15/05/2024 07:54 GMT+7

Quản lý thực phẩm ra sao?

Lại thêm vụ ngộ độc tập thể hơn 50 du khách ở Phan Thiết mới đây khiến người dân rất lo ngại về vấn đề an toàn thực phẩm hiện nay.

Thức ăn đường phố, cửa hàng dịch vụ ăn uống nhỏ lẻ phải đảm bảo an toàn thực phẩm - Ảnh minh họa: NAM TRẦN

Thức ăn đường phố, cửa hàng dịch vụ ăn uống nhỏ lẻ phải đảm bảo an toàn thực phẩm - Ảnh minh họa: NAM TRẦN

Trước đó, đầu tháng 5 có hơn 500 người ngộ độc sau khi ăn bánh mì tại cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống nhỏ lẻ ở Đồng Nai và nhiều vụ ngộ độc thực phẩm khác liên tiếp xảy ra ở nhiều nơi. Thực tế, việc quản lý an toàn thực phẩm hiện nay ra sao?

Nhiều vụ ngộ độc hiện vẫn đang được điều tra, chưa công bố kết luận nguyên nhân. Các chuyên gia y tế cảnh báo nguy cơ ngộ độc thực phẩm sẽ còn tiếp diễn do nắng nóng kéo dài, đặc biệt với thức ăn đường phố, hàng rong, cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ.

Hiện nay, các văn bản đã phân công rõ trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm cho 3 bộ, ngành quản lý trong suốt quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm.

Đồng thời, phân cấp mạnh mẽ giữa trung ương và chính quyền địa phương các cấp trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, thực tế việc quản lý an toàn thực phẩm hiện nay còn nhiều khó khăn.

Tuổi Trẻ có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hùng Long, phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), về vấn đề này.

Cần thay đổi hành vi, thói quen không đảm bảo an toàn thực phẩm

* Việc quản lý an toàn thực phẩm ở các cơ sở nhỏ lẻ có khó khăn?

- Như cửa hàng bánh mì tại Đồng Nai, qua quá trình xác minh làm việc, cửa hàng này trước đó đã đăng ký kinh doanh nhưng ở địa chỉ cách đó không xa. Tuy nhiên, khi chuyển cơ sở lại không đăng ký lại địa chỉ mới mà vẫn nộp thuế môn bài theo địa chỉ cũ. Cửa hàng do địa phương quản lý về an toàn thực phẩm.

Theo quy định hiện nay, tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm ăn uống dù lớn hay nhỏ đều phải đủ điều kiện an toàn thực phẩm (trừ thức ăn đường phố). Quy định pháp luật về phân cấp quản lý an toàn thực phẩm rất rõ ràng. Tùy từng địa phương sẽ có sự phân cấp quản lý.

Chủ yếu biện pháp nâng cao an toàn thực phẩm vẫn là tuyên truyền, hướng dẫn và tăng cường kiểm tra, thanh tra xử phạt, đưa thông tin vi phạm lên các phương tiện đại chúng từ cấp xã phường. Trong đó, tuyên truyền cho hai đối tượng là người sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng. Bởi, nhiều người dân dù nhìn thấy không đảm bảo an toàn nhưng vẫn sử dụng các loại thực phẩm này.

* Quán ăn vỉa hè, đường phố, bờ biển ngày càng phát triển, xin ông cho biết việc quản lý an toàn thực phẩm tại các quán ăn này thế nào?

- Thực tế, quán ăn vỉa hè chủ yếu không cố định vì vậy việc quản lý rất khó khăn. Theo quy định, thức ăn đường phố được giao cho trạm y tế, UBND xã phường quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, được phép xử phạt nếu không đảm bảo các quy định.

Tuy nhiên, việc xử phạt còn khó khăn do nhân lực trạm y tế ít nhất còn có người để làm nhiệm vụ này, còn lực lượng nông nghiệp, công thương tại xã phường gần như không có.

Bên cạnh đó, trước đây những người kinh doanh thức ăn đường phố quy định bắt buộc được tập huấn về an toàn thực phẩm, việc tập huấn này do trạm y tế địa phương thực hiện. Tuy nhiên, hiện nay không còn là quy định bắt buộc mà chủ cơ sở tự xác nhận tập huấn kiến thức, tự chịu trách nhiệm.

Giải pháp hiện nay là tập trung tuyên truyền nguy cơ ngộ độc thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, cung cấp kiến thức đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Đặc biệt, tuyên truyền thay đổi hành vi, thói quen không đảm bảo an toàn thực phẩm, chỉ sử dụng các nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Địa phương rất quan trọng

* Theo quy định hiện nay, đoàn thanh tra về an toàn thực phẩm trước khi kiểm tra sẽ thông báo trước với cơ sở kinh doanh, liệu điều này có giúp các cửa hàng có thời gian "đối phó"?

- Hiện nay việc kiểm tra an toàn thực phẩm sẽ có hai hình thức là kiểm tra theo kế hoạch và kiểm tra đột xuất.

Theo đó, với kiểm tra theo kế hoạch các địa phương sẽ lập kế hoạch ngay từ đầu năm. Trong trường hợp nếu cơ sở chưa đảm bảo các điều kiện như vệ sinh không đảm bảo, rác thải bừa bãi… không đúng quy định về an toàn thực phẩm thì sẽ bị xử phạt theo quy định.

Ngoài ra, các địa phương có thể kiểm tra đột xuất theo phản ảnh, theo tháng cao điểm an toàn thực phẩm, hay theo ghi nhận thực tế. Lúc này, nếu phát hiện sai phạm, các cơ sở sẽ bị xử phạt, đồng thời công khai vi phạm để người dân được biết.

* Để phòng chống ngộ độc thực phẩm, theo ông cần phải làm gì?

- Hiện nay các văn bản pháp luật về an toàn thực phẩm đã rất đầy đủ, quy định rõ trách nhiệm của từng bộ, ban ngành về việc quản lý.

Các đơn vị cần thực hiện trách nhiệm của mình từ khâu nguyên liệu, sử dụng phụ gia, phụ phẩm cho đến sản phẩm cuối cùng. Điều quan trọng là thực hiện việc tuyên truyền, thanh kiểm tra, giám sát và nâng cao trách nhiệm của người kinh doanh và người dân.

Các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống tại địa bàn phường xã thì lực lượng quản lý của địa phương phải nắm rõ nhất, phải đưa ra giải pháp để quản lý phù hợp với từng vùng, từng địa phương.

Bên cạnh đó, việc tập trung một đầu mối như Sở An toàn thực phẩm TP.HCM đang hoạt động có hiệu quả, giúp tập trung nguồn lực, điều này cho phép giải quyết triệt để hơn, chủ động hơn, hiệu quả hơn các vấn đề cấp bách về an toàn thực phẩm.

Giải quyết hạn chế về cơ chế phối hợp giữa các sở, ngành và đầu mối chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về công tác quản lý an toàn thực phẩm, tránh chồng chéo trong quá trình thực hiện. Mọi hoạt động từ thanh tra, xử lý vi phạm hành chính đều nhanh chóng, thông suốt và đủ sức răn đe.

Quản lý an toàn thực phẩm: Địa phương - người dân rất quan trọng

Tại thời điểm hiện nay, chưa có cơ chế thành lập sở an toàn thực phẩm tại tất cả các địa phương, vì vậy cần có sự phối hợp với cơ quan chức năng ngành nông nghiệp, công thương tổ chức thực hiện.

Điều quan trọng là người dân phải tự bảo vệ sức khỏe bằng cách lựa chọn sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, các cửa hàng kinh doanh ăn uống nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Hàng trăm công nhân nghi ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn trưaHàng trăm công nhân nghi ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn trưa

Hàng trăm công nhân Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam (Vĩnh Phúc) nhập viện cấp cứu nghi ngộ độc thực phẩm với các triệu chứng đau bụng, buồn nôn và nôn, đau đầu, mệt…

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên