06/04/2024 13:22 GMT+7

Thăm chiến hạm lịch sử Alabama

USS Alabama và Drum là hai con tàu đã được Mỹ xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia.

Nơi chiến hạm Alabama trở thành bảo tàng

Nơi chiến hạm Alabama trở thành bảo tàng

Chúng tôi lái xe tới công viên tưởng niệm chiến hạm Alabama ven vịnh Mobile Đại Tây Dương, nơi thiết giáp hạm khổng lồ của Mỹ từng chiến đấu trong Thế chiến 2 trở thành bảo tàng để người dân hiểu lịch sử chiến tranh mà thêm yêu mến hòa bình. Chiến tranh không nên và không bao giờ được phép lặp lại.

1. Đây là một công viên và bảo tàng lịch sử quân sự của tiểu bang Alabama, Mỹ. Các máy bay và tàu chiến có tại nơi này bao gồm tàu chiến lớp South Dakota mang tên USS Alabama và tàu ngầm lớp Gato USS Drum. USS Alabama và Drum là hai con tàu đã được Mỹ xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia.

Chúng tôi đi vào dịp cuối tuần, lại là lễ Phục sinh nên du khách rất đông, đặc biệt là các gia đình đi tham quan công viên bảo tàng rộng gần 63ha.

Cả hai con tàu quá lừng lẫy về chiến tích anh hùng của chúng cũng như sự tưởng niệm những người con nước Mỹ đã hy sinh chống phát xít, đặc biệt là những người lính quê tiểu bang Alabama.

Thông tin ở bảo tàng cho hay chiến hạm USS Alabama cùng 2.500 thành viên thủy thủ đoàn trên tàu đã nhận được 9 huân chương Ngôi sao chiến đấu trong Thế chiến 2.

Trong một năm, "The Might A", như tên gọi của nó, đã phục vụ ở Đại Tây Dương để hỗ trợ hạm đội Anh vận chuyển hàng tiếp viện Liên Xô chống phát xít.

Sau đó, chiến hạm gia nhập Hạm đội Thái Bình Dương vào giữa năm 1943 và chiến đấu tại các địa điểm rực lửa như Leyte, quần đảo Gilbert và Okinawa. Và khi chiến tranh kết thúc, chính USS Alabama đã mở đường cho hạm đội Mỹ tiến vào vịnh Tokyo buộc quân Nhật đầu hàng.

Trong khi đó, USS Drum là tàu ngầm lớp Gato lâu đời nhất của Mỹ được trưng bày trước công chúng. Đặt tên theo loài cá vược lớn ngoài khơi Bắc Đại Tây Dương, USS Drum được điều khiển bởi 72 thành viên thủy thủ đoàn trong Thế chiến 2.

Tàu ngầm đã thực hiện 13 cuộc tuần tra chiến tranh, được tặng thưởng 12 huân chương Ngôi sao chiến đấu và đánh chìm 15 tàu của phát xít Nhật có tổng trọng tải trên 80.000 tấn.

2. Chúng tôi mau chóng lên thăm tàu USS Alabama - thiết giáp hạm dài 210m, tải trọng 45.233 tấn, chạy được 27,5 hải lý/h. Chiến hạm chở được ba máy bay dạng thủy phi cơ kèm theo hai đường phóng cho máy bay từ sàn tàu.

Hỏa lực thiết giáp hạm này cực kỳ mạnh. Nó có tới 9 khẩu pháo nòng cỡ 406mm, 27 khẩu pháo nòng cỡ 127mm, 6 khẩu có cỡ nòng 40mm và 25 khẩu có nòng cỡ 20mm.

Nhiều du khách Mỹ và quốc tế rất thích thú viếng thăm chiến hạm Alabama - Ảnh BÍCH HẬU

Nhiều du khách Mỹ và quốc tế rất thích thú viếng thăm chiến hạm Alabama - Ảnh BÍCH HẬU

Hồi Thế chiến 2, đây là một trong những con tàu có hỏa lực và sức mạnh quân sự khủng bậc nhất, chiến đấu sòng phẳng với các thiết giáp hạm khủng của Đức và Nhật bởi lúc đó hai nước này cũng trang bị cực kỳ ác liệt cho các tàu của họ.

Trong số các loại pháo hải quân mạnh nhất Chiến tranh thế giới thứ 2, vị trí đầu tiên thuộc về pháo hải quân 460 ly của Nhật Bản kiểu 94. Loại súng này được trang bị cho hai thiết giáp hạm lớn nhất và nổi tiếng nhất của Nhật là Yamato và Musashi.

Tại Đức, trước Thế chiến 2 các thiết giáp hạm Bismarck và Tirpitz đã được đặt đóng và sau đó tham chiến với pháo cỡ nòng 380mm là niềm tự hào của hạm đội Đức.

Sau khi tham quan sàn tàu, các cỗ pháo khủng nhất và đi tới mọi tầng cao của chiến hạm kèm theo nơi đậu và cất cánh cho các thủy phi cơ, chúng tôi vào bên trong lòng tàu. Đây là một chiến hạm cực kỳ lớn, có thể chứa một lúc 2.500 người, chia thành rất nhiều tầng.

Mỗi tầng đều được thiết kế khoa học, bao gồm chỗ làm việc và khu giường ngủ của binh lính, sĩ quan cùng nhiều nhà ăn khác nhau, kho quân lương, khu giặt giũ, ủi đồ, các cửa hàng bán quân trang quân dụng và đồ dùng, kể cả nơi hành chính và kế toán làm việc.

Chiến hạm cũng có các câu lạc bộ rộng rãi cho sĩ quan và binh lính, nơi tập thể thao và cả một nhà tù.

Những khu đặc biệt có kho vũ khí, bệnh viện quân y có đủ khu vực sơ cấp cứu, xét nghiệm, chẩn đoán, máy móc chẩn đoán hình ảnh, khu vực phẫu thuật và điều trị rất hiện đại ở thời đó.

Các khu vực phục vụ con tàu to lớn này bao gồm khu vực cho lái tàu, hoa tiêu, khu vực điện đài, thùng thư bưu điện, khu vực nghiên cứu và phân tích tin tức tình báo, khu dự báo thời tiết. Tàu có công xưởng riêng có thể thiết kế, chế tạo tại chỗ các linh kiện bị hư hỏng.

Khi xem xong chiến hạm này, chúng tôi tiếp tục qua tham quan Drum - tàu ngầm chở được 72 người, tải trọng chừng 2.093 tấn lúc lặn. Khi nổi nó có thể chạy với vận tốc 21 hải lý/h, khi lặn nó chạy 9 hải lý/h. Tàu có hệ thống máy móc và giàn phóng ngư lôi rất khoa học thời Thế chiến 2.

Tác giả tham quan phòng kỹ thuật tàu ngầm Drum - Ảnh N.N.D.

Tác giả tham quan phòng kỹ thuật tàu ngầm Drum - Ảnh N.N.D.

3. Sự hình thành nên công viên tưởng niệm USS Alabama là một điều kỳ diệu. Khi được biết hải quân Mỹ sẽ cho tàu về hưu và tháo dỡ vào tháng 6-1962, vì tàu mang tên tiểu bang của mình nên bang này ngỏ ý muốn giữ lại làm bảo tàng.

Không được phép dùng ngân sách từ thuế dân trong các trường hợp này nên bang cho thành lập Ủy ban Thiết giáp hạm USS Alabama và gây quỹ để mua con tàu.

Cuối cùng họ quyên góp được khoảng 800.000 USD, trong đó một phần tám đến từ trẻ em trong bang, phần còn lại chủ yếu đến từ sự đóng góp của các doanh nghiệp. Một năm sau, hải quân Mỹ trao con tàu cho bang Alabama.

Hiện cả khu vực 63ha này chỉ có 36 nhân viên phục vụ. Ngân sách của bộ máy tới từ việc bán vé và bán đồ lưu niệm. Chỉ riêng chi phí bảo trì cho con tàu đã vượt quá 1 triệu USD mỗi năm, vì họ sẽ phải sơn tàu lại để tránh hoen gỉ, chưa kể các sửa chữa khác.

Kể từ năm 1965, hơn 17 triệu người đã đến thăm công viên này, tạo ra hơn 1 tỉ USD doanh thu. Mỗi năm, khách du lịch từ hơn 70 quốc gia đã đến thăm công viên.

Công viên còn có khu dã ngoại và các cơ sở cho thuê có sẵn trong các phòng triển lãm và trên tàu USS Alabama cho nhiều loại sự kiện khác nhau. Ai cần tha hồ thuê mượn. Công viên cũng tài trợ cho chương trình USS Alabama Crewmate cho các cô gái địa phương trong độ tuổi

19-21 được lựa chọn cạnh tranh để quảng bá công viên và nhận được một phần của quỹ học bổng đại học trị giá 7.500 USD.

Đó là cách người dân bang Alabama cứu một thiết giáp hạm khỏi bị tháo dỡ và biến nó thành giá trị lịch sử, đồng thời giúp trẻ em có cơ hội học hỏi về các con tàu cỡ lớn, thúc đẩy ham muốn khám phá kỹ thuật, trở thành các nhà sáng tạo khoa học tương lai.

Và hơn nữa, có lẽ các em hiểu biết về vũ khí, về cuộc thế chiến đẫm máu để thêm lòng yêu mến hòa bình. Chiến tranh không nên và không bao giờ được phép lặp lại.

Nếu chúng tôi đi một mạch ná thở thì phải hết chừng 4 giờ may ra mới đi hết 12 tầng lớn nhỏ của chiến hạm USS Alabama. Còn nếu coi kỹ thì phải đi cả ngày mới hết. Trẻ em đi xem tàu rất đông và chúng do tò mò nên xem rất kỹ càng. Thật là một bài học tốt cho những trẻ em mê say kỹ thuật.

Chiến hạm Alabama tham chiến ở Đại Tây Dương năm 1942 - Ảnh: TL

Chiến hạm Alabama tham chiến ở Đại Tây Dương năm 1942 - Ảnh: TL

Từ Thế chiến 2, việc tạo nên những chiến hạm như thế này đã thể hiện trình độ cao về khoa học, kỹ thuật chế tạo.

Thêm vào đó, muốn làm ra con tàu như vậy thì phải có đầu óc kỹ trị giỏi, khả năng tính toán chính xác để đảm bảo vận hành trơn tru cho một tòa thành nổi có thể chứa một lúc trong thời chiến 2.500 binh lính và sĩ quan cùng lực lượng hậu cần, đảm bảo nó có thể ở rất dài ngày trên biển mà sẵn sàng chiến đấu.

Thợ săn nước mùa nắng hạnThợ săn nước mùa nắng hạn

Quan sát kỹ địa thế và độ xanh tươi cây cỏ, người thợ đào giếng kỳ cựu lại săm soi lớp hơi nước đọng trên tấm nhựa đã trải qua đêm. Đây là những thợ săn nước quý giá mùa nắng hạn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên