31/08/2017 07:32 GMT+7

​Đừng để SEA Games tiếp tục là “ao làng”

KHƯƠNG XUÂN (thực hiện)
KHƯƠNG XUÂN (thực hiện)

TTO - Ông Nguyễn Hồng Minh  - nguyên trưởng đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) tại nhiều kỳ SEA Games cho biết, bằng cách nào đó phải đưa SEA Games trở thành đại hội thể thao thực sự cao thượng đúng với tinh thần Olympic.

Đại diện của nước chủ nhà SEA Games 30 Philippines vẫy cao lá cờ SEA Games tại lễ bế mạc SEA Games 29 đêm 30-8 ở Kuala Lampur. Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Ông Minh chia sẻ: “Tôi cho rằng phải đổi mới SEA Games theo tinh thần Olympic. SEA Games phải là đại hội thể thao cao thượng, đưa thể thao khu vực phát triển theo trình độ của châu lục và thế giới. Tình trạng quốc gia nào đăng cai SEA Games cắt bỏ môn, nội dung mạnh của nước khác để giành thành tích về cho đoàn mình cần phải loại bỏ. Tư duy “chơi bẩn”, dùng tiểu xảo để có thành tích không nên tồn tại trong thể thao bởi đó không phải tinh thần của thể thao Olympic. Không thể để tình trạng Olympic tổ chức hơn 20 hạng cân ở taekwondo nhưng SEA Games chủ nhà chỉ tổ chức trên 10 nội dung…”.

Theo ông Minh, TTVN với đại diện là Ủy ban Olympic quốc gia là thành viên của Liên đoàn thể thao Đông Nam Á (đơn vị sở hữu SEA Games) phải có chính kiến để Liên đoàn thể thao Đông Nam Á thay đổi điều lệ SEA Games, chấm dứt tình trạng này. SEA Games phải thay đổi thì bảng tổng sắp huy chương đại hội mới có giá trị, thể thao khu vực mới có cơ hội phát triển tiến lên trình độ châu lục và thế giới.

TTVN có kì SEA Games thành công

Ông đánh giá thế nào về vị trí thứ 3 của đoàn Việt Nam tại SEA Games 29?

Với tôi, đoàn TTVN thực sự đã có một kì SEA Games rất thành công. Nó không chỉ thể hiện ở vị trí thứ 3 toàn đoàn với 58 HCV mà còn cho thấy sự đầu tư đúng đắn, có trọng tâm trọng điểm và bền vững của TTVN trong những năm gần đây. Hướng đầu tư tập trung cho các môn Asiad, Olympic, đưa các VĐV trọng điểm, các đội tuyển trọng điểm đi tập huấn dài hạn nước ngoài đã đạt hiệu quả từ SEA Games 28 và là cơ sở thúc đẩy cho SEA Games 29 thành công.

Trong thành tích 58 HCV của TTVN tại SEA Games 29, những tấm huy chương nào khiến ông xúc động nhất?

Với tôi kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên xứng đáng được coi là VĐV vĩ đại của TTVN. Không biết phải đến khi nào TTVN mới lại xuất hiện một tài năng lớn như Ánh Viên. Bên cạnh đó, bơi lội tại SEA Games 29 cũng xuất hiện hai cái tên mới đầy triển vọng là Nguyễn Hữu Kim Sơn và Nguyễn Huy Hoàng. Ở cái tuổi 15, việc phá kỷ lục của Kim Sơn ở cự ly 400m hỗn hợp là điều kỳ diệu bởi em còn quá trẻ và mới tập luyện khoảng 3 năm.

Ông Nguyễn Hồng Minh đánh giá, kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên xứng đáng được coi là VĐV vĩ đại của thể thao Việt Nam. Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Ở môn điền kinh, những tấm HCV 100m, 200m của VĐV điền kinh Lê Tú Chinh cho thấy khả năng tiếp cận thành tích châu Á của VĐV này là hoàn toàn có thể. Ngoài ra, tấm HCV tiếp sức 4x100m nữ, 400m của Nguyễn Thị Huyền, nhảy xa nam- nữ cũng vô cùng ấn tượng.

Tôi phải nói thêm về đội tuyển TDDC nam bởi các VĐV đã để lại cảm xúc và niềm hy vọng rộng mở cho TTVN. Để có thành tích tuyệt vời này, những cậu bé như Lê Thanh Tùng, Đinh Phương Thành đã phải rời xa cha mẹ sang Trung Quốc tập huấn khi mới 6- 7 tuổi. Nhiều bài thi của đội tuyển TDDC nam tại SEA Games đã đạt trình độ châu lục và thế giới bởi độ khó cực kỳ cao. Hiếm có một đại hội nào mà đội giành HCV (đồng đội nam TDDC) lại bỏ xa đội giành HCB đến 14 điểm, đó phải là những bài thi có độ khó, phức tạp và đẳng cấp thế giới.

Hôm nay thắng, ngày mai thua là chuyện bình thường

Bên cạnh những thành công, đoàn TTVN cũng không khỏi những tiếc nuối bởi thất bại ở bóng đá, bắn súng, ông nhìn nhận thế nào về những thất bại này?

Ai cũng cho rằng bóng đá nam lần này có lứa cầu thủ tốt, hy vọng giành HCV là rất lớn. Vì hy vọng nhiều nên khi đội tuyển thất bại nỗi thất vọng của người hâm mộ càng lớn. Phải nói thẳng rằng sự kỳ vọng hơi quá đà của người hâm mộ vào đội tuyển U-22 có một phần lỗi của chính giới truyền thông đã đẩy lên quá cao. Sau thất bại, chúng ta cũng thấy việc đánh giá đối thủ và chiến thuật của bóng đá VN còn nhiều thiếu sót.

Nỗi buồn thua trận của U-22 VN. Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Thế nhưng đừng vì thất bại của đội U-22 mà cực đoan hóa, phủ nhận hoàn toàn nỗ lực làm bóng đá của Liên đoàn bóng đá VN (VFF), ngành thể thao VN suốt nhiều năm qua. Nhiều người cho rằng bóng đá nam tệ thế thì dành tiền đầu tư cho bóng đá nữ hay cải tổ toàn diện VFF. Nói như vậy là chưa khách quan bởi ngành thể thao, VFF cũng chính là những người đã làm nên thành tích cho đội bóng đá nữ, đưa futsal nam và đội U-20 vào World Cup. Tôi rất chia sẻ với các cầu thủ, HLV Hữu Thắng và VFF về thất bại này.

Xuân Vinh thất bại ở SEA Games này nhưng anh và bắn súng vẫn phải được đầu tư. Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Với bắn súng, việc Hoàng Xuân Vinh không thể bảo vệ HCV ở nội dung mà anh đã giành HCV Olympic là điều đáng tiếc. Đây là nỗi buồn rất lớn trong sự nghiệp của anh Vinh nhưng với thể thao đó lại là chuyện hết sức bình thường. Trên thế giới không thiếu gì các VĐV, các đội tuyển thể thao hôm nay vừa giành HCV thế giới nhưng ngày mai bị loại. Thể thao không có quy luật hôm nay anh giành HCV thì ngày mai anh sẽ lại giành được HCV, quy luật của thể thao là hôm nay vô địch nhưng ngày mai có thể không. Xuân Vinh thất bại ở SEA Games này nhưng anh ấy và bắn súng vẫn phải được đầu tư bởi bắn súng là môn thể thao mũi nhọn hàng đầu của TTVN.

SEA Games 29 đã khép lại và câu chuyện đầu tư thế nào cho Asiad 2018, Olympic 2020 mới là việc của ngành thể thao trong thời gian tới. Làm sao để những nhân tố, mũi nhọn mới có thể tỏa sáng ở đấu trường châu lục và thế giới, thưa ông?

VĐV thể dục dụng cụ Lê Thanh Tùng đã có một kì tranh tài SEA Games đáng nhớ. Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Thành công hôm nay là điều đáng khích lệ nhưng trước mắt chúng ta là Asiad 2018, nếu không tập trung nguồn lực đầu tư, chăm sóc cho những VĐV trọng điểm thì chưa chắc một năm sau TTVN sẽ có được thành công. Tôi cho rằng Bộ VH-TT&DL phải mạnh dạn đầu tư cho những VĐV, những môn thể thao trọng điểm có điều kiện phát triển. Ví dụ như đội TDDC nam, với trình độ đã tiếp cận châu lục và thế giới, các VĐV phải được đưa đi tập huấn ở những quốc gia có điều kiện tập luyện lý tưởng nhất. Đội tuyển điền kinh, bơi lội với những nhân tố mới toanh như: Tú Chinh, Kim Sơn… các em giờ như tờ giấy trắng cần được chăm sóc, giữ gìn và đầu tư thực sự hiệu quả. Nếu không được đưa đi nước ngoài tập huấn dài hạn chắc chắn các em phải được hưởng chế độ dinh dưỡng, chăm sóc y tế ở mức tốt nhất.

KHƯƠNG XUÂN (thực hiện)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên