20/07/2016 13:53 GMT+7

Xem bóng đá Việt như đi mua thực phẩm

PHI LONG (Thủ Đức, TP.HCM)
PHI LONG (Thủ Đức, TP.HCM)

TTO - Không biết đã bao lâu tôi xem trọn một trận đấu ở V-League. Tôi thà xem lại một trận đấu bóng đá quốc tế, chứ khó có thể xem hết một trận đấu ở V-League được truyền hình 
trực tiếp.

CĐV ngồi thưa thớt trên khán đài sân Gò Đậu dù trận đấu giữa Bình Dương - Than Quảng Ninh diễn ra ngày 16-7 ở vòng 16 V-League được giới chuyên môn đánh giá hấp dẫn. Ảnh: NGUYÊN KHÔI
CĐV ngồi thưa thớt trên khán đài sân Gò Đậu dù trận đấu giữa Bình Dương - Than Quảng Ninh diễn ra ngày 16-7 ở vòng 16 V-League được giới chuyên môn đánh giá hấp dẫn. Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Bóng đá Việt giờ đây thật giả khó lường và “nguy hiểm” chẳng khác gì thực phẩm bẩn. Trước mỗi vòng đấu, chọn trận nào để có thể “xem được” và tin được khó như đứng trước quầy thực phẩm, không biết loại nào an toàn, loại nào bẩn độc. Nó thật biến ảo, muôn hình vạn trạng.

Người hâm mộ giờ tinh lắm. Cứ sau World Cup hay Euro, họ biết V-League sẽ có những trận đấu rất “lạ”, rất “đặc trưng” của bóng đá Việt. Các trận đấu kiểu bùng nổ bàn thắng hay những màn rượt đuổi tỉ số kịch tính thực ra rất... kịch. Dù đạo diễn và diễn viên “diễn” giỏi cỡ nào cũng không qua mắt được người xem. Kịch hay diễn hoài cũng chán!

Thực phẩm bẩn thì có khi người dùng cũng nhắm mắt mà ăn vì không biết, nhưng bóng đá “bẩn” sẽ bị người ta tẩy chay và từ bỏ. Không thể ép buộc người hâm mộ thưởng thức thứ bóng đá có “mùi” khó dùng. Cũng đừng quy kết người hâm mộ hay suy diễn, mà hãy hỏi cầu thủ, HLV và những người làm bóng đá “diễn” thế nào mà để người hâm mộ “suy” với bóng đá nước nhà đến vậy.

Nghĩ cho cùng, bóng đá là món hàng, còn người hâm mộ là khách hàng. Một khi xuất tiền mua hàng, khách hàng có quyền lựa chọn và đòi hỏi món hàng đó phải xứng với số tiền mình bỏ ra.

V-League là “món hàng” đã xuất hiện 16 năm trên thị trường, nhưng đến giờ vẫn chưa được người tiêu dùng tin cậy bởi không ít lần “nhiễm bẩn”. Thương hiệu V-League cứ nhạt dần theo sự giảm sút lòng tin của người hâm mộ.

Nếu không có giải pháp để vực dậy, đưa V-League trở thành món ăn chất lượng và lành mạnh thì “món V-League” có thể bị gạt khỏi bàn ăn, khi mà thực khách đang ê hề với nhiều món bóng đá quốc tế chất lượng cao.

“Đừng trách khán giả quay lưng”

Sau khi đăng bài viết “CĐV ngày càng mất niềm tin vào bóng đá VN (Tuổi Trẻ 19-7)”, nhiều bạn đọc đã bình luận và chia sẻ bày tỏ sự ngán ngẩm với bóng đá VN.

Bạn đọc tên Nguyên Trí viết: “Bóng đá VN đừng trách khi khán giả và người hâm mộ quay lưng nhé!”. Đồng tình với tác giả Nguyên Trí, bạn đọc Phan Lê bình luận: “Các đội bóng đá như diễn kịch mà đòi khán giả đến sân đông thì đúng là chuyện phi lý. Không ai bỏ tiền ra để đến sân bóng đá đi xem kịch cả”.

Bạn đọc Thanh Vũ bức xúc: “Cũng từ rất lâu rồi nhiều người đã quay lưng với bóng đá nam VN, trong đó có tôi. Không biết tại sao chứ mỗi lần mở các trang thể thao, có mục bóng đá mà thấy toàn cầu thủ “có mùi”, trận đấu “có mùi”, ban tổ chức “có mùi”. Nếu bóng đá VN không thay đổi thì chắc rằng vài năm sau trên khán đài sẽ không còn bóng dáng khán giả “chân chính”, mà chỉ còn khán giả là thành viên ban tổ chức, gia đình cầu thủ”.

Bên cạnh đó cũng có nhiều bạn đọc bày tỏ sự tâm huyết với bóng đá nước nhà khi kêu gọi VFF cải cách. Bạn đọc Nguyễn Xuân Tiếu bình luận: “Cần gì phải bao biện, có được mấy người đến xem đâu, mất lòng tin khán giả sờ sờ như thế mà không chịu cải cách, chắc chờ khi nào phá sản mới thấy”.H.D. tổng hợp

PHI LONG (Thủ Đức, TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Bóng đá Việt Nam