08/04/2012 08:37 GMT+7

3.150 tỉ đồng tổ chức Asiad: nên hay không?

Ông LÊ BỬU
Ông LÊ BỬU

TT - 150 triệu USD (tương đương 3.150 tỉ đồng) dự kiến dùng cho việc đăng cai Asiad 2019. Đề án này sẽ được Bộ VHTT & DL trình Chính phủ trước khi trình lên Hội đồng Olympic châu Á (OCA) ngày 15-5.

TT - Đang thời điểm kinh tế khó khăn, nhân dân còn nghèo và Asiad là sân chơi quá tầm của thể thao VN, đó là những lý do khiến ông Lê Bửu cho rằng việc đăng cai Asiad 2019 không phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

26s7RXnj.jpgPhóng to
Cung điền kinh trị giá gần 600 tỉ đồng để tổ chức Đại hội thể thao trong nhà châu Á, nay được giăng lưới chia thành nhiều sân quần vợt để thu “tiền lẻ”!- Ảnh: Nguyễn Khánh

* Được biết, để tổ chức SEA Games 2003, ông đã phải chuẩn bị trước đúng 10 năm. Vậy Asiad 2019 chỉ còn bảy năm, liệu có đủ thời gian để chuẩn bị?

- Thật ra chuyện thời gian không phải là vấn đề. SEA Games có quy mô nhỏ hơn Asiad thật nhưng khi chúng ta tổ chức SEA Games 2003, trong tay gần như là con số không. Tôi nhớ chỉ nội việc đi tìm vị trí để xây sân vận động quốc gia cũng đã tốn khá nhiều thời gian. Giờ đây cơ sở vật chất đã khá tốt rồi, nên vấn đề chuẩn bị cho một đại hội như Asiad không cần nhiều thời gian như hồi tổ chức SEA Games 2003. Nhưng câu chuyện không phải nằm ở chỗ thời gian.

MPozZNCL.jpgPhóng toÔng Lê Bửu - Ảnh: S.H.* Vậy thì chuyện ở đâu, thưa ông?

- Tôi đã nghe kế hoạch đăng cai Asiad 2019 từ lâu và đã có ý kiến chính thức không nên làm bởi hai lý do: 1. Hiện nay kinh tế đang hết sức khó khăn, cuộc sống người dân cũng đang hết sức chật vật, vì vậy không nên bỏ ra 150 triệu USD để tổ chức Asiad.

2. Trình độ thể thao VN hiện nay còn thấp, Asiad là một sân chơi quá tầm của chúng ta. Muốn có thành tích khả dĩ coi được tại Asiad 2019, ngay từ bây giờ chiến dịch đào tạo VĐV cho Asiad đã phải bắt đầu khởi động. Trong khi đó thực tế cho thấy chiến lược phát triển thể thao đến năm 2020 giờ vẫn còn nằm trên giấy, không khả thi.

* Nhưng ông Hoàng Vĩnh Giang có cho rằng chúng ta bỏ ra 150 triệu USD và sẽ thu về khoảng 30 triệu USD, rồi chưa kể tiền thu được từ du lịch...?

- Những người muốn làm thì đương nhiên phải tô vẽ mọi việc sao cho nó đều có màu hồng cả chứ! Nếu tôi ngồi ở ghế phản biện đề án này, tôi sẽ chỉ cho ông Giang thấy rằng không cần phải tốn đến 150 triệu USD. Hoàn toàn có thể sắp xếp được để tốn ít hơn thế. Ví dụ có cần thiết để xây nhà thi đấu 10.000 chỗ ngồi để tổ chức lễ bế mạc trị giá cả ngàn tỉ đồng? Sao không bế mạc luôn tại sân Mỹ Đình? Nhưng quan điểm của tôi là cho dù giảm xuống còn 100 triệu USD cũng không nên tổ chức. Mình là chủ nhà thì phải thi đấu sao cho coi được.

plmgpMu2.jpgPhóng to

Với trung bình 10 trận đấu/năm, sân vận động quốc gia Mỹ Đình chưa giúp ích gì nhiều cho thể thao VN - Ảnh: Nguyễn Khánh

Theo tôi, công việc quan trọng hàng đầu của thể thao VN hiện nay không phải là đăng cai Asiad 2019, mà là chấn chỉnh ngành mình một cách toàn diện. Hiện nay tình trạng mất đoàn kết, làm việc không hiệu quả đã quá nặng nề, cần phải chấn chỉnh gấp. Gần như bộ môn nào bây giờ đụng vào cũng có vấn đề yếu kém. Vì vậy, phải làm mạnh mẽ chính mình trước đi rồi hãy nghĩ đến chuyện đăng cai Asiad.

"Gần như bộ môn nào bây giờ đụng vào cũng có vấn đề yếu kém. Vì vậy, thể thao phải làm mạnh mẽ chính mình trước đi rồi hãy nghĩ đến chuyện đăng cai Asiad

* Nhưng những người viết đề án dự báo VN sẽ có 10-16 HCV, xếp trong khoảng hạng 6-10, như vậy là đâu quá tệ?

- Tôi biết. Chúng ta sẽ vận động để đưa các món sở trường như vovinam, đá cầu vào chứ gì. Mấy món này chúng ta đâu có đối thủ ở đấu trường thế giới chứ nói gì Asiad. Nhưng lấy HCV như thế để làm gì, trong khi điền kinh, bơi lội, bóng bàn, bóng đá, bóng chuyền...có mơ gì hay không?

* Nhưng sau khi tổ chức Asiad, chúng ta sẽ có nhiều cơ sở vật chất khang trang làm tiền đề cho thể thao phát triển?

- Xin mọi người hãy đi ra mà xem khu liên hợp thể thao Mỹ Đình bây giờ đang làm gì, cung bơi lội, cung điền kinh làm gì. Toàn cho thuê mướn mặt bằng linh tinh cả chứ có giúp gì cho thể thao. Tình trạng xây dựng bừa bãi, nơi nào cũng muốn mình to đẹp hơn nơi khác là một căn bệnh của thể thao mà thế giới đã chỉ ra từ lâu. Hơn bao giờ hết, tôi tha thiết đề nghị Chính phủ và các bộ ngành hãy xem xét thật kỹ đề án đăng cai Asiad 2019. Khi nào kinh tế đất nước hồi phục, đời sống của người dân khá hơn, thể thao phát triển thật sự mạnh mẽ, lúc ấy hãy đăng cai Asiad.

nB2N8muA.jpgPhóng to
Dịch vụ trông giữ ôtô ngày đêm tại cung thể thao điền kinh trong nhà - Ảnh: Nguyễn Khánh

Ngày 2-9-2003, sân vận động quốc gia Mỹ Đình được đưa vào sử dụng để phục vụ SEA Games 22 được tổ chức tại VN. Được đầu tư xây dựng với 53 triệu USD, sân Mỹ Đình tổ chức môn bóng đá nam, lễ khai mạc, bế mạc đại hội.

53 triệu USD để mỗi năm tổ chức vài trận bóng đá

Từ năm 2003 đến nay, trung bình mỗi năm sân Mỹ Đình tổ chức khoảng 10 trận đấu quốc tế của đội tuyển VN, tuyển U-23 VN. Theo lịch thi đấu trên website của Liên đoàn Bóng đá VN (VFF), năm 2012 đội tuyển VN có ba lần thi đấu trên sân Mỹ Đình ở vòng loại thứ nhất AFC Cup lượt đi, thi đấu bán kết AFF Cup, thi đấu chung kết AFF Cup lượt đi. Tổng số trận đấu của đội tuyển trên sân Mỹ Đình cũng chỉ khoảng 10 trận.

Với khoản thu khoảng 80 triệu đồng/trận, theo lời ông Cấn Văn Nghĩa - giám đốc khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình, nó chưa đủ để chi trả tiền điện, nước, vệ sinh để tổ chức trận đấu đó. Theo ông Nghĩa, mỗi năm sân Mỹ Đình tốn khoảng 10 tỉ đồng để bảo dưỡng chứ chưa cần hỏng hóc phải thay thế gì lớn. Hiện đường chạy điền kinh trên sân đã hỏng, mặt sân Mỹ Đình đang bị lún cần phải tu sửa với chi phí ít nhất 20 tỉ đồng. Nhưng do năm 2012 Bộ Tài chính chưa duyệt chi nên chưa thể sửa mặt sân Mỹ Đình.

Riêng cung thể thao dưới nước thuộc khu liên hợp, tiền tu bổ, bảo dưỡng tốn ít nhất 3 tỉ đồng/năm. Cung này mỗi năm chỉ tổ chức một giải đấu duy nhất là Giải bơi, lặn và nhảy cầu vô địch quốc gia vào tháng 9, thời gian còn lại đóng cửa bỏ không. Dù nơi đây có hồ bơi 100m, sâu 3m nhưng không có đội tuyển nào tập luyện ở đây. Mới đây khu liên hợp mở cửa liên kết với các trường học dạy bơi cho trẻ em vào mùa hè và mở cửa cho người dân vào bơi nhưng chỉ được vài tháng hè, đến mùa đông lại đóng cửa vì không có bể nước nóng. “Nếu mở nước nóng sẽ lỗ nhiều hơn” - ông Nghĩa nói.

Ông Nghĩa cho biết từ năm 2012 trở về trước, mỗi năm Nhà nước cấp cho khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình khoảng 20 tỉ đồng để hoạt động, đó là chưa kể các dự án cần thay đổi, sửa chữa làm mới. Nhưng từ năm 2012, sau khi được tự chủ về tài chính, theo ông Nghĩa, dự kiến năm 2012 khu liên hợp sẽ thu về khoảng 35 tỉ đồng, hi vọng sẽ đỡ lãng phí cơ sở vật chất hàng ngàn tỉ đồng cả chục năm qua. Việc sân Mỹ Đình cho thuê làm sân tập golf... cũng là cách để tạo nguồn thu cho các công trình này.

Xây cung điền kinh 546 tỉ đồng để thi đấu 1 lần

Năm 2008, cung thi đấu điền kinh trong nhà được xây dựng cạnh khu đào tạo VĐV cấp cao Hà Nội. Đây là công trình trọng điểm để thi đấu các nội dung của điền kinh tại AIG 3 tổ chức tại Hà Nội năm 2009.

Cung này có số tiền đầu tư xây dựng 546 tỉ đồng, khoảng chục tỉ đồng tiền nhập trang thiết bị thi đấu như hệ thống đường chạy của Hãng Mondo (Ý), hệ thống đồng hồ điện tử của Hãng Jinling (Trung Quốc)... Thế nhưng sau khi AIG 3 kết thúc, đường chạy hàng chục tỉ này buộc phải tháo dỡ cất vào kho và không biết đến bao giờ có cơ hội đưa ra thi đấu. Thật oái oăm khi AIG 3 cũng là AIG cuối cùng của châu Á bởi sau AIG 3 tại VN, Hội đồng Olympic châu Á (OCA) đã phải xóa sổ đại hội này vì không tìm được quốc gia đăng cai AIG 4.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một chuyên gia trong lĩnh vực điền kinh cho biết trong tương lai lâu dài, VN không có khả năng đăng cai giải điền kinh trong nhà vì không có địa phương nào có nhà tập điền kinh trong nhà. Do vậy đường chạy và cung điền kinh trong nhà trị giá 546 tỉ đồng có lẽ cũng chỉ sử dụng một lần.

Còn theo ông Nguyễn Đình Lân - phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Hà Nội, đơn vị được bàn giao sử dụng và khai thác cung điền kinh trong nhà: “Cung này là một công trình thi đấu đa năng nên không chỉ sử dụng để thi đấu điền kinh. Hiện Hà Nội đang cho các môn vovinam, quần vợt tập trong đó, thậm chí đang thử nghiệm cho thuê làm các sự kiện ca nhạc, lễ kỷ niệm. Số tiền mà các hoạt động này thu về được bao nhiêu, có bù được tiền bảo dưỡng cung điền kinh trong nhà hay không thì có trời mà biết”.

Hoàn thành giai đoạn 2 khu liên hợp Mỹ Đình là điều không tưởng

Theo ông Cấn Văn Nghĩa, để hoàn thiện giai đoạn 2 khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình phục vụ Asiad 2019 sẽ tốn ít nhất 12.000 tỉ đồng. Số tiền đó để xây dựng: nhà thi đấu đa năng, đường đua xe đạp lòng chảo, tổ hợp quần vợt...

Ông Nghĩa cho biết thêm mới đây khu liên hợp dưới sự chủ trì của Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch đã có cuộc làm việc với các bộ ngành liên quan về xây dựng giai đoạn 2, các bộ ngành đều không đồng tình.

Đại diện các bộ và Văn phòng Chính phủ cho biết mỗi năm rót vào khu liên hợp khoảng 200 tỉ đồng đã khó, nên việc hoàn thành giai đoạn 2 dự án lúc này là không tưởng nếu không có xã hội hóa.

Ông LÊ BỬU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên