17/05/2024 19:21 GMT+7

Hơn 11 triệu USD hỗ trợ TP.HCM thúc đẩy các mục tiêu Net Zero

Với ngân sách hơn 11 triệu USD do USAID tài trợ, TP.HCM đã hợp tác đẩy mạnh sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, cũng như triển khai các nguồn năng lượng tái tạo mới.

Dự án hỗ trợ kỹ thuật cho các đơn vị sản xuất xe điện - Ảnh: USAID

Dự án hỗ trợ kỹ thuật cho các đơn vị sản xuất xe điện - Ảnh: USAID

Tại lễ tổng kết "Dự án Năng lượng phân tán đô thị Việt Nam tại TP.HCM" do Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tài trợ ngày 17-5, bà Aler Grubbs, giám đốc USAID Việt Nam, cho biết sau 5 năm triển khai, dự án đã thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả tại TP.HCM.

"Chúng tôi hoan nghênh TP.HCM có các kế hoạch về năng lượng sạch với tầm nhìn xa, là một hình mẫu cho các tỉnh, thành trên khắp cả nước có thể áp dụng để cải thiện an ninh năng lượng, tăng cường khả năng thích ứng với môi trường và thúc đẩy các mục tiêu phát thải ròng bằng 0", bà Aler Grubbs nhấn mạnh.

Với ngân sách hơn 11 triệu USD, USAID và Sở Công Thương TP.HCM đã hợp tác đẩy mạnh sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, cũng như phát triển và triển khai các nguồn năng lượng tái tạo mới.

Chương trình đã hỗ trợ TP.HCM xây dựng chiến lược phát thải ròng bằng 0, đưa ra lộ trình thực hiện và xây dựng đề xuất chiến lược mở rộng các nguồn năng lượng sạch và mới. Những chiến lược này đóng vai trò nòng cốt trong việc định hướng các nỗ lực phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả của thành phố trong những năm tới.

Lần đầu tiên, TP.HCM cũng đã tổ chức Giải thưởng Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, ghi nhận thành tích sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của các doanh nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng.

Chương trình cũng đã giúp huy động 4,2 triệu USD vốn đầu tư cho các công ty phát triển năng lượng sạch, các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực năng lượng như dự án hydro xanh, hệ thống pin lưu trữ năng lượng, xe máy điện và hệ sinh thái giao thông điện.

Ngoài ra, hơn 500 nhân viên của các tổ chức tài chính chủ chốt được đào tạo thêm về các công cụ tài chính tiên tiến như trái phiếu xanh và năng lượng sạch, nhằm thúc đẩy đầu tư và cấp khoản vay cho các dự án về năng lượng sạch.

Dự án cũng đã triển khai đào tạo gần 200 cán bộ, các nhà quản lý năng lượng, các nhà quản lý kỹ thuật để đẩy mạnh việc triển khai các chính sách và biện pháp về sử dụng năng lượng hiệu quả.

Thành lập Chương trình Quỹ Thách thức đổi mới sáng tạo, qua đó tài trợ cho 7 giải pháp đổi mới sáng tạo trong giải quyết các vấn đề về năng lượng và môi trường đô thị ở TP.HCM, giúp các đơn vị đổi mới sáng tạo đưa ý tưởng vào ứng dụng thực tế.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc - phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM - cho biết dự án đã giúp thành phố triển khai các mục tiêu đã đề ra về sử dụng nguồn năng lượng sạch, sử dụng hiệu quả cũng như thúc đẩy các giải pháp sáng tạo trong lĩnh vực năng lượng. 

Dù dự án kết thúc, nhưng trong thời gian tới, TP.HCM sẽ tiếp tục hợp tác với USAID để phát huy các thành quả này với mục tiêu tăng trưởng xanh, đảm bảo an ninh năng lượng cho thành phố.

TP.HCM phát động Giải thưởng TP.HCM phát động Giải thưởng 'Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả 2023'

Vừa qua, Sở Công thương TP.HCM đã phối hợp với Dự án Hỗ trợ Kỹ thuật An ninh năng lượng đô thị Việt Nam phát động Giải thưởng “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn TP.HCM năm 2023”.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên