06/10/2015 17:03 GMT+7

Bi kịch của Deisler đe dọa giới cầu thủ bóng đá

HUY ĐĂNG
HUY ĐĂNG

TTO - Một nghiên cứu mới đây của Liên đoàn cầu thủ thế giới (FIFPro) cho thấy giới cầu thủ bóng đá dễ mắc bệnh tâm lý gấp ba lần so với người bình thường.

Cựu danh thủ Sebastian Deisler bị trầm cảm vì vô số các chấn thương trong sự nghiệp. Ảnh: n-tv.de

Nghiên cứu này được thực hiện bởi văn phòng y tế của bác sĩ Vincent Gouttebarge. Khảo sát này cho thấy, có đến 38 % trong tổng số 607 cầu thủ hiện đang thi đấu và 35 % trong tổng số 219 cựu cầu thủ có mắc những hội chứng liên quan đến trầm cảm hoặc lo lắng quá độ.

Nghiên cứu cũng cho thấy tác nhân chính của căn bệnh trầm cảm ở cầu thủ, đó là các chấn thương. So với những người bình thường, các cầu thủ từng dính nhiều hơn 3 lần chấn thương nặng sẽ gặp vấn đề về tâm lý nhiều hơn từ 2-4 lần.

“Chúng tôi hy vọng rằng nghiên cứu này sẽ gióng lên một hồi chuông cảnh báo với những người có trách nhiệm, nhằm sớm đưa ra biện pháp hỗ trợ cho những cầu thủ bị bệnh tâm lý và giúp họ nhận ra rằng mình không hề đơn độc”, Hãng tin AFP dẫn lời bác sĩ Gouttebarge.

Kết quả khảo sát lần này của FIFPro cho thấy căn bệnh trầm cảm đã thực sự trở thành một mối nguy với giới cầu thủ bóng đá. Bởi trong một khảo sát tương tự với các cầu thủ bóng đá còn đang thi đấu hồi năm ngoái, tỷ lệ cầu thủ có vấn đề về tâm lý chỉ là 26 %. Tức sau một năm, tỷ lệ này đã tăng gấp 39 %.

Đối tượng được khảo sát là các cầu thủ hiện đang thi đấu tại Bỉ, Chile, Phần Lan, Pháp, Nhật Bản, Na Uy, Paraguay, Peru, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Thụy Sĩ.

Ngoài trầm cảm và nỗi lo lắng quá độ, có đến 23 % trong số các cầu thủ được khảo sát gặp phải chứng khó ngủ. Nghiêm trọng nhất là chứng nghiện rượu, có 9 % trong số những cầu thủ còn thi đấu bị nghiện rượu, trong khi con số này với những cựu cầu thủ lên đến 25 %.

Để so sánh, một nghiên cứu vào năm 2011 của tạp chí y học BMJ cho thấy chỉ có 12 % dân số (của 18 quốc gia được khảo sát) là mắc chứng trầm cảm. Tức tỷ lệ bị trầm cảm của giới cầu thủ cao gấp 3 lần người bình thường. 

“Điều này cho thấy giới y học cần có một sự tiếp cận đa khoa đối với những cầu thủ bị chấn thương chứ không chỉ là vấn đề thể chất như trước đây”, bác sĩ Gouttebarge nói thêm.

Trong giới bóng đá đỉnh cao, dường như các cầu thủ Đức là những người gặp nhiều vấn đề nhất về tâm lý. Hồi năm 2009, cả làng bóng đá thế giới từng đón nhận không khí tang tóc khi thủ thành Robert Enke (từng 8 lần khoác áo tuyển Đức) tự tử ở tuổi 32 vì bệnh trầm cảm. Đến năm 2014, chuyện đau buồn này tái diễn với hậu vệ Andreas Biermann ở tuổi 33. 

Không đến mức như Enke hay Biermann, bóng đá Đức từng chịu một tổn thất khác là trường hợp của cựu danh thủ Sebastian Deisler. Cựu tiền vệ của Bayern Munich này từng được xem là một trong những cầu thủ tài hoa nhất lịch sử bóng đá Đức nhưng đã phải giải nghệ ở tuổi 27 vì bệnh trầm cảm. Deisler gặp vấn đề về tâm lý trong quá trình điều trị những chấn thương dai dẳng của mình.  

HUY ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên