30/04/2024 11:30 GMT+7

Đổ xăng, khách cãi nhau với nhân viên vì tự ý làm chẵn số tiền lẻ

Một khách hàng cãi nhau với nhân viên cây xăng khi đổ 4 lít xăng, số tiền phải trả là 96.400 đồng, nhưng nhân viên đổ xăng bắt trả 97.000 đồng.

Nhân viên cây xăng đổ xăng cho một khách hàng đi ô tô - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nhân viên cây xăng đổ xăng cho một khách hàng đi ô tô - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tôi có thói quen đổ xăng theo lít thay vì theo giá tiền, vì nghe theo nhiều lời khuyên là có lợi hơn. Có nhiều người, đặc biệt là các tài xế ô tô, cũng đổ xăng dầu theo lít giống như tôi. Nhưng không biết những khách hàng khác như thế nào khi trả tiền, còn tôi thì luôn bị "đau khổ" bởi chuyện tiền chẵn, tiền lẻ khi trả bằng tiền mặt.

400 đồng làm chẵn 1.000 đồng

Ví dụ như giá xăng RON 95-V có thời điểm là 24.100 đồng/lít. Nếu tôi đổ 7 lít thì số tiền là 168.700 đồng, nhưng nhân viên thường yêu cầu trả 169.000 đồng. Thôi, thêm 300 đồng không đáng là bao nên tôi không lăn tăn lắm. 

Tuy nhiên nếu tôi đổ 5 lít, với số tiền 120.500 đồng thì số tiền lẻ 500 đồng mới là điều đáng bàn. Có nhân viên cây xăng yêu cầu tôi trả 121.000 đồng, nhưng có nhân viên thu 120.000 đồng. 

Thu thêm 500 đồng có lợi cho công ty bán xăng, thiệt cho khách. Bớt 500 đồng thì ngược lại, thiệt cho công ty, lợi cho khách. 500 đồng có thể không lớn, nhưng 100 người, 1.000 người… thì số tiền rõ ràng không nhỏ.

Tôi từng chứng kiến một khách hàng cãi nhau với nhân viên một cửa hàng xăng dầu lớn khi anh đổ 4 lít xăng, giá mỗi lít RON 95-V là 24.100 đồng, tổng cộng số tiền người này trả là 96.400 đồng. Nhưng nhân viên đổ xăng nhất quyết yêu cầu khách phải trả 97.000 đồng. 

Vị khách này hỏi sao anh phải trả thêm 600 đồng? Nhân viên trả lời: "Vậy chẳng lẽ công ty tôi chịu lỗ 400 đồng? Muốn không trả thêm tiền, anh đừng yêu cầu đổ theo lít mà nên đổ xăng theo số tiền".

Vị khách bực tức: Cửa hàng không cấm khách đổ theo lít thì anh có quyền yêu cầu. Sợ công ty lỗ 400 đồng, sao lại bắt khách mất số tiền nhiều hơn là 600 đồng?

Hai bên tranh cãi với sự chứng kiến của nhiều người đang chờ đổ xăng. Vị khách có vẻ ái ngại nên móc túi trả 97.000 đồng rồi bỏ đi với vẻ mặt không vui.

Từ câu chuyện trên, tôi nghĩ: Các công ty kinh doanh xăng dầu có nên quy định về việc làm tròn số tiền lẻ để áp dụng thống nhất khi nhân viên tính tiền cho khách hàng không? Ví dụ lẻ 600 đồng trở lên thì có thể làm tròn 1.000 đồng, còn 500 đồng trở xuống thì nên bớt cho khách? Hoặc cũng có thể đổ thêm xăng để làm chẵn số tiền, để dễ tính cho khách và cũng dễ cho cửa hàng.

Thỉnh thoảng tôi vẫn yêu cầu nhân viên làm tròn số tiền và một vài nhân viên có làm theo yêu cầu của tôi. Ngược lại một số nhân viên (có lẽ không nghe tôi đề nghị hoặc lúc cửa hàng đông khách) nên chỉ dừng lại đúng số lít mà tôi yêu cầu trước đó, nên phát sinh số lẻ. Rồi sau đó tự ý làm chẵn số tiền lẻ, khiến tôi và nhiều khách hàng bức xúc như trên.

Làm sao ổn thỏa cả đôi bên?

Đại diện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết khi tới mua xăng tại cửa hàng xăng dầu Petrolimex, khách hàng sẽ được tính theo một trong hai đơn vị tính: Bơm theo số tiền hoặc bơm theo số lít. Thực tế hiện nay khách hàng thường chọn bơm theo số tiền để dễ thanh toán, vì vậy đây là hình thức được các cửa hàng ưu tiên sử dụng.

Trong trường hợp khách bơm xăng theo lít, trả tiền mặt và số tiền bị lẻ, nhân viên sẽ linh hoạt và xin phép khách bơm thêm xăng để được tròn tiền đến hàng nghìn. Hai bên thống nhất như vậy sẽ giúp việc thanh toán được thuận lợi, tiết kiệm thời gian của khách hàng.

Ví dụ: Khách hàng mua 2 lít xăng RON 95-III với tổng số tiền thanh toán là 50.460 đồng (25.230 đồng/lít). Khi đó, để tiện thanh toán, nhân viên sẽ xin phép khách bơm thêm xăng đến số tiền 51.000 đồng.

Để gia tăng tính tiện lợi cho khách hàng, hạn chế các tình huống phát sinh do thanh toán số bị lẻ đến hàng đơn vị, toàn bộ hệ thống trên 2.700 cửa hàng xăng dầu của Petrolimex luôn sẵn sàng thanh toán không dùng tiền mặt cho khách hàng với các hình thức.

(1) Thẻ tín dụng quốc tế (Visa, MasterCard);

(2) Thẻ ngân hàng nội địa thuộc hệ thống Napas;

(3) Các ví điện tử thanh toán qua QR code trong liên minh VNPay.

"Cãi nhau to" với nhân viên cây xăng vì tự ý đổ 50.000 đồng'Cãi nhau to' với nhân viên cây xăng vì tự ý đổ 50.000 đồng

'Kiểu này là cãi nhau to rồi. Người ta giơ có 4 ngón tay mà đổ 50.000 đồng là sao?', khách said.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên