29/08/2012 08:12 GMT+7

"Gãy cả xương sườn" vì trả lương cho ngoại binh

NGUYÊN KHÔI  thực hiện
NGUYÊN KHÔI  thực hiện

TT - Đó là phát biểu của chủ tịch Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) Nguyễn Trọng Hỷ về việc đưa ra những phương án đối phó với thực trạng khó khăn mà các câu lạc bộ bóng đá VN đang đối mặt.

pvbZbvoU.jpgPhóng to

Tiền đạo Việt Thắng được CLB B.Bình Dương mua về 8 tỉ đồng hồi đầu mùa nhưng giữa mùa đã cho Thanh Hóa mượn vì dư thừa tiền đạo. Một minh chứng cho sự lãng phí của CLB - Ảnh: N.K.

Ông Hỷ nói: “Làm bóng đá phải biết tình hình kinh tế để đưa ra hướng đi phù hợp. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về việc rồi sẽ có lúc các CLB gặp khó khăn về kinh tế và từng cảnh báo các CLB ở đại hội thường niên trong hai năm qua: họ cần phải điều chỉnh cách trả lương nếu không muốn phải trả giá trong tương lai. Và khi các CLB còn chưa thực hiện được thì điều đó đã trở thành hiện thực, một hiện thực đến hơi nhanh!”.

Không nợ lương thưởng mới là chuyện lạ

Q19aoDZC.jpgPhóng to

Ông Nguyễn Trọng Hỷ - Ảnh: N.K.

* Ông nghĩ sao về việc nhiều CLB nợ lương thưởng cầu thủ, thậm chí rao bán đội bóng nhưng chẳng ai mua?

- Không phải mùa giải này mà ngay từ mùa trước, tiếp đó là Navibank Sài Gòn rồi một số CLB nữa ở mùa giải năm nay. Có vẻ như những cảnh báo của chúng tôi đã không được các CLB quan tâm một cách đúng mức. Chẳng hạn như thị trường chuyển nhượng cuối năm 2011 và đầu năm 2012 để chuẩn bị cho V-League 2012 vẫn nóng. Các CLB vẫn chạy đua bỏ ra rất nhiều tiền để chuyển nhượng cầu thủ cao hơn giá trị thật của họ. Ngay như chuyện chúng tôi đề nghị mức lương sẽ trả cho cầu thủ (hạng nhất 15-25 triệu đồng/tháng, V-League 30-40 triệu đồng/tháng) cũng không được các CLB xem trọng. Chi tiền chuyển nhượng cao ngất, quỹ lương lại phình to ra trong bối cảnh kinh tế ngày càng khó khăn, họ không nợ lương thưởng mới là chuyện lạ.

* Theo ông, hiện có bao nhiêu CLB ở V-League lẫn hạng nhất còn nợ lương thưởng?

- Tôi biết là rất nhiều. Điều này các CLB thường giấu và không báo cáo cho VFF. Nhưng chuyện nợ lương thưởng như thế rốt cuộc người ta cũng biết cả khi cầu thủ lên tiếng với báo chí.

* Ông nghĩ gì về câu nói của phó chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng trên báo Tiền Phong: “Các ông bầu kiệt sức rồi nên V-League bắt buộc phải hạ giá thôi”?

- Kinh tế sẽ tiếp tục khó khăn nhưng bóng đá vẫn tiếp tục phải làm. Do đó, chúng tôi sẽ xem xét để đưa ra những khung quy định chung cho các CLB hoạt động phù hợp với tình hình kinh tế như hiện nay. Chẳng hạn họ phải công khai mức đầu tư, trả lương ra sao chứ thực tế mùa rồi nhiều CLB ở V-League luôn đầu tư vượt mức 25 tỉ đồng mà VFF quy định.

“Lạnh run” khi nghe tin doanh nghiệp phá sản

* Ông có lo V-League 2013 sẽ giảm số lượng đội tham dự với tình hình tài chính khó khăn như hiện nay?

- Lo chứ. Phải nói thật khi nghe tin hàng nghìn doanh nghiệp bị phá sản là chúng tôi “lạnh run” hết cả người, sợ dính đến những ông bầu bóng đá. Tuy nhiên, nếu có ít hơn số đội tham dự mùa tới cũng không thành vấn đề. Điều quan trọng nhất vẫn là mở hướng đi cho các CLB đang gặp khó khăn về tài chính. Tôi nghĩ xu thế sắp tới một vài CLB sẽ chuyển sang mô hình mới - phối hợp với địa phương để thành lập công ty cổ phần đóng góp ngân quỹ hoạt động cho CLB. Nghĩa là một đội bóng sẽ có nhiều ông chủ để chăm lo thay vì một ông chủ trong tình thế kinh tế khó khăn.

* VFF sẽ làm gì để có thể trả lại giá trị đích thực cho bóng đá VN?

- Thường trực VFF sẽ họp vào ngày 4-9 tại TP.HCM để bàn về những vấn đề của bóng đá VN hiện nay. Có thể chúng tôi đưa ra bàn chuyện sẽ đối phó như thế nào nếu mùa tới bắt đầu mà vài CLB vẫn còn nợ lương thưởng cầu thủ hay lật lại chuyện đăng ký cầu thủ ngoại. Với tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, có khi chỉ cho các CLB ở V-League đăng ký hai ngoại binh. Bởi một tháng phải trả cho một cầu thủ ngoại chất lượng trung bình 6.000-7.000 USD thôi thì nhiều CLB cũng “gãy cả xương sườn”.

Ngoài ra, khoảng cuối tháng 9 hay đầu tháng 10 này, chúng tôi đã mời Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) sang kiểm tra 28 CLB ở V-League lẫn giải hạng nhất để giúp các CLB định hướng, tư vấn những việc cần phải làm trong bóng đá chuyên nghiệp như tổ chức mô hình như thế nào, quy trình lương thưởng ra sao, kể cả chuyện một ông chủ có hai đội bóng.

Không sợ giảm số lượng các đội tham dự giải

Nhận xét về tình hình của bóng đá VN sắp tới, một quan chức cao cấp của Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF) cho rằng đó là điều phải đến sau những giá trị ảo trước đây.

Ông nói: “Cầu thủ VN có giá trị ảo từ lâu rồi. Nhiều ông bầu làm bóng đá không biết gì cứ đổ tiền lung tung khiến giá cầu thủ tăng liên tục trong những năm qua. Hậu quả là giờ họ phải đối mặt với vô vàn khó khăn, nợ lương thưởng cầu thủ. Cuối cùng, bóng đá VN cũng phải trở về giá trị thật. Là nơi đứng ra tổ chức giải đấu, chúng tôi không sợ sẽ giảm số lượng các đội tham dự mùa tới nếu có ông bầu nào rút khỏi bóng đá. Theo tôi, không nhất thiết phải có đủ 14 đội tham dự, 10 đội chơi cũng được”.

NGUYÊN KHÔI  thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên