28/03/2017 05:10 GMT+7

“Dân cường thì nước thịnh”

PHẠM QUANG VINH
PHẠM QUANG VINH

TT - Ngày 23-10-2016, Hà Nội có giải marathon đầu tiên sau vài chục năm gián đoạn kể từ giải marathon ở bờ hồ.

Giải chạy bán marathon tổ chức ở Yên Sở vào đầu năm 2017 hết sức sôi động. Ảnh: Lê Thanh Khải

Lần này là một giải chạy “cấp quận”: Giải Long Bien marathon 2016. Giải chạy này do một nhóm những người yêu môn chạy bộ đường dài tổ chức, với 76 “vận động viên” chạy marathon, 79 người chạy bán marathon, 201 người chạy cự ly 10km và khoảng chừng đó chạy cự ly 5km.

Một tháng sau, ngày 26-11-2016, giải chạy Heritage Marathon Halong Bay diễn ra ở đường chạy ven vịnh Hạ Long với 203 người chạy marathon, 301 người chạy bán marathon và 231 người chạy cự ly 10km, hàng trăm người khác chạy cổ vũ với cự ly 2km. Trong số những người tham gia, phân nửa là người nước ngoài.

Tháng 12-2016, một giải bán marathon khác diễn ra ở hồ Tây do nhóm các chuyên gia nước ngoài ở Hà Nội tổ chức như một giải chạy thường niên từ mấy năm nay: giải Red River Half Marathon, thu hút hàng trăm người chạy bộ tham gia. Tháng 1-2017, ở công viên Yên Sở - Hà Nội có giải chạy bán marathon thu hút gần 1.000 người tham dự. Ở TP.HCM có giải chạy HCMC Run City Marathon dành cho những người yêu thích môn chạy bộ cơ hội chạy qua cầu Phú Mỹ...

Ngày 16-10-2016, hàng trăm người tham gia giải đạp xe đường trường Hanoi Granfondo - đạp xe 100 dặm, một hoạt động thường niên của những người yêu thích môn xe đạp. Mùa hè năm 2016, ở Đà Nẵng có giải thi đấu Ironman 70.3 và ở Nha Trang có giải thi đấu Vietnam Challenge. Những giải đấu này thu hút không chỉ người Việt mà còn có phân nửa là du khách nước ngoài.

Nếu có điểm gì chung ở những sự kiện thể thao này, thì đó đều là những hoạt động thể thao tự phát do các công ty tư nhân hoặc nhóm những người yêu thích thể thao tổ chức. Và nếu có thể nói thêm gì khác thì đó là chất lượng của công tác tổ chức ở những sự kiện này cao hơn hẳn nhiều giải đấu “chính thức, chuyên nghiệp” khác. Cũng có thể thêm vào một so sánh khác, là số lượng những người tham gia thi đấu ở những sự kiện này đều vượt xa những giải đấu “chuyên nghiệp”, cho dù không có sự tham gia hay “hỗ trợ” của cơ quan quản lý nhà nước về thể thao.

Sự phát triển của thể thao quần chúng theo hướng tự phát và tính chuyên môn rất cao, rõ ràng là một chỉ dấu có thể dễ thấy. Cũng có thể thấy ở đây sự tham gia tích cực của người dân và là chỉ dấu rõ ràng của phong trào tập luyện thể thao ở các đô thị.

Trong lời kêu gọi toàn quốc tập thể dục, mở đầu cho phong trào toàn dân tập thể dục, tháng 3-1946, Bác Hồ đã viết: “Dân cường thì nước thịnh” và “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới thành công”. Trước đó, Chính phủ mới đã “Thiết lập tại Bộ Thanh niên một Nha Thể dục trung ương, nhiệm vụ liên lạc mật thiết với Bộ Giáo dục và Bộ Y tế để nghiên cứu phương pháp thực hành thể dục trong toàn quốc” (sắc lệnh 14, ngày 31-1-1946) và sau đó, khi cải tổ Chính phủ “thiết lập một Nha Thanh niên và thể dục thuộc Bộ Quốc gia giáo dục” (sắc lệnh 38, ngày 27-3-1946). Hẳn là không ngẫu nhiên, để Chính phủ mới của Cụ Hồ dẫu còn muôn vàn khó khăn, đặt vấn đề rèn luyện sức khỏe của toàn dân thông qua việc tập luyện thể dục như một ưu tiên phát triển.

Nếu xét theo những gì mà Chính phủ của nhà nước cộng hòa non trẻ đã bắt đầu, có lẽ chúng ta phải thừa nhận có vẻ như việc phát triển thể dục, thể thao của nước nhà ngày nay có vẻ đã... chệch lối.

Cụ thể, thay vì dành những nỗ lực và ngân sách chính của cơ quan chuyên trách về thể dục thể thao cho việc phát triển hạ tầng và chính sách nhằm phát triển cơ hội tập luyện thể thao của người dân, chúng ta đã quá chú tâm vào việc nuôi “gà nòi” và phát triển “thể thao đỉnh cao”. Các liên đoàn và hiệp hội thể thao được đặt dưới sự quản lý của các cơ quan hành chính về thể thao đỉnh cao đã mất đi khả năng thu hút và hướng dẫn tập luyện môn thể thao ấy. Thay vào đó là thói quen làm việc hành chính hóa và như chúng ta thấy ở những sự kiện được liệt kê trên đầu bài này, mất khả năng dẫn dắt phong trào.

Nhân Ngày thể thao VN (27-3), có lẽ đã đến lúc nên nhớ lại những gì Bác Hồ đã viết trong lời kêu gọi tập thể dục từ 71 năm trước, để bắt đầu một cách tiếp cận mới. Ví dụ, thay vì báo cáo số lượng huy chương, chuyển sang báo cáo số người tập môn thể thao ấy. Thay vì đổ tiền vào nuôi “gà chọi” là những thống kê số lượng sân chơi mà quần chúng có khả năng tiếp cận.

“Dân cường thì nước thịnh”, mà muốn dân cường thì tập luyện thể thao là không thể thiếu. Nếu xét đó là mục tiêu thì ngành thể dục thể thao còn rất nhiều việc để làm.

PHẠM QUANG VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên