16/07/2017 11:23 GMT+7

Việc môn lặn bị loại khỏi chương trình thi đấu Đại hội TDTT toàn quốc 2018: Chủ trương đúng nhưng cách làm dở

KHƯƠNG XUÂN
KHƯƠNG XUÂN

TT - Hàng chục địa phương như TP.HCM, Đà Nẵng, Quảng Bình, Thanh Hóa, Thái Bình, Quảng Ninh, Hà Nam… đã gửi đơn kiến nghị lên Tổng cục TDTT, Bộ VH-TT&DL sau khi môn lặn bị loại khỏi chương trình thi đấu của đại hội.

Các VĐV thi đấu ở Giải lặn trẻ VĐQG tại Cung thể thao dưới nước Mỹ Đình ngày 13-7. Ảnh: NAM KHÁNH
Các VĐV thi đấu ở Giải lặn trẻ VĐQG tại Cung thể thao dưới nước Mỹ Đình ngày 13-7. Ảnh: NAM KHÁNH

Gần hai tháng trôi qua, những lá đơn gửi đi nhưng chưa một lần được hồi âm khiến hơn 200 VĐV, HLV của gần 20 địa phương như ngồi trên đống lửa.

Trồng cây nhưng không được... hái quả

Tại Giải bơi - lặn vô địch trẻ quốc gia 2017 đang diễn ra ở Cung thể thao dưới nước Mỹ Đình - Hà Nội, ngoài chuyện thi đấu, các VĐV, HLV lặn còn đau đáu nỗi lo về Đại hội TDTT toàn quốc 2018 khi biết môn lặn không có trong chương trình thi đấu của đại hội.

Ông Đỗ Huy Bắc, giám đốc Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nam, cho biết gần hai tháng nay Sở VH-TT&DL Hà Nam đã gửi đơn kiến nghị lên Tổng cục TDTT, Bộ VH-TT&DL đề nghị đưa môn lặn vào thi đấu tại đại hội 2018 nhưng không nhận được hồi âm. Ông Bắc chia sẻ: “Cả tỉnh chúng tôi chỉ trông chờ vào môn lặn để có huy chương đại hội, giờ không được thi đấu chúng tôi biết lấy gì mà báo cáo lãnh đạo UBND tỉnh”.

Ông nói: “Nếu ngành thể thao có chủ trương không cho môn lặn thi đấu tại đại hội lần 8-2018 thì phải thông báo ngay sau khi đại hội lần 7 kết thúc năm 2014 để các tỉnh biết mà chuẩn bị. Giờ đã 3 năm trôi qua, hàng chục địa phương với hơn 200 VĐV tập luyện, tiêu tốn bao tiền của, giờ không cho thi đấu khiến chúng tôi vô cùng bất bình”.

Quảng Bình, Quảng Ninh, Thanh Hóa là những địa phương quanh năm phải đưa VĐV lặn vào tận Đà Nẵng tập huấn. Các VĐV phải bỏ dở việc học hành, HLV chịu cảnh xa gia đình, địa phương tiêu tốn hàng tỉ đồng cho VĐV tập huấn, chủ yếu tập trung, để lấy thành tích đại hội. Anh Nguyễn Duy Long, HLV trưởng đội bơi lặn Quảng Ninh, cho biết đội có 12-18 VĐV lặn, mỗi năm có 6 tháng tập huấn liên tục ở Đà Nẵng. Kinh phí cấp cho đội lặn của tỉnh mỗi năm cũng tốn 2-3 tỉ đồng, “giờ không cho thi đấu chúng tôi cũng không biết ăn nói làm sao với VĐV”.

HLV Hoàng Quốc Bình (TP.HCM), HLV Nguyễn Bá Anh (Đà Nẵng), HLV Phạm Tuấn Anh (Thanh Hóa) nói các địa phương không phản đối chủ trương của ngành thể thao không đưa môn lặn vào đại hội, tuy nhiên làm gì cũng phải có lộ trình. Việc ngành thể thao đến sát nút mới nói không cho thi đấu là điều quá thiệt thòi với VĐV và lãng phí nguồn lực của các địa phương.

Quá chậm trong việc ra điều lệ đại hội

Đến thời điểm này, Bộ VH-TT&DL vẫn chưa ban hành điều lệ Đại hội TDTT toàn quốc 2018 diễn ra tại Hà Nội.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, đại hội 2018 tổ chức 35 môn thi đấu, trong đó có 28 môn trong chương trình thi đấu Olympic, 4 môn trong Asiad và 3 môn của VN là vovinam, võ cổ truyền VN, đá cầu. Lặn là môn thể thao đã có trong chương trình thi đấu của Đại hội TDTT toàn quốc suốt 7 kỳ đại hội qua không có trong chương trình thi đấu kỳ này.

Đây không phải là điều quá bất ngờ bởi chủ trương của Chính phủ, Bộ VH-TT&DL là biến Đại hội TDTT toàn quốc trở thành Olympic, Asiad thu nhỏ của thể thao VN đã nhận được sự hưởng ứng của dư luận xã hội. Tuy nhiên khi có sự chuyển hướng, bộ cần có lộ trình và thông báo sớm đến các tỉnh, thành trên cả nước để các địa phương chủ động trong việc đầu tư cho các môn thể thao để tham dự đại hội. Thông thường điều lệ đại hội TDTT phải được ban hành 2 năm trước khi đại hội diễn ra để các địa phương chuẩn bị lực lượng. Nhưng đến giờ này, chỉ còn 1 năm nữa đại hội diễn ra mà bộ vẫn không ra được điều lệ.

Ông Nguyễn Trọng Toàn, trưởng bộ môn lặn Tổng cục TDTT, cho biết ông đã nhận được đơn kiến nghị của các địa phương và phản ảnh với lãnh đạo Tổng cục TDTT.

Ông Toàn nói: “Hiệp hội Thể thao dưới nước đã có công văn đề nghị lãnh đạo Tổng cục TDTT đưa môn lặn vào thi đấu tại đại hội 2018. Trong chiến lược phát triển thể thao VN đến năm 2020 được Chính phủ phê duyệt, lặn là môn thể thao trọng điểm nhóm 2. Vì thế những năm qua các địa phương vẫn căn cứ vào đó để đầu tư cho môn lặn theo chiến lược của Chính phủ. Giờ không cho thi đấu, các địa phương sẽ thiệt hại”.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một đại diện Tổng cục TDTT nói đúng ra điều lệ đại hội phải có sớm để các địa phương chủ động chuẩn bị. Tuy nhiên có những vấn đề về mặt thủ tục giấy tờ ở cấp trên, nên đến giờ điều lệ vẫn chưa thể ban hành. “Dù môn lặn không có trong chương trình thi đấu tại Đại hội TDTT toàn quốc, nhưng chúng tôi vẫn duy trì hệ thống thi đấu giải quốc gia. Thực tế trong chương trình thi đấu của SEA Games, Asiad, Olympic đều không có môn lặn, nên việc chúng ta không tập trung phát triển môn này cũng không có gì sai” - đại diện này nói.

Đầu tư cho môn lặn rất tốn kém

Một địa phương khó khăn như Quảng Bình cũng tiêu tốn không dưới 2,5 tỉ đồng/năm để đầu tư cho 20 VĐV tập huấn tại Đà Nẵng bởi với 3-4 HCV ở mỗi đại hội, lặn là môn mang về thành tích chủ yếu của tỉnh. HLV Trần Phương Diện nói: “Đầu tư cho một VĐV lặn rất tốn kém. Cụ thể, chỉ riêng bộ chân vịt và vòi hơi phải mua từ nước ngoài đã tốn khoảng 2.000 USD, rồi mắt kính, trang phục, tiền tập huấn... Tiền Quảng Bình đầu tư cho môn lặn đã chiếm 1/3 kinh phí đầu tư cho toàn bộ các môn tại trung tâm thể thao của tỉnh”.

KHƯƠNG XUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên