27/02/2012 01:55 GMT+7

Chọn tài năng từ sân chơi phong trào

TRẦN VĂN NGHĨA
TRẦN VĂN NGHĨA

TT - Ông Trần Văn Nghĩa - nguyên tổng thư ký Liên đoàn Bóng chuyền TP.HCM - vừa đi Canada và Mỹ tham quan mô hình hoạt động của một số sân chơi thể thao phong trào và học đường. Ông đã gửi đến Tuổi Trẻ bài viết sau chuyến đi này.

TT - Ông Trần Văn Nghĩa - nguyên tổng thư ký Liên đoàn Bóng chuyền TP.HCM - vừa đi Canada và Mỹ tham quan mô hình hoạt động của một số sân chơi thể thao phong trào và học đường. Ông đã gửi đến Tuổi Trẻ bài viết sau chuyến đi này.

Ấn tượng đầu tiên của tôi là các CLB thể thao cộng đồng ở hai quốc gia này đều kết hợp tối đa giữa sự đầu tư của nhà nước với nguồn lực đóng góp của xã hội.

Vui vẻ đóng tiền chơi thể thao phong trào

Giải bóng rổ nhà nghề Mỹ (NBA) đang phát cuồng với tài năng của ngôi sao Jeremy Lin chơi cho CLB New York Knicks. Jeremy Lin là sản phẩm “chính hiệu” từ lò đào tạo thể thao học đường khi anh được luyện tập và chơi bóng rổ từ nhỏ. Anh khoác áo nhiều CLB của các trường trung học, đại học rồi trở thành VĐV chuyên nghiệp kiếm hàng triệu USD/năm.

Dù họ làm thể thao phong trào nhưng tính tổ chức chuyên nghiệp rất cao, không thua gì cách tổ chức của một CLB bóng đá, hockey hay bóng rổ chuyên nghiệp. Họ tiếp thị từng ngóc ngách, đến từng lứa tuổi để mọi thành phần người dân đều có cơ hội trở thành hội viên của CLB. Mỗi lứa tuổi đều có một chính sách giá cả khác nhau, chẳng hạn người về hưu được miễn giảm lệ phí bao nhiêu phần trăm, học sinh và sinh viên được giảm ít nhất 50%...

Dịp cuối tuần gần như là những ngày hội thể thao, sân chơi phong trào đông nghẹt người chơi từ sáng đến chiều tối, lịch thi đấu được phân chia riêng biệt cho từng môn và từng nhóm. Người cao tuổi lẫn các bạn trẻ thi đấu hằng tuần, vui vẻ trao đổi kinh nghiệm và tất nhiên họ phải đóng tiền hội viên, đóng tiền tập luyện và đóng tiền tham gia thi đấu. Các HLV hoạt động tất bật suốt những ngày cuối tuần, vừa tổ chức thi đấu vừa tuyển chọn tài năng và khuyến khích học sinh, sinh viên vào đội tuyển để được thi đấu ở đẳng cấp cao hơn.

Tại Trường trung học Woodburn (Toronto, Canada), tôi có dịp trò chuyện với Brian Tran, học sinh gốc Việt 14 tuổi, đang theo học hockey - môn thể thao được ưa chuộng nhất Canada. Brian Tran được gọi vào đội tuyển cấp quận và đội tuyển nhà trường nhưng mỗi lần sang Mỹ hay các thành phố lân cận thi đấu, cha em phải đóng tiền để HLV thuê xe buýt, khách sạn và ăn uống suốt thời gian Brian thi đấu. Cha em cũng phải mua vé vào sân xem con mình thi đấu. Nhưng mọi người đều vui vẻ vì họ ý thức được rằng đó là cách làm thể thao học đường chuyên nghiệp để CLB và HLV có trách nhiệm nhiều hơn trong việc giảng dạy, giúp con họ nỗ lực cải thiện khả năng ganh đua và đam mê rèn luyện thể chất. Cha của Brian Tran cho biết nếu con ông được tuyển vào đội trẻ của một CLB nhà nghề hay ký được hợp đồng chuyên nghiệp, con ông sẽ có cơ hội đổi đời.

Cách làm như thế đã giúp sân chơi phong trào ở những nước có nền thể thao phát triển như Mỹ hay Canada luôn đông nghịt người. Quan trọng hơn, nhà nước không mất tiền đầu tư nhưng tài năng ở các sân chơi này rất nhiều để các HLV nhà nghề có thể chọn lựa, bổ sung vào đội ngũ nhân tài thể thao quốc gia. Nhờ vậy, làng thể thao Mỹ và Canada đã phát hiện rất nhiều tài năng thể thao từ các sân chơi phong trào và học đường.

Đâu rồi tài năng từ thể thao phong trào và học đường?

Câu chuyện thể thao phong trào kể trên đáng để chúng ta ngẫm nghĩ vì hàng chục năm qua ở VN, người ta đã tìm mọi cách giúp các sân chơi thể thao phong trào và học đường hấp dẫn, lôi cuốn hơn nhưng vẫn chưa tìm được lối ra. Ngay cả trong trường học, giờ thể dục gần như bị coi là một môn học “oải” nhất của học sinh. Mấu chốt của chuyện học thể thao trong nhà trường là học để lấy điểm. Sân chơi không có một hệ thống thi đấu liên tục cho các em thỏa sức tung hoành và biến nó thành niềm đam mê sau giờ học. Chỉ duy nhất các em có năng khiếu được đại diện nhà trường tham dự các giải thể thao học sinh hoặc Hội khỏe Phù Đổng.

Trong khi đó, các CLB thể thao từ cấp quận đến thành phố đều mở nhiều lớp tập luyện thể thao, ai muốn “mua mồ hôi” thì đăng ký chứ ít khi có một chương trình huấn luyện kết hợp sinh hoạt thi đấu liên tục và dài hơi cho mọi lứa tuổi ngay tại CLB. Hậu quả là chúng ta gần như không tìm thấy tài năng thể thao từ môi trường học đường hoặc từ các CLB thể thao quận, huyện. Cách làm hiện tại của các nhà quản lý thể thao và các liên đoàn ở VN là tập trung tổ chức thi đấu hoặc đào tạo theo kiểu “nuôi gà chọi” để kiếm thành tích. Đó cũng là một trong những lý do khiến các liên đoàn thể thao ngày càng rệu rã và lệ thuộc rất nhiều vào kinh phí nhà nước.

Tôi hi vọng các quan chức thể thao VN sẽ dành thời gian tham quan, nghiên cứu mô hình hoạt động thể thao phong trào ở các quốc gia có nền thể thao phát triển, từ đó rút ra những kinh nghiệm, có thể mang những câu chuyện, việc làm hay để áp dụng cho thể thao VN.

TRẦN VĂN NGHĨA

TRẦN VĂN NGHĨA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên