31/10/2012 00:30 GMT+7

Không nên xin tiền ngân sách để cứu câu lạc bộ

Bóng đá vẫn tiêu tiền ngân sách
Bóng đá vẫn tiêu tiền ngân sách

TT - Đó là ý kiến của hầu hết chuyên gia, nhà nghiên cứu, cựu quan chức thể thao... bởi theo họ, việc kiến nghị các địa phương tăng tiền hỗ trợ các CLB được cho là gánh nặng với ngân sách hiện nay vốn rất khó khăn và đi ngược lại mục tiêu của bóng đá nhà nghề.

Ph5YbyPt.jpgPhóng to

Bóng đá sẽ chết nếu các khán đài cứ vắng lặng như thế này - Ảnh: Q.Minh

Ngày 3-11 tại Hà Nội, Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF) và Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) sẽ đứng ra tổ chức hội thảo chuẩn bị mùa giải 2013. Trước đó, tại hội nghị tổng kết mùa giải 2012 ở TP.HCM ngày 6-10, VPF và VFF chưa chốt được các CLB sẽ tham dự mùa giải 2013 để tiến hành bốc thăm, xếp lịch thi đấu.

Hiện tại, ngoài CLB Navibank Sài Gòn bị xóa sổ và chuyển cho đơn vị khác, hai CLB của bầu Kiên chưa biết có dự giải hay không. CLB Hà Nội của bầu Hiển vẫn chưa chuyển chủ sở hữu được... Khó khăn ở hầu hết CLB khiến VPF vẫn chưa biết sẽ có bao nhiêu CLB sẽ chơi ở V-League và Giải hạng nhất 2013.

Sẽ đưa ra khung lương tối thiểu cho cầu thủ

Ông Nguyễn Trọng Hỷ, chủ tịch VFF, cho biết hội thảo sẽ mời phó chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố có CLB tham dự V-League và hạng nhất, chủ tịch và giám đốc điều hành các CLB, Bộ VH-TT&DL, Bộ Tài chính... để bàn chủ yếu về công tác tài chính. Ông Hỷ nói: “Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, các địa phương có CLB tham dự giải nên ghé vai hỗ trợ các CLB”.

Theo ông Phạm Ngọc Viễn - phó chủ tịch Công ty VPF, nếu nhận được sự đồng thuận tại hội nghị này, dự kiến mùa giải 2013 các CLB V-League chỉ được đăng ký ba ngoại binh. Việc đưa ra khung lương tối thiểu cho các CLB V-League và hạng nhất sẽ được hội nghị bàn bạc vì lương của cả cầu thủ nội, ngoại hiện nay đều cao và không phù hợp với thực trạng của bóng đá VN. Liên quan đến việc nếu có CLB rút khỏi V-League vì khó khăn tài chính, giải pháp VPF đưa ra là đôn các CLB hạng nhất lên thi đấu để đủ số lượng 14 CLB tại V-League.

Đề nghị sớm trình Chính phủ đề án cá cược bóng đá

Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS Dương Nghiệp Chí, thành viên nghiên cứu đề tài cấp nhà nước về “Phát triển kinh tế thể thao của VN trong thời kỳ hội nhập”, cho biết: “Nghiên cứu về kinh tế trong thể thao, tôi rút ra rằng muốn phát triển bóng đá nhà nghề thì không thể trở lại thời bao cấp nhận tiền nhà nước để sống. Nếu bóng đá chuyên nghiệp VN lại cần sự góp sức từ ngân sách nhà nước, không quá 1-2 năm bóng đá sẽ chết. Do vậy, giải pháp cho bóng đá VN trong giai đoạn khó khăn hiện nay là để các CLB, doanh nghiệp bóng đá tự giải quyết bài toán kinh tế bằng quy luật phát triển của doanh nghiệp. Nếu có nhiều CLB rút lui, V-League nên chấp nhận đá với số đội còn lại để đảm bảo yêu cầu chuyên môn. Giảm ngay lập tức lương, thưởng, giá chuyển nhượng của cầu thủ còn 1/2 hiện nay để quay về giá trị thực. Nếu giúp sức, đề nghị Bộ VH-TT&DL và Bộ Tài chính sớm xúc tiến triển khai trình Chính phủ đề án cá cược bóng đá”.

Chuyên gia bóng đá Trịnh Minh Huế cũng đồng tình việc phải giảm lương, thưởng và giá chuyển nhượng cầu thủ. Ông Huế cho rằng chỉ cần một nửa số lương như hiện nay, các cầu thủ đã có thể sống ổn định. “Lương và giá chuyển nhượng cầu thủ quá cao là gánh nặng cho CLB khiến họ càng khó khăn. Mặt khác, hầu hết CLB vẫn được các địa phương cho tiền hằng năm dù ít hay nhiều, tạo điều kiện để cho thuê hoặc cấp đất đai tại các địa phương. Do đó, các doanh nghiệp bóng đá thực chất đã được Nhà nước hỗ trợ rất nhiều. Vì vậy, không nên cấp thêm tiền cho họ nữa” - ông Huế nói.

Còn theo ông Trần Văn Mui, nguyên phó chủ tịch VFF: “Nếu CLB quá khó khăn, giải pháp của người làm chính sách là tìm cách để CLB sống chứ không phải rút tiền thuế của dân cho đội bóng. Đây là cách làm không phù hợp với bóng đá chuyên nghiệp trên thế giới. Nhà nước chỉ có thể giúp đỡ và can thiệp bằng cách tìm hướng đi để CLB không chết. Chẳng hạn, tìm và giới thiệu các doanh nghiệp có tiềm năng tiếp quản CLB”.

Ông Phạm Văn Hùng, phó giám đốc Sở VH-TT&DL Hải Phòng, thành viên ban bóng đá chuyên nghiệp VFF, có ý kiến: “Từ xưa đến nay bóng đá VN chưa bao giờ thôi bao cấp. Vì vậy, xã hội hóa và phát triển bóng đá là để bóng đá ngày càng ít xin tiền nhà nước, tăng đầu tư của xã hội. Thời gian qua bóng đá phát triển nóng để một số doanh nghiệp lợi dụng bóng đá kiếm tiền và làm thương hiệu. Nay kinh tế khó khăn thì họ lại muốn bỏ đội bóng. Do đó, theo tôi, hãy để bóng đá trở về đúng giá trị thật”.

Bóng đá vẫn tiêu tiền ngân sách

Không chỉ VFF mỗi năm vẫn xin khoảng 10 tỉ đồng từ Tổng cục TDTT, hiện nay hầu hết CLB vẫn được các địa phương hỗ trợ tối đa về cơ sở vật chất để tham dự V-League, hạng nhất. Ngoài Hoàng Anh Gia Lai xây sân riêng, tất cả CLB đều sử dụng sân vận động của các địa phương. Ngoài ra, nhiều ông bầu còn được các địa phương hỗ trợ cho thuê đất để làm sân bãi, trụ sở đội bóng.

Ngay CLB Hà Nội T&T mới đây khi đoàn kiểm tra Bộ VH-TT&DL và VFF xác minh cũng xác nhận mỗi năm CLB này nhận 2,5 tỉ đồng từ Sở VH-TT&DL Hà Nội. CLB Vicem Hải Phòng mỗi năm vẫn được UBND TP Hải Phòng rót trên 10 tỉ đồng. SHB Đà Nẵng, Thanh Hóa, Khánh Hòa... dù nhiều hay ít vẫn được địa phương hỗ trợ tiền ngoài cơ sở vật chất.

K.XUÂN
Bóng đá vẫn tiêu tiền ngân sách
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên