29/07/2017 10:30 GMT+7

“Rèn người” trên sân bóng

H.ĐĂNG - T.PHÚC, HUYDANG@TUOITRE.COM.VN
H.ĐĂNG - T.PHÚC, HUYDANG@TUOITRE.COM.VN

TT - Dù trọng tài là yếu tố không thể thiếu trong các trận đấu nhưng thật lạ lùng khi trọng tài không hề xuất hiện trong các trận đấu ở Giải quần vợt quốc tế U-18 ITF diễn ra tại CLB Phú Thọ (TP.HCM) và CLB Becamex Bình Dương trong những ngày qua...

Pantino cùng đối thủ bắt tay sau khi trận đấu kết thúc. Ảnh: T.P

Trong hệ thống các giải quần vợt trẻ của Liên đoàn Quần vợt quốc tế (ITF), các tay vợt trẻ phải tự mình thực hiện mọi điều từ tự trình diện ban trọng tài cho đến tự đếm điểm số...

Giải đấu không cần... trọng tài

Những ai đến xem Giải quần vợt quốc tế U-18 ITF diễn ra những ngày qua tại CLB Phú Thọ (TP.HCM) và CLB Becamex Bình Dương sẽ phải ngạc nhiên với cách mà các trận đấu diễn ra khi các tay vợt trẻ vừa thi đấu vừa lẩm nhẩm... đếm điểm.

Sau vài đường bóng thắng lợi liên tiếp, một tay vợt trẻ vung tay ăn mừng, chỉ vào mặt mình như muốn nói “tôi thắng ván này rồi nhé”. Cứ thế cho đến hết trận, anh chàng bại trận buồn bã lắc đầu, tự động bước đến bắt tay chúc mừng chiến thắng của đối thủ mà chẳng cần đến tiếng nói của trọng tài.

“Trọng tài” là khái niệm không tồn tại trong hệ thống các giải trẻ của ITF - nơi điểm số trong các trận đấu, những pha giao bóng hỏng, cú giao bóng ăn điểm trực tiếp... đều do các tay vợt trẻ tự đếm với nhau. Tính trung thực vì thế chính là tôn chỉ quan trọng nhất được đòi hỏi nơi các tay vợt dự giải.

Ông Trần Quốc Phong - trọng tài cấp 2 ITF - giải thích: “Việc này có rất nhiều mục đích khác nhau. Một trong số đó là tiết kiệm cho ban tổ chức vì chi phí thuê đội ngũ trọng tài, nhặt bóng rất cao ở nước ngoài. Ngay cả một số giải thuộc hệ thống chuyên nghiệp Men’s Futures ở châu Âu, Mỹ cũng có rất ít trọng tài và không có người lượm banh.

Nhưng quan trọng hơn là giáo dục VĐV sự tự giác, ý thức nghề nghiệp tốt hơn khi phải trải nghiệm đủ mọi công việc trên sân... Đối với các giải trẻ, đến giờ thi đấu, VĐV phải tự đến trình diện với ban trọng tài. Nếu đến trễ họ có thể bị phạt, xử thua tùy giải. Sau đó, VĐV tự mang bóng vào sân thi đấu; đấu xong, người thắng mang bóng trả ban tổ chức và báo kết quả cho ban trọng tài. Người thua tự động ra về, không cần ký biên bản gì cả”.

Với cách làm này, chuyện sai sót hay cự cãi cũng là điều khó có thể tránh khỏi. Craig Pantino, tay vợt 16 tuổi người Philippines, cho biết anh thường gặp tranh cãi về điểm số tại các giải đấu trước đây. “Ở giải lần này, tôi cũng gặp một lần khi chạm trán một tay vợt người Trung Quốc. Đối thủ của tôi đếm thiếu mất của tôi 1 điểm. Khi tôi nói điều đó, cậu ấy tỏ vẻ tức giận. OK, không có vấn đề gì! Tôi chấp nhận và đánh tiếp, cuối cùng tôi cũng thắng” - Pantino nói.

Rishi Ayyappar, một tay vợt người Ấn Độ, cho biết anh cũng từng gặp phải điều tương tự trong sự nghiệp. Cách xử lý của tay vợt 15 tuổi này cũng là “dĩ hòa vi quý”. “Tôi nghĩ không ai muốn gian lận, chỉ là chúng tôi có thể đếm nhầm. Như bạn biết, một trận đấu quần vợt rất căng thẳng và việc đếm nhầm một vài điểm là bình thường. Thông thường, tôi sẽ nhường bước đối thủ một lần và lần sau anh ấy phải nhường tôi” - Ayyappar nói.

Đạo đức là trên hết

Dù phải tự tính điểm số nhưng các tay vợt nước ngoài khi tham dự giải đấu ở VN cho biết vẫn rất thoải mái nhờ... không phải đi lượm banh - công việc quen thuộc của họ tại mọi giải đấu trẻ thuộc hệ thống ITF. “Các giải đấu trước đây tôi từng tham gia không có người lượm banh, chúng tôi phải tự tay làm mọi việc” - Andrea Le, tay vợt 15 tuổi người Mỹ gốc Việt, nói.

Theo giải thích của ông Phong, sở dĩ giải diễn ra tại VN có người lượm banh là nhằm tiết kiệm thời gian. Do số lượng sân có hạn, mỗi trận đấu đều phải chóng kết thúc để kịp cho trận khác diễn ra đúng giờ nên không thể để các tay vợt vừa đánh vừa đi nhặt banh. Điều này rất mất thời gian (các trận đấu trước đây thường kéo dài tới 5-6 giờ dù chỉ có 3 ván). Cũng nhờ vậy, các tay vợt nước ngoài đến dự giải lần này ở VN được thoải mái hơn.

“Thoải mái thì có thoải mái thật nhưng tôi nghĩ để cho các tay vợt trẻ tự đi nhặt bóng là một điều tốt. Họ sẽ hiểu rõ hơn về công việc của các cậu bé lượm bóng là cực khổ như thế nào, từ đây họ sẽ biết tự lập hơn” - HLV Kenneth Salvo của Học viện quần vợt Philippines chia sẻ.

Trong khi đó, Pantino cho biết tại học viện quần vợt của mình, anh luôn được giám sát gắt gao về các tiêu chuẩn đạo đức. “Mỗi tuần chúng tôi đều được các HLV cho đến nơi cầu nguyện. Ở đó chúng tôi được học hỏi, nghe giảng về sự khiêm tốn, phải thu lại các cảm xúc giận dữ trên sân bóng như thế nào. Ăn mừng khi chiến thắng thì được phép, nhưng khiêu khích, chọc giận đối thủ thì tuyệt đối không” - Pantino nói.

Làm một cuộc khảo sát nhỏ ở giải đấu về tay vợt thần tượng, trong 10 tay vợt nước ngoài được hỏi thì có đến 9 người trả lời: Roger Federer. “Tôi hâm mộ Federer không phải chỉ vì tài năng. Anh ấy là một con người mẫu mực, là một quý ông toàn diện. Tại học viện, Federer luôn được lấy làm hình mẫu để chúng tôi noi theo” - tay vợt người Ấn Độ Ayyappar nói.

Sẽ phạt nếu phát hiện “ăn gian”

Trao đổi về những tình huống cự cãi của VĐV trong việc đếm điểm số, ông Trần Quốc Phong cho biết: “Tuy không có trọng tài nhưng trên sân vẫn có giám sát. Tuy nhiên, do một giám sát có thể phải theo dõi 2-3 trận đấu một lúc nên để sót tình huống hay không có góc quan sát tốt cũng là bình thường. Nếu hai VĐV tranh cãi mà giám sát không giải quyết được, tổng trọng tài sẽ được mời ra giải quyết.

Tùy theo tình huống mà tổng trọng tài sẽ đưa ra quyết định cuối cùng. Nếu là tình huống 2 VĐV tính nhầm hay quên tỉ số, tổng trọng tài sẽ cùng 2 VĐV tính ngược lại đến điểm nào cả hai VĐV đồng ý để tiếp tục từ điểm đó.

Nếu là tranh cãi xung quanh một pha bóng (ví dụ bóng ra ngoài hay chưa), tổng trọng tài hoặc giám sát sẽ cho VĐV hô trước thắng điểm. Nhưng không vì thế mà VĐV được hô thoải mái vì sau đó giám sát sẽ canh trận này rất gắt. Nếu bị phát hiện “ăn gian”, VĐV có thể lãnh án phạt: lần đầu tiên là cảnh cáo, lần thứ hai sẽ bị thua điểm và lần thứ ba có thể là phạt thua một bàn”.

H.ĐĂNG - T.PHÚC, HUYDANG@TUOITRE.COM.VN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên