Mỗi tuần một chuyện Những ngôi sao đích thực

HUY THỌ 20/12/2020 21:10 GMT+7

TTCT - Những ngôi sao thể thao biết sử dụng uy tín của mình để bảo vệ đất nước, bảo vệ những người yếu thế trên thế gian này, đó đều là những ngôi sao đáng trân trọng.

Sau một trận đấu bóng đá thắng lợi của tuyển Việt Nam, có khi hàng triệu người đổ ra đường mừng chiến thắng. Mọi người với cờ Tổ quốc trên tay, với những tiếng hô “Việt Nam vô địch” đến muốn vỡ lồng ngực. Các tuyển thủ thì luôn khẳng định chiến đấu vì màu cờ sắc áo.

Đó không phải chính trị thì là gì?

Năm 2002, hồi ấy Hàn Quốc lo lắm về hiện tượng giới trẻ nhuộm tóc vàng, tôn thờ lối sống phương Tây. Nhưng sau khi đội tuyển bóng đá của họ vào bán kết World Cup thì giới nghiên cứu xã hội học lại quay sang đào xới tâm lý dân tộc thể hiện qua hình ảnh triệu triệu người Hàn khoác cờ tổ quốc trên vai xuống đường đồng hành với đội tuyển bóng đá. Tóc vàng thì tóc vàng, máu đỏ vẫn là máu đỏ Hàn Quốc! Thế là sự kiện thể thao ấy đã đi vào sách giáo khoa để giáo dục lòng yêu nước.

Đó không phải chính trị thì là gì?

Khi tay vợt Li Na trở thành người châu Á đầu tiên vô địch một giải quần vợt trong hệ thống Grand Slam (Pháp mở rộng 2011), cả tỉ người Trung Quốc đều thấy hạnh phúc và tự hào. Đó cũng là thể thao không thể tách rời chính trị.

Thể thao không chỉ là một món giải trí, mà còn được nhiều chính phủ, quốc gia xem là phương tiện để giáo dục tinh thần thượng võ, sự tự giác rèn luyện sức khỏe, và cả tình cảm yêu nước, của người dân. Một đất nước mà người dân hăng say rèn luyện sức khỏe thì ắt là phải thịnh. Một đất nước mà đi đâu cũng thấy người dân say mê chơi thể thao, chạy bộ đầy công viên thì phần nhiều là một quốc gia văn minh.

Đó cũng là chính trị vậy.

Vì vậy, nói thể thao phi chính trị là chuyện không thể có.

Những ngôi sao thể thao biết sử dụng uy tín của mình để bảo vệ đất nước, bảo vệ những người yếu thế trên thế gian này, đó đều là những ngôi sao đáng trân trọng. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận