Mạnh yếu đồng tiền

NGUYỄN VŨ 15/05/2024 10:42 GMT+7

TTCT - Trước khi tìm hiểu vì sao đồng đô la Mỹ mạnh lên đang làm khó thế giới và làm khó cho cả nước Mỹ, có lẽ nên nhìn lại một số quy luật kinh tế liên quan đến đồng tiền của các nước.

Ảnh: Masterworks

Ảnh: Masterworks

Đồng tiền của một nước mạnh lên do nhiều yếu tố, trong đó lãi suất đang chào mời là một yếu tố quan trọng. Lãi suất cao, thiên hạ sẽ đổ xô mua đồng tiền nước đó để hưởng lãi cao. 

Trong tương quan với nước khác, đồng tiền một nước yếu đi sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy, bao gồm khó lòng giảm lãi suất để kích thích tăng trưởng kinh tế. Tiền đã yếu, giảm lãi suất nữa, ai mà muốn nắm giữ.

Đô la tăng mạnh

Đối chiếu những quy luật này với thực tế hiện nay, chúng ta thấy quyết định của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giữ nguyên lãi suất, tức duy trì lãi suất cao để chống lạm phát đang mon men quay trở lại, chính là yếu tố thúc đẩy sự lên giá của đô la so với đồng tiền các nước. 

Tờ New York Times 30-4 đăng biểu đồ cho thấy đồng tiền của nhiều nước đã mất giá khá mạnh so với đô la Mỹ: từ đầu năm đến nay đồng tiền của Nhật sụt mất 10%, tiền Úc giảm 3,9%, tiền Hàn Quốc giảm 6,5%, ngay cả đô la Canada láng giềng cũng sụt giảm 3,4%. Bloomberg theo dõi đồng tiền của 150 nước và nhận thấy đến 2/3 đã mất giá so với đô la Mỹ.

Chỉ số đô la Mỹ - vốn đo lường sức khỏe của đô la so với một rổ các loại tiền tệ khác, chủ yếu là các đối tác thương mại chính của Mỹ - đang ở mức rất cao, ngang với những năm 2000, khi lãi suất Mỹ cũng rất cao. 

Tính đến ngày 22-4, chỉ số này đã tăng hơn 4% so với đầu năm 2024. Ngay cả Trung Quốc từng tuyên bố có những biện pháp ổn định tỉ giá thì đồng nhân dân tệ cũng đang yếu đi so với đô la, từ đầu năm đến nay giảm 2,1%.

Đồng đô la Mỹ mạnh đang gây khó khăn cho cả thế giới. Đầu tiên nó làm tình hình lạm phát ở các nước thêm trầm trọng do họ phải sử dụng nhiều tiền hơn để đổi lấy đô la mua lượng hàng nhập khẩu tương tự. 

Mua hàng từ Mỹ đắt hơn không nói, mua hàng từ nơi khác cũng đắt hơn vì ngoại thương quốc tế, như mua bán dầu thô chẳng hạn, giao dịch chủ yếu bằng đô la Mỹ. 

Các nước có nợ nước ngoài phải trả bằng đô la cũng phải gánh nợ gốc và lãi nặng hơn. Không phải vô cớ người ta thường nói đô la Mỹ mạnh là xuất khẩu lạm phát sang các nước.

Thứ nữa, đô la mạnh làm các nước lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan giữa hai chuyện: hỗ trợ kinh tế bằng cách giảm lãi suất hay hỗ trợ nội tệ bằng cách giữ lãi suất cao. Cái nào cũng khó, nên Jesse Rogers, nhà phân tích kinh tế của hãng Moody's, đã nhận xét: "Chưa bao giờ câu này đúng hơn: Fed chính là ngân hàng trung ương của cả thế giới".

Ảnh: Reuters

Ảnh: Reuters

Thế khó của người điều hành

Hiệu ứng đô la Mỹ mạnh thấy rõ nhất ở châu Á. Tháng 4, bộ trưởng tài chính các nước Nhật, Hàn Quốc và Mỹ đã họp tại Washington, cam kết sẽ "tham vấn kỹ về các diễn biến trên thị trường tỉ giá hối đoái".

Tuyên bố cũng nhấn mạnh "mối quan ngại sâu sắc của Nhật Bản và Hàn Quốc về việc mất giá mạnh gần đây của đồng yen Nhật và đồng won Hàn Quốc". Đồng yen đã có lúc sụt đến mức 160 yen mới đổi được 1 đô la, thấp chưa từng thấy từ năm 1990. 

Các nhà làm chính sách Nhật đang phải giữ thăng bằng trên một sợi dây mong manh: tăng lãi suất để giảm đà mất giá của đồng yen nhưng không thể tăng quá mạnh làm suy yếu nền kinh tế vốn đã tăng trưởng èo uột. Hậu quả là đồng yen tiếp tục mất giá, nhà đầu tư mất niềm tin, và sẽ chuyển vốn đầu tư ra khỏi nước Nhật.

Một rủi ro tương tự đang đặt ra cho Trung Quốc. Nền kinh tế nước này đang gặp khó khăn do khủng hoảng địa ốc, mức tiêu dùng của người dân thấp. Trung Quốc buộc phải để đồng nhân dân tệ giảm giá đôi chút để kích thích tiêu dùng và sản xuất. 

Ở châu Âu, ngân hàng trung ương khu vực đồng euro muốn cắt giảm lãi suất để kích thích đầu tư khi lạm phát có dấu hiệu giảm nhiệt. Nhưng giảm lãi suất đồng euro trước khi Fed làm tương tự với đô la sẽ dẫn đến rủi ro euro càng mất giá. Một số nhà phân tích đã dự đoán đô la Mỹ và euro sẽ đạt mức ngang bằng trong đầu năm tới.

Ở hướng ngược lại, đô la Mỹ lên giá cũng đang làm khó nước Mỹ. Đồng đô la mạnh lên làm hàng xuất khẩu Mỹ khó cạnh tranh ở nước ngoài vì đắt lên, còn hàng nhập khẩu giảm giá. Tình hình này sẽ khiến thâm hụt thương mại của Mỹ ngày càng lớn. 

Chính sách đưa sản xuất về lại trong nước của Tổng thống Joe Biden cũng chịu ảnh hưởng nếu đồng đô la quá mạnh và lãi suất quá cao.

Đối phó với đồng tiền trong nước suy yếu, các nước thường dùng biện pháp trực tiếp nhất: bán ngoại tệ để can thiệp. Các nước hiện cơ bản có đủ ngoại tệ để can thiệp, như Nhật có đến 1.300 tỉ đô la dự trữ ngoại tệ, Ấn Độ - 643 tỉ, Hàn Quốc - 419 tỉ. 

Thế nhưng lịch sử luôn cho thấy can thiệp trực tiếp chỉ tổ "phí đạn" vì hiệu ứng rất ngắn hạn. Năm 2022, Nhật sử dụng đến 60 tỉ đô la dự trữ ngoại hối để giữ giá đồng yen, nhưng kết quả xem như bằng không; 4 tháng đầu năm nay nghe đâu cũng đã tiêu tốn đến 35 tỉ đô la. 

Về lâu về dài, điều quyết định vẫn là lãi suất. Sự yếu kém của đồng yen và đồng won là do chênh lệch lãi suất: Trái phiếu Hàn Quốc hiện có lãi suất chừng 3,5%, của Nhật còn thấp hơn, chỉ 0,3%, trong khi trái phiếu của Mỹ cùng kỳ hạn hai năm đang có lãi suất đến 5%.

Trong bối cảnh này, tin tức chủ đạo trên lãnh vực tỉ giá, tiền tệ sẽ là chuyện nên hay không nên bán ngoại tệ can thiệp, nâng lãi suất để giữ tỉ hay chấp nhận để đồng nội tệ mất giá như một xu hướng chung của cả thế giới. Mặt trái và mặt phải của các biện pháp này trên lý thuyết thì khá rõ, nhưng trong thực tế sẽ đòi hỏi những nhà điều hành tài chính quốc gia thật sự kỳ tài. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận