16/04/2017 11:20 GMT+7

Điều trị chấn thương cho VĐV: Xếp hàng chờ... phẫu thuật

KHươNG XUâN
KHươNG XUâN

TT - Nhiều VĐV nổi tiếng của VN khi gặp chấn thương đều phải chờ hàng tháng, thậm chí cả năm để được phẫu thuật. Trong khi đó, VĐV ở các địa phương đối mặt với rủi ro vì nhiều người không có bảo hiểm y tế.

VĐV nhảu xa Bùi Thị Thu Thảo từng nhờ thầy lang đắp thuốc trong những lần bị chấn thương. Ảnh: NAM KHÁNH
VĐV nhảu xa Bùi Thị Thu Thảo từng nhờ thầy lang đắp thuốc trong những lần bị chấn thương. Ảnh: NAM KHÁNH

 

Lệ Dung cho biết từ sau Olympic đến nay gần như cô không tập luyện vì chấn thương. Sáng mỗi ngày, Lệ Dung đến Bệnh viện Thể thao VN để tập hồi phục với các bác sĩ, chiều lên đội tuyển đấu kiếm xem có làm được gì thì hỗ trợ đàn em chứ bản thân không thể tập được vì đầu gối đau nhức.

Thiếu tiền chữa trị, thủ tục nhiêu khê

Sau 16 năm cống hiến, Lệ Dung đã đoạt 9 HCV SEA Games, 1 lần tham dự Olympic. Nhưng cho dù là “ngôi sao”, việc điều trị chấn thương của Dung cũng không có ngoại lệ ngoài điệp khúc... chờ. Lệ Dung bị chấn thương đã lâu và do không có khả năng hồi phục nên buộc phải phẫu thuật cả hai gối.

Với chấn thương này, Lệ Dung dự kiến được đưa sang Singapore phẫu thuật cấy sụn mới có thể hồi phục. Thế nhưng do thủ tục nhiêu khê, lẽ ra cuối năm 2016 Dung đã sang bệnh viện Parkway (Singapore) để phẫu thuật nhưng giờ cô vẫn phải chờ đợi trong mỏi mòn. “Nếu mổ sớm giờ tôi đã có thể phục hồi để có kế hoạch cho cuộc sống của mình. Nhưng giờ đau chân tập không được, mổ thì chưa nên tôi cũng không thể làm được gì” - Lệ Dung chia sẻ.

Đô vật Nguyễn Thị Lụa cũng đang chờ để mổ chấn thương vai dù cô có thành tích đáng nể: hai lần đến Olympic, đoạt HCB Asiad, nhiều huy chương SEA Games... Sau Olympic Rio 2016, Lụa đã được phẫu thuật đứt dây chằng chéo mà cô gặp phải từ năm 2009. Đến nay, Lụa vẫn còn chấn thương nặng ở vai nhưng cô đang tiếp tục chờ để được mổ tiếp.

Trưởng bộ môn vật Hà Nội Đới Đăng Hỷ cho biết năm 2017 vật không có ở SEA Games 29 nên rất mong Lụa được phẫu thuật sớm để phục hồi. Trong khi đó, VĐV điền kinh Lê Trọng Hinh sau khi bị tai nạn giao thông đứt 3 dây chằng chéo từ tháng 2 đến nay cũng vẫn chỉ "nhúc nhích" tập phục hồi và đang chờ phẫu thuật.

Tìm đến... thầy lang

Đây không phải chuyện hiếm với các VĐV VN. Thậm chí các VĐV nổi tiếng cũng thường phải dùng biện pháp này để đối phó với chấn thương.

HCB Asiad 2014 Bùi Thị Thu Thảo (nhảy xa) cho biết cô từng nhờ thầy lang đắp thuốc trong những lần bị chấn thương vì điều trị tại Trung tâm HLTTQG Hà Nội (Nhổn) kéo dài nhưng hồi phục chậm. Đô vật Vũ Thị Hằng của đội vật quốc gia giữa năm 2016 cũng về quê Bắc Giang nhờ thầy lang bó thuốc sau khi bị chấn thương để kịp bình phục dự Đại hội thể thao bãi biển châu Á vào tháng 9-2016.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một VĐV đang huấn luyện tại Nhổn chia sẻ: “Với những chấn thương đơn giản, vài ngày sẽ hết nhưng nặng hơn thì chúng tôi được điều trị tại phòng y tế của Nhổn hoặc Bệnh viện Thể thao VN. Tôi không hiểu phương pháp ở đây thế nào nhưng mất rất nhiều thời gian, có khi không đỡ. Lo cho bệnh tình của mình, VĐV tự đi tìm bác sĩ bên ngoài theo lời mách bảo của mọi người để điều trị cho nhanh”.

VĐV tự lo vì không có bảo hiểm y tế

VĐV bắn súng Mai Anh (Hà Nội) chia sẻ: “Tôi tập luyện bắn súng được 4 năm. Thời gian đầu khi còn học phổ thông, tôi tự bỏ tiền mua bảo hiểm y tế theo diện học sinh của Trường phổ thông Năng khiếu TDTT Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp phổ thông thì dừng. Tôi chưa từng được ngành thể thao mua bảo hiểm y tế cho mình. Lương 2 triệu đồng/tháng mà ba tháng mới được trả một lần không đủ sống, bảo hiểm không có, nếu có chấn thương đau ốm thì tự lo. Do bấp bênh quá nên tôi vừa xin HLV cho nghỉ bắn súng về quê buôn bán kiếm sống”.

Lãnh đạo một sở VH-TT&DL cho biết gần 100% VĐV của tỉnh này không có bảo hiểm y tế vì không có quy định mua bảo hiểm cho VĐV ngoài các VĐV đã được biên chế. Lý do theo vị này muốn mua bảo hiểm cho VĐV phải có tiền, muốn có tiền thì ngành thể thao phải xây dựng đề án trình UBND tỉnh, tỉnh thông qua hội đồng nhân dân. Vì thế với những địa phương có nguồn lực hạn chế, việc VĐV hợp đồng không được mua bảo hiểm y tế là rất phổ biến.

Nên bắt buộc mua bảo hiểm cho VĐV

Theo quyết định 32 của Thủ tướng Chính phủ ngày 6-6-2011, trong thời gian tập luyện và thi đấu, HLV, VĐV được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (BHYT)... Tuy nhiên thực tế cho thấy rất nhiều VĐV vẫn không được địa phương chủ quản mua BHYT.

Năm 2015, cầu thủ Lê Thị Thu của đội tuyển bóng đá nữ U-19 VN và là thành viên CLB bóng đá Than khoáng sản VN bị mắc bệnh xuất huyết và giảm tiểu cầu miễn dịch. Nằm viện nhiều tháng, gia đình mới biết Thu không hề được CLB chủ quản mua BHYT. Trước đó, nhà vô địch đá cầu thế giới Nguyễn Huyền Trang (Hà Nội) cũng không có BHYT khi qua chẩn đoán phát hiện ung thư vú giai đoạn cuối. Trong nhiều năm là VĐV đội tuyển quốc gia và Hà Nội, Huyền Trang cũng chưa từng được mua BHYT.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo ngành thể thao cho biết tất cả VĐV khi được triệu tập lên đội tuyển quốc gia đều được khám và kiểm tra sức khỏe định kỳ. Khi gặp chấn thương, các VĐV sẽ được điều trị tại các trung tâm HLTTQG, Bệnh viện Thể thao VN. Trường hợp các chấn thương phức tạp, ngành thể thao sẽ có trách nhiệm chuyển VĐV sang các bệnh viện đầu ngành để thăm khám, phẫu thuật, thậm chí đưa ra nước ngoài điều trị. Tuy nhiên rào cản chính hiện nay vẫn là khó khăn về kinh phí. Với các VĐV của các tỉnh thành, ngành, trách nhiệm mua BHYT và điều trị chấn thương thuộc về các địa phương quản lý VĐV.

Theo dự thảo về quyết định một số chế độ đối với VĐV, HLV mà Bộ VH-TT&DL chuẩn bị trình Chính phủ vào tháng 7 tới đã có tiến bộ khi yêu cầu: “Các đơn vị quản lý HLV, VĐV có trách nhiệm trích nộp kinh phí đóng bảo hiểm xã hội, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho VĐV, HLV theo quy định”.

KHươNG XUâN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên