11/07/2015 06:12 GMT+7

Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc: 21 năm vẫn nằm trên giấy

NGUYÊN KHÔI
NGUYÊN KHÔI

TT - Mới đây, thể thao TP.HCM đón nhận tin vui khi khu liên hợp thể thao (KLHTT) Rạch Chiếc được UBND TP.HCM đặt mục tiêu phải hoàn thành trong quyết định quy hoạch phát triển ngành TDTT TP.HCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Nhưng sau niềm vui là nỗi lo...

Lo bởi TP.HCM đang “đau đầu” tìm nguồn kinh phí cho việc đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng các công trình thể thao tại đây.

Từ 466ha, chỉ còn hơn 180ha!

Theo quy hoạch từ tháng 2-1994, KLHTT Rạch Chiếc (quận 2) với quy mô 466ha có các công trình thể thao đạt chuẩn Olympic như sân vận động 50.000 chỗ thi đấu bóng đá và thi điền kinh, nhà thi đấu thể thao tổng hợp, hồ bơi... nhằm có thể tổ chức các giải đấu quốc tế lớn. Ngoài ra, nơi đây còn có công viên giải trí phục vụ nhu cầu của người dân. Nhưng kể từ đó đến nay, KLHTT tầm cỡ và được chờ đợi sẽ là niềm tự hào của TP.HCM vẫn chỉ là bãi đất trống bao la, cỏ mọc um tùm xen lẫn xung quanh là nhà dân. Nhưng điều đáng nói hơn, từ quy mô 466ha ban đầu, dự án sau 21 năm vốn chỉ “quy hoạch” trên giấy giờ đã teo tóp còn có 180,731ha.

Khởi động duy nhất thuộc dự án KLHTT Rạch Chiếc đến thời điểm hiện tại chỉ là đường trục chính có lộ giới 80m và chiều dài khoảng 1km nối đường dẫn từ xa lộ Hà Nội vào KLHTT Rạch Chiếc đang được triển khai xây dựng và dự kiến hoàn thành cuối năm 2015. Đây là con đường có kinh phí xây dựng khoảng 260 tỉ đồng, trong đó Tập đoàn Keppel Land Limited (chủ dự án Saigon Sports City) cam kết ủng hộ 100 tỉ đồng nhằm có thể đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường nối vốn cũng thông vào dự án của họ tại đây.

Sắp tới, Sở Văn hóa và thể thao  (VH-TT) TP.HCM dự kiến tổ chức thi tuyển đồ án quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2.000 KLHTT Rạch Chiếc từ tháng 8 đến tháng 12-2015. Và đến tháng 9-2016 sẽ trình UBND TP.HCM phê duyệt trước khi bắt tay vào xây dựng cụ thể. Trong đó, dự án KLHTT Rạch Chiếc được UBND TP.HCM tách làm hai: 

1- Công tác bồi thường và giải phóng mặt bằng được giao UBND quận 2 đảm nhiệm. 2- Đầu tư dự án do Sở VH-TT TP.HCM thực hiện.

...Tiền đâu để làm?

Phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM Nguyễn Hùng - người phụ trách dự án KLHTT Rạch Chiếc - cho biết vấn đề lớn nhất trong việc xây dựng dự án này chính là tìm đâu ra kinh phí để giải phóng mặt bằng cũng như xây dựng các công trình thể thao tại đây. Ông cho biết: “Năm 2007 khi còn Sở TDTT TP.HCM, việc đền bù giải phóng mặt bằng cho KLHTT Rạch Chiếc chỉ hơn 450 tỉ đồng do lúc ấy giá đất còn rẻ. Còn bây giờ giá đất quận 2 đã tăng chóng mặt. Nên để đền bù và giải phóng mặt bằng cần khoảng 5.000 tỉ đồng theo định giá của Sở Tài chính. Số tiền đó chúng ta kiếm đâu ra để có thể sẵn sàng mặt bằng cho việc xây dựng KLHTT Rạch Chiếc?”.

Ngoài chuyện tiền đền bù và giải phóng mặt bằng quá lớn, chuyện kêu gọi các nhà đầu tư cho các công trình thể thao tại KLHTT Rạch Chiếc cũng là vấn đề làm đau đầu ban quản lý dự án. Trước mắt, ban quản lý dự án chỉ mới làm việc với Công ty Vietnam Sport Platform Korea (VSP) để triển khai dự án sân đua xe đạp lòng chảo theo tiêu chuẩn Olympic với số vốn đầu tư 150-200 triệu USD. Nhưng dự án này cũng gặp đôi chút vướng mắc khi nhà đầu tư muốn thí điểm đặt cược thể thao.

Ngoài ra, ông Nguyễn Hùng cho biết Tập đoàn J-Code (Nhật Bản) cũng muốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho KLHTT Rạch Chiếc, nhưng mọi chuyện vẫn chưa thể xúc tiến được vì nhiều lý do. Ông giải thích thêm: “Chúng tôi đã làm việc với khá nhiều nhà đầu tư và sẽ có những đề xuất cụ thể lên UBND TP để có thể kịp đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án KLHTT Rạch Chiếc. Vấn đề là chúng ta cần phải đẩy mạnh xã hội hóa, gặp gỡ và bàn bạc cụ thể với các nhà đầu tư để thực hiện nhanh. Chúng ta cần có những ưu đãi để khuyến khích các nhà đầu tư”.

Mong muốn của những nhà làm thể thao TP.HCM là có thể kịp xây dựng xong KLHTT Rạch Chiếc vào năm 2020 trong nỗ lực xin Chính phủ cho đăng cai SEA Games 2021 tại TP.HCM. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế có thể thấy không dễ thực hiện mong muốn này. Vì công trình cốt lõi nhất - sân vận động chính hiện đại 50.000 chỗ ngồi - để có thể tổ chức lễ khai mạc, bế mạc và bóng đá còn chưa tìm được nhà đầu tư.

Nếu được cấp phép, sân đua xe đạp lòng chảo mà VSP xây dựng được kỳ vọng sẽ mở đầu dòng đầu tư thể thao đổ vào KLHTT Rạch Chiếc, cũng như có thể tạo nên hình hài dần dần của các công trình thể thao tại đây. Ông Trần Tấn Thái - trưởng phòng dự án KLHTT Rạch Chiếc - cho biết: “Ngoài các công trình thể thao tiêu chuẩn Olympic, chúng tôi hi vọng KLHTT Rạch Chiếc sẽ còn là một công viên sinh thái phục vụ người dân. Ở đây, mọi người có thể vào  tập luyện thể thao mỗi ngày và du lịch dã ngoại mỗi cuối tuần với các hoạt động thể thao đặc sắc. Tôi nghĩ sân đua xe đạp lòng chảo và các tiện ích của nhà đầu tư xây dựng tại đây sẽ góp phần thúc đẩy dần dần cho KLHTT Rạch Chiếc”.

[box]Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT cũng khó đúng tiến độ

Ngoài KLHTT Rạch Chiếc, Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT TP.HCM - một trong bảy mục tiêu cụ thể của quy hoạch phát triển ngành TDTT TP vừa được UBND TP phê duyệt - cũng sẽ khó đúng tiến độ vì thiếu kinh phí. Theo lộ trình quy hoạch, trung tâm sẽ khởi công năm 2015 và hoàn thành năm 2017 với tổng kinh phí 3.000 tỉ đồng lấy từ ngân sách TP.HCM và vận động nguồn vốn xã hội hóa. Nhưng đến thời điểm này nó vẫn nằm ở bảng vẽ quy hoạch 1/2.000.

Phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao TP.HCM Mai Bá Hùng cho biết: “Trung tâm sẽ được xây dựng trên khu trường đua Phú Thọ vừa chính thức ngưng hoạt động năm 2013. Tổng diện tích của khu vực trường đua hơn 485.000m2 và sẽ có hơn 203.000m2 dành cho Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT TP.HCM, phần còn lại dùng để xây trường học, công viên cây xanh, rạp xiếc...

Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT TP.HCM sẽ là KLHTT thu nhỏ có công năng đào tạo, tập luyện của VĐV cao cấp và phục vụ vui chơi giải trí, tập luyện thể thao cho người dân. Yêu cầu là tất cả hạng mục công trình của trung tâm phải hiện đại, đủ sức tổ chức thi đấu quốc tế hoặc hội nghị, triển lãm quốc tế khi cần thiết”.

Theo quy hoạch, trong khuôn viên Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT TP.HCM sẽ có hầm để xe, ký túc xá VĐV, khu vực ăn uống và thậm chí một số công trình dưới lòng đất để tận dụng tối đa diện tích. Đồng thời những công trình thể thao hiện có xung quanh như hồ bơi Phú Thọ, sân quần vợt Phú Thọ, nhà thi đấu Phú Thọ, nhà tập luyện Phú Thọ... sẽ được nâng cấp, mở rộng.

Là một trong những TP lớn nhất cả nước nhưng TP.HCM vẫn chưa có một trung tâm đào tạo VĐV đúng tầm. Vì vậy, sự ra đời của Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT TP.HCM rất cần thiết. Ông Mai Bá Hùng cho biết: “Tôi hi vọng trung tâm kịp hoàn thành để có thể hỗ trợ tổ chức khi Việt Nam đăng cai SEA Games 2021”.

TẤN PHÚC[/box]

NGUYÊN KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên