27/02/2017 11:11 GMT+7

Chiến thắng bệnh tật nhờ thể thao

H.ĐĂNG - T.PHúC
H.ĐĂNG - T.PHúC

TT - Từ những bước đi tập tễnh trên sân bóng bàn cho đến những chuyến xe đạp xuyên Việt, thể thao trở thành một liều thuốc hữu hiệu để nhiều người vượt qua các căn bệnh tưởng chừng ám ảnh suốt cuộc đời họ.

Anh Quốc Hưng đấu tại giải vô địch bóng bàn người khuyết tật toàn quốc Ảnh: T.P.
Anh Quốc Hưng đấu tại giải vô địch bóng bàn người khuyết tật toàn quốc Ảnh: T.P.

Có cuộc sống khá thoải mái ở độ tuổi ngoại ngũ tuần, một căn bệnh hiếm gặp đột ngột ập đến với ông Mã Văn Trạch mà chẳng ai ngờ được: chứng rối loạn lo âu lan tỏa, đi kèm với bệnh trầm cảm.

“Hồi sinh” nhờ xe đạp và sống sẻ chia

Rùng mình nhớ lại quãng thời gian khi mới mắc bệnh hồi năm 2014, ông Trạch kể: “Lúc đó tôi chẳng muốn gặp ai, chẳng muốn đi đâu, cảm thấy cuộc sống của mình hầu như vô nghĩa. Điều kỳ lạ là trước đó, tôi vốn là người thích kết giao bạn bè, đi đây đi đó và cả chơi thể thao”.

Ông Trạch vốn là một thành viên từ thuở ban đầu của hội xe đạp phong trào Land Sài Gòn - những người từng thực hiện chuyến đi xuyên ba quốc gia VN - Campuchia - Thái Lan cùng những cuộc rong ruổi khắp ba miền VN. Nhưng đến khoảng năm 2013, công việc đè nặng khiến ông không còn thời gian để đạp xe mỗi ngày, mỗi tuần cùng hội, và đó cũng là lúc căn bệnh tâm lý hiếm gặp ập đến với ông. Đánh mất thói quen tập luyện thể thao cùng áp lực công việc đè nặng là những nguyên do gây bệnh, theo nhận định của các bác sĩ.

Sau quãng thời gian khó khăn ban đầu, nỗ lực theo đuổi việc đạp xe trở lại, dưới sự quan tâm, ủng hộ tinh thần của một số bạn bè trong hội giúp ông Trạch dần lấy lại sự tự tin, niềm đam mê thể thao của mình. Và như một liều thuốc kỳ diệu, chứng bệnh của ông giảm dần theo những vòng quay xe đạp. Không chỉ thích đi đây đi đó, ông Trạch cùng một số thành viên trong hội còn tận dụng những chuyến đạp xe xuyên Việt như một cơ hội tham gia, tổ chức các hoạt động xã hội đầy ý nghĩa.

“Thực sự những chuyến đạp xe đến với thiên nhiên có công dụng giống như thiền vậy, nó giúp tôi cảm thấy bình tĩnh lại rất nhiều sau những lo âu vì căn bệnh trầm cảm. Việc tham gia những hoạt động xã hội, san sẻ cho nhiều người càng khiến tôi hạnh phúc hơn. Đến nay, các bác sĩ nhận định bệnh của tôi đã gần như dứt hẳn” - ông Trạch chia sẻ.

Lấy lại ý nghĩa cuộc sống nhờ bóng bàn

Năm 2010, một tai nạn giao thông kinh hoàng đã làm chân anh Võ Quốc Hưng (Long An) - một HLV bóng bàn phong trào - bị gãy làm ba khúc phải nẹp inox suốt đời. Ngoài ra, cánh tay phải của anh bị co rút gần như liệt bởi di chứng dây thần kinh sau cổ bị tổn thương, và còn đa chấn thương khác ở xương sườn, phổi...

Hơn một năm trời anh nằm liệt giường, gia đình cũng vì thế mà tan nát khiến anh quẫn trí nhiều lần tìm cách kết liễu cuộc đời mình. Bạn bè hay tin đến thăm cũng tỏ ra ái ngại cho anh trong nửa đời còn lại. Thấy bạn chán đời, lại không đủ sức khỏe, anh Hồ Thanh - HLV tuyển bóng bàn người khuyết tật VN - chủ động gọi anh Hưng chơi bóng bàn trở lại để tinh thần thoải mái hơn.

Anh Hưng nhớ lại: “Lúc đó tôi đã từ chối vì nghĩ mình đã tàn phế, chân đứng không vững, tay một bên bị liệt còn một bên thì run run. Tôi tự làm vệ sinh cá nhân còn không được. Cuộc sống lúc đó chẳng khác gì địa ngục vì tôi không biết làm gì để lo cho mẹ già và nuôi con gái”.

Nhưng sau nhiều lần anh Thanh kiên trì thuyết phục, anh Hưng đã chấp nhận ra chơi thử để giải khuây. Ngày đầu cầm vợt trở lại, bàn tay anh cứ run run, mỗi lần vươn tay đánh bóng là y như rằng đau đớn khôn xiết. Anh cũng gần như chỉ đứng một chỗ vì chân không đủ sức di chuyển và không ít lần bị té vì ham bóng. Nhưng nghĩ đến mẹ già, con gái cùng tương lai phía trước, anh cắn răng tập luyện và bắt đầu gặt hái thành tích với con đường VĐV khuyết tật. Từ năm 2013 đến nay, năm nào anh cũng đoạt nhiều HCV ở các giải bóng bàn người khuyết tật cấp quốc gia hạng thương tật T7. Thậm chí, anh Hưng còn vươn ra quốc tế với gần chục tấm huy chương ở hai kỳ ASEAN Para Games gần nhất.

Đam mê cầu lông chiến thắng bệnh hen suyễn

Năm nay mới 13 tuổi, cậu bé Nguyễn Đức Hồng Phúc đã vượt qua một căn bệnh tưởng chừng sẽ trở thành rào cản vĩnh viễn không cho em vươn đến giấc mơ thể thao chuyên nghiệp - bệnh hen suyễn.

Ông Nguyễn Đức Tuấn, cha của Hồng Phúc, kể: “Con tôi mê thể thao từ nhỏ. Năm 9 tuổi, cháu bắt đầu chuyển từ taekwondo sang tập cầu lông, tương đối có năng khiếu nên được vào đội của trường. Cũng trong thời gian đó, cháu thường xuyên tỏ dấu hiệu khó thở khi tập luyện căng thẳng. Tôi và vợ đưa đi khám thì bác sĩ cho biết đó là bệnh hen suyễn, và dặn từ giờ không nên để cháu làm việc gì quá sức”.

Đam mê cầu lông quá lớn của Hồng Phúc khiến ông Tuấn cùng vợ không thể cản trở giấc mơ của con. Và vì thế, mỗi một buổi tập của Hồng Phúc cũng là nửa ngày trời cha mẹ em đóng vai trò “săn sóc viên”. Mỗi khi Phúc cảm thấy mệt, cha mẹ em lập tức vào sân hỗ trợ bằng bình xịt trị hen suyễn. Cứ như vậy suốt một năm trời, Hồng Phúc vượt khó và ngày càng tiến bộ, em lần lượt được chọn vào đội tuyển của quận Phú Nhuận rồi lên tuyển TP.HCM.

Thế rồi điều kỳ diệu cũng đến, sau nửa năm đầu tập ở đội TP.HCM, Hồng Phúc không còn cảm thấy khó thở nữa. “Quả thật là Hồng Phúc đã hết hẳn căn bệnh hen suyễn. Bây giờ thì cả gia đình chúng tôi đã có thể toàn tâm toàn ý với con đường thể thao của con trai mình” - ông Tuấn kể.

Về trường hợp của Hồng Phúc, bác sĩ Nguyễn Trương Khương (khoa tai mũi họng Bệnh viện Pháp Việt) nhận định: “Khi trẻ còn nhỏ thì VA to, amiđan to, nhưng theo thời gian, cấu trúc các cơ quan đó sẽ nhỏ lại. Đồng thời khi cháu chơi thể thao thì mũi xoang được thông thoáng, làm giảm bớt nguy cơ bùng phát cơn suyễn”.

H.ĐĂNG - T.PHúC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Bệnh tật bóng bàn