07/10/2015 10:00 GMT+7

Không có BHYT, VĐV gặp khó khăn

KHƯƠNG XUÂN (khuongxuan@tuoitre.com.vn)
KHƯƠNG XUÂN (khuongxuan@tuoitre.com.vn)

TT - Không có bảo hiểm y tế (BHYT), nhiều VĐV đã gặp khó khăn khi ốm đau, bệnh tật, nhất là bị chấn thương trong quá trình tập luyện và thi đấu thể thao đỉnh cao của mình.

Do không có BHYT, Huyền Trang gặp rất nhiều khó khăn trong việc điều trị bệnh Ảnh: NAM KHÁNH
Do không có BHYT, Huyền Trang gặp rất nhiều khó khăn trong việc điều trị bệnh - Ảnh: Nam Khánh

Thời gian qua, khi báo Tuổi Trẻ phản ánh về trường hợp VĐV Lê Thị Thu (CLB bóng đá nữ Than - Khoáng Sản VN), Nguyễn Huyền Trang (cựu VĐV đá cầu Hà Nội và đội tuyển quốc gia) bị bệnh nan y trong thời gian đang thi đấu phải nhập viện điều trị mà không có BHYT đã khiến nhiều người giật mình.

Nếu muốn đóng BHYT cho các VĐV này thì phải xin chủ trương, kinh phí từ UBND tỉnh. UBND tỉnh phải đưa ra HĐND tỉnh xin ý kiến, nếu được thông qua thì mới được chấp nhận

Ông ĐỖ HUY BẮC (giám đốc Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể thao Hà Nam)

VĐV không được mua bảo hiểm

Đang thi đấu tại Giải bóng đá nữ vô địch quốc gia 2015, từng được gọi vào đội tuyển U-19 VN, tai họa ập đến với Lê Thị Thu vào tháng 3 vừa qua khi cô bị phát hiện mắc bệnh xuất huyết và giảm tiểu cầu miễn dịch, một căn bệnh hiếm gặp rất nguy hiểm. Hơn ba tháng nằm điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), gia đình Thu đã tiêu tốn hơn 200 triệu đồng tiền thuốc men cho cô.

Ông Lê Đức Thắng, bố của Thu, đau xót cho biết việc Thu bị bệnh khiến gia đình ông phải vay mượn khắp nơi, bán hết đồ đạc có giá trị trong nhà để chữa trị cho con vì lúc đó Thu không được CLB Than - Khoáng Sản VN mua BHYT. Khi chúng tôi đến nhà Thu vào tháng 7-2015, ông Thắng cho biết gia đình vừa ra UBND xã để mua BHYT tự nguyện cho Thu.

Nguyễn Huyền Trang - nhà vô địch thế giới môn đá cầu của tuyển VN giai đoạn 2000-2007 - là một ví dụ điển hình cho những khốn khó mà cô và gia đình gặp phải khi không có BHYT. Năm 2004 khi đang tập trung cùng đội tuyển để chuẩn bị tham dự Giải đá cầu vô địch thế giới, Trang bị đau ruột thừa phải vào viện mổ cấp cứu. Đến khi vào viện Trang và gia đình mới biết cô không hề được ngành thể thao Hà Nội (đơn vị chủ quản của Trang) mua BHYT cho mình. Ông Nguyễn Đức Hồng, bố của Trang, cho biết khi đó gia đình phải tự bỏ tiền điều trị cho Trang. Sau nhiều năm tập luyện là VĐV của Hà Nội và đội tuyển, Huyền Trang chưa từng được các đơn vị này mua BHYT.

Đây không phải là những trường hợp hiếm của thể thao VN. Một VĐV của một tỉnh miền núi phía Bắc chia sẻ: “Việc không có BHYT không phải là chuyện mới nhưng lãnh đạo CLB nói nếu có bệnh hay chấn thương, CLB sẽ lo cho. Chúng tôi cũng không được phép phát ngôn hay đòi hỏi vì đang còn được CLB đào tạo, phải tin lãnh đạo CLB. Tôi vừa mới bị giập dây chằng chéo đã chụp cộng hưởng từ và CLB vừa gửi phim lên Bệnh viện Thể thao VN để đưa ra hướng điều trị. Vì không có BHYT nên đôi lúc ốm đau tôi phải xoay xở để có thuốc uống. CLB không có bác sĩ, khi đi thi đấu mới có bác sĩ đi theo. Không có bảo hiểm sợ nhất là lúc ốm đau, chấn thương”.

Mua bảo hiểm phải xin ý kiến HĐND

Ngôi sao một thời của bóng đá nữ VN, tuyển thủ Văn Thị Thanh (Hà Nam) cho biết đến năm 2011 khi cô được vào biên chế của ngành thể thao Hà Nam thì mới được đóng BHYT. Trước đó trong nhiều năm khoác áo CLB Hà Nam, Thanh cũng như tất cả cầu thủ khác của CLB đều không được mua BHYT. Hiện nay gần như 100% cầu thủ đội bóng đá nữ Phong Phú Hà Nam cũng không được mua BHYT vì... không phải công chức biên chế của ngành thể thao tỉnh.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đỗ Huy Bắc, giám đốc Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể thao Hà Nam, cho biết có đến 1/3 số VĐV của tỉnh này không được mua BHYT. Ông Bắc chia sẻ: “Là cán bộ quản lý VĐV, chúng tôi đã nhiều lần đề xuất với lãnh đạo sở, lãnh đạo tỉnh về việc mua BHYT cho VĐV nhưng không được chấp nhận. Các VĐV năng khiếu nếu đang còn ở độ tuổi học sinh, đang đi học đại học sẽ được đóng BHYT cho học sinh, sinh viên. Số còn lại nếu chưa được biên chế thì đều không được đóng BHYT. Nếu muốn đóng BHYT cho các VĐV này thì phải xin chủ trương, kinh phí từ UBND tỉnh. UBND tỉnh phải đưa ra HĐND tỉnh xin ý kiến, nếu được thông qua thì mới được chấp nhận.

Hiện nay do VĐV không có bảo hiểm nên những trường hợp chấn thương, trung tâm phải co kéo tiền của trung tâm để hỗ trợ điều trị. Các VĐV bóng đá, vật là những môn rất hay chấn thương. Trong thời gian qua chúng tôi đã hỗ trợ tiền để thủ môn Nguyễn Thị Ngọc điều trị chấn thương gối, cầu thủ Trần Thị Hồng Nhung mổ chân... Nhiều trường hợp trung tâm chi trả 50%, còn lại gia đình các em phải lo. Có VĐV lên đội tuyển quốc gia bị chấn thương, họ trả về địa phương. Dù địa phương kinh phí không có nhiều, VĐV không có bảo hiểm nhưng vẫn phải tìm cách chữa cho các em”.

Kêu gọi VĐV tự mua bảo hiểm cho mình

Theo quy định của Luật TDTT, tại điều 32 về quyền và nghĩa vụ của VĐV thể thao thành tích cao quy định: “Trong thời gian tập luyện và thi đấu, VĐV có quyền được chăm sóc và chữa trị chấn thương; VĐV được tham gia BHYT, bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật”. Ngoài ra, Chính phủ cũng có nhiều nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật TDTT, trong đó có việc thực hiện chế độ BHYT cho VĐV.

Ông Vương Bích Thắng, tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, cho biết: “Việc thực hiện mua BHYT cho VĐV là trách nhiệm của đơn vị sở hữu lao động (đơn vị chủ quản của VĐV). Hiện nay, theo quy định của Nhà nước, chỉ có những người đã vào biên chế chính thức mới được Nhà nước hỗ trợ mua BHYT, người lao động phải chi trả một phần qua lương. Tuy nhiên, phần lớn VĐV đều là các đối tượng không ở trong diện này. Vì thế trong rất nhiều quy định có quyết định 32/2011 của Thủ tướng Chính phủ về một số chế độ đối với VĐV, HLV thể thao trong thời gian tập luyện, thi đấu. Theo đó, dù không được mua BHYT vẫn sẽ được đơn vị sử dụng lao động chi trả các khoản điều trị khi bị ốm đau, chấn thương, tai nạn trong thời gian tập luyện, thi đấu. Với các VĐV được gọi lên đội tuyển quốc gia, nếu trong thời gian ở đội tuyển mà bị chấn thương, đau ốm, các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia, Tổng cục TDTT sẽ có trách nhiệm chi trả chi phí điều trị cho VĐV”.

Luật, các văn bản dưới luật hiện nay đều quy định rõ trách nhiệm của các đơn vị sở hữu VĐV. Tuy nhiên trong nhiều năm qua, có rất nhiều VĐV đã rơi vào cảnh cực kỳ khó khăn vì phải bỏ số tiền lớn để chữa bệnh, chấn thương khi đang thi đấu mà phía CLB không chi trả hoặc chỉ chi trả một phần.

Một lãnh đạo sở VH-TT&DL một tỉnh cho biết vì nhiều VĐV không thuộc diện được mua BHYT nên sở VH-TT&DL tỉnh này đã nhiều lần động viên các VĐV tự bỏ tiền ra mua BHYT cho bản thân phòng khi chấn thương. “Hiện nay BHYT tự nguyện cũng chỉ có giá 500.000 - 600.000 đồng/năm, nếu VĐV ý thức được sự quan trọng của sức khỏe thì nên tự bỏ tiền túi ra mua để bớt gánh nặng cho gia đình và địa phương. Tuy nhiên, dù chúng tôi động viên cũng chẳng có VĐV nào tự mua bảo hiểm cho mình vì họ tiếc tiền và tâm lý trông chờ vào Nhà nước” - vị này nói.

Chế độ đối với HLV, VĐV không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế bắt buộc:

* HLV, VĐV bị ốm hoặc thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình thì được chi trả toàn bộ chi phí khám, chữa bệnh và được hưởng trợ cấp bằng 75% mức tiền công.

* HLV, VĐV bị tai nạn trong khi tập luyện, thi đấu thì được chi trả toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định thương tật và được hưởng trợ cấp bằng 100% mức tiền công.

(Trích thông tư liên tịch Bộ Tài chính - Lao động - VH-TT&DL ngày 12-9-2012 hướng dẫn thực hiện một số chế độ đối với HLV, VĐV thể thao)

KHƯƠNG XUÂN (khuongxuan@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên