06/09/2015 03:42 GMT+7

​“Quái kiệt” bóng bàn

TẤN VŨ (hotanvu@tuoitre.com.vn)
TẤN VŨ (hotanvu@tuoitre.com.vn)

TT - Đó là ông Nguyễn Tuấn An (46 tuổi, TP Đà Nẵng) - người có thể đánh bóng bàn bằng gạch, gỗ, hộp quẹt Zippo, đáy chai, đáy ly… nói chung là các vật cứng có mặt phẳng để đánh bóng.

“Quái kiệt” Nguyễn Tuấn An chơi bóng bàn bằng… miệng. Theo ông An, chơi cách này là khó nhất vì phải đoán bóng và thổi chính xác nên rất mất sức, vì vậy chỉ để biểu diễn góp vui vài đường cho anh em xem - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Một người đàn ông Ai Cập có tên là Ibrahim Hamato, mất cả hai tay trong một vụ tai nạn lúc lên 10 tuổi, nhưng ông nổi tiếng khắp thế giới bởi tài đánh bóng bàn điệu nghệ bằng miệng. Có một “quái kiệt” khác ở Đà Nẵng cũng chơi bóng bàn bằng miệng, nhưng khác Ibrahim Hamato ở chỗ ông dùng áp lực hơi thở để điều khiển bóng.

Cả gia đình đều mê bóng bàn

Ông An bảo cái máu bóng bàn “lăn” vào ông từ nhỏ bởi sinh ra trong gia đình mê thể thao, đặc biệt là môn bóng bàn. Ngoài bố, các chị gái của ông cũng thích bóng bàn và cả gia đình đều là các tay vợt cừ khôi và quyết đấu với nhau qua những trận cầu nảy lửa. Nhưng cách đánh bóng bàn quái dị do ông An nghĩ ra thì bố và các chị không một ai theo được.

Bắt đầu đánh bóng bàn từ nhỏ, lúc còn là học sinh cấp I, rồi cấp II ở Trường Phù Đổng. Suốt quãng đời sinh viên đến khi ra trường và đi làm hầu như công việc chính của ông An đều gắn liền với cái bàn và chiếc vợt. “Sau này làm lái xe ở sân bay Đà Nẵng thuộc Công ty Hàng không Việt Nam, quanh năm đi thi đấu liên tục và huy chương cũng đầy nhà, đủ các giải... Nghĩ cũng chán, tôi nghĩ ra cách đánh độ bằng cách chấp đối phương đánh một trái còn mình dùng miệng thổi một trái. Rồi chấp đối phương đánh vợt, tôi đánh bằng viên gạch, đánh bằng hộp quẹt Zippo, miếng gỗ vuông trong lòng tay... dần dà thành quen” - ông An cười nói. Kết quả của những lần đánh chơi và tài năng thiên bẩm đó bây giờ ông An được giới bóng bàn biết đến là người có một không hai ở Việt Nam có thể dùng rất nhiều dụng cụ để chơi bóng. Đặc biệt dùng miệng để thổi bóng qua lưới.

Ông An cho rằng dùng các vật dụng nhỏ có mặt phẳng để đánh bóng bàn khó nhất là độ chính xác trong lòng bàn tay, nhưng dùng hơi trong phổi để nén khí qua miệng và thổi bóng qua lưới đòi hỏi một kỹ năng rất đặc biệt là độ nhả hơi chính xác.

Ông An kể năm 2007, Đài truyền hình Việt Nam chính thức trao cho ông giấy khen về “Kỷ lục đánh bóng bàn bằng bật lửa Zippo ấn tượng nhất” thuộc chương trình Chuyện lạ Việt Nam nhưng trước đó nhà đài không tin ông làm được. Sau khi thấy trên truyền hình có người đánh bóng bàn bằng gạch, ông An gọi đến nhà đài bảo ông có thể đánh bóng bằng hộp quẹt Zippo. 

“Tôi còn nhớ anh Tùng, phóng viên nhà đài, bảo tôi đừng có bay ra Hà Nội tốn tiền. Nếu diễn được thì chờ anh ấy vào đánh một trận rồi nhà đài quay phim sau!” - ông An kể. Kết quả trận giao lưu bóng bàn bằng hộp quẹt Zippo của ông An làm chàng phóng viên bật ngửa và chương trình chính thức khởi quay năm 2006, phát sóng và trao kỷ lục cho ông An năm 2007.

Sau khi chương trình được phát sóng, hàng loạt tay vợt tên tuổi đều muốn tìm đến “quái kiệt” Đà Nẵng để giao đấu và ông An không để một tay vợt nào thất vọng khi ông sáu tuần liên tiếp đứng trên bục đấu mà chưa một cao thủ nào thắng cuộc được ông. Điều thú vị ở chỗ họ đánh với nhau không để thắng thua hay phân biệt đẳng cấp mà họ đến với nhau, đấu với nhau rồi trở thành bằng hữu. 

“Giống như tỉ thí trên võ đài trong phim kiếm hiệp vậy, người thách đấu muốn đấu với ông An cứ vui vẻ lên sàn. Thua thì rời khỏi đài và người thắng ở lại. Kết quả sáu tuần liên tiếp, nhiều tay vợt lừng danh ở các tỉnh thành khác đổ về Đà Nẵng quyết đấu nhưng ông ấy vẫn đứng vững trên sàn” - Nguyễn Thanh Tuấn, một VĐV bóng bàn tại Đà Nẵng, nói trong sự thán phục.

Bây giờ, ở Đà Nẵng, từ trường đại học cho đến công sở hay câu lạc bộ nếu có giải đấu bóng bàn thì người biểu diễn trong buổi khai mạc không ai khác là ông An. Biểu diễn chơi bóng bàn bằng các vật dụng khác lạ, ông An cho rằng thể thao không chỉ là sức khỏe, khơi gợi tình đoàn kết, hữu nghị mà còn giúp chúng ta sáng tạo, khám phá những điều bí ẩn sâu thẳm trong mỗi bản thân con người.

“Độ” vợt theo sở trường vận động viên

Quán cà phê nhỏ có tên An Còi của vợ chồng ông An nằm ở số 16 Hải Sơn, phường Thanh Bình lúc nào cũng đông khách. Những chiếc bàn gỗ thấp, ghế vuông và những bàn cờ tướng có thể phục vụ nước trà, cà phê cho khách cả ngày lẫn đêm. Khách đến đây ngoài những người chòm xóm, 80% còn lại là các VĐV chuyên và không chuyên, ông chủ các câu lạc bộ bóng bàn trong thành phố, VĐV từ các tỉnh khác về thi đấu... và đặc biệt là khách hàng đặt vợt gỗ do chính tay ông An làm.

Chiếc máy cưa bằng điện nhỏ chạy rè rè ngay trước quán cà phê, ông An lui cui bào, cắt, dán keo, cân, vẽ lại những chiếc vợt của khách hàng. Ngừng tay rót nước mời khách, ông An bảo: “Làm vợt bóng bàn là nghề tay trái cũng là đam mê của mình hơn 30 năm nay. Làm vợt cho khách theo yêu cầu thi đấu và cho chính mình những cây vợt vừa ý. Ngoài ra, làm việc ở nhà cũng vừa giúp vợ chăm cái quán cà phê và tiếp khách thập phương bóng bàn đổ về...”.

Ông An bảo khách hàng có thể bỏ ra tiền triệu để có những chiếc vợt có thương hiệu đẳng cấp thế giới nhưng họ đến với ông chỉ để có chiếc vợt theo cách đánh sở trường của mình. Ông bảo 10 năm trước ông là đại lý cho hãng vợt Butterfly, những chiếc vợt hư hỏng phải gửi hàng ra nước ngoài để sửa. Rồi những chiếc vợt đột ngột tăng giá từ 1,5 triệu đồng lên đến 4 triệu đồng khiến anh em chới với. Ông tháo rời những chiếc vợt để nghiên cứu và làm theo cách của mình. Lúc đầu ông làm cho riêng ông, sau đó bạn bè thấy thích và đặt hàng ông theo sở trường của từng người. Bây giờ, dân chơi bóng bàn biết đến ông An không những là tay vợt cừ khôi mà còn là người có thể chế tác những chiếc vợt có một không hai.

Bà Tô Thị Hạnh, vợ ông An, cười bảo: “Mười tám năm rồi, cưới nhau đã có hai con, anh ấy chưa một ngày rời bóng bàn. Ai cũng có một niềm yêu sống, niềm đam mê, tôi tôn trọng và thương yêu niềm đam mê của chồng. Nhưng rất may là anh ấy chỉ yêu quả bóng!”.

Mọi công đoạn sản xuất cốt vợt đều diễn ra ngay tại quán cà phê An Còi, bất kỳ ai cũng có thể tới đây để chứng kiến tận mắt quy trình sản xuất cốt vợt thương hiệu ACT của ông An - Ảnh: bongbanplus.vn

 

Vợt của ông An

Anh Nguyễn Minh Quân, chủ CLB bóng bàn BMB tại Đà Nẵng, cho biết nhiều VĐV ở nơi anh hay đặt vợt từ ông An chế tác. “Bởi mỗi người một sở trường, người đánh lối tấn công mặt phải vợt sẽ được ông An gia cố thêm chất liệu carbon để làm tăng độ nẩy của bóng. Người đánh phòng thủ thì hàm lượng carbon ít lại để bóng có độ dừng. Và hai mặt vợt nặng nhẹ, to nhỏ khác nhau tùy theo từng khách hàng yêu cầu...” - anh Quân lý giải. Để có được những chiếc vợt bóng bàn ưng ý, ông An lên mạng lùng sục khắp nơi và tìm cách nhập khẩu những loại gỗ như limba, koto, rosewood... từ Nhật, hay gỗ trắc từ Lào để làm nguyên liệu. Và dân chơi bóng bàn Đà Nẵng ngoài những chiếc vợt thi đấu theo tiêu chuẩn quốc tế, nhiều người trong balô vẫn có chiếc vợt của ông An được khắc tên mình theo ý muốn. 

 

TẤN VŨ (hotanvu@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên