16/05/2016 11:00 GMT+7

"Hổ phụ sinh hổ tử" ở làng bóng bàn

T.PHÚC - H.ĐĂNG (tanphuc@tuoitre.com.vn_
T.PHÚC - H.ĐĂNG (tanphuc@tuoitre.com.vn_

TT - Hiếm có môn thể thao nào ở VN mà truyền thống “hổ phụ sinh hổ tử” lại nhiều như bóng bàn, với nhiều tay vợt trẻ được thừa hưởng năng khiếu, đam mê từ người thân trong gia đình.

Mai Tố Uyên đánh cặp cùng ba mình là ông Mai Văn Lê - Ảnh: H.Đ.
Mai Tố Uyên đánh cặp cùng ba mình là ông Mai Văn Lê - Ảnh: H.Đ.

Nhắc đến những dòng họ nổi tiếng trong làng banh nhựa VN, không ai không biết đến nhà họ Mai lẫy lừng trải dài qua 3 thế hệ. Từ “ông tổ” Mai Văn Hòa đến các anh em ông Mai Văn Minh, Mai Văn Quang... thuộc “đời thứ 2” và gần nhất là thế hệ con cháu của Mai Xuân Hằng, Mai Hoàng Mỹ Trang.

Những gia đình sinh ra nhân tài

Kể từ khi cô chị họ Mai Xuân Hằng giải nghệ, Mai Hoàng Mỹ Trang hoàn toàn thống trị làng bóng bàn VN. Nhưng không nhiều người biết phía sau Mỹ Trang, nhà họ Mai còn một cô gái trẻ tuổi nữa cũng được kỳ vọng sẽ nối tiếp thành công của chị mình. Đó là Mai Tố Uyên, tay vợt nữ 16 tuổi hiện đang thi đấu cho đội tuyển bóng bàn nữ TP.HCM.

Là con gái út của ông Mai Văn Lê, gọi các ông Mai Văn Minh (HLV bóng bàn ở Trung tâm TDTT Hoa Lư), ông Mai Văn Quang, Mai Văn Giót (HLV ở CLB bóng bàn Q.Phú Nhuận) là bác, Tố Uyên được ba mình cho làm quen với việc cầm vợt từ khi rất nhỏ, lúc mới 6 tuổi. Có đến 3 ông bác lẫn ba mình đều là những HLV bóng bàn nên kinh nghiệm “tầm sư” của Tố Uyên rất phong phú.

Tố Uyên kể: “Lúc mới tập, ba là người cầm tay chỉ em từng động tác. Lớn một chút thì ba gửi em sang học với bác Quang. Đến năm 10 tuổi, em được tuyển vào đội trẻ của TP.HCM nên sang Hoa Lư tập. Ở đây, thi thoảng bác Minh lại chỉ vẽ thêm cho em. Thi thoảng mỗi dịp cuối tuần em cũng đến CLB thể thao học đường quận Phú Nhuận, nơi ba dạy bóng bàn để chơi”.

Là tay vợt nhỏ tuổi nhất trong một gia đình giàu truyền thống bóng bàn, đặc biệt lại có những chị họ danh tiếng lừng lẫy như Xuân Hằng, Mỹ Trang nên sức ép kỳ vọng lên vai Tố Uyên cũng rất lớn. “Mỗi khi nghĩ đến các chị Hằng, chị Trang lại thấy mình còn thua kém nhiều quá, chỉ cố gắng tập trung rèn luyện theo đam mê bóng bàn của mình thôi”, Tố Uyên nói. Năm 2015, cô gái cầm vợt tay trái này giành được HCV ở Giải 12 cây vợt xuất sắc toàn quốc lứa tuổi U-15, hứa hẹn sẽ kế thừa được truyền thống dẫn đầu làng bóng bàn VN của nhà họ Mai.

Không chỉ Mai Tố Uyên, nhiều tay vợt nữ của làng bóng bàn TP.HCM cũng được thừa hưởng năng khiếu từ người thân trong gia đình. Điển hình như Hồ Phương Uyên, đồng đội của Tố Uyên ở tuyển bóng bàn trẻ TP.HCM nhiều năm qua vốn là con của ông Hồ Nhựt Tuấn - một cây vợt từng nằm trong tuyển năng khiếu của TP.HCM cách đây nhiều năm.

Còn Nguyễn Ngọc Yến Nhi và Trần Lê Thanh Trúc là cháu cũng như học trò của HLV Nguyễn Minh Hải - HLV ở CLB bóng bàn Lê Hồng Phong (Q.5). Yến Nhi gọi ông Hải bằng bác, còn Thanh Trúc là cháu gọi bằng cậu. Con gái của ông Hải, chị Nguyễn Minh Hồng Hạnh, từng là một cây vợt kỳ cựu của tuyển bóng bàn TP.HCM. Không chỉ đào tạo cho con gái mình, ông Hải còn dắt luôn các cô cháu gái vào nghiệp cầm vợt từ bé. Vậy nên có thời điểm, hơn phân nửa thành viên tuyển bóng bàn TP.HCM là đến từ gia đình ông.

Vì mê nên cho con theo nghiệp

Ông Vương Ngọc Sơn, trưởng bộ môn bóng bàn TP.HCM, nói: “Bóng bàn phát triển rất rộng ở mức độ phong trào. Nhiều phụ huynh cho con đi học bóng bàn nhưng khi nghĩ đến con đường chuyên nghiệp thì họ lại không thích. Trái lại, đa số những người từng theo nghiệp VĐV đều sẵn sàng cho con đi theo đam mê của mình. Vì vậy suốt mấy chục năm trời làm công tác đào tạo bóng bàn, tôi rất trân trọng những gia đình có truyền thống thể thao như vậy”.

Lẫy lừng trong cả sự nghiệp thi đấu lẫn làm HLV (hiện dẫn dắt CLB Hà Nội T&T), không ai ngạc nhiên với việc Vũ Mạnh Cường - tay vợt số 1 của bóng bàn VN những năm thập niên 1990 - cũng có con sẵn sàng nối nghiệp cha. Đó là Vũ Mạnh Huy, cậu con trai thứ 2 của anh. Giành HCV Giải 12 cây vợt xuất sắc toàn quốc lứa tuổi U-12 năm 2015, Mạnh Huy hiện được giới chuyên môn bóng bàn đánh giá là cây vợt nhí sáng giá nhất của làng banh nhựa, hoàn toàn có khả năng kế thừa được sự nghiệp lẫy lừng của cha mình.

Vũ Mạnh Cường kể: “Nhiều người tưởng mình mê bóng bàn vậy nên sẽ o ép con trai theo nghiệp. Thực sự thì việc chơi bóng bàn hoàn toàn là do con tôi lựa chọn. Hồi nhỏ, cháu đi theo tôi đến xem các buổi tập luyện, thi đấu trong đội rồi đâm ra mê mẩn từ đó, nhất định đòi tập chơi bóng bàn cho bằng được. Lối đánh của cháu cũng khá giống tôi. Thật lòng mà nói, tôi cũng muốn con mình học hành giỏi giang, có công việc ổn định ngoài đời nên luôn thúc ép cháu phải cân bằng giữa việc tập luyện và học. Còn sau này chọn con đường nào thì tùy vào đam mê của cháu thôi”.

Không giống như Mạnh Huy, cô gái 17 tuổi Hồ Phương Uyên của đội Petrosetco TP.HCM đến với bóng bàn khá miễn cưỡng khi được ba là Hồ Nhựt Tuấn dắt đi tập từ năm 7 tuổi. Phương Uyên kể mãi đến năm 12 tuổi em mới thực sự mê bóng bàn. Rồi từ đó, cô gái thuận tay trái này quyết chí theo nghiệp cầm vợt mà không cần sự hối thúc của ba mình nữa.

Di truyền năng khiếu bóng bàn

Một điều thú vị, các tay vợt nhí thừa hưởng từ người thân không chỉ năng khiếu bóng bàn mà còn cả cách cầm vợt. Thạc sĩ Phan Ngô Hoang - giảng viên khoa sinh học ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM - cho biết điều này là do gen di truyền: “Thông thường các đặc tính hoạt động của con người sẽ do những phần nhất định trên bán cầu não quy định, nhưng đặc tính thuận tay trái do gen quy định, ở đây là gen PCSK6 nhiễm sắc thể 15”.

Quả vậy, Mai Hoàng Mỹ Trang cũng đánh tay trái giống cha mình là ông Mai Văn Quang, tương tự với cô em họ Mai Tố Uyên hay cặp cha con Hồ Nhựt Tuấn - Hồ Phương Uyên.

T.PHÚC - H.ĐĂNG (tanphuc@tuoitre.com.vn_
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên