, chị Hương hướng dẫn mọi người đi tham quan khu vườn ươm của khu du lịch, được xây dựng và phát triển từ dự án Khoa học Công nghệ cấp tỉnh, đang ươm hơn 1.100 cây hoa đỗ quyên đặc hữu của rừng quốc gia Bạch Mã.

Đây là loại cây bản địa có hoa rất đẹp với màu ửng hồng, đặc biệt loài hoa này gắn liền với một ngọn thác nổi tiếng của rừng Bạch Mã - thác Đỗ Quyên hùng vĩ rực rỡ sắc màu loài hoa này khi mùa xuân đến.

Hoa đỗ quyên từng mọc rất nhiều trong tự nhiên tại khu thác Mơ này, sau đó những gốc cây hoa to được người dân địa phương bán với giá cả chục triệu đồng mỗi gốc. Có một giai đoạn thác Mơ gần như vắng bóng hoa đỗ quyên.

"Đó là lý do chúng em quyết định gầy dựng vườn ươm hoa đỗ quyên để trồng phục hồi lại dọc thác Mơ. Và chúng em cũng mong muốn anh chị - những vị khách của YesHue Eco - chung tay cùng trồng lại loài hoa tuyệt vời này để thác Mơ thêm xinh", chị Hương cho biết thêm.

Cả đoàn đi đến khu vực cầu treo dưới chân thác, nơi đặt những căn bungalow để khách lưu trú nghỉ dưỡng và cũng là nơi mà du khách sẽ trồng hoa.

Dưới sự hướng dẫn của nhân viên, anh Khoa cùng bạn gái cẩn thận đặt cây đỗ quyên (được nhân viên khu du lịch chuẩn bị từ trước) xuống hố rồi vun đất lấp lại. "Tôi không ngờ là mình sẽ được đi trồng cây trong chuyến du lịch nghỉ dưỡng này. Đó sẽ là niềm lưu luyến nhất khi tôi kết thúc chuyến du lịch này", anh Khoa hào hứng nói.

Những cây đỗ quyên nhỏ đặt trong bầu đất đầy dinh dưỡng đã được đem đến từ trước. Anh nhân viên tay cầm cuốc, xẻng đã đợi sẵn từ lúc nào. Các hố đất nhanh chóng được đào lên.

Chị Lê Thị Kim Hằng, giám đốc khu du lịch YesHue Eco, cho biết ý tưởng đưa hoạt động trồng cây trở thành dịch vụ du lịch xuất phát từ chính thực trạng rừng tự nhiên bị tàn phá ở quanh khu du lịch này.

Sau khi tiếp quản 5ha diện tích đất để đầu tư làm khu du lịch nghỉ dưỡng, chị Hằng bắt tay xây dựng những tour du lịch trồng cây, gầy dựng vườn ươm hoa đỗ quyên và vườn ươm cây gỗ rừng lâu năm.

Không chỉ trồng cây dọc khu du lịch, chị Hằng cùng nhân viên xuống các xã ở huyện Nam Đông để vận động bà con chuyển đổi mô hình kinh tế trồng keo tràm sang trồng cây rừng bản địa như quế, lim xanh...

Được Công ty Quế Hồi VN (VINA SAMEX) cam kết xây dựng nhà xưởng để bao tiêu sản phẩm, trong năm 2023 đã có gần 200ha quế được mọc lên trên mảnh đất Nam Đông đầy nắng gió.

"Thay đổi nhận thức bà con về việc trồng rừng mang lại lợi ích kinh tế cao và bền vững hơn, đó là cách tốt nhất để ngăn nạn phá rừng.

Và chúng tôi đang cố gắng góp một phần nhỏ để giúp những cánh rừng thêm xanh và chính chúng tôi sẽ hưởng lợi từ điều đó", chị Hằng nói.

Huế chi trả 35 tỉ đồng bán tín chỉ carbon cho người trồng, giữ rừng

Trong năm 2023, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên Huế chi trả gần 35 tỉ đồng tiền giảm phát thải khí nhà kính cho người dân trồng, giữ rừng.

Số tiền này lấy từ nguồn thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính Bắc Trung Bộ (ERPA) để thanh toán cho các chủ rừng, UBND cấp xã và các tổ chức khác được Nhà nước giao quản lý rừng tự nhiên.

Thời gian qua, Thừa Thiên Huế chi trả nguồn ERPA cho hơn 205.602ha rừng tự nhiên thông qua tài khoản ngân hàng hoặc dịch vụ bưu chính công ích đến 800 chủ rừng.

Trong năm 2024, địa phương này tiếp tục đẩy mạnh việc trồng cây rừng lâu năm, đem lại nguồn lợi cho bà con và xem việc bán tín chỉ carbon như một phương sách để giữ, phát triển độ che phủ rừng trên toàn tỉnh.

Green Era và giấc mơ phủ xanh rừng tự nhiênGreen Era và giấc mơ phủ xanh rừng tự nhiên

Một nhóm học sinh tại Quảng Trị đã xây dựng dự án phủ xanh rừng tự nhiên. Nhóm vừa trồng 1.000 cây xanh bản địa như lim, sến, lát hoa tại Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên