20/05/2024 18:11 GMT+7

Học sinh lớp 1, lớp 2 nhận giấy bắt thi Đại sứ văn hóa đọc, viết bài luận về sách

Học sinh tiểu học ở tỉnh Quảng Bình đang được yêu cầu tham gia cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc với những câu hỏi quá khó so với lứa tuổi của các em.

Phụ huynh cho rằng học sinh tiểu học đang ở giai đoạn làm quen với mặt chữ, không phù hợp tham gia cuộc thi như Đại sứ văn hóa đọc - Ảnh: QUỐC NAM

Phụ huynh cho rằng học sinh tiểu học đang ở giai đoạn làm quen với mặt chữ, không phù hợp tham gia cuộc thi như Đại sứ văn hóa đọc - Ảnh: QUỐC NAM

Nhiều phụ huynh có con đang học tiểu học tại TP Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) ngớ người khi nhận được thông báo của trường do giáo viên chủ nhiệm chuyển đến, yêu cầu các bé tham gia cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc của tỉnh năm 2024.

Nhiều người càng ngạc nhiên hơn khi đọc thể lệ cuộc thi kèm theo thông báo này.

Bắt học sinh lớp 1 viết bài luận về sách

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, cuộc thi này được Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Quảng Bình triển khai trên toàn tỉnh. Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Đồng Hới sau đó có văn bản gửi đến toàn bộ các trường tiểu học và THCS trực thuộc.

Trường tiểu học Đồng Mỹ là một trong những trường đã triển khai cuộc thi này. Theo nhiều phụ huynh có con đang học trường này, họ được thông báo từ giáo viên chủ nhiệm về việc cho con tham gia cuộc thi. Kèm theo đó là thể lệ và câu hỏi có đóng dấu của sở.

Cũng theo thông báo từ trường này, học sinh tất cả các lớp từ khối 1 đến khối 5 đều được yêu cầu tham gia.

Theo thể lệ cuộc thi được trường phổ biến, học sinh tham gia phải trả lời đầy đủ hai câu hỏi đặt ra trong đề thi.

Trường tiểu học Đồng Mỹ, một trong nhiều trường vừa triển khai cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc đến toàn bộ học sinh từ khối 1 đến khối 5 - Ảnh: QUỐC NAM

Trường tiểu học Đồng Mỹ, một trong nhiều trường vừa triển khai cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc đến toàn bộ học sinh từ khối 1 đến khối 5 - Ảnh: QUỐC NAM

Ở đề thứ nhất có hai câu hỏi. Câu đầu tiên: "Trong các tác phẩm đã đọc, nhân vật nào đã truyền cảm hứng, hướng em tới lối sống tích cực, có trách nhiệm với xã hội, khơi dậy khát vọng cống hiến và phát triển đất nước?".

Câu thứ hai: "Em hãy xây dựng kế hoạch hành động nhằm phát triển văn hóa đọc cho bản thân và cộng đồng, đặc biệt với các bạn là trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em khuyết tật".

Ở đề số 2 cũng có hai câu, nhưng chỉ khác đề số 1 ở câu đầu tiên: "Viết tiếp lời cho một câu chuyện hoặc một cuốn sách mà em đã đọc nhằm lan tỏa tình yêu đọc sách, thông qua đó khơi dậy trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội và khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tình yêu với Tổ quốc".

Hình thức bài thi, các học sinh được yêu cầu thực hiện một trong hai hình thức. Nếu học sinh dự thi bằng bài viết, thì bài viết tay hoặc đánh máy không quá 5.000 từ, tức dưới 15 trang đánh máy.

Nếu dự thi bằng video clip thì clip dài tối thiểu 5 phút, tối đa 10 phút. Thể lệ còn yêu cầu bài dự thi phải do cá nhân thí sinh thực hiện.

Nhiều phụ huynh cho rằng việc yêu cầu học sinh tiểu học, đặc biệt là học sinh lớp 1, lớp 2 tham gia cuộc thi là không phù hợp. 

"Lớp 1, lớp 2 các em còn phải đánh vần mặt chữ thì làm sao trả lời được câu hỏi mang tính cảm nhận tác phẩm như trên?", một phụ huynh nêu quan điểm.

Được tự nguyện thi hay không?

Bà Nguyễn Thị Ngọc Thúy - hiệu trưởng Trường tiểu học Đồng Mỹ (TP Đồng Hới) - cho biết trường bà nhận công văn chỉ đạo từ cấp trên, kèm theo văn bản quy định thể lệ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tuy nhiên, trong văn bản này chỉ ghi chung chung đối tượng tham gia là học sinh tiểu học.

"Văn bản không ghi cụ thể nên chúng tôi phải triển khai cho toàn bộ các khối lớp. Kể cả khối lớp 1, 2. Vì nếu thiếu khối lớp nào thì lỡ sau này cấp trên rà soát thiếu sẽ phải chịu trách nhiệm", cô Thúy giải thích.

Cũng theo cô giáo Thúy, nếu văn bản chỉ đạo của cấp trên và thể lệ có ghi rõ học sinh được tự nguyện tham gia cuộc thi thì trường sẽ không đưa khối lớp nhỏ vào dự thi. "Việc triển khai cuộc thi có chỗ chưa rõ ràng", cô Thúy phát biểu.

Ông Mai Xuân Thành - phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Quảng Bình - giải thích rằng toàn bộ kế hoạch tổ chức cuộc thi và thể lệ đều do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch soạn thảo và gửi về cho tỉnh. 

Sau đó sở này triển khai về các đơn vị liên quan đến giáo dục trên toàn tỉnh để cho học sinh tham gia.

Cũng theo ông Thành, trong suy nghĩ của sở, khi triển khai về các đơn vị cũng không có ý bắt buộc học sinh phải tham gia toàn bộ, mà học sinh nào thấy mình phù hợp thì tham gia. 

Tuy nhiên, ông cũng xác nhận trong văn bản triển khai cuộc thi về các đơn vị giáo dục thì không có cụm từ nào thể hiện việc học sinh được tham gia tự nguyện hay không.

"Đúng là việc đưa học sinh tiểu học vào đối tượng dự thi cuộc thi này là việc không phù hợp. Chúng tôi sẽ đề nghị đơn vị chuyên môn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có sự điều chỉnh với việc này", ông Thành cho hay.

‘Chấn hưng văn hóa đọc cũng là chấn hưng cái gốc của một dân tộc’‘Chấn hưng văn hóa đọc cũng là chấn hưng cái gốc của một dân tộc’

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định ‘chấn hưng văn hóa đọc cũng là chấn hưng cái gốc của một dân tộc’, trong phát biểu khai mạc Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam tối 17-4 tại Hà Nội.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0