17/05/2024 09:37 GMT+7

Nháy đèn xi nhan và những pha thoát chết trong gang tấc

Nhiều bạn đọc chia sẻ những câu chuyện tài xế giúp nhau ngoài việc nháy đèn xi nhan, với mong muốn giảm bớt "những cái chết bất ngờ" khi lái xe trên đường.

Nhiều đoạn đường cong nhưng ở vùng núi chưa thể lắp biển báo nên những cú nháy xi nhan có thể giúp tài xế phía sau an toàn khi lái xe trên đường - Ảnh: QUỐC NAM

Nhiều đoạn đường cong nhưng ở vùng núi chưa thể lắp biển báo nên những cú nháy xi nhan có thể giúp tài xế phía sau an toàn khi lái xe trên đường - Ảnh: QUỐC NAM

Sau câu chuyện "Một cái nháy đèn xi nhan cứu mạng trên đường", nhiều bạn đọc đã chia sẻ thêm những câu chuyện tài xế giúp nhau.

"Tôi xin cảm ơn bác tài xe tải, vì biết đâu sau bài báo này lại có thêm nhiều chuyện tử tế tương tự", một bạn đọc nhắn nhủ.

Những pha thoát chết

Hành động của tài xế xe tải trong câu chuyện đã chạm vào cảm xúc của nhiều người. Nhiều ý kiến cho rằng hành trình lái xe trên đường vốn có rất nhiều tình huống có thể xảy ra.

Khi đó sự tương trợ của những tài xế khác đôi khi chính là "chìa khóa" giúp nhau thoát khỏi hoạn nạn. Càng nhiều người có ý thức giúp người khác trên đường thì hành trình càng an toàn.

Bạn đọc Hoàng Tùng kể anh có lần đổ đèo Đại Ninh (Bình Thuận), đi phía sau một chiếc xe tải cũng khá chậm. Vì thấy không an toàn nên anh không vượt và kiên nhẫn giữ khoảng cách sau xe tải. "Tới một đoạn đường trống thấy xe tải bật xi nhan phải ra hiệu có thể vượt nên tôi bật xi nhan trái quan sát thấy an toàn và vượt khá nhẹ nhàng. Không quên nháy xi nhan hai lần. Cảm ơn anh tài xế xe tải tốt bụng", anh Tùng viết.

Độc giả tên Chính chia sẻ: "Có lần khi vượt xe cùng chiều, nhìn lên bên trái thấy đường trống nên mở xi nhan xin vượt. Nhưng tài xế đi trước lại bấm còi inh ỏi và xi nhan bên trái, ngăn không cho tôi vượt.

Tôi cố nhấn ga, nhưng khi xe tôi song song với đầu xe cùng chiều thì hỡi ôi... một chiếc xe từ bên phải cắt đầu xe từ bên kia đường chạy qua!

Tôi thầm cảm ơn người tài xế đã cứu tôi một mạng".

Nhiều bạn đọc còn chỉ ra một số dấu hiệu để việc hỗ trợ nhau trên đường giữa các tài xế được hiệu quả hơn.

"Khi không muốn cho xe sau vượt lên vì lý do gì đó, tài xế xe phía trước hạ kính bên lái và úp lòng bàn tay xuống đường vẫy, hoặc vẫy tay ra phía sau, ngoài đá đèn xin đường trái. Nếu đồng ý cho xe sau vượt lên thì vẫy tay lên phía trước" - bạn đọc Phạm Thiết Hùng gợi ý một quy tắc.

Còn bạn đọc Phúc nhắc nhở: "Việc tài xế xe trước nháy đèn cảnh báo là chuyện tốt, nhưng tốt nhất là chính mình luôn cảnh báo bản thân".

Theo bạn đọc Trần Khương, lái xe tuyệt đối không vượt trong trường hợp đường cong và khi không quan sát được làn trái phía trước.

Những đoạn đường qua đồi núi thường quanh co khuất tầm nhìn nên cần sự tương trợ lẫn nhau của tài xế - Ảnh: QUỐC NAM

Những đoạn đường qua đồi núi thường quanh co khuất tầm nhìn nên cần sự tương trợ lẫn nhau của tài xế - Ảnh: QUỐC NAM

Chưa có biển cấm vượt chỗ đường cong vì thiếu tiền?

Dưới bài viết về câu chuyện trên, một số bạn đọc thắc mắc vì sao tài xế có thể vượt xe trước khi qua đường cong.

"Chỗ đường cong không bao giờ nên vượt, không có biển cấm vượt nhưng đường luôn là vạch liền - không được phép đè vạch", một bạn đọc viết.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ quy định về chiều dài tầm nhìn, tia nhìn ở những khúc cong khi cắm biển báo giao thông - Ảnh: QUỐC NAM

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ quy định về chiều dài tầm nhìn, tia nhìn ở những khúc cong khi cắm biển báo giao thông - Ảnh: QUỐC NAM

Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Quảng Trị cho biết vì kinh phí hạn hẹp nên hiện nhiều tuyến đường tại tỉnh chưa thể cắm đủ biển báo giao thông cần thiết, kể cả những biển báo cấm vượt.

"Hiện phải ưu tiên cắm biển ở những đường có lưu lượng xe lớn như quốc lộ và cao tốc. Những tuyến tỉnh lộ, đường nhỏ thì chưa thể làm", lãnh đạo này nói.

Theo quy chuẩn về biển báo, việc cắm biển cấm vượt căn cứ vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố chiều dài tầm nhìn và tia nhìn. Những khúc đường độ cong tạo ra chiều dài tầm nhìn cao hơn mức quy định thì sẽ không cắm biển báo cấm vượt.

Ông Trần Minh Trung, hiệu trưởng Trường trung cấp nghề Giao thông vận tải Quảng Trị, cho biết: Ba điều kiện phải đảm bảo để vượt xe là không có chướng ngại vật phía trước, không có xe ngược chiều trong đoạn đường định vượt, và xe phía trước mình phải tránh về bên phải.

Tuy nhiên, những điều kiện này chỉ mới đảm bảo được sự an toàn cho bản thân mình. Còn để an toàn cho người khác trên đường, cần nhất là đạo đức lái xe của người tài xế.

Động tác nháy đèn xi nhan mà nhiều tài xế dùng ngăn xe sau vượt lên để tránh nguy hiểm là một trong nhiều chỉ dấu mà các tài xế thường dùng trên đường để giúp nhau. Và ở trường dạy lái xe, các giáo viên luôn đặt đạo đức lái xe lên ngang với việc dạy luật giao thông đường bộ.

"Chúng tôi luôn yêu cầu giáo viên ngoài dạy kiến thức về luật giao thông, kỹ năng lái xe, phải dạy thêm những kỹ năng hỗ trợ các tài xế khác trên đường. Giúp người chính là giúp mình. Đó là đạo đức của người tài xế" - ông Trung cho hay.

Lái xe, đừng quên gương chiếu hậuLái xe, đừng quên gương chiếu hậu

Gương chiếu hậu là thiết bị an toàn thiết yếu của các phương tiện ô tô và xe máy, giúp lái xe có thể quan sát phía sau mà không cần phải quay đầu.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên