03/04/2017 11:07 GMT+7

Khi HLV Việt “xuất ngoại”

HUY ĐĂNG
HUY ĐĂNG

TT - Nghe có vẻ lạ lùng khi những tấm huy chương quốc tế bơi lội, taekwondo của những VĐV nước ngoài lại xuất phát từ các HLV... người VN.

HLV Phạm Thúy Vi cùng các VĐV trẻ của Swimfast. Ảnh: P.T
HLV Phạm Thúy Vi cùng các VĐV trẻ của Swimfast. Ảnh: P.T

Trong làng bơi lội TP.HCM, cái tên Phạm Thúy Vi không hề xa lạ. Thời còn trẻ, chị là một kình ngư rất nhiều triển vọng trước khi giải nghệ vào năm 19 tuổi (năm 2001) để theo đuổi giấc mơ làm HLV. Giã từ đường đua xanh để chuyên tâm cho việc học ở ĐH Thể dục thể thao, Thúy Vi không gặp nhiều khó khăn bởi từ nhỏ đã xác định rõ con đường của mình. Một trong những chuyện quan trọng nhất với cô khi đó là học ngoại ngữ.

“Giáo trình về môn bơi lội ở VN rất ít, hầu như chẳng có gì. Chúng tôi muốn tự học, tìm hiểu thêm phải sử dụng tài liệu nước ngoài. Sau này ra trường rồi đi làm HLV cho Sở VH-TT TP.HCM, nhu cầu học tiếng Anh của tôi càng cao hơn bởi thời điểm đó, cách đào tạo môn bơi lội của đội có thay đổi lớn đến từ anh Chung Tấn Phong (trưởng bộ môn thể thao dưới nước). Anh Phong cùng nhiều HLV trẻ như chúng tôi chủ trương đi theo phong cách huấn luyện của Úc thay vì chỉ có Trung Quốc như trước đây” - chị Vi kể.

Bắt đầu tham gia ban huấn luyện của tuyển bơi lội TP.HCM từ năm 2005, chị Vi ngày càng có nhiều cơ hội trau dồi ngoại ngữ khi theo chân đội, dẫn dắt các VĐV đi thi đấu rồi tập huấn ở nước ngoài. Thế rồi đến năm 2010, một bước ngoặt đã đến với cuộc đời Phạm Thúy Vi khi cô HLV trẻ tuổi tình cờ gặp gỡ Aloysius Yeo - một quản lý ở tuyển bơi lội Singapore - trong một lần sang Philippines dự giải. Hai người bén duyên từ đó. Sau một thời gian, câu chuyện tình lãng mạn trong làng bơi lội Singapore - Việt Nam cũng có một cái kết mỹ mãn: Thúy Vi kết hôn với anh Yeo vào cuối năm 2012 và hơn nửa năm sau cô theo chồng sang Singapore sinh sống.

Rời quê nhà, rời những cô cậu học trò thân thuộc ở Trung tâm Yết Kiêu nhưng Thúy Vi kiên quyết không bỏ công việc HLV bơi lội. Vừa sang Singapore, “cô dâu người Việt” này lập tức vào làm ở Aquatic Performance Singapore Club (APSC) - một trong những CLB bơi lội hàng đầu của Singapore, là lò đào tạo nhiều thành viên cho tuyển bơi lội quốc gia. Làm việc ở một môi trường chuyên nghiệp và khác rất nhiều so với ở VN, Thúy Vi cũng không quá bỡ ngỡ.

“Nói là vừa sang vào làm ngay nhưng thực ra tôi đã đăng ký, nộp hồ sơ xin việc từ trước đó cả năm trời, được nhận vào rồi mới sang Singapore sinh sống. Hồi mới sang cũng gặp ít nhiều khó khăn, chẳng hạn như trong chuyện trao đổi với học trò. Thời ở Yết Kiêu, tôi cũng có nhận dạy cho một số học viên người nước ngoài đăng ký xin học. Nhưng sang đây, làm việc trong một môi trường mà các em nói tiếng Anh từ nhỏ, mình vẫn gặp khó khăn khi sử dụng tiếng Anh ngoài chuyên môn. Trao đổi về chuyên môn thì có nhưng khi muốn nạt, la bọn nhỏ quậy phá quá lại không biết làm sao” - chị Thúy Vi vui vẻ chia sẻ những kỷ niệm đáng nhớ trong những ngày đầu sang Singapore.

Thế rồi sau hơn một năm trời gắn bó, chị Thúy Vi rời APSC để chuyển sang dẫn dắt Swimfast, một CLB có đẳng cấp còn cao hơn, đào tạo ra nhiều tên tuổi của làng bơi Singapore như Tao Li, ba anh chị em Quah Ting Wen, Quah Zheng Wen, Quah Jing Wen...

Khi VĐV Mỹ sang VN “tầm sư học đạo”

HLV Hoàng Tùng cùng một học trò người nước ngoài của M-Team-Ảnh: V.Đ.
HLV Hoàng Tùng cùng một học trò người nước ngoài của M-Team-Ảnh: V.Đ.

Không giống như chị Thúy Vi, HLV taekwondo Đinh Hoàng Tùng vẫn sinh sống tại VN, nhưng hằng năm anh lại xách hành lý sang California huấn luyện khoảng một tháng cho CLB taekwondo M-Team nổi tiếng của Mỹ, nơi đóng góp nhiều thành viên cho tuyển quốc gia. Trong số 19 thành viên của đội quyền M-Team hiện tại, có đến 18 người từng đại diện cho đội tuyển đi thi đấu ở các giải quốc tế.

Cơ duyên của anh Tùng với M-Team hoàn toàn ngẫu nhiên. Từng là VĐV tuyển quốc gia đội quyền taekwondo, anh Tùng theo đuổi con đường sư phạm và tốt nghiệp ĐH Sư phạm TDTT TP.HCM, rồi được giữ lại trường giảng dạy. Một lần, các thành viên Việt kiều của đội M-Team tình cờ xem các video tập luyện cùng học trò đăng tải trên YouTube của anh Tùng rồi hâm mộ và chủ động liên lạc với anh. Sau nhiều lần về VN tập cùng, họ quyết định mời anh sang Mỹ để huấn luyện cho M-Team trong khoảng thời gian đội chạy đua trước thềm giải vô địch quốc gia.

“Bắt đầu là hồi tháng 1-2015, lần đầu tiên tôi được mời sang đó huấn luyện. Cứ đều đặn mỗi năm một lần. Không giống như ở VN, phần đông các VĐV taekwondo ở đây chỉ xem thể thao như một thú vui trong cuộc sống, không phải là công việc chính của họ. Cách tập luyện của mình cũng phải khác, không thể huấn luyện theo kiểu tập ngày tập đêm. Chỗ tập luyện lúc là trường học, lúc trong một gara của thành viên trong đội...” - anh Tùng kể.

Cũng tương tự chị Thúy Vi, anh Tùng mau chóng thích nghi với môi trường làm việc mới nhờ có ngoại ngữ. “Thời còn trẻ thi thoảng cũng đi du đấu nước ngoài, tôi cũng từng trao đổi với VĐV nước ngoài nên không ngại ngùng gì trong chuyện nói tiếng Anh. Lúc rảnh rỗi, tôi hay nghe nhạc nước ngoài để rèn luyện kỹ năng nghe của mình” - anh Tùng chia sẻ về bí quyết rèn luyện ngoại ngữ.

HUY ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên