"Không gian Hồ Chí Minh" ở Paris

TTCT - “Không gian Hồ Chí Minh” nằm trong Bảo tàng Lịch sử sống ở thành phố Montreuil, ngoại ô Paris (Pháp) cho đến nay có lẽ là phần bảo tàng duy nhất trên thế giới về Bác Hồ do một người nước ngoài tổ chức và chăm sóc.

Phóng to

Bên ngoài Bảo tàng Lịch sử sống ở Montreuil

Phóng to
Kệ sách trong “Không gian Hồ Chí Minh”

“Đây không chỉ đơn thuần là chuyện công việc. Đây là niềm đam mê của tôi với Chủ tịch Hồ Chí Minh” - giám đốc bảo tàng Gilbert Schoon giải thích về sự ra đời của phần bảo tàng đặc biệt này trên đất Pháp. Cộng tác viên của Tuổi Trẻ Cuối Tuần có cuộc trò chuyện với ông Gilbert Schoon - cũng là người sáng lập “Không gian Hồ Chí Minh”.

* Bạn đọc TTCT muốn biết ông là ai, thưa ông?

- Tôi đã 62 tuổi và là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp. Nghề nghiệp của tôi là nhà quy hoạch, phác thảo xây dựng thành phố mới, nhà xã hội. Tôi làm việc trong một doanh nghiệp lớn do hai cựu sĩ quan quân đội Pháp thành lập. Hai vị này từng bị sa thải khỏi quân đội những năm 1960 vì tham gia Đảng Cộng sản Pháp.

* Ông không phải là nhà sử học?

- Không phải. Tôi không hề được đào tạo về sử học dù rất đam mê. Tôi tự học rất nhiều. Tôi là thành viên hội đồng quản trị của bảo tàng này nhiều năm qua. Hồi trước, khi công ty tôi phá sản thì tôi thất nghiệp. Thế rồi người ta đề nghị chỗ làm này cho tôi và tôi nghĩ nó cũng là sự nối tiếp niềm đam mê của mình.

* “Không gian Hồ Chí Minh” trong bảo tàng ra sao, thưa ông?

- Đó là phần dành riêng cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người xem có thể thấy những phần chính trong quãng thời gian Người ở Pháp: những đồ vật trong phòng của Người khi Người sống ở Montreuil như đồ trang trí, quần áo, cánh cửa bằng gỗ và tấm biển căn nhà số 9 ngõ Compoint (nơi Bác Hồ trú ngụ từ tháng 7-1921 đến tháng 6-1923), bệ cửa sổ, tay cầu thang, bồn nước rửa tay dưới chân cầu thang... Và tất nhiên có những vật dụng gắn bó với công việc của Người như tài liệu làm việc, bàn làm việc, bút viết, sách vở... Những đồ vật đó được trưng bày theo đúng hiện trạng xưa kia để khách tham quan có thể thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh từng sống và làm việc như thế nào khi ở Pháp... Từ những tài liệu lấy từ kho tư liệu Bảo tàng Sở Cảnh sát và Kho tư liệu hải ngoại Pháp, người xem có thể dõi theo từng chặng đường chi tiết của vị lãnh tụ cách mạng VN cho đến lúc Người trở thành Chủ tịch nước. Chúng tôi đã cố gắng làm phong phú hơn các tư liệu đó bằng hình ảnh, phim tài liệu để người xem có thể hiểu rõ hơn.

Phóng to
Ông Gilbert Schoon, giám đốc Bảo tàng Montreuil, giới thiệu những tác phẩm của các tác giả Pháp được trưng bày tại “Không gian Hồ Chí Minh” - Ảnh: Võ Trung Dung

* Ông biết gì về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về VN?

- Từ thời thiếu niên tôi đã chú ý đến Đông Dương với cái nhìn khá lãng mạn tiểu thuyết. Thời đó mọi người đều nói về các thuộc địa của Pháp: Đông Dương, Algeria và nhiều nơi khác. Mọi người đều đắm chìm trong thứ tư tưởng đế quốc. Nước Pháp là một đế quốc. Trong mỗi gia đình đều có một người thân nào đó đang làm việc ở một trong những thuộc địa xa xôi đó. Hồi đó, trong trường trung học của tôi có cô bạn học mang nét đẹp rất đặc trưng châu Á vì mẹ cô ấy là người VN. Tôi cũng phải lòng sắc đẹp của cô ấy.

Sau này lớn lên, những hiểu biết về VN của tôi chín chắn hơn. Khi trưởng thành, tôi ngưỡng mộ cuộc đời, công việc và cuộc đấu tranh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi đã tham gia hầu hết cuộc biểu tình ở Pháp ủng hộ cuộc chiến tranh của người VN vì độc lập và tự do của đất nước. Trong những cuộc xuống đường ở Paris, tôi đã giương cao chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì vậy tôi thấy việc lưu giữ và truyền bá những ký ức về Người, cuộc đời và mối quan hệ của Người với nước Pháp là rất quan trọng. Cuộc đời của Người là tấm gương cho tất cả các dân tộc bị áp bức. Để làm được điều đó, tôi đã tìm kiếm và sưu tập rất nhiều về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Công việc tỉ mẩn và hệ thống như của một nhà sử học. Tôi nghĩ đơn giản bản thân mình phải hiểu rõ mới có thể kể lại cho người khác biết được.

* Xin cảm ơn ông.

“Khi giới thiệu về một giai đoạn lịch sử hay một nhân vật lịch sử, chúng tôi thường dựa trên những sự kiện lịch sử để giúp công chúng hiểu rõ hơn. Các tài liệu và sự kiện đôi khi có thể mâu thuẫn nhau. Nhưng người làm bảo tàng không là những người buộc công chúng phải nghĩ gì. Chúng tôi chỉ đưa ra các cứ liệu khách quan để công chúng tự rút ra kết luận cho riêng mình” - Gilbert Schoon.

Phóng to

Ông Gilbert Schoon với “Không gian Hồ Chí Minh” bên trong Bảo tàng Lịch sử sống ở Montreuil

Phóng to
Ngay bên trái bảo tàng là khuôn viên đặt tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh - khánh thành ngày 19-5-2005

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận