15/07/2012 04:46 GMT+7

Băng qua đường ở Sarajevo

BaoChau
BaoChau

TT - 1. Tôi luôn băng qua những con phố đông đúc ở Sài Gòn tại chỗ kẻ vạch trắng mặc dù biết rằng chẳng mấy người nhường đường. Lần duy nhất băng qua một con đường Sài Gòn, được một bác lái xe dừng lại, mỉm cười và vẫy tay ra hiệu cho đi đã cách đây năm năm.

Tôi nhớ rõ lần đó băng qua đường Hai Bà Trưng, sang phía Bưu điện Sài Gòn; còn bác lái xe kia là một bác taxi Mai Linh. Lần đó, tôi rất vui sướng vì có cảm giác mình đang ở Mỹ hay ở Úc! Còn vô số lần băng qua đường khác, tôi và chắc chắn bạn cũng thế, phải đương đầu với muôn vàn xe cộ.

Băng qua đường ở Sài Gòn, cũng như ở VN nói chung, là cả một nghệ thuật. Dù gì những vạch trắng kia có lý do để tồn tại: dành cho người đi bộ băng qua đường. Nếu không sử dụng nó, nếu không ai sử dụng đến nó nữa, e rằng một ngày nó sẽ biến mất. Tôi băng qua đó với hi vọng người khác - người băng qua đường không theo vạch trắng - nhìn thấy tôi băng qua đường ở nơi kẻ vạch sẽ bắt đầu tự hỏi tại sao anh kia lại băng qua đường ở đó, trong khi hẳn anh ta phải biết rõ rằng dù băng qua đường ở chỗ nào thì anh ta cũng phải tự len lỏi, quan sát, tránh né xe cộ từ mọi hướng.

2. Sáng nay, khi tôi đặt chân lên vạch trắng chuẩn bị băng qua một con đường đông đúc ở Sài Gòn thì có hai du khách nước ngoài bám theo. Dường như họ đã đứng trên vỉa hè một lúc lâu, nhìn dòng xe cộ rối ren nườm nượp, chưa hình dung làm thế nào để có thể băng qua vỉa hè bên kia mà không bị một chiếc xe bất thần đâm vào. Hầu hết bạn bè nước ngoài của tôi đến Sài Gòn đều ngán vụ băng qua đường. Có bạn còn hỏi có nhiều người nước ngoài bị xe tông khi băng qua đường ở đây không. Tôi bảo không có thống kê riêng cho người nước ngoài, cũng không có thống kê riêng về tai nạn xảy ra khi băng qua đường, tuy nhiên trên cả VN một năm có khoảng 10.000 người chết vì tai nạn giao thông các kiểu.

3. Ở một nơi nọ, trong một khoảng thời gian dài, băng qua đường đồng nghĩa đánh bạc với cái chết. Nơi đó là Sarajevo, thủ đô của Bosnia & Herzegovina. Trong thời gian Sarajevo bị bao vây, lực lượng người Serb đã bố trí các tay súng bắn tỉa trên các ngọn đồi quanh thành phố. Một trong những nhiệm vụ của các tay súng bắn tỉa này là giám sát các giao lộ, và bắn vào bất cứ ai - già, trẻ, trai, gái, thường dân hay lính - băng qua đường. Ðây là cuộc bao vây một thành phố dài nhất trong lịch sử chiến tranh hiện đại.

The cellist of Sarajevo (Người chơi đàn cello của Sarajevo) là một tiểu thuyết của Steven Galloway, một nhà văn Canada sinh năm 1975, mô tả cuộc chiến Sarajevo xoay quanh bốn nhân vật: một người chơi đàn cello, một tay súng bắn tỉa, một ông bố trẻ, và một người thợ làm bánh.

Người chơi đàn cello, bất chấp mọi hiểm nguy, cứ bốn giờ chiều mỗi ngày lại đến chơi đàn đúng nơi 22 người dân thành phố chết vì đạn pháo trong khi đang xếp hàng mua bánh mì. Nơi đó, giờ đó, tiếng đàn của ông cứ thế vang lên 22 ngày liên tiếp.

Tay súng bắn tỉa là một cô gái, một người dân của thành phố, thoạt đầu có nhiệm vụ hạ những tay súng bắn tỉa của kẻ thù, sau được giao nhiệm vụ bí mật bảo vệ người chơi đàn cello.

Ông bố trẻ cứ vài ngày một lần phải đi bộ băng qua thành phố, đồng nghĩa phải băng qua nhiều giao lộ, để lấy nước về cho gia đình và cho một bà già hàng xóm cáu kỉnh; khi mang được nước về đến nhà rồi, anh sẽ đi nghe người chơi cello đàn.

Còn người thợ làm bánh, một lần mặc cho những tay súng bắn tỉa rình rập ông vẫn bình tĩnh, thong thả bước ra giữa một giao lộ để mang xác một người không quen vào lề đường, vì nghĩ đơn giản rằng ở thành phố này một xác chết không thể để nằm phơi giữa đường. Xong việc với người không quen kia, ông đi nghe nhạc.

Ở Sarajevo thời gian đó khi băng qua đường người ta cố chạy thật nhanh, dích dắc, cầu nguyện hôm nay mình chỉ gặp một tay bắn tỉa hạng xoàng. Trong gần bốn năm bị bao vây, thành phố có khoảng 10.000 người chết.

LÂM VŨ THAO

BaoChau
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên